Xem phim có văn hóa: Tưởng không khó mà khó không tưởng
Rất nhiều câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra chỉ vì khán giả luôn nghĩ rằng “một mình mình làm thì không ảnh hưởng tới ai”.
Câu chuyện bộ phim Cô Ba Sài Gòn bị quay clip livestream ngay những ngày đầu công chiếu đã trở thành đề tài được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội. Phần lớn cư dân mạng và các nhà làm phim tỏ ra bức xúc với hành động này. Không ít người khác còn bức xúc về thái độ khi đi xem phim nói riêng và xem biểu diễn nghệ thuật nói chung của khán giả Việt.
“Tôi trả tiền, tôi thích làm gì thì làm”
Có một sự thật cay đắng là không ít người vẫn mang suy nghĩ này khi đi xem chiếu phim hay bất kể loại hình nghệ thuật nào khác. Tất nhiên, chiếu phim là một loại hình dịch vụ, mà dịch vụ thì phải chiều khách, nhưng không có nghĩa là khách bỏ ra một số tiền mua vé rồi muốn làm gì thì làm, bất kể việc đó có ảnh hưởng tới những người xung quanh hay không.
Đi xem phim, chắc chắn không khó gì để bạn có thể bắt gặp những nhóm bạn đi xem cùng nhau rất đông, cười nói với nhau như chỗ không người, hay những cặp đôi đưa nhau vào rạp để nũng nịu, để âu yếm, và thậm chí là những “thánh lồng tiếng”, nhân vật nói một câu thì người đó bình luận một câu. Bên cạnh đó còn là những người hồn nhiên để chuông điện thoại hay thậm chí nói chuyện điện thoại trong phòng chiếu khi tất cả mọi người cùng im lặng xem phim, và muôn vàn câu chuyện khác có thể xảy ra trong một phòng chiếu.
Sự việc phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream là sự kiện được quan tâm nhất những ngày qua
Một số người sau khi bị nhắc thì sẽ dừng việc làm ảnh hưởng tới người khác lại, nhưng cũng chẳng ít những người, khi bị nhân viên hoặc người khác nói tới thì sẽ sừng sộ, lôi lý lẽ rằng “tôi bỏ tiền” ra để nạt ngược lại. Dù rằng đó chỉ là một số ít trong số hàng triệu người mỗi ngày đến rạp chiếu phim, vẫn mong rằng những người đã bỏ một số tiền ra để bước vào rạp cũng hãy hiểu rằng: Số tiền của họ bỏ ra không đáng gì so với số tiền làm cả bộ phim cũng như số tiền chi trả cho một suất chiếu phim, và rằng nhiều người khác trong cùng không gian đó, họ bỏ số tiền tương tự, vậy chẳng phải họ cũng nên nhận được dịch vụ tốt chứ không phải là bị làm phiền bởi người khác sao?
Khi ai cũng nghĩ rằng việc mình làm chỉ là việc nhỏ
Vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi việc lớn xảy ra? Câu chuyện livestream phim Việt những ngày qua là một minh chứng điển hình. Nam thanh niên thực hiện hành động này cũng đã biện minh rằng việc mình làm chỉ là để cho những người ở xa không xem được phim có cơ hội xem, và việc này “có hại gì đâu”. Và nếu như sự việc này không bị phát hiện cũng như không được xử lý tới nơi tới chốn, hẳn vẫn không ít người bàng quan cho rằng: Việc đó chẳng hại gì.
Đó là chuyện lớn, tương tự như vậy với những việc nhỏ hơn nhưng tác hại cũng không hề kém cạnh. Người viết từng có dịp dự một sự kiện họp báo phim mà ở đó, các khách mời đều phải tắt điện thoại và cho vào một túi được nhân viên niêm phong nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Chuyện sẽ rất đơn giản nếu như các khách mời đều làm đúng như được hướng dẫn. Ấy thế nhưng vẫn có một số người cố tình không niêm phong thiết bị của mình, tới nỗi bị phát hiện và bị nhân viên mời ra ngoài, thậm chí chụp ảnh lại làm bằng chứng. Trong những trường hợp như thế, việc làm đúng quy định là không quá khó, nhưng chỉ vì một sự thiếu ý thức hoặc suy nghĩ “có hại gì đâu”, họ đã gây ảnh hưởng tới không biết bao nhiêu người khác.
Video đang HOT
Em chưa 18 cũng từng gặp tai bay vạ gió khi bị livestream cách đây không lâu
Dùng điện thoại ồn ào, nói chuyện rôm rả trong lúc xem phim hay bất kể hành động nào của khán giả gây ảnh hưởng tới người khác, nhẹ thì bị nhắc nhở, nghiêm trọng thì bị mời ra khỏi phòng chiếu, dù ở mức độ nào, người gây ra vẫn sẽ bị đánh giá bởi những người xung quanh. Và bản thân những người đó, khi họ không tập trung thì cũng chẳng thể nào đón nhận được bộ phim một cách trọn vẹn. Vậy thì tại sao chúng ta lại không cố gắng để “làm đúng quy định”, không chỉ vì những người xung quanh mà còn vì chính họ?
