Xây dựng thành phố thiên đường dưới lòng biển
Thành phố dưới biển không còn là ước mơ viển vông nữa mà có thể sẽ trở thành hiện thực trong khoảng 16 năm tới.
Bên trong phần khối cầu – khu vực sinh sống chính của dự án Ocean Spiral, và bản thiết kế bên ngoài (ảnh nhỏ) – Ảnh: Shimizu Corp
Chuyện con người rời bỏ mặt đất xuống sinh sống dưới lòng đại dương bao la đã là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm viễn tưởng. Điều tưởng chừng như không tưởng này đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành sự thật với kế hoạch đầy tham vọng vừa được Tập đoàn xây dựng – công nghệ Shimizu của Nhật Bản công bố. Thậm chí, tờ Asahi Shimbun dẫn lời ông Hideo Imamura, phát ngôn viên của Shimizu, khẳng định các công nghệ cần thiết để xây dựng thành phố dưới lòng biển sẽ sẵn sàng vào năm 2030.
Tập đoàn Shimizu được đánh giá là một trong 5 nhà thầu hàng đầu Nhật Bản và nổi tiếng với các dự án mang đậm màu sắc viễn tưởng như căn cứ trên mặt trăng, khách sạn trong không gian và kim tự tháp khổng lồ chứa được 1 triệu người.
Thiên đường 25 tỉ USD
Mang tên Ocean Spiral, dự án của Shimizu bao gồm nhiều khu phức hợp có cấu trúc giống nhau, mỗi khu chứa được khoảng 5.000 người và được quảng cáo là có thể “tận dụng những khả năng vô hạn của biển sâu” để phục vụ đời sống con người. Theo bản vẽ, mỗi khu vực của Ocean Spiral gồm 3 cấu trúc chính. Nằm sát mặt biển là một khối cầu khổng lồ có đường kính 500 m, trong đó sẽ bao gồm khu dân cư, khu kinh doanh, khách sạn, công viên và các dịch vụ giải trí. Cấu trúc thứ hai là một hệ thống ống hình xoắn ốc có tổng chiều dài 15 km để kết nối khối cầu với cấu trúc cuối cùng là trung tâm năng lượng tích hợp nằm dưới mặt nước khoảng 3 – 4 km.
Trung tâm này có nhiệm vụ khai thác mọi nguồn năng lượng của đại dương để duy trì sự sống trong Ocean Spiral. Cụ thể, trung tâm sẽ lọc ô xy từ nước biển, sử dụng vi sinh vật để biến khí CO2 thành methane làm nhiên liệu trong khi các cỗ máy tối tân nằm dọc theo đường xoắn ốc sẽ sử dụng sự chênh lệch của nhiệt độ nước biển để tạo ra điện. Nước ngọt được sản xuất bằng cách khử muối với công nghệ áp suất thủy lực. Ngoài ra, khu phức hợp còn có nhiều bến neo đậu cho các chuyến tàu chở khách qua lại giữa lòng biển và mặt đất cũng như tàu nghiên cứu hải dương. Theo Asahi Shimbun, Tập đoàn Shimizu lên kế hoạch xây dựng Ocean Spiral bằng vật liệu xử lý từ nhựa thông thay vì bê tông để tăng tính kết dính và bền vững trong khi nhiều cấu trúc thiết yếu sẽ được tạo ra bằng máy in 3D công nghiệp.
Giới lãnh đạo Shimizu tuyên bố Ocean Spiral sẽ là một “thiên đường mới” cho loài người và nếu mọi công nghệ cần thiết đã sẵn sàng thì chỉ cần mất 5 năm kể từ khi khởi công cho đến lúc hoàn thành, với chi phí ước tính khoảng 25 tỉ USD. “Đây là mục tiêu thực sự, không phải là giấc mơ”, phát ngôn viên Imamura nói, “chúng ta cần nhớ là ngay từ thập niên 1950, khái niệm điện thoại di động đã xuất hiện trong bộ truyện Astro Boy, hàng chục năm trước khi nó thật sự ra đời. Tương tự như vậy, những công nghệ cần thiết cho dự án của chúng tôi cũng sẽ sớm có mặt”.
Chịu được mọi thiên tai
Theo Đài RT, dự án táo bạo của Shimizu đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học Tokyo, Viện Khoa học và công nghệ biển – trái đất (Nhật) và Cục Nghiên cứu thủy sản đánh giá cao trong bối cảnh loài người đang đối mặt với nguy cơ thảm họa xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu cũng như tình trạng nước biển dâng. Phó giáo sư Christian Dimmer thuộc Khoa Nghiên cứu đô thị tại Đại học Tokyo nhấn mạnh “những công nghệ không tưởng” như Ocean Spiral được thai nghén nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đặc biệt là đối với một đất nước thường xuyên hứng chịu động đất và sóng thần như Nhật Bản. Tờ The Guardian dẫn lời các chuyên gia cho biết các cấu trúc dưới lòng đại dương sẽ chịu tác động ít hơn từ sóng thần hoặc động đất và giúp giải quyết bài toán nước biển dâng cao.
Hiện Shimizu đang mời gọi thêm các chuyên gia từ các viện nghiên cứu lớn, các cơ quan chính phủ và công ty năng lượng tại Nhật tham gia dự án. Mục tiêu kế tiếp của nhóm quản lý dự án là trả lời các câu hỏi đầy thách thức về chính trị, an ninh và xã hội liên quan đến thành phố dưới biển như “Những ai sẽ được sống ở “thiên đường”?” hay “Ai sẽ chịu trách nhiệm và đủ nguồn lực để quản lý cộng đồng của Ocean Spiral?”.
Danh Toại
Theo Thanhnien