Xếp hàng xem mẫu tàu điện Cát Linh – Hà Đông ngày đầu trưng bày
Ngày đầu tiên trưng bày mẫu tàu điện Cát Linh – Hà Đông tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), hàng trăm người đã đến xem mô hình tàu đường sắt đô thị đầu tiên của thủ đô.
Sáng 29/10, mẫu tàu điện dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được trưng bày tại trung tâm triển lãm Giảng Võ để người dân và các chuyên gia có thể xem, đóng góp ý kiến.
Buổi sáng đầu tiên, hàng nghìn người dân và chuyên gia ở khắp nơi đổ về xem cả trong và ngoài toa tàu mẫu. Toa tàu dài khoảng 20 m, có sức chứa hơn 300 người.
Phần ghế ngồi làm bằng vật liệu composite, theo chỉ dẫn ghế này chủ yếu dành cho người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Ông Phí Hồng ở Núi Trúc (Đống Đa) nhận xét, ghế ngồi tương đối rộng, tạo cảm giác thoải mái.
Tay cầm trong toa tàu được bố trí cách nhau 30 cm, theo ông Chu Xuân Nhạn, kỹ sư đường sắt, chủ đầu tư nên bổ sung tay cầm để nhiều người có thể sử dụng vì phần ghế có hạn mà chỉ dành cho người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, từng tham quan tàu điện của nhiều nước, ông Nhạn nhận xét: “Về cơ bản hình dáng, nội ngoại thất, màu sắc trang nhã cũng đáp ứng được, tuy nhiên phần vỏ tàu bằng thép không rỉ ở ngoài có quá nhiều chấm tròn, không đảm bảo mỹ quan, nên khắc phục”.
Hệ thống điều hòa, thông gió trong tàu được thiết kế chính giữa nóc, giống tàu đường sắt truyền thống.
Video đang HOT
Biển báo, hệ thống chỉ dẫn thoát hiểm ở các cửa được sơn màu xanh đồng bộ với màu sơn của đầu tàu.
Phần cửa mở ra vào bên hông tàu được thiết kế khá rộng, gần 2 m, đầu khớp nối giữa các khe được nệm bằng cao su. Chính giữa cửa được dán các tấm chỉ dẫn để hành khách tiện theo dõi.
Tại các cửa ra vào đều có bảng chỉ dẫn điện tử, khi đi đến nhà ga nào, các chấm đỏ điện tử sẽ chỉ đến điểm đó. Theo ông Nguyễn Kim Tân ở Chương Mỹ (Hà Nội), công nghệ này không mới nhưng áp dụng vào tuyến này sẽ giúp hành khách dễ theo dõi hơn, nhất là khách ở ngoại tỉnh.
Bên hông toa tàu thiết kế bằng thép không rỉ, tuy nhiên có quá nhiều chấm tròn. Theo một số chuyên gia, tàu điện ở các nước tiên tiến, bề mặt bên ngoài họ gia công rất cẩn thận, phần lớn là nhẵn, không nhìn rõ các chấm tròn nổi lên. Nhà sản xuất nên tạo cho bề mặt nhẵn và thậm chí sơn màu xanh vào để cho đỡ lóa mắt.
Phần máy, bánh tàu được thiết kế bằng thép, ống thép nhập khẩu từ Đức, máy được sản xuất từ Trung Quốc, nhiều bộ phận khác được nhập khẩu từ Nhật, Séc…
Buồng lái đầu toa tàu rộng khoảng 5 m2. Ghế lái được thiết kế phía góc phải của toa. Phần buồng lái được trang bị màn hình hiển thị điện tử, có đầy đủ bộ đàm, điện thoại…
Trong sáng nay, những người đến tham quan sẽ được phát một tờ giấy, trong đó có các câu hỏi liên quan đến hình dáng, màu sắc, kỹ thuật, nội ngoại thất, người dân sẽ đóng góp ý kiến và để vào một hòm phiếu.
