Xe cấp cứu 2 bánh có khả thi?
Ngành y tế TP.HCM kỳ vọng xe cấp cứu 2 bánh sẽ đưa bác sĩ đến cứu bệnh nhân với thời gian nhanh nhất trong bối cảnh tắc đường, kẹt xe thường xuyên như hiện nay.
Xe cấp cứu giữa dòng người trên đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1, TP.HCM) – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Thế nhưng, mô hình này cần thêm nhiều yếu tố mới hy vọng hiệu quả.
Ngày 7.11, Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế TP.HCM thẩm định mô hình “ xe cấp cứu 2 bánh ngoại viện” của Bệnh viện (BV) đa khoa Sài Gòn và đồng ý cho 2 xe hoạt động thí điểm ngay.
Tiếp cận bệnh nhân nhanh
Bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, cho biết thực tế xe cấp cứu hiện nay tiếp cận hiện trường mất thời gian khá lâu do kẹt đường trong lúc di chuyển. Bên cạnh đó, địa bàn dân cư có nhiều ngõ ngách sâu, xe cấp cứu cũng khó tiếp cận.
“Ở góc độ chuyên môn, sử dụng xe 2 bánh cấp cứu để đi vào giờ cao điểm hoặc đến nhà những bệnh nhân (BN) gần BV là rất tốt, giúp tận dụng thời gian vàng cho BN đột quỵ, nhồi máu cơ tim… cần sơ cấp cứu ban đầu. Vì nếu mất nhiều thời gian thì bệnh nhân sẽ mất cơ hội cứu sống. Ví dụ, bệnh nhân đột quỵ não nếu quá 5 phút không được cấp cứu thì sẽ chết não. Đó là lý do hàng đầu BV mạnh dạn xin Sở Y tế TP làm thí điểm xe cấp cứu 2 bánh”, BS Vui nói.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết yêu cầu ưu tiên số 1 của cấp cứu ngoại viện là nhân viên y tế phải tiếp cận BN càng nhanh càng tốt để kịp thời can thiệp tại chỗ, chứ không phải vận chuyển BN càng nhanh càng tốt.
“Sở Y tế triển khai thí điểm loại hình xe cấp cứu 2 bánh với mong muốn đội cấp cứu sẽ tiếp cận BN nhanh hơn, sau đó xe cứu thương sẽ đến để vận chuyển BN về BV nếu có chỉ định. Sau 2 tuần thí điểm, BV đánh giá, góp ý để hoàn thành quy trình vận hành xe 2 bánh. Nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình ở khu vực đông dân cư”, PGS-TS Thượng nói.
Theo BS Vui, đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu của BV gồm 6 BS và 12 điều dưỡng luân phiên đã được đào tạo, tập huấn về cấp cứu ban đầu tại BV.
“Chúng tôi đặt yêu cầu cao cho y BS thực hiện nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện, ngoài được trang bị bảo hộ khi đi xe thì việc giao tiếp phải nhẹ nhàng, chuyên môn phải đảm bảo, làm hết tinh thần trách nhiệm. Mặc dù biết khi người dân gọi cấp cứu đến nhà thì cũng không đến nỗi hành hung nhân viên y tế, nếu có thì rất ít, tuy nhiên, tất cả cần phải phòng ngừa”, BS Vui nói.
Nhân viên cấp cứu bằng xe 2 bánh vừa hoàn thành ca cấp cứu đầu tiên ngày 7.11 và bàn giao cho xe cấp cứu 4 bánh đến chuyển viện – ẢNH: DUY TÍNH
Cũng theo BS Vui, xe cấp cứu 2 bánh sử dụng dòng xe tay ga gọn nhẹ, từ 110 – 125 phân khối, dễ sử dụng cho cả nam và nữ. Xe sơn trắng, có 3 túi đồ đặt 2 bên hông và phía sau, có logo Trung tâm cấp cứu 115, nhân viên mang trang phục cấp cứu 115… Trong 3 túi đồ có đầy đủ trang thiết bị y tế, máy chống sốc, máy đo điện tim, bộ cấp cứu ban đầu.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, trên xe không có còi hụ hay đèn chớp ưu tiên, khi lưu thông vẫn phải theo đúng luật giao thông. Sau khi thí điểm thành công, BV sẽ kiến nghị Sở xin phép các cơ quan chức năng cho xe cấp cứu 2 bánh được các quyền ưu tiên như xe cấp cứu truyền thống hiện hành”, BS Vui chia sẻ.
