Xây dựng những miền quê xanh, an toàn
Những năm qua, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội đã tích cực phát động, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường (BVMT). Từ những mô hình, phong trào cụ thể, thiết thực, nhiều miền quê của Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Theo Chủ tịch HND huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, nhận thức rõ vai trò trong BVMT, thời gian qua, Hội đã vận động nông dân thu gom, tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các điểm đã bố trí thùng đựng. Nhờ đó đến nay, trên nhiều cánh đồng của Đan Phượng không còn tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi.
Nông dân huyện Quốc Oai bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào thùng chứa được bố trí ngay tại cánh đồng.
Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong năm 2020, các cấp HND huyện Đan Phượng đã xây dựng được 25 mô hình nông dân BVMT, tiêu biểu như: Mô hình làm sạch đồng ruộng tại thị trấn Phùng, xã Liên Trung; phân loại rác thải tại nguồn ở các xã Đan Phượng, Phương Đình, Thọ An; mô hình giảm thiểu bụi trong sản xuất mộc tại các xã Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung; duy trì 90 tuyến đường Chi hội Nông dân tự quản về vệ sinh môi trường…
Điển hình trong xây dựng các mô hình sản xuất gắn với BVMT là huyện Chương Mỹ. Tính đến nay, các cấp HND huyện Chương Mỹ đã vận động xây dựng được 46 mô hình BVMT trong sản xuất. Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng hoa, mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại xã Phú Nam An; mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ sinh học tại xã Hoàng Văn Thụ…
Theo thống kê của HND TP Hà Nội, năm 2020, hội đã hướng dẫn nông dân xây dựng 411 mô hình nông dân tham gia BVMT, gồm: Thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xử lý rơm rạ sau thu hoạch; xây dựng cánh đồng sạch tại các huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, Đan Phượng, Ứng Hòa, Chương Mỹ… Cùng với đó, Hội còn phối hợp phát động nông dân các địa phương tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, xây dựng và gắn biển 191 “Đoạn đường nở hoa”, “Hàng cây nông dân”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”, “Con đường bích họa” với tổng chiều dài 262,3km…
Đánh giá về những mô hình BVMT của nông dân, Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho rằng, các mô hình đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng TP xanh, sạch. Đặc biệt là những mô hình sản xuất sạch của nông dân còn tạo nên những sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng cung ứng cho thị trường, qua đó từng bước nâng cao đời sống cho nông dân Thủ đô.
Lâm Đồng thu gom rác thải bảo vệ thực vật
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng diễn ra phức tạp.
Nhiều địa phương trong tỉnh, sau mỗi vụ sản xuất, người nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các dòng suối thuộc khu vực Suối Vàng, Đà Lạt
Tình trạng rác thải, chai thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện trên các dòng suối, hồ nhỏ tại khu vực huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương ngày càng nhiều, làm nghẽn dòng chảy. Để hạn chế lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trên địa bàn, hiện nay tại 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân sử dụng và thu gom thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nhưng tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng cao. Tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.
Chương trình hỗ trợ của Ban chỉ đạo Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường 22 tỉnh thành phía Nam, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại thôn Lạc Quảng, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương. Mô hình đã lắp đặt 5 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích hơn 50ha canh tác rau quả các loại chủ yếu là cà chua, đậu leo, cà tím... Ngoài việc lắp đặt các bể thu gom, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng trăm lượt nông dân, nhằm thông tin tuyên truyền kết hợp tổ chức phát động nông dân trong vùng thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng từ ruộng, vườn, sông suối, ao hồ về tập kết tại các bể chứa.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, mô hình đã thu gom được 450 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Lượng bao gói này được Ban chỉ đạo Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường 22 tỉnh phía Nam thu gom, vận chuyển để tiêu hủy. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đánh giá mô hình góp phần làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, làm đẹp cảnh quan phù hợp tiêu chí xây dựng xã, huyện Đơn Dương là huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lâm Đồng.
Phát huy vai trò hội nông dân trong bảo vệ môi trường Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và các biện pháp BVMT nông thôn, bảo vệ sức khỏe người dân nói riêng tới các hội viên và hộ gia đình nông dân, qua đó góp phần...