Đến gần trưa, số lượng người đến tham quan vẫn đông, lực lượng bảo vệ đứng ở đầu rào chắn để hướng dẫn và cho từng tốp vào trong tránh chen lấn. Theo ông Lê Văn Dương, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Cát Linh – Hà Đông, việc trưng bày sẽ diễn ra đến 31/11, sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân và chuyên gia, Ban quản lý dự án sẽ tổng hợp và đưa ra mẫu tàu cuối cùng. Ngoài việc tham gia góp ý trực tiếp tại đây, người dân có thể gửi ý kiến lên trang web của Bộ giao thông Vận tải.
Theo tiến độ của Bộ Giao thông, 30/5/2016 dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành phần thô và 30/6/2016 sẽ hoàn tất xây lắp để khai thác thử.
Bá Đô
Theo VNE
Mẫu tàu điện Cát Linh - Hà Đông sẽ được trưng bày từ 29/10
Tàu điện mẫu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của người dân tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông), toa tàu mẫu được trưng bày dài 20m, mô phỏng tỷ lệ 1/1 cả về hình dáng, nội ngoại thất như tàu thật. Thời gian trưng bày tàu mẫu từ 10h ngày 29/10 đến 17h00 ngày 30/11. Khách tham quan sẽ được phát phiếu thăm dò ý kiến để Ban quản lý dự án đường sắt tiếp thu, xem xét chỉnh sửa phù hợp cho quá trình sản xuất chế tạo tàu thật.
Theo thiết kế, đầu tàu có hình vát thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao, kính chắn gió, cửa sổ rộng, tạo dáng vẻ hiện đại.
Phối cảnh tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Ban quản lý dự án đường sắt.
Họa tiết trang trí thể hiện nét đặc trưng văn hóa của Hà Nội, có biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, phía dưới là dòng chữ Cát Linh - Hà Đông. Đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ. Màu sắc chủ đạo là xanh lá cây tươi sáng tạo cảm giác trẻ trung, năng động nhưng thân thiện với thiên nhiên, môi trường.
Bên trong tàu, hai hàng cột cong về phía giữa toa tàu giúp người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột; hàng cột giữa dọc theo lối đi và cột ngang tại hai phía của ghế cho phép hành khách đứng bám ổn định, tạo không gian rộng rãi.
Nội thất bên trong toa tàu. Ảnh: Ban quản lý dự án đường sắt.
Ghế ngồi sử dụng vật liệu composite có độ bền cao, tránh được cảm giác lạnh vào mùa đông. Dãy ghế được bố trí dọc theo toa, dưới cửa sổ. Tại hai đầu của mỗi toa có hai dãy ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người tàn tật. Tại hai đầu của toa xe có động lực sẽ bố trí khu vực dành cho xe lăn...
Bảng thông tin và bản đồ dạng đèn LED bố trí phía trên các cửa lên xuống.
Khu vực trưng bày tàu điện tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Ảnh: Bá Đô
Theo hợp đồng đã ký kết với phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chi phí mua tàu là hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ Giao thông thẩm định. Đoàn tàu gồm 4 toa xe,phục vụ vận chuyển hành khách trục Cát Linh - Hà Đông với tổng số 12 nhà ga trên cao, xuất phát từ Cát Linh (điểm giao cắt giữa đường Cát Linh và Giảng Võ) đến điểm cuối phía trước Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.
Theo tiến độ của Bộ Giao thông, 30/5/2016 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành phần thô và 30/6/2016 sẽ hoàn thành xây lắp để khai thác thử.
Đơn vị trúng thầu chế tạo và sản xuất đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông là Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh, Trung Quốc. Tới năm 2014, Công ty này đã sản xuất 2.349 toa xe cho đường sắt đô thị, cung cấp cho các tuyến tại Bắc Kinh như: Bát Thông (dài 19 km với 13 nhà ga); Bắc Kinh số 1, 2, 13 để phục vụ Olympic Bắc Kinh năm 2008.
Đoàn Loan
Theo VNE
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông được thiết kế như thế nào Đoàn tàu chạy tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được lắp ráp sản xuất tại Trung Quốc với 4 toa, dài gần 80m, có chiều cao 3,8m sức chứa 1.362 người. Đoàn tàu mẫu cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã được Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao...