Xe điện giá rẻ – ‘miếng bánh’ Tesla không thể chạm tới
Thay vì mua một chiếc Tesla Model 3 giá từ 38.000 USD, một công nhân chọn một chiếc crossover 10.300 USD của hãng nội địa Hozon Auto.
Nam công nhân Weng Changqing, 37 tuổi, biết mình muốn một chiếc ôtô điện trước cả khi có bằng lái xe. Weng sống trong một thị trấn nhỏ ở phía tây Trung Quốc và sẵn sàng lập gia đình. Lựa chọn của Weng không phải là từ Tesla, mà từ một hãng sản xuất xe điện nội địa, Hozon Auto.
Đó là một trong số nhiều mẫu xe điện đang ngày một phổ biến đối với khách hàng thu nhập thấp ở Trung Quốc nhờ giá thành cũng như chi phí vận hành rẻ.
Weng dự tính tiền điện để sạc cho chiếc xe vừa mua trong cả một năm là chưa tới 400 USD, tức chỉ có thể mua được 377 lít xăng ở Trung Quốc, đủ để chạy được khoảng 6.300 km với một chiếc Trumpchi GS3 đời 2020 từ hãng Guangzhou Automobile Group (GAC), tức trung bình mỗi ngày 17,2 km.
Xe điện Hozon Neta N01 ở Trung Quốc. Ảnh: China Car Forums
Giá xe điện sẽ bằng với những mẫu xe động cơ đốt trong trong khoảng 4-6 năm nữa, với doanh số hàng năm sẽ bắt đầu như tên lửa, đạt 25 triệu trong 2030, tăng từ mức 2 triệu xe mỗi năm hiện nay, theo BloombergNEF .
Xe điện giá rẻ có thể đạt được những hiệu ứng xã hội rất xa, đặc biệt với những người sống ngoài trung tâm thành phố, ở khu vực nông thôn nơi phương tiện công cộng hạn chế, theo Selika Talbott, một giảng viên ở American University tại Washington, cũng là một đối tác ở một hãng tư vấn công nghiệp ôtô nhận xét.
Ở Trung Quốc, mẫu Neta N01 của Hozon Auto là một trong nhiều mẫu xe điện giá rẻ, gồm cả chiếc xe mini e1 của BYD với giá 8.950 USD. BYD là nơi mà tỷ phú Warren Buffett rót tiền nhiều hơn cả ở hãng Mỹ General Motors (GM). Hay liên doanh SAIC-GM-Wuling có chiếc Hongquang Mini EV gia nhập thị trường trong 2020 với giá chỉ hơn 4.000 USD và nhanh chóng trở thành ngôi sao bán chạy.
Trong nửa đầu 2020, giá bán lẻ trung bình của một chiếc xe điện, chưa tính mức hỗ trợ, là 55.300 USD tại Mỹ, so với 29.900 USD ở Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu Jato Dynamics.
Các hãng ôtô có khả năng khuấy tung phân khúc xe điện giá rẻ ở Trung Quốc bằng cách tối giản nội thất và tiết kiệm những thứ khác. Dòng xe này thường có tốc độ thấp. Và mẫu crossover điện mà Weng mua chỉ chạy được khoảng 300 km mỗi lần sạc – tức một nửa quãng đường so với Tesla Model 3 Long Range.
Giá thấp sẽ giúp tăng lượng người mua, thường là người trẻ, thu nhập thấp, và sống bên ngoài các thành phố lớn, khi mua chiếc xe đầu tiên. Những mẫu xe điện này đặc biệt phổ biến ở khu vực nông thôn Trung Quốc, nơi có hơn 500 triệu dân sinh sống nhưng chỉ khoảng 20% có thể sở hữu một chiếc ôtô. Một số mẫu “bay” khỏi đại lý với tốc độ mà những người trong ngành nói rằng chưa từng chứng kiến.
Video đang HOT
Khi ra mắt vào tháng 7/2020, Hongguan Mini EV cũng trở thành xe năng lượng mới bán chạy nhất ở Trung Quốc, với 15.000 chiếc. Tháng 9 cùng năm, doanh số đạt hơn 20.000 xe, gần gấp đôi Tesla Model 3.
