Xe quá tải “băm nát” quốc lộ
Tình trạng xe quá khổ, quá tải chở vật liệu xây dựng vẫn chưa được loại bỏ hẳn khiến quốc lộ 12C đi qua địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang tiếp tục bị “ băm nát”, ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông.
Đây là hình ảnh xuyên suốt của quốc lộ 12C, đoạn nối từ thị xã Kỳ Anh lên xã Kỳ Lâm, khu vực tập trung nhiều mỏ đá nhất của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vừa được PV Dân trí ghi lại. Thảm nhựa lồi lõm, mặt đường xuống cấp. Những vết hằn bánh xe có chỗ sâu đến cả chục cm khiến mặt đường như những luống khoai.
Nhiều đoạn thảm nhựa bị dồn hẳn vào lề đường, hình thành những “con chạch” hết sức nguy hiểm.
Không chỉ đối mặt với sự hiểm nguy từ những vết lằn bánh xe, người dân qua lại trên tuyến quốc lộ 12C còn đối mặt với những tai nạn bất ngờ từ tình trạng đá xây dựng vương vãi trên đường do xe quá tải gây ra. Chỉ một sơ sảy nhỏ, bánh xe vướng phải đá, người điều khiển xe máy sẽ ngã nhào xuống quốc lộ.
Video đang HOT
Hầu hết những đoạn có lối rẽ vào một mỏ đá, do liên tục bị xe trọng tải lớn chở đá cày xới, nên mặt thảm xuống cấp thê thảm. Nhiều ổ gà, ổ trâu hình thành ngay trên mặt quốc lộ, nên trận mưa vừa dứt, nước đọng lại tạo thành những cái bẫy.
Đối mặt với hiểm nguy nên người dân chỉ còn cách giảm tốc độ, lách xe, lấn đường để tránh tai nạn. Theo nhiều người dân phản ánh, đã có nhiều vụ tai nạn xe máy xảy ra trên tuyến đường này, mà nhất là vào ban đêm.
Dù liên tục được đơn vị vị duy tu bảo dưỡng vá víu, nhưng Quốc lộ 12C vẫn cứ xuống cấp trầm trọng
Tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào do đường xấu, do lượng xe vận tải đất đá rất lớn, nên nhiều người dân bất đắc dĩ đã phải lưu thông trên lề đường dành cho người đi bộ.
Thủ phạm khiến quốc lộ 12C đi qua địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xuống cấp thê thảm chính là tình trạng xe quá tải vẫn chưa được kiểm soát. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy xe chở đất, đá chở quá mức cho phép. Những chiếc xe này cũng che chắn sơ sài khiến đất đá vương vãi, gây mất an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Theo nhiều người dân, tình trạng xe quá tải trên tuyến quốc lộ 12C này đang có những dấu hiệu tăng, hoạt động khó lường trở lại sau thời gian dài hạ nhiệt.
Văn Dũng – Tiến Hiệp
Theo Dantri
"Giấu" cân tự động dưới nền đường để kiểm tra xe quá tải
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sử dụng hệ thống cân tự động bằng thanh cảm biến thạch anh được gắn âm dưới nền đường. Khi xe chạy qua, thông tin về biển số, tải trọng sẽ được hiển thị trên bảng điện tử.
Công ty cổ phần quản lý đường cao tố Việt Nam (VECE) - đơn vị quản lý đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - cho biết hiện đang làm việc với Cục Cảnh sát giao thông, Sở GTVT TPHCM, Sở GTVT Đồng Nai về kế hoạch phối hợp xử lý xe quá tải trên tuyến cao tốc này.
Hệ thống cân tự động với 4 thanh thạch anh cảm biến được đặt âm dưới nền đường. Tài xế không sẽ không phát hiện vừa qua trạm cân
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó giám đốc VECE, dự kiến vào tuần tới sẽ bắt đầu vận hành hệ thống cân tự động kiểm soát tải trọng tại trạm thu phí Long Phước (quận 9). Khi phát hiện xe quá tải đi vào đường cao tốc, đơn vị quản lý sẽ từ chối cho xe tiếp tục lưu thông và yêu cầu quay ngược trở lại. Song song đó, dữ liệu và thông tin về xe quá tải này sẽ được chuyển tới cơ quan chức năng để xử lý.
Theo đơn vị lắp đặt, hệ thống cân tự động gồm 4 thanh cảm biến thạch anh được gắn âm dưới nền đường. Khi xe chạy qua, hệ thống cân sẽ tạo ra một mức điện áp, đồng thời truyền về hệ thống tụ điện. Ngay lập tức điện áp này được khuếch đại và phân tích thành số liệu cụ thể và tải trọng xe. Thông tin chi tiết sẽ được hiển thị trên màn hình, với sai số 5%. Là công nghệ của Thụy Sĩ, kinh phí lắp đặt hệ thống cân tự động trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hơn 2 tỷ đồng.
Do thanh cảm biến thạch anh được chôn kín dưới lòng đường, với lớp keo dán rất cứng nên không sợ bị mòn khi xe đi qua. Tài xế cũng sẽ không phát hiện vừa chạy qua trạm cân.
Thông tin về biển số xe, tải trọng sẽ được hiển thị trên bảng điện tử
Thế giới hiện có 4 công nghệ cân động phổ biến gồm: cảm biến thạch anh, Piezo-elcectric, Bending plate và Loadcell. Trong đó, công nghệ cảm biến thạch anh được đánh giá là phù hợp với nhiều loại hình thời tiết, tốc độ xe có thể dao động từ 1km/h đến 230km/h, độ chính xác cao có thể lên tới 98% đang được áp dụng ở nhiều nước. Do không phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm môi trường nên sai số luôn luôn ổn định.
Về phương thức vận hành công nghệ, khi xe đi qua hệ thống cân, chạm vào vòng kích hoạt, hệ thống camera sẽ ghi nhận hình ảnh, biển số xe. Khi 2 bánh sau của xe đi qua vạch cân sẽ kết thúc lượt kiểm soát tải trọng. Thông tin về biển số, tải trọng sẽ được hiển thị lên màn hình. Dựa vào biển số xe, hệ thống sẽ tự động truy cập internet kiểm tra thông tin về đăng kiểm để biết chính xác và kết luận xe có quá tải trọng hay không. Đồng thời, thông tin hình ảnh, dữ liệu chi tiết về tải trọng của mọi phương tiện đi qua trạm cân đều được chuyển về trung tâm dữ liệu.
Các xe quá tải theo quy định sẽ được cảnh báo tình trạng và được lập thành danh sách chuyển cho cơ quan chức năng xử lý các bước tiếp theo. Kết quả cân hoàn toàn có thể sử dụng để xử phạt các phương tiện vi phạm, góp phần tiến tới xóa bỏ tình trạng xe quá tải.
Quốc Anh
Theo Dantri
Xe quá khổ gạt đổ gác chắn an toàn đường sắt Do xe chở quá tải, xếp hàng quá cao so với quy định đã gạt đổ gác chắn an toàn đường sắt. Vụ tai nạn xảy ra lúc 8h30 phút ngày 28/5 trên quốc lộ 1K, đoạn qua cầu Hang thuộc địa bàn xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Theo thông tin ban đầu xe tải mang biển số 63C-00899 do...