Về chi phí cấp cứu bằng xe 2 bánh, theo BS Vui, một lần đến nhà cấp cứu bệnh nhân sẽ áp dụng như một lần khám dịch vụ ngoại viện, giá khám là 500.000 đồng. Giá vật tư y tế, thuốc sẽ được tính theo giá quy định của Bộ Y tế. Còn giá xe di chuyển có thể tính như giá xe 2 bánh công nghệ. “Hiện nay giá khám, thuốc, vật tư cấp cứu ngoại viện chưa được bảo hiểm y tế thanh toán”, BS Vui nói.
Cần tránh “vết xe đổ”
TP.HCM không phải bây giờ mới thí điểm xe 2 bánh cấp cứu. Trước đó, TP và cả Hà Nội đã làm nhưng… thất bại, với những bài học mà TP.HCM không thể không lưu tâm.
“Ngay từ khi công tác tại BV của TP.Hà Nội, thường xuyên tham gia công tác cấp cứu ngoại viện, khoảng năm 2010 tôi có tham gia triển khai mô hình cấp cứu bằng mô tô cho Trung tâm cấp cứu 115 của TP. Tuy nhiên, khi đó phương tiện cấp cứu này đã thất bại do không được người dân chấp nhận”, BS Nguyễn Thành, Giám đốc 115 Hà Nội, chia sẻ và cho biết lý do không chấp nhận chủ yếu là người dân thiếu tin tưởng.
“Nhiều người nhà BN khi gọi cấp cứu, thấy nhân viên y tế đi mô tô cấp cứu tới thì mắng xối xả, kiểu: Chúng tôi cần xe đưa người đến BV chứ không phải cái xe chở BS đến đây”, BS Thành nhớ lại.
Tại TP.HCM, Công ty TNHH Vạn Khang SOS là đơn vị đầu tiên trong việc hình thành nên ý tưởng cấp cứu bằng xe 2 bánh trong bối cảnh kẹt xe. Năm 2016, công ty ra mắt mô hình này với đội cấp cứu 5 xe 2 bánh. Tuy nhiên, sau hơn một năm thì mô hình tạm dừng vì chỉ có vài chục người sử dụng. Nguyên do, lãnh đạo công ty này cho biết người dân vẫn quen với việc đi xe cấp cứu truyền thống để vào viện, nếu đi xe 2 bánh tới rồi sau đó đi xe ô tô cấp cứu tới nữa thì sẽ tốn thêm chi phí…
BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, đơn vị phối hợp thực hiện thí điểm cấp cứu bằng xe 2 bánh với BV đa khoa Sài Gòn, cho biết để tránh những “vết xe đổ” trước đây, đầu tiên cần xác lập nhu cầu BN cần gì khi gọi cấp cứu để được tư vấn, bởi mục tiêu chính là làm sao để người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế nhanh nhất, an toàn, hiệu quả nhất.
“Từ trước đến nay người dân chỉ biết cấp cứu là có xe cứu thương, nên việc cho ra đời một phương tiện cấp cứu khác thì họ sẽ đặt câu hỏi liệu có hiệu quả không? Trang thiết bị dụng cụ có bằng xe cứu thương? Do vậy, cần nói rõ để người dân hiểu. Đó là nhiệm vụ của bộ phận tiếp nhận thông tin (trực tổng đài) và nhóm y BS thực hiện. Bước đầu tiên là hỏi sức khỏe người cần cấp cứu, địa chỉ ở đâu? Hỏi khu vực đó có lễ hội, xe 4 bánh vào có được hay không? Và cũng phải nói rõ (nếu đi xe máy) nhân viên y tế sẽ đến bằng xe 2 bánh để đảm bảo việc tiếp cận nhanh BN, đảm bảo sức khỏe và xe cứu thương sẽ đến khi cần vận chuyển BN. Phải rõ ràng ngay từ đầu để người dân dễ chấp nhận chứ không phải để người dân có cảm giác hụt hẫng khi bỗng nhiên thấy xe máy chở nhân viên y tế xuất hiện”, BS Long đưa giải pháp.
Ngoài ra, BS Long cho rằng còn nhiều vấn đề trong quy trình phải hoàn thiện sau 2 tuần thí điểm. Ví dụ, xe 2 bánh đến cấp cứu BN, BN khỏe lại thì thu phí và nhân viên y tế đi về. Sau đó nếu cần xe cấp cứu đến thì thu tiền ra sao? Phải làm rõ để người dân hài lòng, yên tâm.
