Xây hầm đường bộ qua sông Hồng, liệu có nên?
“Có cần đặt cái cầu ở đó không đều chưa có phân tích rõ ràng. Làm đường ngầm hàng nghìn tỷ đồng chỉ phục vụ một số ít người đi lại thì có nên không. Làm để giải quyết giao thông nhưng lại tạo ra một điểm ách tắc mới, có nên không?”…
TS.KTS Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã đặt ra nhiều câu hỏi khi nói về ý tưởng xây đường ngầm vượt sông Hồng.
Không có lý gì để xây
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao thông tin về ý tưởng xây dựng tuyến đường ngầm xuyên sông Hồng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi cho rằng đây là đề xuất chưa được tính toán kỹ. Thông thường, cầu nối hai bờ để giảm ùn tắc phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của hai bên dựa trên nhu cầu lưu thông. Nhưng đây, tôi không nhìn thấy lý thuyết thông thường này.
Nghĩa là theo ông, việc xây dựng đường ngầm này là chưa cần thiết?
Đúng vậy!
Tại sao?
Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, cầu Long Biên, cầu Thăng Long… đủ để nối khu vực nội thành với ngoại đô ở phía Bắc và phía Đông của Thủ đô rồi. Xây cầu để làm gì? Trung tâm bên kia là Long Biên, được coi là khu vực đã hoàn thành quá trình cải tạo với 1 sân bay quân sự, không thể “cấy” thêm cái gì vào đó nữa. Thà rằng phía Long Biên đang xây dựng khu đô thị mới, khu công nghiệp, trường học cho dân khu cũ đi lại thì buộc phải có cầu cho dân đi lại thì còn có lý. Làm một công trình tốn hàng nghìn tỷ đồng ở vị trí chưa có nhu cầu thì có hiệu quả không?
Nhưng trong bản đồ quy hoạch chung Thủ đô, chúng tôi thấy có vẽ một cây cầu ở đúng vị trí này?
Nhìn vào bản đồ quy hoạch chung Thủ đô đúng có ở điểm nút giao thông Trần Hưng Đạo nối sang Long Biên sẽ có 1 cây cầu. Song đây là quy hoạch cho lâu dài chứ không phải trong thời điểm này.
TS.KTS Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Chỉ làm rối thêm
Thêm một con đường, đáng lẽ giao thông sẽ thông thoáng hơn chứ?
Video đang HOT
Đúng, nhưng tùy từng vị trí. Ở điểm này, nó sẽ tạo ra nút giao thông mới mà ta đang cố gắng giải tỏa bằng các đường vành đai xuyên tâm, nối vùng phố cổ ra ngoài phía Tây. Phía Bắc giải quyết giao thông đi lại 2 bờ bằng một loạt cầu rồi như Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Phía Đông là Gia Lâm thì ta không phát triển gì thêm nữa. Nếu chúng ta mở tuyến đường này, với điểm đầu là đường Trần Hưng Đạo, đây là chuyện ngược đời. Trong nội thành, chúng ta đang cố gắng giải tỏa giảm lượng giao thông thì cây cầu này lại hút giao thông vào nội thành.
Nó sẽ làm cho giao thông rối thêm?
Tuyến đường này nghe nói là rộng 18 – 20m, dài 1,5km với 4 làn xe, đường như thế là dùng cho giao thông cao tốc. Chúng ta đang tránh đông người cho nội thành thì ông lại kéo người ta vào thì có nên không? Đường Trần Hưng Đạo không phải là tuyến giao thông chính mà là phố thôi, đường Đại Cồ Việt mới là tuyến giao thông chính thì đã gần với cầu Vĩnh Tuy rồi.
Không khó nhưng phải tính toán
Đặt giả thiết, người ta cứ làm, phương án hầm đường bộ vượt sông Hồng có phức tạp về công nghệ không?
Với công nghệ hiện nay thì làm đường lên sao Hỏa cũng không khó! Cái khó là trả lời được câu hỏi làm để làm gì, tại sao lại phải làm?
Nhưng với quan điểm riêng của ông, với tuyến đường này chúng ta nên làm nổi hay ngầm?
Như tôi đã nói, nổi hay ngầm không khó. Chúng ta đã làm hầm ngầm Thủ Thiêm rồi. Người ta làm ngầm là khi không thể làm nổi được. Nhưng với tuyến đường này, tôi thấy không có gì trở ngại nếu chúng ta làm nổi cả. Chắc họ tính làm ngầm để tránh phải giải phóng mặt bằng. Nhưng tôi cũng xin nói trước, so với làm nổi, làm ngầm cũng có nhiều vấn đề. Vấn đề nổi hay chìm cũng là một vấn đề cần phải tính toán.
