Xe chở Bộ trưởng Đinh La Thăng gặp tai nạn
Chiếc xe Toyota Land Cruiser V8 chở Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khi đang đi công tác tại tỉnh Ninh Bình đã bị một chiếc ô tô đâm móp bên sườn. Bộ trưởng Đinh La Thăng và những người trên xe đều bình an vô sự.
Chiều 9-4, ông Nguyễn Văn Công – Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải – xác nhận, trong chuyến công tác tại tỉnh Ninh Bình, chiếc xe chở Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bị một ôtô khác đâm.
Chiếc xe chở Bộ trưởng Đinh La Thăng bị đâm móp phía bên sườn trái
Theo ông Công, vụ tai nạn xảy ra xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua. “Nghe nói chiếc xe đó bẹp rúm và lái xe xin nên Bộ trưởng không yêu cầu xử phạt hay bồi thường”, ông Công nói.
Chiếc xe chở Bộ trưởng Đinh La Thăng gặp tai nạn là loại xe Toyota Land Cruiser V8 màu đen, mang biển 80A-014… Sau khi bị nạn, chiếc xe đã được đưa về một garare ôtô tại Hà Nội để sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Công cho biết, theo đánh giá ban đầu chiếc xe ước bị thiệt hại khoảng 30 triệu đồng.
Video đang HOT
Cũng theo ông Công, chiếc xe trên do một công ty cổ phần thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (mua với giá hơn 2,6 tỉ đồng) tặng Bộ GTVT và hiện xe được đăng ký đứng tên chủ sở hữu là Bộ GTVT. “Việc tặng xe đều có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ và được Bộ Tài chính chấp thuận”, ông Công cho biết.
Được biết, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng hiện còn là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Theo NLD
'Thu phí lưu hành xe để đảm bảo công bằng xã hội'
Trao đổi với báo chí chiều 3/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, người đi xe máy, ôtô phải cùng nhà nước xây dựng hạ tầng, người nghèo đi phương tiện công cộng thì không phải đóng góp.
Theo Bộ trưởng Thăng, biện pháp thu phí lưu hành phương tiện và thu phí vào trung tâm thành phố là một trong những giải pháp giải quyết ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông và nhằm có nguồn đầu tư hạ tầng bởi quỹ bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng được 75% nguồn bảo trì đường.
Hiện nay, các nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Singapore đều thu phí lưu thông vào giờ cao điểm, như Anh thu 8 bảng khi lưu thông trung tâm thành phố giờ cao điểm. Loại phí này đều được nộp vào ngân sách nhà nước để chi cho hạ tầng giao thông và kiềm chế ùn tắc.
Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà
Bộ trưởng Thăng cho rằng đây còn là giải pháp "đảm bảo công bằng xã hội", vì người đi xe máy, ôtô phải cùng nhà nước xây dựng hạ tầng, người nghèo đi phương tiện công cộng thì không phải đóng góp. Với mức đóng xe máy là 500.000 đồng một năm thì mỗi tháng người dân phải nộp chưa đến 50.000 đồng là hợp lý.
"Thu phí là góp phần chống ùn tắc, một phần để đầu tư hạ tầng và giảm thiểu tác động môi trường. Vì mang lại lợi ích chung của cả đất nước thì không lẽ gì mọi người không chấp hành, tôi tin như vậy", Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, về phương án thu phí lưu hành, Cục đăng kiểm sẽ thu phí ôtô các loại, còn xe máy sẽ do phường xã thu. Với phí lưu hành vào giờ cao điểm sẽ do các thành phố lớn quyết định mức và biện pháp thu.
"Tôi không thể khẳng định các biện pháp này giải quyết được hết tai nạn và ùn tắc mà chỉ góp phần giảm thiểu. Khi cuộc sống còn phát triển thì còn tai nạn, những nước tiên tiến như Mỹ cũng chưa bao giờ khẳng định hết tai nạn, ùn tắc. Quan điểm của tôi là phải thực hiện các biện pháp khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Đường phố Hà Nội thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc. Ảnh: Tiến Dũng.
Trước đó ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Theo đó, cả ôtô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí gọi là "phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ". Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) mỗi năm phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và một triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.
Ngoài thu phí lưu hành, Bộ cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h hằng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe buýt. Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng một lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.
Theo VNExpress