Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới: Sẽ vay vốn nước ngoài?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, VTV đã tính đến phương án vay nợ nước ngoài. Do đó, nhiệm vụ huy động tài chính cho dự án này không phải là “vấn đề khó khăn, bất khả thi”.
Tháp truyền hình Tokyo Sky Tree cao 634m.
Trao đổi với PV Dân trí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đang tính đến khả năng vay vốn nước ngoài để đầu tư xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636m).
Chủ trương hợp tác đầu tư xây dựng dự án Tháp Truyền hình Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thông qua.
Thủ tướng đồng ý cho VTV phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án. VTV lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.
Mới đây, VTV, SCIC và đối tác thứ 3 là Tập đoàn BRG (một tập đoàn tư nhân chuyên đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực sân golf và tài chính – ngân hàng) đã ký thỏa thuận hợp tác để đầu tư xây dựng dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, các tổ chức này sẽ góp vốn thành lập một công ty cổ phần để chịu trách nhiệm, tiến tới lập dự án tiền khả thi, chọn nhà thầu thi công…
Bộ trưởng Nên dẫn lời Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cho biết, VTV “không ngại” về vấn đề vốn xây dựng, “vì chỉ cần một số vốn cần thiết ban đầu sẽ tiến hành và có thể vay vốn nước ngoài để tiếp tục triển khai”. Theo đó, “đây không phải là vấn đề khó khăn, bất khả thi”. Hoạt động vay vốn này sẽ được công ty cổ phần do VTV, SCIC và BRG lập ra thực hiện, Chính phủ không tham gia.
Video đang HOT
Hiện tại, 3 tổ chức trên vẫn chưa đặt ra vấn đề tỉ lệ góp vốn của tư nhân bao nhiêu phần trăm và công việc này sẽ do VTV chủ trì. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Nên thì “nếu có nhà đầu tư nước ngoài sẽ là một điều tốt, vì họ có kinh nghiệm, khả năng quản lý và có thể thu hút thêm được những dòng du khách tiềm năng”.
Qua trao đổi, Bộ trưởng Nên cũng cho rằng, những bàn luận hiện tại mới chỉ đang đi sâu về việc chưa cần thiết phải thực hiện dự án này trong khi điều kiện đất nước khó khăn. Tuy nhiên, xét về tâm lý, “ai cũng muốn trong quá trình xây dựng phát triển, đất nước có một công trình quy mô để tự hào”.
Theo đó, dự án này không đơn thuần chỉ là một trụ tháp để dùng riêng cho truyền hình mà còn là “điểm nhấn của đô thị, là trung tâm thu hút du lịch, du khách, tạo nên sự lan tỏa về kinh tế dịch vụ cho khu vực xung quanh”. Hơn hết, với nhiều nước, tháp truyền hình còn là biểu tượng của đất nước. Do vậy, ông cho rằng, “nên ủng hộ dự án này”.
Cũng theo Bộ trưởng Nên, chủ trương xây tháp truyền hình đã được đặt ra từ năm 1995 (thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) song lúc đó không có điều kiện tài chính để thực hiện. Sau 20 năm, theo Bộ trưởng Nên, việc độ cao của tháp được đẩy lên và cao hơn các dự án khác 1-2m là bình thường.
Với độ cao dự kiến là 636m, Tháp Truyền hình Việt Nam sau khi xây dựng sẽ cao hơn tháp Sky Tree ở Tokyo – Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu – Trung Quốc (600m).
Bích Diệp
Theo Dantri
Đánh thắng cả 2 đế quốc, sợ gì không dám xây tháp cao chọc trời?
Hà Nội đang cần một cục nam châm để thu hút những dịch vụ hiện đại, thậm chí là xa xỉ vốn rất cần thiết cho một đô thị văn minh, tạo nhiều công ăn việc làm
Liên quan đến dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636m) do VTV đề xuất, một độc giả có tên Chung Nguyên đã gửi thư tới VietQ.vn và đưa ra một số phân tích, ủng hộ việc xây tháp truyền hình này.
