Xe ôm – trợ thủ đắc lực truy tìm nghi phạm đánh bom Bangkok
Thông tin từ hơn 100.000 tài xế xe ôm là những manh mối quan trọng giúp nhà chức trách Thái Lan lần ra tung tích và bắt giữ các nghi phạm trong vụ đánh bom Bangkok.
Các tài xế xe ôm Bangkok. Ảnh: Bangkok.com
Tối 17/8, Kasem Pooksuwan nghe thấy một tiếng nổ lớn kèm theo khói. Tài xế xe ôm trung niên, quê ở vùng nông thôn đông bắc Thái Lan, nghĩ rằng đó có lẽ là một đám cháy do chập điện. Ông cũng chẳng có nhiều thời gian để suy xét kỹ hơn vì một hành khách mặc áo vàng xuất hiện và yêu cầu ông chở đến một địa điểm.
Khi quay về, Kasem mới biết một quả bom đã phát nổ ngay trên giao lộ của khu mua sắm ở trung tâm Bangkok, làm chết 20 người và hơn 100 người bị thương, trong đó đa số là khách du lịch.
Phải đến ngày hôm sau, Kasem mới nhận ra hành khách trong chiếc áo màu vàng hôm trước là nghi phạm trong một bức ảnh do cảnh sát cung cấp. Cảnh sát nghi ngờ y đã để lại balô chứa chất nổ tại đền Erawan. Đó cũng là lúc mà Kasem nhận ra rằng ông có thể đã vô tình tiếp tay cho nghi phạm trốn khỏi hiện trường.
“Tôi vẫn bị sốc và cảm thấy có lỗi trong vụ việc này bởi tôi đã giúp hắn”, ông nói. “Đêm nào tôi cũng trằn trọc nhưng tôi vẫn phải tiếp tục công việc của mình, vì tôi phải làm”.
Hợp tác không chính thức
Chính quyền Thái Lan đang dựa vào những người giống như Kasem để tìm ra những kẻ tình nghi. Ông là một trong hơn 100.000 tài xế xe ôm của Bangkok, sẵn sàng cung cấp phương thức di chuyển nhanh chóng qua những con đường tắc nghẽn hay những ngõ hẻm chật chội. Họ là một mạng lưới tai mắt rất đông đảo.
Kasem và nhiều tài xế khác có thể đã chở nghi phạm đều mô tả hắn là một người nước ngoài cao lớn, da trắng và không nói thông thạo tiếng Thái. Một điều tra viên của Thái Lan cho biết những gì thu thập được từ các tài xế xe ôm cùng tài xế taxi và xe tuk-tuk là rất hữu ích. Những người chạy xe ôm là nguồn tin rất độc cho cảnh sát.
“Bangkok rất đặc biệt vì có những người chạy xe ôm và xe tuk-tuk mà các thành phố khác không có”, ông nói. “Chúng tôi cần phải trao đổi với những người này vì họ ở gần hiện trường vụ án. Đây là điều đầu tiên mà chúng tôi phải làm”.
Cảnh sát Bangkok và những tài xế xe ôm có một lịch sử hợp tác lâu dài, dù mối quan hệ này không phải luôn luôn thân thiện. Không lâu sau khi dịch vụ xe ôm bắt đầu mọc lên ở Bangkok vào đầu những năm 1980, các tài xế buộc phải đút lót cho cảnh sát để họ làm ngơ trước nhiều hoạt động bất hợp pháp khác nhau, như sử dụng trái phép đất công làm địa điểm dừng đỗ.
Sự phụ thuộc này dẫn đến một hệ thống kiểm soát giống như xã hội đen, trong đó cảnh sát và các quan chức địa phương gần như “nắm giữ” các điểm dừng đỗ của xe ôm và cho thuê những chiếc áo màu da cam với số lượng hạn chế, như một kiểu chứng nhận, để kiếm lời.
Video đang HOT
Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy một tài xế xe ôm chở hành khách giống nghi phạm bị truy nã. Ảnh: BBC
Việc tổ chức lại đội ngũ xe ôm kết hợp với cải cách pháp lý trong những năm gần đây đã giúp các tài xế có quyền tự chủ và vai trò của họ được công nhận. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực tuyển dụng và đào tạo những tài xế này trở thành các thông tin viên tình nguyện, hầu như sự hợp tác giữa họ với cảnh sát vẫn duy trì ở mức không chính thức.
Chalerm Changthongmadan, chủ tịch hiệp hội xe ôm, muốn các nhà chức trách hợp tác chặt chẽ hơn với tài xế xe ôm, những người thông thạo ngõ ngách không ai bằng. Tuy nhiên, nhiều trở ngại vẫn đang cản trở sự hợp tác chính thức giữa hai bên.
