“Xe buýt một năm được trợ giá 1.400 tỉ đồng là quá sang!”
Trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành giao thông thành phố, các đại biểu HĐND TPHCM cho rằng năm 2013, xe buýt được trợ giá tới 1.400 tỉ đồng là quá sang, nhưng chất lượng thì chưa tương xứng.
Kỳ họp HĐND TPHCM thứ 12 khóa VIII dành nhiều thời gian chất vấn ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT và ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TPHCM. Những vấn đề mà các kỳ họp hội đồng đều quan tâm, mổ xẻ này được chất vấn một cách quyết liệt hơn, bởi 10 năm qua, xe buýt, ngập nước chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Trợ giá xe buýt: Quá sang!
Về vấn đề xe buýt, nóng hổi vẫn là chuyện trợ giá, văn hóa ứng xử của nhân viên nhà xe và nên hay không nên quảng cáo trên loại hình phương tiện này.
Đại biểu Võ Văn Sen thốt lên: “Năm năm qua, thành phố trợ giá hơn 4.300 tỉ đồng cho xe buýt, riêng năm 2013 là 1.400 tỉ đồng thì quá sang. Như vậy, mỗi năm TP chi 7% ngân sách cho trợ giá xe buýt. Với hiệu quả đem lại hạn chế như hiện nay, việc trợ giá này có quá lãng phí không? Cần xác định rõ mức tối đa sử dụng ngân sách là bao nhiêu phần trăm? Chúng ta trợ giá đến ngưỡng nào? Đến mức nào thì chúng ta dừng? Chúng ta phải có lộ trình chứ không phải đụng đâu làm đó, tới đâu hay tới đó?”.
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TPHCM trả lời chất vấn
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết thì khẳng định trợ giá xe buýt trong 10 năm qua có hiệu quả nhưng không đạt. Thái độ phục vụ, giờ giấc trên xe buýt lúc chậm lúc nhanh. Có tuyến chẳng có hành khách, tuyến thì chật ních. “Ra đường, xe buýt là xe vua. Người dân ai cũng không dám đi, còn thấy thì khiếp vía. Trong 2 năm tới, Sở GTVT có kế hoạch gì để chấn chỉnh không?”, đại biểu Tuyết nói.
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa thì cho biết, thời gian qua, có tình trạng vé thật nhưng khách ảo. “Mục đích xe buýt là hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tiền vé ngày càng tăng dù trợ giá. Sở có kế hoạch làm mới như thế nào để tránh xe buýt gây ô nhiễm môi trường?”, đại biểu này chất vấn.
Trả lời thắc mắc của đại biểu, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT cho biết, để thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng mà nếu giá vé quá cao thì dân sẽ không kham nổi nên cần phải trợ giá cho hoạt động xe buýt. “Trợ giá này là cho phần chênh lệch do chi phí nhân công lao động, nhiên liệu tăng nhưng giá xe buýt vẫn không tăng”, ông Tất Thành Cang giải thích. Trong 10 năm, lượng khách đi xe buýt đã tăng từ 32 triệu lượt khách năm 2002, đến năm 2013 phát triển gần 400 triệu lượt khách/năm. Nếu hàng triệu lượt người này không đi xe buýt sẽ tương ứng có hơn 500.000 xe máy lưu thông mỗi ngày và theo tính toán của giới khoa học sẽ gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng/năm do ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… nên tôi cho rằng hoạt động xe buýt khá hiệu quả!”, ông Tất Thành Cang khẳng định. Tuy nhiên, ông Cang cũng thừa nhận có lãng phí về trợ giá do luồng tuyến phân bổ chưa hợp lý, lãng phí trong quản lý…
Ông Tất Thành Cang cũng trả lời câu hỏi về thời gian trợ giá đến bao lâu của đại biểu Võ Văn Sen: “Đến năm 2015 và có thể là 2020, chắc chắn chúng ta vẫn cần trợ giá để đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách công cộng”, ông Cang nói.
Video đang HOT
Xe buýt chưa lấy được lòng tin ở người dân
Về việc quảng cáo trên xe buýt, ông Tất Thành Cang cho biết chỉ đem lại nguồn thu 10% trên tổng mức trợ giá. Hơn nữa, đây là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau và vì thuần phong mỹ tục nên chưa đưa vào thí điểm được.