Dòng xe điện giá rẻ ở Trung Quốc đang có những lợi thế, như sự hỗ trợ từ chính phủ cũng như các chính sách thúc đẩy tiêu dùng tại các địa phương. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, vì thế các hãng xe điện được tiếp cận nguồn cung chi phí thấp đối với phần đắt nhất của một chiếc xe điện.
Trong khi đó, các hãng xe và nhà cung ứng linh phụ kiện ở những nơi khác trên thế giới khó lòng sản xuất với chi phí thấp như thế, nên không dễ để cung cấp các sản phẩm giá rẻ như các đối thủ Trung Quốc trong tương lai gần.
Nhưng xe điện cần được sạc. Ngày nay, các trạm sạc thường tập trung ở những khu vực đô thị, cũng như các bãi đỗ xe, việc sạc tại nhà vẫn chưa phổ biến. Trạm sạc vẫn là trở ngại lớn cho tương lai ôtô điện, ngay cả ở Trung Quốc, nơi đã vượt Mỹ về số trạm sạc.
Mọi người thường có xu hướng ưu tiên sạc ở nhà trước. Hầu hết ôtô vẫn đỗ khoảng 8-12 tiếng ban đêm, sạc điện ở nhà dễ và rẻ hơn sạc ở bất cứ chỗ nào khác. Nhưng Trung Quốc có tỷ lệ sạc ở nhà thấp hơn nhiều nơi khác bởi đặc thù thiết kế cũng như mật độ nhà cửa. Ngay cả khi cân nhắc đến giải pháp thay thế là lấy sạc nơi công cộng làm trung tâm, tầm quan trọng của việc sạc ở nhà sẽ vẫn phù hợp hơn, dù ở Mỹ hay Trung Quốc.
Vì sao các hãng ôtô Nhật chần chừ với xe điện
Cách đây hơn một thập kỷ, Nissan đưa ra chiếc ôtô con chạy pin tên Leaf, nhưng giờ đây, họ và các hãng đồng hương đang tụt lại phía sau.
Chiếc hatchback của Nissan, mẫu Leaf, từng là một cú hích lớn, ít nhất theo các tiêu chuẩn về ôtô điện, với doanh số cộng dồn hơn 500.000 xe trên toàn cầu tính đến hết 2020.
Nhưng nếu con đường được Nissan mở ra nay đã trở nên đông vui nhộn nhịp, thì ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản lại rơi vào tình thế nguy hiểm khi bị bỏ lại phía sau. Trong khi các chính phủ cũng như các hãng xe trên thế giới đang nỗ lực chuyển dịch sang dòng xe điện, thì các hãng xe Nhật cũng như quốc gia này đang đi nước đôi.
Leaf - xe điện của Nissan tại Mỹ. Ảnh: Nissan
Nhật Bản thống trị thị trường toàn cầu đối với thế hệ hiện hành của dòng xe thân thiện môi trường - hybrid xăng-điện - và hy vọng tạo đòn bẩy từ khoản đầu tư khổng lồ vào công nghệ theo thời hạn lâu dài nhất có thể. Tuy nhiên, sự tập trung ngắn hạn khiến ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia này có thể lỡ mất thời cơ thay đổi, theo Masato Inoue, nhà thiết kế hàng đầu của mẫu Leaf.
"Khi sự ngắt quãng xảy ra, sẽ luôn kéo theo nỗi sợ hãi", Inoue, người đã nghỉ hưu trong năm 2014 chia sẻ. Nhưng có sẵn sàng hay không, thì "một làn sóng lớn từ xe điện đang diễn ra", nhà cựu thiết kế nói.
Lúc này, làn sóng ấy có thể chưa thực sự xảy ra. Những chiếc xe điện chiếm chưa đến 3% doanh số toàn cầu, vì nhiều khách hàng vẫn chê chi phí cao, hành trình hạn chế và thời gian sạc lâu. Việc kiếm lời từ xe điện, trừ một số mẫu xe sang, không phải dễ.
