Xe khách cạnh tranh kiểu “luật rừng”
Tình trạng đe dọa, ép xe, cản trở… giữa một số hãng xe khách tuyến Hải Phòng- Hà Nội đang diễn ra rất phức tạp, gây mất trật tự an ninh, đe dọa tính mạng hành khách.
Một thực tế là nghề dịch vụ vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô phát triển rất nhanh trong những năm qua. Từ lúc chỉ có xe của những cá nhân góp tiền mua một vài cái đưa vào vận chuyển hành khách, càng ngày đã xuất hiện nhiều tập đoàn, công ty lớn với những gói dịch vụ chất lượng cao, tuyến ổn định và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, lượng khách có hạn, lượng xe ngày càng nhiều đã làm nãy sinh bài toán cung- cầu. Và những kiểu cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, có lẽ cũng bắt đầu từ đây.
“ Xe Chúa” là xe gì?
Nhắc đến tuyến Hà Nội- Hải Phòng và ngược lại, người dân không còn xa lạ với những hãng vận tải lớn như Hải Âu, Hoàng Long, Xuân Sơn, Thanh Long, Đất Cảng… Có thể nói, các hãng này đã liên tục đưa ra những gói dịch vụ ngày càng tốt hơn để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, có hãng lại áp dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh.
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng xe chạy như “rùa bò”, vượt ẩu, thậm chí dừng hẳn khiến cho người đi xe rất bức xúc. Để tìm hiểu cụ thể, sáng 1/3, chúng tôi đã vào vai hành khách đi từ Hà Nội đến Hải Phòng và ngược lại trên xe chất lượng cao của một doanh nghiệp vận tải lớn của Hải Phòng. Và thực tế hoàn toàn chính xác như những gì người dân đã phản ánh.
Đoạn đường từ bến xe Gia Lâm đến cầu Thanh Trì (Hà Nội) không bao xa nhưng chiếc xe phải “bò” trong 25 phút. Nhiều khi, trên đường không có khách đón xe nhưng bác tài lúc thì cho xe chạy rì rì, lúc tăng ga phóng như “ma đuổi”, thậm chí có khi dừng hẳn, khiến hành khách trên xe ngó nghiêng và chẳng hiểu chuyện gì xảy ra.
Tình trạng trên lại lặp lại ở chiều Hải Phòng- Hà Nội, cụ thể là từ cầu vượt Quán Toan đến trạm soát vé. Xe đi trước cứ túc tắc di chuyển với một tốc độ “không thể chậm hơn” và đương nhiên nhiều xe đằng sau chỉ còn biết “bám đuôi”.
Video đang HOT
Xe khách từ bến Lương Yên (Hà Nội) đi Hải Phòng (Ảnh:KT)
Bắc Trần Văn Thanh, người Hải Phòng cho biết: “Tôi thường xuyên lên Hà Nội thăm con và chứng kiến cảnh này nhiều lần rồi. Ban đầu thì không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng sau đó mới biết xe tôi đi bị “xe Chúa” ép phải nghe theo”.
Tương tự, bác Hùng, người Hải Phòng bức xúc: “Trong tháng qua tôi đi 2 lần thì đều thấy xe đến cầu Quán Toan thì dừng lại từ 10-15 phút. Tôi có hỏi tài xế là xe dừng đợi người nhà hay có việc gì, thì tài xế nói phải chờ “xe Chúa” đi rồi chúng cháu mới được đi. Chỉ vì một xe mà nhiều xe khác không được đi thì không thể chấp nhận được. Đề nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng này”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “xe Chúa” được nói đến ở trên không ai khác chính là một số hãng xe khách chạy cùng tuyến, bao gồm cả xe “dù” và xe hãng từng có uy tín. Chủ của những hãng xe này cấu kết với những tay “anh chị” để dằn mặt tài xế hãng xe đối thủ, ép để xe của hãng mình bắt khách vào “giờ vàng” và địa điểm thuận lợi.
Cho đi được đi, ép dừng phải dừng
Sau hơn 10 phút kể từ khi xe xuất bến, thấy xe chạy quá chậm, nhiều người hỏi tài xế và phụ xe thì được trả lời là “xe đang bị nhốt để đợi xe Chúa đi qua”. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc xe bỗng dưng hạ tốc độ khi thấy một người đàn ông ngoài 30 tuổi đội mũ lụp sụp đứng bên đường vẫy tay. Và với nhiều hình thức, chiếc xe mà chúng tôi đi bị cản trở liên tục trong suốt quãng đường từ Bến xe Gia Lâm tới gầm cầu vượt Thanh Trì.
Được biết, ngoài việc chạy xe máy cản trở xe khách của hãng khác dọc đường, các đối tượng “máu mặt” còn lên cả xe đối thủ để ngồi và “điều khiển” lái xe chạy theo ý mình, lúc nhanh, lúc chậm để xe họ “hốt” khách. Ngoài ra, những tay anh chị này còn gọi điện đe dọa lái, phụ xe, thậm chí thuê xe khác va chạm với xe đối thủ để dằn mặt. Thường các lái xe phải thực hiện theo, vì không ít người đã bị đe dọa, bị đánh khi không nghe theo lời chúng.
Có thể nói, tình trạng trên diễn ra đã lâu, cơ quan chức năng đã biết, nhưng chính sự “hành động” còn chưa quyết liệt nên chuyện đâu lại vào đó. Cuối năm 2011, trinh sát Đội 2, Phòng PC45, CATP Hải Phòng đã thu thập, xác minh các nguồn tin của quần chúng và bắt quả tang nhiều đối tượng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên các tuyến xe khách liên tỉnh.