“Mối quan hệ của chúng tôi với cảnh sát vẫn đang gặp rắc rối bởi vấn đề niềm tin”, ông nói. “Trong suốt 30 năm trải nghiệm, tôi thấy cảnh sát và quân đội luôn làm việc chặt chẽ với nhau trong công tác phòng chống ma túy. Nhưng khi chúng tôi bắt được một tên tội phạm và báo cảnh sát, họ lại từ chối tiếp nhận các trường hợp này và cho rằng chúng tôi quấy rầy công việc của họ”.
Không được công nhận
Không ai biết cảnh sát đã sử dụng thông tin thu thập từ các tài xế xe ôm như thế nào trong vụ bắt giữ nghi phạm cuối tuần trước. Nhưng có lẽ, đối với cảnh sát, người đáng được nhận tiền thưởng nhất chính là họ. Hôm qua, cảnh sát trưởng Thái Lan thông báo rằng các sĩ quan của ông sẽ nhận được 84.000 USD vốn được treo thưởng cho những người cung cấp manh mối dẫn đến việc bắt giữ nghi phạm.
Về phần mình, ông Chalerm đang cố gắng thay đổi hình ảnh của những tài xế xe ôm trong mắt dân chúng. Họ thường bị xem là những người di cư ngỗ ngược từ các vùng nông thôn Thái Lan. Nhiều người trong số họ xuất thân từ các làng trồng lúa phía đông bắc, khu vực nghèo nhất của đất nước với khung cảnh khác xa những tòa nhà chọc trời và trung tâm mua sắm sang trọng của Bangkok.
Hình ảnh của những tài xế xe ôm từng bị xấu đi trong mắt người dân Bangkok vào năm 2010, khi nhiều thành viên đi theo phong trào biểu tình của phe “áo đỏ”, ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, một nhà lãnh đạo bị tầng lớp bảo thủ của thành phố phản đối.
“Chúng tôi thực sự muốn giúp đỡ cộng đồng”, ông Chalerm nói. “Và chúng tôi thực sự muốn mọi người nhìn nhận chúng tôi như một thành phần tốt hơn của xã hội”.
Pichit Seerueangphan, một tài xế xe ôm từ phía tây Thái Lan bị cảnh sát thẩm vấn về vụ đánh bom gần đây, cho biết ông thường giúp cảnh sát giải quyết những vụ phạm tội nhỏ, nhưng chưa bao giờ tham gia vào cuộc săn lùng một kẻ khủng bố.
Thông thường, sự hợp tác của ông với cảnh sát là tự phát, giống như tuần trước, ông đã nhảy khỏi xe của mình tại một ngã tư để giúp cảnh sát bắt một tên cướp giật đang bỏ chạy.
Tuy nhiên, ông cho biết mình cũng sẵn sàng trợ giúp bằng bất cứ cách nào khác và sẽ bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những vị khách ngồi lên chiếc xe của mình.
Tuấn Vũ
Theo CS Monitor
Lời kể của tài xế chở nghi phạm vụ đánh bom Bangkok
Người tài xế xe ôm chở nghi phạm vụ đánh bom Bangkok hồi tuần rồi đang sống trong lo sợ tính mạng bị đe dọa, vì ông là người duy nhất gặp trực diện nghi phạm và vô tình giúp hắn ta trốn thoát.
Cảnh sát Thái Lan công bố ảnh từ video camera an ninh cho thấy người tài xế xe ôm chở nghi phạm đánh bom - Ảnh: AFP
Đoạn video camera an ninh bị mờ hiện là bằng chứng duy nhất cảnh sát Thái Lan có để truy lùng nghi phạm vụ đánh bom đền thờ Erawan (trung tâm thủ đô Bangkok) tối 17.8 khiến 20 người chết và 130 người bị thương, theo Reuters. Đó là người đàn ông mặc áo thun màu vàng đặt chiếc ba lô được cho chứa bom trên băng ghế trước khi vụ nổ xảy ra. Hiện trường vụ đánh bom chỉ cách trụ sở cảnh sát Bangkok khoảng 300 m, Reuters cho hay.
Cảnh sát Thái Lan hiện vẫn chưa xác định được quốc tịch của nghi phạm và chỉ có bức phác họa khuôn mặt tên này. Cảnh sát cũng thừa nhận việc thiếu công nghệ nhận diện tiên tiến khiến công tác điều tra tiến triển chậm chạp. Giới chức Thái Lan thừa nhận nghi phạm có thể đã rời khỏi Thái Lan.