Nhưng cuộc đua đến với tương lai xe thuần điện, dẫn đầu bởi Tesla, đang tăng tốc và mở rộng. Hồi tháng Một, General Motors (GM) đã trở thành hãng xe lớn đầu tiên tuyên bố có thể từ bỏ mọi ống xả khí thải khỏi những chiếc ôtô họ sản xuất, tính đến hết 2035. Tuần trước, Volvo cũng có tuyên bố tương tự, với việc bán toàn xe điện tính đến hết 2030.
Ngoài các hãng xe truyền thống, các startup như Nio của Trung Quốc hay những gã khổng lồ từ những ngành công nghiệp khác như Apple cũng tìm kiếm miếng bánh ở thị trường xe điện đang phát triển.
Ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Hàn Quốc, các hãng ôtô đều đã sẵn sàng chạy hết tốc lực để vượt qua các đối thủ từ Nhật Bản. Toyota hiện mới chỉ có kế hoạch về xe điện, trong khi Honda dựa vào GM để sản xuất xe điện cho thị trường Mỹ.
Trong 2020, ôtô Nhật Bản chiếm chưa tới 5% dòng xe điện chạy pin bán ra trên toàn thế giới, theo EV-volumes.com , một hãng chuyên phân tích thị trường xe điện. Phần lớn thị phần này lại thuộc về Nissan Leaf - sản phẩm chiếm gần 65% số xe pin-điện của Nhật.
Cuộc đua xe điện cũng được khuyến khích ở Trung Quốc, các quốc gia châu Âu và những nơi khác, với những kế hoạch tăng doanh số xe điện hoặc cấm xe dùng xăng trong những năm tới. Các nhà khoa học nói rằng việc từ bỏ dòng xe động cơ đốt trong là rất khẩn trương trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giảm khí thải.
Tháng 12/2020, Nhật Bản từng thông báo có thể dừng bán ôtô mới dùng khí đốt tính đến hết 2035. Nhưng chính phủ nước này vẫn coi hybrid là một công nghệ quan trọng và không có ý định làm giống những nơi khác, với những kế hoạch cấm đoán đối với ôtô động cơ đốt trong.
Sự phản đối trước việc loại bỏ động cơ hybrid thể hiện mạnh mẽ nhất từ Akio Toyoda, chủ tịch Toyota - hãng gây ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản.
Toyota sở hữu Daihatsu và trong vài năm qua đã thành lập đối tác phát triển xe điện, gồm cả xe hybrid, với ba hãng xe nhỏ hơn là Subaru, Suzuki và Mazda, tạo thành một nhóm sản xuất ra hơn một nửa của tổng số xe Nhật. Toyota cũng quảng bá mạnh mẽ dòng xe dùng khí hydro - một công nghệ còn khó tiếp cận với phần lớn thế giới.
Trong một cuộc họp báo diễn ra tháng 12/2020, Toyoda từng chế nhạo ý tưởng rằng Nhật Bản sẽ thay thế xe hybrid bằng xe thuần điện, cáo buộc truyền thông nội địa thổi phồng dòng xe điện.
Ở Nhật Bản, nơi điện năng được tạo ra chủ yếu từ quá trình đốt than và khí tự nhiên, xe điện sẽ chẳng giúp gì nhiều cho môi trường. "Càng nhiều xe điện tạo ra, càng thêm nhiều khí CO2", CEO của tập đoàn Toyota nói thêm.
Toyoda nói rằng các hãng xe Nhật khó tránh được thất bại khi chuyển sang dòng xe thuần điện - sản phẩm cần ít linh phụ kiện hơn và dễ sản xuất hơn - vì có thể khiến hàng triệu người mất việc làm và phá hủy toàn bộ hệ thống sinh thái của các nhà cung ứng linh kiện ôtô.
Toyota RAV4 Hybrid - xe hybrid ăn khách hiện nay của hãng xe Nhật. Ảnh: Toyota
Doanh số xe hybrid xăng-điện dự kiến tiếp tục tăng đến 2027, theo một báo cáo của hãng nghiên cứu IDTechEx. Vì thế dễ hiểu được sự kiên định của người Nhật khi muốn thu lại từ những khoản đầu tư khổng lồ vào công nghệ hybrid và chờ đợi phản ứng từ người tiêu dùng cũng như cách giải quyết của các quốc gia khác, theo James Edmondson, một nhà phân tích của IDTechEx.