Nếu có người nói, Sài Gòn có hầm Thủ Thiêm thì Hà Nội không thể “thua chị kém em”?
(Cười) Đây là vấn đề lớn của xã hội chứ không phải là trò vui của trẻ lên 3. Hầm Thủ Thiêm tạo ra một lưu lượng giao thông rất lớn, nối hai khu đô thị vào bậc nhất TPHCM với nhau, giải quyết nút ùn tắc đã có từ nhiều năm. Còn đường ngầm vượt sông Hồng, chưa ai trả lời được là có cần thiết phải xây dựng không, có bao nhiêu người có nhu cầu đi lại tại vị trí này, nó nối cái gì với cái gì, có tạo động lực cho sự phát triển đô thị không… Không ai trả lời được!
Chắc hẳn khi đề xuất xây dựng, người ta cũng đã phải tính toán có người có nhu cầu đi lại (dù ít hay nhiều) tại đây chứ?
Thì đúng, nhưng đây là một công trình lớn có tầm ảnh hưởng tới rất nhiều người, nên mọi luận điểm đưa ra phải có chứng cứ khoa học rõ ràng, không thể làm một con đường chỉ để cho vài người đi hay nó chỉ phục vụ cho quyền lợi của một số ít người.
Đừng vì cái lợi trước mắt
Ông là người có nhiều năm nghiên cứu cũng như tư vấn trong lĩnh vực này, đã có công trình nào sau khi thẩm định ông thấy không cần thiết mà nó vẫn mọc lên?
Cái đó thì nhiều, thiếu gì. Nhà đầu tư nhìn vào lợi nhuận, nhà khoa học nhìn vào khoa học, nhà quản lý phải biết cân bằng, tùy mục tiêu nào đó để quyết định. Thực tế đầy rẫy ra đấy, hàng trăm khu đô thị được xây dựng mới chỉ có hiệu quả về mặt bất động sản thôi chứ đã thực sự giải quyết được nhu cầu an sinh xã hội đâu. Doanh nghiệp chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt thì khó có được sự phát triển bền vững. Hiện nay, có một vấn đề tôi thấy nhức nhối mà không giải quyết được là trào lưu xây dựng những khách sạn lớn giữa lòng Thủ đô. Họ cố xin cho bằng được để xây khách sạn, văn phòng cho thuê. Lợi nhuận có đấy vì giá thuê ở khu vực này thường cao, nhưng hệ quả là an sinh xã hội bị đe dọa, giao thông quá tải… Khi đó, cái khó đã bị doanh nghiệp đẩy cho cả xã hội phải chịu.
Một ví dụ sinh động nhất là?
Tôi còn nhớ cách đây 15 năm, khi có doanh nghiệp đề xuất xây dựng con đường nối đất liền ra đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), tôi đã phản đối. Họ bỏ tiền ra để làm đường, đổi lại Nhà nước cấp cho họ 100ha ngoài đảo. Sau đó họ làm du lịch trên đảo, đương nhiên con đường đó phục vụ đầu tiên cho lợi ích của họ. Nghĩa là chưa cần thiết cho xã hội nhưng cần thiết để đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Và đó là bài học cho dự án này?
Đúng vậy! Thủ đô hiện nay còn rất nhiều vấn đề nhức nhối. Nếu doanh nghiệp “có lòng” hãy tìm đến những chỗ có “vấn đề” đó để cùng thành phố giải quyết. Làm một đường ngầm vượt sông cho một số ít người qua lại, hiện tại, việc này chưa cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
“Chỉ cần tính nhẩm sơ sơ thôi cũng thấy, lượng giao thông cho một tuyến đường lớn đặt ở vị trí ấy là không thích hợp với mạng lưới giao thông hiện nay”. TS.KTS Lê Trọng Bình
VGT (Theo Bee.net.vn)
'Nguy cơ ùn tắc đường dẫn nếu xây hầm qua sông Hồng'
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng.
"Nếu Hà Nội không có đường to như đại lộ Đông Tây dẫn đến hầm ngầm thì khả năng ùn tắc rất lớn. Nếu làm hầm ngầm đắt đỏ mà cấm ôtô qua đó thì lại vô lý", ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải trả lời VnExpress.
- Một số nhà đầu tư và cơ quan chức năng Hà Nội vừa đề xuất xây hầm ngầm vượt sông Hồng, đường dẫn vào hầm tại phố Trần Hưng Đạo. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Tôi chưa hình dung người ta đề xuất trên cơ sở nào, vì Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 chưa được duyệt, quy hoạch giao thông Hà Nội được duyệt năm 1998 cũng chưa có hầm ngầm này. Thông thường các nghiên cứu đề xuất thì rất công phu, tôi hy vọng các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, tương đối đầy đủ đánh giá tác động.
Tôi ủng hộ nghiên cứu để có câu trả lời làm hầm ngầm là đúng hay không, có giảm ách tắc giao thông nội thành và hỗ trợ phát triển kinh tế hai bên bờ sông, đảm bảo lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư hay không. Chưa có nghiên cứu thì chưa thể nói có hay không nên xây dựng. Khi thấy không đảm bảo thì chúng ta dễ dàng nói không.
- Với góc nhìn của chuyên gia, ông có thấy cần thiết phải có hầm ngầm qua sông Hồng?
- Khi làm hầm ngầm coi như chúng ta xuất hiện một cầu Chương Dương ngầm, toàn bộ lưu lượng giao thông sẽ hút sang bên Long Biên qua hầm ngầm này. Những đường phố dẫn đến hầm rất dễ gây ách tắc giao thông do vậy, phải xử lý như thế nào.
Việc kết nối hai bên thuận lợi sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Song nếu không có một đường như Đại lộ Đông Tây dẫn đến hầm ngầm thì khả năng ùn tắc là rất lớn cho trung tâm Hà Nội vì đây là tim thành phố. Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu đặt hầm ở đường Trần Hưng Đạo thì tổ chức giao thông tại đây cực kỳ khó khăn, sẽ tạo biến đổi hoàn toàn. Nếu làm một hầm đắt đỏ như vậy mà cấm ôtô qua đó thì lại vô lý. Tôi chia sẻ với ông giám đốc Sở Giao thông Vận tải về lo ngại ùn tắc tại khu vực đầu cầu Trần Hưng Đạo.
Hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Hội An.
- Có ý kiến cho rằng, sông Hồng hay bị cạn trơ đáy, không cần thiết phải làm hầm ngầm mà nên làm cầu, quan điểm của ông thế nào?
- Nếu làm cầu tại khu vực này vô cùng khó khăn, vì cầu vượt sông phải chạy qua giữa phố Trần Hưng Đạo mới đủ cao độ để vượt qua sông. Cầu Vĩnh Tuy vắng do kết nối giao thông không thuận tiện. Song nếu có hầm tại khu vực trung tâm sẽ hút lưu lượng qua lại đông đúc. Tuy nhiên, nếu hầm thông vào giữa đường Trần Quang Khải thì có thể được, song nếu đi vào Trần Hưng Đạo thì rất dễ ùn tắc.
- Cũng có ý kiến đề xuất vị trí làm hầm tại khu vực chợ Long Biên, ông nghĩ sao?
- Có thể người ta muốn nối nhiều tuyến đường dẫn, song lại quá gần cầu Chương Dương, theo tôi, khó tổ chức giao thông hơn vì còn đông đúc hơn ở khu vực Trần Hưng Đạo.
- Theo ông, dự án hầm ngầm nếu có thì nên thực hiện theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) hay BT (Xây dựng - Chuyển giao)?
- Dự án này là BT hay BOT đều phải cân nhắc. Nếu là hình thức BT thì phải xem xét giá đất sau khi có dự án là bao nhiêu để nhà nước khỏi thiệt hại. Còn BOT thì mức thu phí qua hầm là bao nhiêu để nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn, theo tôi hình thức này khá rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi tin rằng các nhà đầu tư tính toán kỹ lợi nhuận của họ ở đâu.
Vấn đề quan trọng là có cần phải đầu tư hầm vượt sông không, đến khi làm xong lại thấy gây ách tắc giao thông cho khu trung tâm rồi cấm ôtô thì vô lý. Chi phí xây dựng hầm có thể gấp 4 lần xây dựng cầu.
Theo VnExpess
Hà Nội nghiên cứu hầm đường bộ vượt sông Hồng Tuyến đường hầm qua sông Hồng được đề xuất tại vị trí cuối đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) đi ngầm qua sông và nối với mạng lưới giao thông của quận Long Biên. Sáng 25/2, UBND Hà Nội đã họp để xem xét phương án đề xuất đầu tư xây dựng đường hầm qua sông Hồng theo hình thức BT. Dự...