Bảng điện tử với phác họa nghi phạm chính trong vụ đánh bom Bangkok - Ảnh: AFP
Trước áp lực phải tìm ra thủ phạm đánh bom, cảnh sát Thái Lan ngày 25.8 đã mời người tài xế xe ôm đến trụ sở cảnh sát ở Bangkok thẩm vấn. Trước khi bị cảnh sát thẩm vấn, tài xế xe ôm (đề nghị được gọi là Manop vì sợ tính mạng bị đe dọa) đã dành thời gian trả lời phỏng vấn đài ABC (Úc):
* Ông có thể kể lại chuyện gì xảy ra vào đêm vụ đánh bom?
Tối hôm đó, các đồng nghiệp xôn xao bàn tán về tiếng nổ. Một người nói có thể là chập điện, nhưng người khác bảo là nếu chập nổ điện thì chắc phải là cúp điện, nhưng không có cúp điện.
* Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Đến lượt tôi đón khách. Người đàn ông đưa cho tôi xem một mảnh giấy, trong đó có viết chữ tiếng Anh "Lumpini Park". Tôi báo giá là 30 baht. Người đàn ông gật đầu đồng ý, nhưng không nói gì. Vì thế tôi chở anh ta xuống con đường chính hướng đến công viên Lumpini.
Trên đường đi, người đàn ông liên tục nói chuyện qua điện thoại. Tôi không chắc đó là cuộc gọi đến hay anh ta đang gọi cho ai đó. Trong lúc nói chuyện điện thoại, người đàn ông có những hành động khiến xe chao đảo và tôi rất khó điều khiển xe máy. Anh ta ngừng nói chuyện điện thoại khi chúng tôi gần đến công viên.
* Người thanh niên đó có những biểu hiện gì? Anh ta có lo sợ hay vội vã?
Anh ta trông bình thường, không vội vã. Anh ta nói chuyện trên điện thoại với giọng rất bình thường, không hung hăng, cũng giống như những vị khách nước ngoài mà tôi từng chở.
Thắp nhang khấn vái tại đền thờ Erawan, thủ đô Bangkok, nơi xảy ra vụ đánh bom tối 17.8 - Ảnh: Reuters
* Ông có thấy anh ta đi đâu hay gặp ai tại công viên?
Không, tôi không để ý. Anh ta trả tiền và tôi quay trở về điểm đón khách. Nhưng khi tôi đưa anh ta tiền thối, tôi mới nhìn thấy rõ khuôn mặt anh ta. Người đàn ông này có cằm dài và mũi to. Đó là điều duy nhất tôi để ý đến anh ta lúc đó.
* Theo ông, người đàn ông đó trông giống người nước nào?
Tôi không thể xác định chính xác được, nhưng tôi nghĩ anh ta trông giống người Ả Rập hay Trung Đông. Anh ta không phải người Thái. Tôi cũng không để ý kỹ, vì lúc đó là giờ cao điểm và tôi cũng vội đi rước những khách khác.
Quan tài đựng thi thể một nữ du khách Trung Quốc, nạn nhân vụ nổ bom, đặt ở một ngôi chùa tại Bangkok - Ảnh: AFP
* Đến khi nào ông mới biết vị khách mà ông chở là nghi phạm chính trong vụ đánh bom?
Tôi chỉ biết thông tin đó khi cảnh sát đến gặp tôi vào ngày 18.8 và cho tôi xem đoạn video camera an ninh. Các đồng nghiệp chạy xe ôm cũng xem đoạn video và bảo đó chính là chiếc xe máy của tôi, và sau đó tôi cũng nhận ra đó là tôi trong đoạn video.
* Ông cảm thấy như thế nào trước thông tin ông chính là người chở nghi phạm, vô tình giúp nghi phạm trốn thoát sau vụ đánh bom?
Tôi bị sốc khi biết chính tôi đã chở nghi phạm đánh bom. Tôi cũng muốn hỗ trợ chính quyền và cảnh sát Thái Lan nhưng đó là tất cả những gì tôi biết. Nếu nghi phạm còn ở Thái Lan, nghi phạm có thể nhớ mặt tôi và quay lại thủ tiêu tôi.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Hai nghi phạm đánh bom Bangkok lẩn trốn ở Campuchia Cảnh sát Thái Lan đề nghị giới chức Phnom Penh giúp truy lùng hai nghi phạm chính trong hai vụ đánh bom ở Bangkok có thể đang lẩn trốn ở Campuchia. Nghi phạm áo vàng được cho là kẻ gài bom đền Erawan hôm 17/8. Ảnh: AP Một nguồn tin cảnh sát hôm qua cho biết lãnh đạo Đơn vị trấn áp tội...