Kota Yuzawa, một nhà phân tích ngành công nghiệp ôtô tại Goldman Sachs, nói rằng các hãng xe Nhật vốn có công nghệ hàng đầu và đã rót những nguồn lực quan trọng vào việc phát triển. "Họ đang đợi đúng thời điểm", Sachs nhận định.
Nhưng chuyển từ việc sản xuất xe hybrid sang xe thuần điện không dễ. Hai dòng xe này không thể sản xuất với chi phí tương ứng trên cùng kết cấu, Inoue nói, và "nếu nhiều hãng không thay đổi bây giờ, hiệu quả sản xuất của xe điện sẽ trở nên khó khăn hơn trong tương lai".
Với kinh nghiệm sản xuất xe điện, Nissan đang có vị thế tốt nhất trong số các hãng xe lớn của Nhật Bản để cạnh tranh trong phân khúc này. Nhưng Nissan cũng có thế khó khi đã đánh mất vị trí đứng đầu và giờ đây phải nỗ lực để giành lại.
Hè 2020, Nissan từng công bố mẫu xe pin điện tham vọng nhất kể từ khi ra mắt Leaf, chiếc SUV tên Ariya. Và tháng Một vừa qua, hãng nói rằng có thể chỉ bán xe điện tính đến hết 2050, một quyết định phản ánh chính sách quốc gia mới thay đổi hồi cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, cũng giống các hãng xe đồng hương, Nissan chuyển dịch rất thận trọng.
Joji Tagawa, giám đốc phát triển bền vững của Nissan, nói: "Với những thị trường chính, mỗi mẫu xe mới đều sẽ có sự hỗ trợ của động cơ điện tính đến đầu những năm 2030". Nhưng "ở những thị trường khác, chúng tôi sẽ chuyển dần dần", vị giám đốc thêm.
Trong khi đó, hãng đang quảng bá mạnh mẽ công nghệ hybrid mới, gọi là e-Power: chủ yếu là một động cơ điện được hỗ trợ bởi một máy phát chạy xăng.
Ở Nhật, sự thiếu quan tâm của chính phủ đối với dòng xe không phát thải cũng giống như hành động đẩy các hãng xe tới một hoàn cảnh bất lợi nghiêm trọng, theo Kazuo Yajima, cựu kỹ sư chính của Leaf, người đang điều hành hãng công nghệ Blue Sky Technology.
Trung Quốc và liên minh châu Âu đã tụt lại phía sau trong cuộc đua về công nghệ hybrid, Yajima nói, vì thế các chính phủ đã đưa ra quyết định chiến lược nhằm đầu tư phát triển xe điện, gồm những công nghệ chính như pin.
Sự miễn cưỡng của các hãng xe Nhật trong việc sản xuất ôtô điện, theo Yajima, có thể khiến họ chịu cùng số phận với các hãng điện tử tiêu dùng đồng hương khi rơi xuống vị trí không thích đáng do không duy trì được vị trí dẫn đầu trong xu hướng thị trường.
Inoue cũng đồng tình với nhận định trên, và nói rằng phân khúc này là cuộc chiến khốc liệt đối với ngành công nghiệp Nhật Bản. "Hiện họ đang giành phần thắng, nhưng tôi nghĩ trong 10 năm tới, nếu để mất cơ hội dịch chuyển sang phân khúc xe điện, chúng ta có thể thua cuộc", Inoue kết luận.
Ôtô điện bùng nổ ở châu Âu: Tác động từ chính sách trợ cấp hay xu hướng tiêu dùng mới? Người dân các nước châu Âu đang sắm ôtô điện với một tốc độ kỷ lục. Nhưng những gì đã diễn ra ở Trung Quốc là một lời cảnh báo rằng xu hướng này có thể không kéo dài... Các khoản trợ cấp của chính phủ và sự lựa chọn xe ngày càng phong phú giúp thúc đẩy nhu cầu mua ôtô chạy...