VietQ.vn xin đăng nội dung ý kiến:
"Tháp VTV là do các nhà đầu tư góp tiền lại xây rồi kiếm lời bằng cách khai thác, bán cổ phần, chứ Chính phủ không bỏ tiền ra xây. Do đó, lo ngại chúng ta phải đi vay mượn, sử dụng ngân sách Nhà nước có thể bỏ qua. Thêm nữa, những nhà đầu tư bỏ ra gần tỉ đô la vào dự án thì chắc chắn họ phải cực kỳ thông thái trong việc tìm cách khai thác, thu hồi vốn.
Phác thảo mô hình tháp truyền hình VN - Ảnh: VTV
Truyền hình analog sẽ bị "khai tử", tức là sẽ không nước nào (trừ Việt Nam) còn tiếp tục xây tháp truyền hình chọc trời. Tức là nếu xây, nó sẽ vĩnh viễn là toà tháp truyền hình cao nhất thế giới. Doanh thu từ dịch vụ du lịch, giải trí của toà tháp truyền hình vĩnh viễn cao nhất thế gian, nếu có thể sinh lời lớn, thì liệu công dụng truyền hình có còn thực sự quan trọng?
Người Ý có còn gõ chuông trên tháp Pisa không? Tại sao họ không phá luôn nó đi? Cả gia tộc Sa Hoàng đã bị "xoá sổ", vậy người Nga cố giữ Cung điện Mùa Đông để làm gì?
Trồng lúa không nhất thiết phải lấy lúa đó ăn, nếu đem lúa đó nuôi gà mà lãi hơn, thì hãy nuôi gà rồi lấy tiền mua gạo ngon nhất mà ăn.
Đất nước cần thêm những công trình thế kỷ, nếu không xây bây giờ, thì khi nào xây? Khi cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, dân cư đã đông đúc thì đập bỏ, giải toả để xây chăng?
Cần một cục nam châm để thu hút những dịch vụ hiện đại thậm chí là xa xỉ vốn rất cần thiết cho một đô thị văn minh, tạo nhiều công ăn việc làm. Một công trình chọc trời chính là trung tâm, trái tim của một thành phố lớn, luôn luôn là thế. Hãy đánh dấu toà tháp này trên bản đồ, lấy nó làm tâm rồi dùng com-pa xoay một vòng tròn, và bạn sẽ hình dung ra tương lai phát triển của Hà Nội. Tin tôi đi.
Kỳ quan hoàn toàn có thể do con người tạo ra, một đất nước tự hào đánh thắng 2 đế quốc hàng đầu thế giới, mà không dám xây một toà tháp cao nhất thế gian hay sao?"
Nên ủng hộ
Trao đổi với phóng viên bên lề họp báo Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, chủ trương xây dựng tháp truyền hình của VTV là hoàn toàn đúng đắn.
Theo ông Nên, tháp truyền hình không chỉ phục vụ ngành truyền hình mà còn để thu hút du lịch, là điểm nhấn cho phát triển kinh tế nên chúng ta cần ủng hộ.
"Công trình này không đơn thuần là một trụ tháp mà ở nhiều nước nó là biểu tượng", ông Nên đánh giá.
Bộ trưởng Nên cho biết thêm, chủ trương xây tháp đã có từ năm 1995 nhưng do không có tiền nên không thực hiện được. Dự án này đã được Chính phủ thông qua cơ chế huy động các nguồn vốn xã hội để thực hiện.
Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thêm thông tin, Đài truyền hình Việt Nam đang phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tập đoàn BRG triển khai thủ tục thành lập Công ty cổ phần làm pháp nhân thực hiện dự án.
"Sau khi có đủ cơ sở về tổ chức, nguồn vốn thì sẽ tiến hành thực hiện dự án. Những gì quá tầm sẽ phải báo cáo Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.
Theo NTD
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: "Chỉ có 3 loại cây được chặt" Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Nghị định quy định rõ 3 loại cây được chặt hạ, dịch chuyển là: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm... Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015 vẫn nóng vụ vừa rồi Hà Nội cho chặt nhiều cây xanh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm...