Xe tải xếp hàng né trạm cân
Sáng 15.4, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Đội CSGT Nam Sài Gòn lập trạm cân kiểm tra tải trọng xe trên trục đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7) và các cửa ngõ trọng điểm trên địa bàn TP: đại lộ Đồng Văn Cống – Vành đai 2 (Q.2), quốc lộ 1 (Q.12, Q.Thủ Đức)…
Xe tải đậu dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh để né trạm cân vào ngày 15.4 – Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo ghi nhận của Thanh Niên, do đây là lần đầu tiên sử dụng bộ cân xe tốc độ nhanh nên lực lượng thanh tra tỏ ra lúng túng khi thao tác, phải mất hơn nửa giờ đồng hồ để khởi động và vận hành bộ cân. Ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội 1 – Thanh tra GTVT TP, cho biết: “Trong buổi sáng chúng tôi đã cân 10 xe tải, xe đầu kéo thì có 4 chiếc chở quá tải trung bình từ 30 – 50% trọng tải cho phép”.
Tuy nhiên, để đối phó, nhiều tài xế đã “bắn” tín hiệu cho nhau. Vì thế, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh kéo dài từ Q.7 về hướng H.Bình Chánh đã xảy ra tình trạng hàng trăm xe đầu kéo, xe tải dừng lại nằm chờ để không phải qua trạm cân. Một tài xế xe đầu kéo chở gạo, biển số 62C-005.25, đang mắc võng nằm nghỉ trong lúc chờ đoàn kiểm tra rút đi thừa nhận: “Xe tôi chở trên 60 tấn, nếu bị kiểm tra, vi phạm chắc”. Mặc dù biết tình trạng này nhưng theo ông Phát, hiện vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý. “Khi chúng tôi đến, các tài xế đã bỏ đi hết, xe khóa chặt cửa”, ông cho biết. Đến 11 giờ, khi đoàn kiểm tra thuộc Đội Thanh tra GTVT số 6 rút đi, các tài xế xe quá tải bắt đầu rồ máy chạy về hướng cầu Phú Mỹ, cảng Sài Gòn…
Trước thực tế này, một chiến sĩ thuộc Đội CSGT Nam Sài Gòn cho biết, chỉ xử phạt những xe đậu những chỗ có biển cấm đậu, còn những nơi không có biển cấm không thể xử phạt. Trong khi đó, đại lộ Nguyễn Văn Linh là hành lang giao thông của TP.HCM, nên Sở GTVT không đặt biển cấm đậu.
Trả lời Thanh Niên, nhiều CSGT và Thanh tra GTVT cho biết điểm mạnh của bộ cân mới là hiện đại, chính xác, tài xế chở quá tải không thể cãi. Thế nhưng, mỗi lần triển khai cân phải mất khoảng 30 phút để lắp đặt các thiết bị, kết nối dây điện, cáp… khá phức tạp. Đặc biệt, do kích cỡ cân khá cồng kềnh nên dễ bị các tài xế phát hiện và thông báo cho nhau để né.
Video đang HOT
Từ ngày 1.4 đến nay, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đồng loạt kiểm tra xe quá tải theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT. Qua đó, đã lập biên bản vi phạm 241 trường hợp, số tiền phạt trên 1,2 tỉ đồng.
Theo TNO
Xe tải né trạm cân, quốc lộ tiếp tục ách tắc
Sau hơn 10 ngày trạm kiểm tra tải trọng lưu động đi vào hoạt động trên QL1A đoạn qua xã An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên), tình trạng ùn tắc giao thông liên tiếp xảy ra trên tuyến đường này, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân.
Theo ghi nhận, so với ngày trước đó, tình trạng ùn tắc giao thông có giảm, tuy nhiên tình trạng vẫn chưa chấm dứt. Đến sáng 13/4, hàng trăm xe tải chạy Bắc - Nam nuối đuôi nằm chờ trên quốc lộ 1 né trạm cân, chờ thời cơ mới vượt trạm khiến tình trạng ách tắc giao thông diễn ra thường xuyên.
Tình trạng giao thông tắc nghẽn tiếp tục xảy ra đoạn qua trạm cân xã An Mỹ (huyện Tuy, An, tỉnh Phú Yên)
Điều đáng nói, từ khi trạm cân đi vào hoạt động không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân, học sinh, giáo viên đã trễ giờ đến trường do ùn tắc quốc lộ mà còn xảy ra nhiều bất cập.
Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang là cao điểm của vụ thu hoạch mía. Thế nhưng, việc cân xe tải đã ảnh hưởng nặng nề đến việc thu hoạch mía của nông dân và tiến độ ép của nhà máy. "Cây mía là nông sản khác so với nhiều cây trồng khác, khi thu hoạch người dân chặt hết nguyên một ruộng. Nếu xe chở đi không kịp, mía chỉ để 2 -3 ngày không đưa về nhà máy kịp sản xuất sẽ làm giảm lượng đường đi đáng kể do mía bị khô, lượng đường giảm", một cán bộ Nhà máy đường KCP Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết.
Một lái xe chở mía cho Nhà máy KCP Sơn Hòa, cho biết: "Từ lúc triển khai cân xe, tui có chạy "chui" lúc khuya một chuyến, nhưng thấy nguy hiểm quá, nên đành đi vòng lên đường núi, xa gấp rưỡi khi đi qua quốc lộ 1 nhưng an toàn. Chớ mà khi lấy thêm tiền cước thì bà con trồng mía "rên la" quá. Nhiều người đang dừng thu hoạch để "nghe ngóng", làm mía trổ cờ đầy rẫy. Còn dân kinh doanh xe tải cũng đang la làng".
Xe tải, xe con nối đuôi nhau nhích từng centimet trên quốc lộ 1
Chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi trạm cân đi vào hoạt động, tại huyện Tuy An đã xuất hiện "cò dẫn đường né trạm cân" với giá 100.000 đồng/xe tải.
Theo đó, "cò" dùng xe máy chạy trước hướng dẫn xe tải rẽ xuống đường liên xã để men theo đường du lịch biển, rồi vòng lại QL 1A đẻ né trạm cân làm nhiều đoàn đường giao thông nông thôn qua huyện Tuy An bị hư hỏng. "Tốn 100.000 đồng còn hơn bị "cân" mất cả chục triệu, lấy gì ăn nữa...", một lái xe tải nói.
Để ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền địa phương và nhân dân đã phải làm gác chắn không cho xe tải qua nên mới chấm dứt được nạn cò dẫn đường.
Doãn Công
Theo Dantri
Hàng chục cuộn thép rơi xuống đường, nhiều người tháo chạy Một chiếc xe đầu kéo vận chuyển hàng chục cuộn thép đang lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh đã bất ngờ làm rơi hơn 10 cuộn xuống đường khiến nhiều người điều khiển xe gắn máy phía sau được phen hoảng loạn. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 15h30 chiều 11/4, trên quốc lộ 1A đoạn qua...