Với những người làm phim: “Của thì phải đau, con thì phải xót”
Từ sự việc livestream được quan tâm những ngày qua, không ít nhà làm phim đã lên tiếng bày tỏ ý kiến của mình, tất cả đều mong rằng những người cố tình làm việc này sẽ bị luật pháp xử lý nghiêm minh. Bản thân nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng rất cứng rắn trong khi làm việc với cơ quan Công an. Trước việc này, thậm chí có người còn cho rằng các nhà làm phim đang “chuyện bé xé ra to”, cố tình mượn cớ PR.
Nhưng xin thưa, chuyện đơn giản là khi phim bị tung ra tràn làn trên mạng, khán giả không ra rạp nữa, doanh thu sụt giảm thậm chí là thua lỗ, ai sẽ là người chịu? Thua lỗ ở đây không chỉ là việc kinh phí của phim bỏ ra bao nhiêu, đó còn là công sức của rất rất nhiều người cũng như tâm huyết của đạo diễn, của ê-kíp. Chính vì thế, các nhà làm phim có quyền yêu cầu rằng phim của họ phải được chiếu trong điều kiện tốt, được khán giả trân trọng, chứ không phải là hàng triệu người cùng xem trên những màn hình điện thoại di động chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay.
Ngô Thanh Vân làm việc tại cơ quan Công an, khẳng định rằng sẽ xử lý đến nơi đến chốn vụ việc này
Không dừng lại ở việc xem phim mà ở nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhiều nghệ sĩ cũng đau đầu vì ý thức của những người đi xem. Dẫn trẻ em chưa đủ tuổi đi xem, la ó, làm ồn trong quá trình biểu diễn, thậm chí ném đồ vật lên sân khấu vốn là chuyện không hiếm gặp ở nhiều sân khấu. Vậy nhưng đã từng có lần, nghệ sĩ hài Trường Giang lại bị coi là thiếu tôn trọng khi bỏ diễn sau khi bị ném chai nước lên sân khấu. Hóa ra, chỉ những người có tên tuổi mới bị gọi tên, còn khán giả đông quá nên không ai trách được?
Câu chuyện đi xem phim, đi thưởng thức nghệ thuật làm sao cho “có văn hóa” thực ra không hề là điều gì quá to tát. Các nhà rạp cũng thường xuyên đổi mới cách thức nhắc nhở người xem bằng các đoạn video vui nhộn về quy định trong phòng chiếu, khiến khán giả dễ nhớ hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng bậc nhất vẫn là ý thức từ bản thân khán giả, tâm thế của họ khi đến với một tác phẩm nghệ thuật. Khi khán giả đặt mình ở vị trí một người may mắn được thưởng thức nghệ thuật thay vì trả tiền để mua chỗ ngồi xem, có lẽ những chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Theo Danviet
'Cô Ba Sài Gòn' sẽ hoàn hảo hơn nếu không có những hạt sạn này
Nhận được nhiều lời khen nhưng 'Cô Ba Sài Gòn' vẫn còn những lỗ hổng khiến khán giả thắc mắc.
Cô Ba Sài Gòn là dự án điện ảnh Việt đang tạo ra một cơn sốt ngoài rạp chiếu. Đề tài của phim xoáy vào một nét văn hóa đặc biệt của Việt Nam là tà áo dài. Với sự tham gia của các diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Ngô Thanh Vân, Diễm My 9x, NSND Hồng Vân... Cô Ba Sài Gòn mang lại một nét độc đáo, mới lạ cho điện ảnh nước nhà.
Tuy vậy, khi ra rạp, phim lại không được như kỳ vọng của nhiều người. Nội dung phim đơn giản, ngắn gọn. Bối cảnh Sài Gòn xưa không xuất hiện quá nhiều trong phim. Ngoài ra, phim vẫn còn những điều chưa hoàn hảo khiến khán giả phải đặt ra những câu hỏi.
Như Ý có siêu năng lực?
Như Ý là con gái của chủ tiệm may áo dài Thanh Nữ nổi tiếng Sài Gòn. Vì một biến cố mà cô đã đến tương lại.
Chắc chắn, Như Ý không phải người bình thường thì mới có thể "xuyên không" từ năm 1969 đến năm 2017. Điều khiến nhiều người khó hiểu hơn nữa là một cô gái bị chuyển đến một không gian xa lạ, hiện đại của gần 50 năm sau nhưng Như Ý lại làm quen với cuộc sống mới khá nhanh. Ngoại trừ đoạn đầu tiên Như Ý hoảng loạn vì khó chấp nhận chuyện mình đang ở một nơi khác thì sau đó, cô tỏ ra rất ổn với cuộc sống hiện đại.
Mọi khác biệt về thời đại, tiện nghi, văn minh, Như Ý đều chỉ cần một ngày là có thể thích nghi được. Cô gần như không hề tò mò về điều gì đã xảy ra chỉ trong vòng 50 năm: cái chết của mẹ, sự thất bại của cô An Khánh. Phải đợi đến lúc Tuấn kể lại cô mới nắm được ngọn ngành.
Như Ý đang là một thiếu nữ được cưng chiều, tính tình khá đỏng đảnh, hồi nhỏ sống trong nhung lụa và có người cơm bưng nước rót tận nơi. Chỉ trong "một nốt nhạc", Như Ý xuất hiện ở một nơi xa lạ, mẹ đã mất, nhà cũng mất, không quen biết ai ngoài một bà già say xỉn. Thế nhưng Như Ý vẫn vui vẻ, lạc quan với cuộc sống ở đây, đi chơi với Tuấn và còn biết "sefie" là gì.
Như Ý còn có siêu năng lực về việc tự biến ra quần áo. Khi được nhận vào công ty của Helen, việc đầu tiên Như Ý làm là về nhà lục ngay đống quần áo thiết kế của mình. Sau 50 năm, quần áo Như Ý may vẫn còn nguyên một cách rất thần kỳ, chưa kể một vài bộ trông còn mới.
Không chỉ bảo quản trang phục đến 50 năm sau lôi ra mặc tiếp, Như Ý còn biến ra đủ loại mốt để mỗi ngày thay một kiểu. Từ quần áo đến túi xách, giày boot, phụ kiện... đầy đủ. Nên nhớ rằng lúc này Như Ý đang thử với công việc lao công và cô cũng chỉ mới đi làm vài ngày. Tiền đâu để Như Ý mua quá trời quần áo như vậy?
Dòng thời gian rối bời
Phim có chi tiết Như Ý bay đến tương lai và gặp bản thân của 50 năm sau ở đó. Thời điểm năm 1969, Như Ý 17 tuổi thì 50 năm sau, cô đã trở thành một bà lão 67 tuổi. Cô em nuôi Thanh Loan cũng phải tầm tầm tuổi như vậy. Thế nhưng ngoài hình của hai diễn viên vào vai Như Ý của tương lai (NSND Hồng Vân) và Thanh Loan của tương lai (Diễm My 6x) lại trẻ trung hơn nhiều so với tuổi thật của nhân vật.
Chi tiết này cũng có thể lý giải là các nhân vật trong phim rất biết cách chăm sóc nhan sắc nên trẻ hơn tuổi thật cũng là chuyện đương nhiên.
Nhà may Thanh Nữ nổi tiếng cỡ nào?
Đây là điều khán giả cảm thấy mơ hồ khi xem phim. Theo vài dòng trên báo chí lúc đầu phim thì Thanh Nữ là nhà may áo dài hàng đầu Sài Gòn. Nhưng trong phim thì có vẻ như đạo diễn không quá chú trọng thể hiện điều ấy. Ngoại trừ một bà khách giàu có từ miền Tây lên tận Sài Gòn đến đặt may áo dài, cùng với đơn hàng của bà phu nhân thị trưởng thì không có thêm các khách hàng nào đến đặt may áo dài của tiệm may Thanh Nữ .
Là một nhà may nổi tiếng có thể nói là số 1 Sài Gòn, mẹ của Như Ý chắc chắn kiếm được không ít tiền. Cộng thêm gia sản của 8 đời trước để lại mà mà Như Ý của tương lai có thể làm khuynh gia bại sản đến mức phải cầm cố cả nhà thì chắc chắn tật xấu của cô không chỉ có nghiện rượu đâu.
Quảng cáo, quảng cáo và quảng cáo
Phim quảng cáo lộ liễu đến mức mỗi lần xuất hiện đoạn quảng cáo, khán giả phải cười ồ trong rạp. Một thương hiệu gà xuất hiện ở mọi nơi. Khi Như Ý được Tuấn cho đi chơi, khán giả còn tưởng họ đang xem một video quảng cáo với hình ảnh các mặt hàng được thể hiện chỉn chu, đẹp đẽ long lanh. Như Ý chỉ cần đọc thêm slogan của thương hiệu nữa thôi là đủ ngay một video quảng cáo giờ vàng trên truyền hình rồi.
Xem Cô Ba Sài Gòn, khán giả sẽ đọc đủ các thương hiệu nào đã đầu tư cho bộ phim này.
Bỏ qua một số chi tiết hơi thiếu logic, Cô Ba Sài Gòn vẫn là một bộ phim được đầu tư chỉn chu của Ngô Thanh Vân. Với đề tài mới lạ,phim đã thêm một món ăn mới cho điện ảnh Việt Nam. Các thông tin về áo dài, kiến thức thời trang, các xu hướng mốt đều được thể hiện một cách chuyên sâu. Ngô Thanh Vân đã thể hiện mình là một nhà làm phim rất có hứng thú với văn hóa truyền thống, thể hiện qua Tấm Cám: Chuyện chưa kể và tác phẩm này.
Theo VNE
Ngô Thanh Vân làm việc với công an, quyết xử nghiêm vụ livestream trái phép NSX 'Cô Ba Sài Gòn' vừa làm việc với công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xử lý nghiêm việc nam thanh niên livestream lén trong rạp phim. Sự việc nam thanh niên sinh năm 1998, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu livestream nội dung phim Cô Ba Sài Gòn phát tán trên Facebook khiến nhiều người bất bình. Phía...