Điều hành kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, so với những con số của các nước khác trên thế giới mà Giám đốc Sở GTVT đưa ra thì TPHCM trợ giá xe buýt với số tiền cao nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Sở GTVT cần phải sớm khắc phục tình trạng này để làm sao chất lượng phục vụ xe buýt nâng cao và nhiều người dân quan tâm đến loại hình phương tiện giao thông này.
Vỡ đê bao ở Thủ Đức khiến cuộc sống người dân đảo lộn
Ngập sâu do triều cường liên tục lập đỉnh mới
Vấn đề triều cường, ngập nặng, vỡ đê bao… ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống, kinh tế của người dân cũng được đưa lên bàn nghị sự.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP cho biết, năm 2013, TPHCM xóa 9 điểm ngập nhưng lại phát sinh 12 điểm ngập mới. Việc kiểm tra chất lượng xây dựng công trình chống ngập là một trong 6 chương trình đột phá của TP và được Trung tâm tiến hành thường xuyên.
Về vấn đề xóa điểm ngập, phát sinh điểm mới, đại biểu Võ Văn Sen cáo buộc: “Số điểm ngập phát sinh nhiều hơn điểm đã xử lý thì có thể nói chương trình xóa ngập trong năm qua không hiệu quả”.
Các đại biểu chất vấn “quyết liệt” tại nghị trường nhưng chưa thỏa mãn với trả lời của các lãnh đạo Sở, ngành
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự bức xúc về việc bờ bao tại P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) nhiều lần vỡ nhưng không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm và xử lý dứt điểm. Ông Công cho rằng, vỡ đề bao này nguyên nhân do triều cường sông Sài Gòn lên cao quá. “Mấy năm trước, từ 1960 – 2007, đỉnh triều ổn định ở 1,5m. Từ 2007-2008, đỉnh triều lên 1,55m. Năm nay, đỉnh triều là 1,61m. Trong tháng 10/2013, đỉnh triều lá 1,68m nên gây vỡ đê bao”, ông Công nói.
Tóm lại phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu và lãnh đạo trung tâm chống ngập, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Phần trả lời chất vấn của Trung tâm chống ngập chưa rõ ràng”. Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu lãnh đạo Trung tâm chống ngập phải khẩn trương có những biện pháp cụ thể, hành động ngay để khống chế triều cường, không để xảy ra vỡ đê bao nhắm ổn định cuộc sống và đảm bảo không thiệt hại kinh tế của người dân.
Công Quang
Theo Dantri
Người trồng mai Tết nguy cơ trắng tay vì triều cuờng
Hàng chục hộ dân trồng mai tại khu vực vùng ven thành phố đang đứng truy nguy cơ một vụ mùa trắng tay vì bờ bao bị vỡ gây ngập nặng. Hàng ngàn gốc mai phục vụ Tết đang bung hoa sớm, bị thối rễ, rụng lá hoặc có dấu hiệu "câm nụ" không nở.
Vườn mai đang bị ảnh hưởng vì đợt vỡ bờ bao vừa qua
Thời điểm Tết Giáp Ngọ sắp đến nhưng các hộ dân trồng mai tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM) đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì đợt triều cường xảy ra vào đêm ngày 4/12 làm bờ bao bị vỡ khiến nước ồ ạt tràn vào gây ngập nặng. Hàng ngàn gốc mai phục vụ Tết bị nhấn chìm, dù cố gắng nhưng người dân nơi đây cũng chỉ kịp thời cứu được số ít mai thoát khỏi thuỷ thần.
Anh Nguyễn Văn Chí Công (38 tuổi, ngụ khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức) có vườn mai với 1.500 gốc lớn nhỏ trị giá hàng tỷ đồng cho biết: "Chỉ hơn 20 ngày nữa là xuất bán, nhưng nước tràn vào rồi, chuyển qua chuyển lại cây rụng lá là hoa nở ngay, không kịp Tết nữa rồi. Kiểu này chắc năm nay gia đình tôi mất mùa, trắng tay rồi".
