Xây nhà vệ sinh bằng chai nhựa tặng trường tiểu học miền biên viễn Cao Bằng
Trong dịp khởi động Tháng Thanh niên năm 2021, T.Ư Đoàn đã khởi công xây dựng 1 nhà vệ sinh bằng vật liệu chai nhựa, để tặng Trường tiểu học Kéo Yên (xã Lũng Nặm, tỉnh Cao Bằng), đã 4 năm không có nhà vệ sinh.
Các đại biểu đóng “gạch sinh thái” từ chai nhựa trong lễ khởi công xây nhà vệ sinh cho học sinh vùng cao – ẢNH VŨ THƠ
Trường học kiên cố nhưng không có nhà vệ sinh
Xây nhà vệ sinh từ 5.000 chai nhựa cho học sinh vùng cao
Trường tiểu học Kéo Yên nằm ở một xã vùng cao biên giới xã Lũng Nặm (H.Hà Quảng, Cao Bằng), cách trung tâm huyện lỵ khoảng 13 km. Trường được xây dựng kiên cố, nhưng lại không có nhà vệ sinh.
Chia sẻ về lý do này, cô Triệu Thị Tuyết cho biết, Trường tiểu học Kéo Yên được xây dựng từ năm 2.000 nhưng thiếu kinh phí nên chỉ có 1 nhà vệ sinh tạm. Đến năm 2017, nhà vệ sinh tạm cũng phải phá bỏ để nhường đất xây trường mầm non.
“Từ đấy, nhà trường không có nhà vệ sinh, phải sử dụng chung nhà vệ sinh với trường mầm non rất bất tiện. Thêm vào đó, nhà vệ sinh ở xa quá, thời gian đi vệ sinh rất lâu…”, cô Tuyết cho hay.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư (ở giữa, áo xanh), cùng các em học sinh hào hứng xúc cát vài chai nhựa để thành gạch sinh thái xây nhà vệ sinh – ẢNH VŨ THƠ
Theo cô Tuyết, hiện nhà trường có 91 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Nùng. Trong số này, chiếm tới 76% em thuộc hộ nghèo nên công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng các công trình lớn như nhà vệ sinh, phòng học rất khó khăn. Trong khi đó, kinh phí xây dựng của huyện, xã cũng không có.
Chia sẻ về cuộc sống không có nhà vệ sinh ở trường, thầy giáo Đỗ Đại Phong, giáo viên của trường, cho biết: “Sống trong cảnh thiếu nhà vệ sinh như vậy rất khó để giáo dục học sinh ý thức vệ sinh môi trường. Các em chỉ được ra chơi 15 phút, lại mải chơi nên đến lúc buồn đi vệ sinh không đi xa được, thường đi bậy, gây mùi xung quanh trường. Các thầy cô cũng nhắc nhở nhiều lần nhưng không cải thiện được”.
Đóng gạch sinh thái xây nhà vệ sinh
Để giúp đỡ trường vùng cao khó khăn và giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, T.Ư Đoàn triển khai xây dựng tặng trường 1 nhà vệ sinh sử dụng vật liệu chai nhựa với kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng.
Đây là dự án do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phát động. Các em học sinh tiểu học sẽ gom chai nhựa và rác thải nhựa về để đóng “gạch sinh thái”. Các chai nhựa được rửa sạch, đổ cát sỏi hoặc các vật dụng có thể làm cứng lại rồi gắn kết lại bằng xi măng, dùng như mỗi viên gạch để xây dựng. Mỗi công trình cần khoảng 5.000 chai nhựa.
Một công trình nhà vệ sinh được xây dựng từ chai nhựa tặng học sinh tại tỉnh Thái Nguyên – ẢNH BTC CUNG CẤP
Theo T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, năm 2020, dự án đã trao tặng 8 nhà vệ sinh làm từ vật liệu chai nhựa cho các tỉnh, thành trên toàn quốc. Dự kiến năm 2021, sẽ có 5 nhà vệ sinh được xây dựng từ vật liệu này để tặng học sinh. Độ bền của nhà vệ sinh này được tính toán có tuổi thọ trên 10 năm, tương đương với các nhà vệ sinh được xây dựng bằng vật liệu kiên cố. Đặc biệt, công trình còn mang ý nghĩa giáo dục cho học sinh về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và tái chế rác thải nhựa.
Tại lễ trao tặng nhà vệ sinh, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, cho biết T.Ư Đoàn mong muốn với công trình này sẽ vừa sử dụng được nhân lực là các em học sinh, sinh viên, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong môi trường, vừa giải quyết được khó khăn và nhu cầu thiết yếu của trường học vùng sâu, vùng xa.
Hàng trăm điểm trường ở Kon Tum bỏ hoang
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên , có hàng trăm điểm trường ở tỉnh Kon Tum đang bị bỏ hoang, xuống cấp.
Tỉnh Kon Tum có 160 điểm trường tiểu học và 19 điểm trường mầm non bị bỏ hoang - ẢNH: ĐỨC NHẬT
Như tại điểm Trường tiểu học thôn Đăk Giá 2 (xã Đăk Ang, H.Ngọc Hồi) có 3 phòng học bị xuống cấp, dột nát từ nhiều năm nay. Tương tự, điểm trường mầm non thôn 4 (xã Đăk Tơ Lung, H.Kon Rẫy) cũng đang trong tình trạng bỏ hoang. Điểm trường này có 2 phòng học nhưng hơn 3 năm qua không hoạt động.
Theo chị Y Hoan (ở thôn 4, xã Đăk Tơ Lung), điểm trường này được xây dựng từ năm 2015, sau khi hoạt động được vài năm thì đóng cửa. Lý do được đưa ra là trẻ em trong thôn ít, không đủ để mở lớp.
"Điểm trường bỏ hoang đã hơn 3 năm nay. Từ khi điểm trường đóng cửa, gia đình tôi phải đưa các cháu ra gửi tại trường chính cách nhà hơn 2 km", chị Hoan cho biết.
Theo Phòng GD-ĐT H.Tu Mơ Rông, trên địa bàn huyện có 13 điểm trường mầm non, tiểu học và THCS không còn sử dụng. Nguyên nhân chủ yếu là số lượng học sinh quá ít, không thể mở lớp theo quy định nên phải dồn học sinh về điểm trung tâm. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như điểm trường hư hỏng, dột nát, xuống cấp, nằm trong khu vực sạt lở hoặc đi lại khó khăn.
Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, thời gian trước đây do đường sá khó khăn, chưa có chính sách hỗ trợ nên việc xây dựng các điểm trường lẻ ở các bậc học nhằm phổ cập giáo dục đến từng thôn bản. Thời gian gần đây khi cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng nên UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành sáp nhập quy mô mạng lưới trường lớp, giảm các điểm lẻ để nâng cao chất lượng học sinh.
"Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 160 điểm trường tiểu học và 19 điểm trường mầm non bị bỏ trống. Hiện việc quản lý những phòng học này thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố. Chính quyền địa phương sẽ sử dụng những trường học này làm nhà văn hóa của các thôn, làng", bà Trung cho biết.
Niềm vui học sinh được đón ngôi trường mới Ngày 8/1, hơn 90 em học sinh của điểm Hòa Long B, trường tiểu học Kim Đồng (Kinh Cùng, Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã đón chào ngôi trường mới sau bốn tháng xây dựng. Niềm vui học sinh ở Hậu Giang đón ngôi trường mới vào đầu năm Được biết, đây là dư an do tô chưc phi chinh phu Saigon Children's Charity...