Xe chuối xào 20 năm chỉ bán hơn một giờ mỗi ngày
Chạy xe khoảng 6 kilomet từ trung tâm đến quận 8, bạn sẽ tìm được xe chuối xào của bà Trần Thị Minh Dung (53 tuổi) trên đường Hưng Phú.
Xe chuối xào 20 năm chỉ bán hơn một giờ mỗi ngày
Có lẽ vì dáng người nhỏ nhắn, bà Dung còn được khách quen gọi là bà Út. “Trước đó, tôi làm thuê đủ nghề để mưu sinh nhưng khó sống. Nhờ ông trời cho cái duyên bán buôn mà tôi duy trì đến nay”, bà Út nói trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt đơm từng miếng chuối xào vào hộp cho khách.
Bà Út (phải) một mình buôn bán, lâu lâu có con trai (đằng sau) hoặc em gái ra phụ hàng tại 684 Hưng Phú. Ảnh: Di Vỹ.
Bà Út là người gốc Đà Nẵng, đến Sài Gòn sinh sống đã mấy mươi năm. Thời điểm bà bắt đầu bán chuối, khoai mì xào nước cốt dừa cách đây 20 năm.
Ngày ngày, bà Út phải thức dậy từ 4h để chuẩn bị nguyên liệu. Theo lời bà chủ, chuối và khoai mì lấy ở mối quen: “Người ta chở tới tận nhà cũng đã chục năm rồi. Đồ ngon tôi mới lấy. Hôm nào, khoai mì không ngon thì tôi cũng nói khách, để người ta không mắng vốn nếu ăn không ngon”.
Trung bình một ngày, xe của bà tiêu thụ hết 13 kg khoai mì và 20 nải chuối. Chuối được lột vỏ và luộc chín, cắt miếng rồi trộn với bột, xào với nước cốt dừa. Khoai mì cũng vậy, sau khi được rửa sạch sẽ đem bào vỏ, ngâm nước và hấp. Khoai chín được trộn chung với các gia vị cho thấm trước khi nặn thành bánh có nhân dừa.
Mỗi suất giá 10.000 đồng có đủ 5 loại bánh chuối xào cốt dừa, bánh chuối hấp, khoai mì, khoai mì mài và bột báng nhân đậu xanh. Ảnh: Di Vỹ.
Bà chủ cho hay, bí quyết “ăn thua là ở cách trộn bột và nước cốt dừa ăn kèm”. Nước cốt dừa không dùng ngay sau khi vắt mà còn được trộn với bột gạo, đem nấu chín lại một lần. Bột gạo cũng do tự tay bà chủ xay. Cách làm có đôi phần cầu kỳ, nhưng vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm nếp, vị béo của cốt dừa và đậu phộng rang tạo nên món ăn đơn giản mà níu chân thực khách.
Nếu ghé mua vào khoảng 12h khi chủ vừa dọn hàng, nhiều thực khách sẽ phải bất ngờ trước thau chuối và khoai mì hoành tráng, được xếp tỉ mỉ từng lớp quanh “bể” nước cốt dừa ở giữa. “Xếp từng miếng chuối và khoai mì thành vòng có hơi cực, mất khoảng 30 phút nhưng nhờ nó mà tôi bán cho khách nhanh hơn”, bà Út cho hay.
Chuối và khoai mì xếp chặn quanh “bể” nước cốt dừa. Ảnh: Nam Phong.
Video đang HOT
Bà Út nhớ lại, 20 năm trước, khách đến ăn chuối, khoai mì không đông như bây giờ. Nhờ tiếng lành đồn xa mà hiện tại chuối xào và khoai mì hết sạch chỉ trong hơn một giờ, dù mưa hay nắng. Người mua đa phần là khách quen.
Bà chủ U60 cũng chưa lần nào dám nghĩ mình sẽ mở một cửa hàng khang trang hơn: “Tôi thấy rất thương nhiều khách ở tận quận 7 qua đây mà không còn gì để bán cho họ, nhưng cũng không biết làm sao. Tôi chỉ dặn khách hôm sau quay lại sớm hơn”.
Theo Ivivu
Những món bánh từ chuối thơm ngon khó cưỡng của người miền Tây
Có dịp về miền Tây, bạn đừng quên thưởng thức những món bánh từ chuối chín với hương vị thơm ngon, béo ngọt của người dân miền đồng bằng sông nước.
Bánh chuối nước cốt dừa
Là vùng đất phù sa màu mỡ, cây trái tươi tốt quanh năm nên người miền Tây có nhiều món bánh được làm từ trái cây thơm ngon, hấp dẫn. Một trong số đó là món bánh chuối ăn cùng nước cốt dừa - món ăn gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân sông nước. Vào những buổi trưa "buồn miệng" hay chiều mát trời, có một dĩa bánh chuối thơm lừng, dẻo dẻo dai dai ăn cùng nước cốt dừa béo ngậy thì còn gì bằng.