“Hy vọng từ chỉ đạo của Sở Y tế, điều phối của Trung tâm cấp cứu 115 và sự tham gia đồng bộ của toàn hệ thống cấp cứu thì mô hình sẽ thành công”, BS Long nói.
Mất hơn nửa tiếng cho quãng đường hơn 1 km
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, do không có còi, đèn ưu tiên, không có quyền chạy ưu tiên như xe cấp cứu 4 bánh, nên xe cấp cứu 2 bánh di chuyển thiếu hiệu quả.
Cụ thể, khoảng 17 giờ 30 hôm qua, 2 xe cấp cứu 2 bánh lưu thông trên đường Lê Lai đoạn giao với Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1, TP.HCM) phải len lỏi, nhích từng chút một giữa dòng xe ken đặc. Nhiều người dân “vượt mặt”, quyết không chịu nhường cho xe cấp cứu.
Tại khu vực đèn đỏ, nhiều người điều khiển xe máy chen lấn để vượt lên chắn trước xe cấp cứu. Để qua khu vực giao lộ, xe cấp cứu bấm còi xin đường nhưng nhiều người phớt lờ khiến chiếc xe mất một khoảng thời gian rất lâu mới tiếp tục lưu thông đến nơi BN đang chờ. Chỉ một quãng đường hơn 1 km từ BV đa khoa Sài Gòn đến đường Phạm Ngũ Lão (Q.1), 2 chiếc xe phải mất nửa tiếng đồng hồ mới thoát ra khỏi dòng xe tranh giành đường để tiếp tục hành trình đến cấp cứu BN.
Ngọc Dương
Ý KIẾN
Người dân mong gì khi gọi cấp cứu ?
“Khi gọi cấp cứu 115, điều tôi mong muốn đầu tiên là nhân viên tiếp nhận cấp cứu có thể hướng dẫn cho mình cách sơ cứu nhanh ngay cho tình huống đang gặp, tiếp đó là xe cấp cứu, y BS tới thật nhanh để chuyển người đi BV. Tuy nhiên, với tình hình kẹt xe như hiện nay, có thể cho nhân viên y tế chạy xe máy tới trước, sơ cấp cứu xong thì xe cấp cứu 4 bánh đến chuyển viện. Tôi được biết TP đã có nhiều trạm cấp cứu, nên trạm cấp cứu đến nhà dân sẽ không quá xa. Do vậy, ngoài chi phí thuốc men, công khám thì giá xe vận chuyển đi BV (từ nhà dân đến BV) nên tính rẻ hơn giá xe công nghệ hoặc đưa ra gói cước cố định như một lần xe đến nhà cấp cứu là 50.000 đồng, vì đây cũng là vấn đề an sinh xã hội. Lần đi xe máy không tính cước vì chi phí đã tính vào công khám. Nếu lấy 2 lần cước xe, người dân sẽ không hài lòng”.
Chị Nguyễn Việt Phương Dung (Q.Tân Bình, TP.HCM)
“Khi gọi cấp cứu, tôi mong muốn BS đến nhà nhanh nhất và cấp cứu hiệu quả, còn đi bằng phương tiện gì thì không quan trọng. Nhưng nếu đi xe máy đến nhà cấp cứu trước rồi xe cấp cứu 4 bánh chuyển viện sau (nếu cần thiết) thì xe máy có mang theo được đồ, thuốc, thiết bị y tế để giải quyết được tình trạng BN cần cấp cứu không? Tôi nghĩ nếu xe máy mang được đồ như xe cấp cứu thì nên cho gắn còi hụ như xe cấp cứu 4 bánh hoặc như xe cảnh sát, xe có dấu hiệu đặc trưng riêng… và được quyền ưu tiên mới hy vọng chạy nhanh nhất đến nơi người bệnh”.
Chị Hoàng Thị Bích Hạnh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Cấp cứu bằng xe hai bánh khá mới mẻ, gia đình tôi chưa từng sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, với thực tế tắc đường như ở nội thành Hà Nội hay TP.HCM thì đó cũng là giải pháp để nhân viên y tế làm công tác cấp cứu tiếp cận nhanh với địa chỉ yêu cầu. Theo tôi, không phải tình huống cấp cứu nào cũng cần phải vận chuyển đến BV, hoặc trong tình huống cần thì đội cấp cứu bằng xe hai bánh đến trước xử trí nhanh, còn ô tô vận chuyển cấp cứu đến hỗ trợ ngay sau đó.