Đơn vị này cũng phát hiện một số doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách đã tuyển nhân viên điều hành, lái và phụ xe một cách bừa bãi, không có hợp đồng lao động, sau đó “khoán” cho các đầu xe. Ngoài ra, việc một số chủ xe “tạo điều kiện” cho các lái, phụ xe và “cò” hưởng thêm khoản cước phí hàng hóa mà hành khách thuê vận chuyển đã khiến tình trạng tranh giành khách trở nên căng thẳng hơn.
Anh Nguyễn Văn Thuận, người Hải Phòng cho biết, do tính chất công việc nên anh thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội và Hải Phòng và không ít lần gặp cảnh trớ trêu: “Xe chạy khi chậm khi nhanh khiến chúng tôi rất ức chế, đôi khi lỡ việc và thi thoảng lại hết hồn vì xe lạng lách vượt nhau”.
Với tình trạng trên, hành khách- những người dân đi trên những tuyến xe không những không được hưởng dịch vụ tương xứng với giá vé, mà tính mạng của họ có khi còn bị đe dọa. Còn với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, rõ ràng, họ chỉ còn biết chờ đợi các cơ quan chức năng, các nhà quản lý liên quan siết chặt và xử lý đúng đắn, bảo đảm một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đương nhiên, họ cũng không thể chờ được mãi./.
Theo VOV
Chủ nhà trọ bắt bồi thường 10 triệu đồng vì quên khóa nước
Vì quá thương con khi học xa nhà, đôi vợ chồng trẻ nơi miền đất lũ xứ Huế vừa gom góp đóng cho chủ nhà trọ trọn 1 năm tiền thuê phòng, nay tiếp tục lao đao khi họ yêu cầu gia đình phải đóng tiếp 10 triệu đồng bồi thường sau một lần con mình quên khóa vòi nước.
Sự việc xảy ra vào ngày 23.12, tại ngôi nhà chuyên cho thuê phòng trọ số 314, đường D2 nối dài, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM do bà Trịnh Việt Hoa (SN 1960) làm chủ kinh doanh tổng cộng gồm 9 phòng trọ đang hoạt động cho thuê trong căn hộ nói trên.
Cậu sinh viên Hồ Văn Anh Tuấn tại phòng trọ của mình đang thuê ở.
Là sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Ngoại thương, Hồ Văn Anh Tuấn (SN 1992), thường trú ở Huế, sau khi đậu Đại học tại TPHCM, gia đình không ngần ngại vay mượn tiền của bà con để tiếp sức cho Tuấn trên con đường ăn học. Tiền thuê phòng 2,7 triệu đồng một tháng (diện tích khoảng 17 mét vuông, nhà vệ sinh dùng chung phía ngoài, các khoản tiền điện, nước khác tính riêng). Muốn con ở ổn định một chỗ nên gia đình chấp nhận thuê phòng và đóng một lúc đủ 30 triệu đồng cho một năm thuê từ 01.10.2011 - 01.10.2012 (theo thỏa thuận).
Ngày 20.12, đi học về do trong người thấy mệt và nhức đầu, đến 14 giờ (cùng ngày) Tuấn lại phải đi học tiếp, lúc này vừa rửa tay xong Tuấn quên khóa vòi nước trong phòng trọ của mình. Bà Hoa (chủ nhà trọ) phát hiện gọi điện báo Tuấn, sẽ bắt bồi thường vì cho Tuấn làm thất thoát nước sau gần 3 giờ đồng hồ ra khỏi phòng. Ngày 23.12 bà ra quyết định bắt Tuấn bồi thường đúng 10 triệu đồng cho lần quên khóa vòi nước nói trên.
Vòi nước nhỏ Tuấn quên khóa (có ống 10 mm), sử dụng trong phòng trọ để rửa chén bát, giờ bị bà Hoa cấm dùng.
Muốn con mình yên tâm tập trung vào việc học hành, không phải quá lo sợ khi nghe tin bị bắt bồi thường 10 triệu đồng, ngày 25.12, gia đình Tuấn đã liên lạc với bà Hoa xin thương lượng cho bồi thường 4 triệu đồng. Thế nhưng, bà Hoa vẫn kiên quyết phải đúng 10 triệu đồng và yêu cầu thanh toán trong vòng 7 ngày. Nhìn gương mặt Tuấn nói trong vẻ lo âu, không còn tinh thần: "Nếu sau ngày đó không có tiền bồi thường thì bà Hoa sẽ báo lại cho công an khu vực của địa phương này biết, giải quyết".
Điều đáng nói, trong thời gian hai bên hoàn tất giao, nhận đủ hết tiền thuê mướn phòng trọ (trả một lần 30 triệu đồng cho một năm thuê phòng, cộng thêm 7,5 triệu đồng tiền đặt cọc thế chân cho bà Hoa), gia đình Tuấn có yêu cầu bà Hoa gắn đồng hồ nước riêng và được bà Hoa đồng ý nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Hiện nay, công an phường 25, quận Bình Thạnh đã thụ lý hồ sơ trên và tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Mặc khác, đề nghị các ngành cơ quan chức năng sớm rà soát, kiểm tra thật kỹ những hộ chuyên cho sinh viên thuê phòng trọ nói trên, phải đầy đủ, hợp pháp về giấy phép đăng ký hoạt động kinh doanh dành cho phòng trọ.
Theo Lao Động
Hành xử xã hội đen với cái lý "phòng trọ của tao" "Tao nói cho mày biết phòng trọ nhà tao không cho bất cứ đứa nào ngủ qua đêm..." là một phần lời giải thích cho trận đòn nhớ đời của Thảo - vị khách lạ của khu trọ. "Việc gì tao phải hỏi ai?" Là ông chủ của khu trọ với hơn 20 phòng, ngoài ngày mồng 5 hàng tháng tới thu tiền...