Bánh chuối hấp ăn cùng nước cốt dừa là món ngon khó cưỡng của người miền Tây. Ảnh: thanhnien.vn
Đây là một món bánh từ chuối có nguyên liệu khá đơn giản là chuối chín, bột gạo, bột năng, dừa khô, đường và ít gia vị như muối, vani. Cách làm bánh chuối ngon cũng không quá khó, bạn chỉ cần nắm đủ các bước là làm được ngay.
Khi làm món bánh này, người thợ sẽ pha bột gạo, bột năng cùng chút muối, đường, vani để tạo nên bột bánh có độ dẻo và dai phù hợp. Nếu thích ăn bánh dẻo, bạn có thể tăng hàm lượng bột năng. Tuy nhiên, người miền Tây mách nhỏ rằng, nên để ít bột năng thôi vì bánh dẻo quá sẽ không ngon. Bột sau khi được pha loãng cùng với nước, người ta sẽ cho chuối chín cắt lát hoặc đập giập vào, trộn đều.
Phần chuẩn bị đến đây xem như đã xong. Tiếp theo là công đoạn hấp bánh cũng khá công phu. Thông thường, khi làm bánh từ chuối dạng hấp thế này, người miền Tây sẽ chọn lá chuối để lót ở dưới mâm. Sau đó dùng một ít dầu ăn thoa lên bề mặt lá chuối để bánh hấp xong không bị dính. Rồi cứ thế, phần hỗn hợp bột và chuối được cho vào mâm, sau đó đem đi hấp. Tùy độ dày mỏng của bánh mà thời gian hấp khác nhau, khoảng 30 - 40 phút là bánh chín.
Tùy sở thích mà bạn pha ít hoặc nhiều bột năng để bánh có độ trong và dai. Ảnh: Kenh14.vn
Món bánh miền Tây này muốn ăn ngon thì phải ăn kèm với nước cốt dừa nóng. Và cách nấu nước cốt dừa cũng tùy vào kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Dừa khô sau khi nạo và vắt lấy nước cốt, phần nước cốt sẽ được bắc lên bếp đun sôi cùng với ít đường, ít muối và bột năng. Đến khi nước cốt dừa sánh lại là xong. Bánh chuối được cắt ra, bày lên dĩa và chan thêm nước cốt, cho ít đậu phộng lên mặt rồi thưởng thức.
Chuối chiên
Chuối chiên cũng là một món bánh từ chuối nổi tiếng của người miền Nam, được bán khá nhiều trên đường phố Sài Gòn hoặc trên các hàng quán vỉa hè, trong các khu chợ khắp miền Tây sông nước.
Chuối chiên ở mỗi nơi sẽ có cách chế biến khác nhau, nêm nếm gia vị phù hợp. Tuy nhiên, một trái chuối chiên được xem là ngon khi có vỏ bánh vàng rượm, giòn, không quá dày cũng không quá mỏng. Phần ruột chuối bên trong chín đều, vị ngọt, cắn đến đâu là vị ngọt béo giòn tan lan ngay đến đó.
Chuối chiên được bán nhiều ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh:metrip.vn
Để làm món bánh chuối chiên, bạn cần chọn được loại chuối chín cây vừa chín tới, ngon nhất là loại chuối xiêm trái to của người miền Tây. Ngoài ra, các nguyên liệu khác là bột gạo, bột mì, đường, muối, bột nghệ và vani để tăng mùi thơm cho chuối khi chiên xong. Có một điều thú vị là ở nhiều nơi sẽ dùng bột nếp để chiên chuối. Thế nhưng chuối chiên chính gốc thường dùng bột gạo và bột mì mà thôi.
Khi có đầy đủ nguyên liệu, bạn chỉ việc trộn bột mì và bột gạo cùng ít bột nghệ vào để tạo màu vàng ươm tự nhiên. Phần chuối chín bạn cắt đôi và đập hơi dập nhẹ rồi cho vào hỗn hợp bột. Ở bước này, bạn có thể thêm ít muối và đường để bột có hương vị thơm ngon hơn. Lưu ý, bột chiên chuối khi pha cùng nước nên pha đặc, tránh pha quá loãng sẽ làm bột bị chảy khi tiến hành chiên.
Chuối chiên ăn ngon nhất khi còn nóng, vỏ bánh giòn tan, vị ngọt và béo vừa phải. Ảnh: cookpad.com
Xong xuôi các khâu, bạn chỉ việc bắc chảo dầu lên bếp. Đợi khi dầu nóng và sôi lên, bạn múc từng trái chuối cho vào rồi chiên đến khi chín vàng đều là xong. Món bánh từ chuối này ngon nhất là khi ăn nóng. Bạn có thể cho chuối chín vào chiếc đĩa có giấy thấm dầu để làm giảm bớt lượng dầu bám trên trái chuối.
Chuối nướng nếp
So với chuối chiên, món chuối nướng nếp có cách làm càng công phu hơn khi kết hợp giữa chuối và nếp, lại còn phải nướng trên than hồng qua hàng tiếng đồng hồ. Thế nhưng khi thưởng thức một trái chuối nướng với lớp nếp vàng giòn, mùi thơm phưng phức hòa quyện cùng nước cốt dừa béo ngậy, bạn sẽ thấy mọi công đoạn chế biến đều xứng đáng.