Tuy nhiên, để người dân tin cậy thì cơ quan y tế cần giúp cho người dân hiểu và an tâm với phương tiện cấp cứu bằng xe 2 bánh, có thể thông tin trên website, trên mạng xã hội, hay phát tờ rơi đến các tổ dân phố để cung cấp các thông tin cơ bản về hình thức cấp cứu này. Vì dù sao về hình thức thì xe 2 bánh trông có vẻ đơn giản, “thô sơ” hơn ô tô, tạo tâm lý chưa an tâm lắm. Và thực tế trong cộng việc, dù bằng xe 2 bánh hay ô tô thì nhân viên y tế làm cấp cứu cũng cần được trang bị về thiết bị, thuốc, đảm bảo đủ điều kiện xử trí nhanh, đạt yêu cầu chuyên môn an toàn cho người cần cấp cứu.
Ông Hoàng Đức Minh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội)
Duy Tính – Liên Châu (ghi)
“Sở Y tế triển khai thí điểm loại hình xe cấp cứu 2 bánh với mong muốn đội cấp cứu sẽ tiếp cận bệnh nhân nhanh hơn, sau đó xe cứu thương sẽ đến để vận chuyển bệnh nhân về bệnh viện nếu có chỉ định”
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP
“Từ trước đến nay người dân chỉ biết cấp cứu là có xe cứu thương, nên việc cho ra đời một phương tiện cấp cứu khác thì họ sẽ đặt câu hỏi liệu có hiệu quả không? Trang thiết bị dụng cụ có bằng xe cứu thương? Do vậy, cần nói rõ để người dân hiểu”
BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM
Theo thanhnien
TP.HCM thí điểm xe cấp cứu 2 bánh
Sở Y tế TP.HCM đã có chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm xe cấp cứu 2 bánh tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sài Gòn (Q.1).
Dich vụ xe cấp cứu 2 bánh tại TP.HCM - DUY TÍNH
Ngày 7.10, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã có chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm xe cấp cứu 2 bánh tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sài Gòn (Q.1), sau khi các đơn vị đề xuất.
Theo đó, BVĐK Sài Gòn, Trung tâm cấp cứu 115, Phòng Nghiệp vụ y thuộc Sở nghiên cứu và triển khai thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên địa bàn Q.1 trong các tình huống: cấp cứu người dân trong các lễ hội đông người mà xe cứu thương khó tiếp cận hiện trường, tắc đường, các tình huống tại nhà dân trong hẻm nhỏ để đưa đến BV.
Xe cứu thương 2 bánh có động cơ 110 - 125 phân khối, màu trắng, được trang bị túi chứa thuốc, dụng cụ cấp cứu... ở phía sau và 2 bên xe.
Lãnh đạo Sở Y tế giao BVĐK Sài Gòn và Trung tâm cấp cứu 115 xây dựng danh mục thuốc, trang thiết bị cấp cứu cho xe cứu thương 2 bánh; xây dựng quy định sử dụng xe cấp cứu 2 bánh báo cáo về Phòng Nghiệp vụ y xem xét phê duyệt.
PGS-TS Thượng cho biết thêm, mô hình xe cấp cứu 2 bánh trên thế giới đã có. Tại TP.HCM, trong các tình huống hẻm nhỏ, kẹt xe... có người cần cấp cứu thì lực lượng cấp cứu phải đến hiện trường nhanh, quan trọng nhất là sơ cấp cứu ban đầu thì xe cấp cứu 2 bánh cũng là một phương án lựa chọn.
Dự kiến mô hình sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 11.2018 và đi vào hoạt động thí điểm. Sau đó ngành y tế sẽ đánh giá và nhân rộng nếu có kết quả tốt.
Theo thanhnien
Gãy đốt sống cổ vì vấp phải... chó cưng! Bị vấp phải chú chó nuôi trong nhà vào ban đêm và té lao xuống cầu thang, nạn nhân bị gãy một đốt sống cổ và suýt bị liệt. Cô Bexx Hunt và chú chó cưng mà cô đã vấp phải - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FOX NEWS Cô Bexx Hunt (28 tuổi, sống ở thị trấn Bury St Edmunds, hạt Suffolk, Anh)...