Nước vẫn đang bủa vây vườn mai của anh Công
Anh Công đang kiểm tra một chậu mai
Cũng theo anh Công, do bị ngập nước nên nhiều gốc mai bị thối rễ, một số khác lá đã rụng. Trong khi đó, cũng do nước ngập nên rất nhiều gốc mai đã trổ bông sớm. "Mong sao trời đừng nắng, chứ nắng mà mai kiểng bị ngâm nước suốt 2 ngày giờ nắng nữa là sẽ rụng hết lá rồi chết. Bây giờ chỉ mong cứu được cây nào thì hay cây ấy chứ cái kiểu này thì chỉ biết cầu trời mà thôi" - Anh Công buồn bã tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (36 tuổi, vợ anh Công) chia sẻ, vườn mai của gia đình chị có chậu mai gia cao nhất lên tới 200 triệu đồng, cây thấp nhất cũng cũng vào khoảng 3 triệu đồng. Nếu là mai cho thuê vào dịp Tết cũng có giá hàng chục triệu đồng. Vụ vỡ bờ bao vừa rồi vườn mai của gia đình Hạnh bị nhấn chìm trong biển nước, có khoảng 20 cây mai non bị chết. Nhiều cây hiện tại dang rụng lá và nở hoa sớm. "Hiện chưa thống kê được thiệt hại vì có cây chưa có biểu hiện nhưng chắc chắn vụ mai năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn khi số tiền đầu tư vào đây quá lớn" - Chị Hạnh khẳng định.
Một nông dân đang cố cứu lại gốc mai bị nước triều cường làm hỏng
Một nông dân trồng mai khác là gia đình anh Hoàng, đợt vỡ bờ bao vừa rồi, vườn mai gồm hơn 500 gốc của anh Hoàng cũng bị nước bao phủ. "Gia đình tôi đầu tư vào vườn mai này cả trăm triệu đồng tiền chăm sóc vườn mai nhưng giờ mai bị ngập nước đã bắt đầu héo lá, thối rễ, có khả năng vụ mùa năm náy sẽ mất trắng. Bao nhiêu mồ hôi công sức dồn vào đó giờ đành bất lực nhìn nó trôi đi" - Anh Hoàng than thở.
Ngay sau khi xảy ra vụ bể bờ bao, gia đình anh Hoàng cũng đã huy động nhiều người thân giúp di chuyển một số gốc mai đến nơi khô ráo với hy vọng sẽ vớt vát được cây nào hay cây đó. Nhưng do hầu hết gốc mai, vật dụng đã bị ngâm nước quá lâu nên khó cứu vãn. Tương tự, hàng chục hộ dân trồng mai ở đây đều đang "ngồi trên lửa" trước tình trạng mai Tết bị ngập úng và có dấu hiệu nở sớm trước Tết.
Các gốc mai trị giá tiền triệu bị rụng sạch lá
Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các vườn mai, vụ vờ bờ bao vừa rồi còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Điển hình là khu ao nuôi các loại cá tai tượng, các tra, rô phi của ông Lê Hòa Đức cũng bị nước cuốn trôi sạch. Thiệt hại ước tính gần 500 triệu đồng. "Do triều cường ập vào nhanh quá, nước vào cuốn trôi tất cả cá trong ao đi nơi khác không thể thu hoạch kịp" - Ông Đức nói.
Triều cường lịch sử làm vỡ bờ bao khiến hơn 200 hộ dân ở phường Hiệp Bình Chánh không kịp trở tay, nhà cửa nhấn chìm trong nước. Mọi người phải chèo ghe di tản. Hiện nay, việc thu dọn nhà cửa bị ẩm ướt vẫn chưa xong.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến Tết âm lịch sẽ còn bốn đợt triều cường, trong đó, có những đợt có thể vượt mức báo động 3 và khả năng gây vỡ bờ bao, tràn bờ còn phức tạp hơn. Các địa phương cần lưu ý gia cố bờ bao kiên cố để hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra.
Trung Kiên
Theo Dantri
Vụ vỡ bờ bao: Nông dân có nguy cơ mất trắng hàng tỉ đồng Những người nông dân sống bằng nghề trông mai kiểng, hoa màu ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đang có nguy cơ mất hàng tỉ đồng từ vụ vỡ bờ bao vào đêm ngày 4.12 trong đợt triều cường lịch sử. Qua những con đường còn ngập nước ở đường số 42, khu phố 8, phường Hiệp Bình chánh, chúng tôi...