Sao có thể cưỡng lại một trái chuối nướng vàng ươm, vị thơm phưng phức như thế này chứ. Ảnh: Kenh14.vn
Để làm món bánh từ chuối này thật ngon, bạn phải chọn được loại nếp có độ dẻo và thơm. Còn chuối thì phải là chuối chín cây, vừa chín tới chứ không được chọn loại chuối chín héo hay chưa kịp chín. Nguyên liệu chính làm món bánh chuối ngon này là nếp, chuối chín, dừa khô, bột năng, đậu phộng, vani, đường và muối.
Quy trình làm món chuối nướng nếp gồm 3 bước cơ bản. Đầu tiên là khâu nấu nếp, bạn đem nếp vo sạch, cho thêm một ít nước cốt dừa, bột năng và đường rồi dùng nồi cơm điện nấu như nấu cơm bình thường. Khi nếp đã chín, bạn xới nếp ra một miếng lá chuối lớn tạo hành hình chữ nhật. Kế tiếp bạn đặt trái chuối chín đã lột vỏ lên trên lớp nếp. Sau cùng bạn cuộn tròn trái chuối lại rồi mang nướng trên lửa than hồng.
Bạn dễ dàng bắt gặp những chiếc xe bán chuối nướng xếp đầy những trái chuối trong vỏ lá xanh um. Ảnh: foody.vn
Để truối chín thơm ngon và đều, bạn nên thường xuyên trở chuối, than nướng chuối không được quá nóng vì sẽ làm chuối bị khét, mất ngon. Chuối khi nướng chín, bạn cắt ra thành từng miếng nhỏ, chan nước cốt dừa lên và thưởng thức. Về cơ bản, nước cốt dừa ăn chuối nướng được chế biến giống như nước cốt dừa ăn bánh chuối. Đừng quên rắc thêm đậu phộng rang lên trên để món ăn thêm hấp dẫn.
Chuối hầm dừa
Chuối hầm dừa hay còn gọi là chè chuối hoặc chuối chưng là một trong những món bánh từ chuối hấp dẫn được người dân miền Tây ưa thích. Còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức một tô chè có vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt thanh của chuối, vị dai giòn của bột bán cơ chứ? Vừa thơm ngon hấp dẫn lại vừa dễ chế biến nên món này cũng khá dễ tìm khi bạn về miền Tây.
Chuối hầm dừa hay còn gọi là chè chuối, là món ăn ngon và dễ làm của người miền Tây. Ảnh: mcspiedoboston.com
Với món ăn này, mỗi người, mỗi nhà ở miền Tây lại có sự biến tấu khác nhau bằng cách thêm vào các nguyên liệu như bí, khoai lang,... để món ăn được phong phú hơn. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ có 2 nguyên liệu chính là chuối và dừa khô thì cũng có thể làm được món bánh miền Tây tuyệt hảo.
Cách làm món chuối hầm dừa cực đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị đường, muối, bột báng, dừa khô và chuối chín là có thể tiến hành chế biến ngay. Dừa khô sau khi vắt lấy nước cốt, bạn cho nước cốt này vào nồi và bắc lên bếp, cho thêm chút muối và đường phù hợp khẩu vị. Bột báng sau khi ngâm cho nở, bạn cho vào nồi nước cốt đang nấu để tiếp tục nấu chín. Cuối cùng, bạn cho chuối tươi cắt khoanh vào và nấu khi nào chuối mềm là hoàn thành món chè chuối hấp dẫn.
Khi nấu món này, bạn có thể thêm khoai lang, khoai mì hoặc bí đỏ vào để món ăn được đa dạng. Ảnh: vietfoodshop.com
Nếu bạn muốn ăn thêm bí đỏ hoặc khoai lang, hãy cho các nguyên liệu này vào trước khi cho chuối vào. Bởi trái chuối chín rất nhanh mềm khi nấu trong nồi nước cốt đang sôi ùng ục. Chè chuối khi nấu xong bạn có thể thưởng thức lúc nóng hoặc nguội tùy thích, đừng quên rắc thêm chút đậu phộng lên trên để món ăn này thêm phần ngon miệng.
Du lịch miền Tây, du khách gần xa có thể thưởng thức các món bánh ngon như bánh xèo, bánh ướt ngọt, bánh bò,... Trong đó, không thể thiếu các món bánh được làm từ trái chuối chín thơm ngọt đặc trưng của người dân Nam Bộ. Những món bánh này về cơ bản rất dễ làm, bạn cũng có thể tự tay vào bếp thực hiện vào những dịp cuối tuần rảnh rỗi.
Theo Dulichvietnam
Cách làm bánh rán của Đôrêmon nhân đậu xanh và bí đỏ Chắc hẳn các bạn không quên bộ truyện thiếu nhi Đô rê mon nổi tiếng của Nhật Bản. Nhân vật chính cảu cúng ta- chú mèo máy rất thích 1 loại bánh có tên là " bánh rán". Sau đây chúng ta sẽ cùng làm loại bánh này để nhâm nhi thưởng thức trong khi đọc truyện nhé. cach lam banh ran doremon...