Xây dựng khung pháp lý cho Fintech: Chậm còn hơn không
Khoảng 10 năm gần đây, làn sóng công nghệ di động, điện toán đám mây và nhất là trí tuệ nhân tạo bùng nổ đã khiến ngành tài chính thế giới bước vào với một cuộc thay đổi lớn.
Ảnh minh họa: Fintech
Dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ và mở ra phương thức kinh doanh mới – công nghệ tài chính (Fintech). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Tuy nhiên, để Fintech phát triển đúng hướng, đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành khung pháp lý để các doanh nghiệp Fintech rộng đường phát triển.
Nhiều tiềm năng phát triển
Thúc đẩy Fintech là mục tiêu của nhiều nước đang phát triển nhằm đẩy mạnh tiếp cận tài chính và phát triển thị trường tài chính, nơi người dân khu vực nông thôn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Fintech là cơ hội để đạt được các mục tiêu của quốc gia, Chính phủ trong việc phổ cập tài chính đến người dân.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Với dân số hơn 96 triệu người, nhưng có hơn 60% người dân đang sống ở khu vực nông thôn, tỷ lệ chi nhánh ngân hàng trên đầu người ở khu vực nông thôn hiện nay còn rất thấp. Trong khi theo website We are social, năm 2018, Việt Nam có 51 triệu người sử dụng điện thoại, một nửa là điện thoại thông minh, 50 triệu người dùng Internet di động thường xuyên. Đây là nền tảng hạ tầng khá tốt và có thể giúp người dân sinh sống ở nông thôn có một kênh tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng mới. Do đó, Việt Nam được đánh giá có môi trường rất tiềm năng cho các công ty Fintech phát triển.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có hơn 150 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam; trong đó, có 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán; 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay; mảng blockchain có 22 công ty… Có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia.
Điều này cho thấy xu hướng các công ty Fintech ở Việt Nam sẽ tham gia chia sẻ, lấn chiếm thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống khi mà hiện nay, hoạt động cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền ảo, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam.
Nhờ có công nghệ tài chính, người dùng có thể chủ động thực hiện các dịch vụ tài chính không cần có sự hỗ trợ của nhân viên các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, sự trỗi dậy của Fintech cũng kèm theo nhiều thách thức như: vấn đề kiểm soát an ninh mạng, tín dụng đen… đòi hỏi việc quản lý phải chặt chẽ hơn.
Video đang HOT
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Fintech ra đời và bùng nổ là xu hướng tất yếu của nền kinh tế số. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Với số lượng doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam ngày càng tăng như hiện nay, quan trọng nhất vẫn là cần có hành lang pháp lý để hoạt động này phát triển lành mạnh và thông suốt.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc quản lý Fintech ở Việt Nam có thể rút ra từ bài học kinh nghiệm trong phát triển Fintech của Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu (năm 2015), Trung Quốc thả nổi cho các công ty Fintech phát triển ồ ạt, có đến 4.000 công ty Fintech ra đời và hoạt động trong giai đoạn này. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn đã xuất hiện một số hình thức biến tướng như tín dụng đen, lừa đảo, huy động vốn đa cấp… buộc Trung Quốc ngay lập tức phải siết chặt quản lý.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý
Nhận rõ xu hướng phát triển của Fintech, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo về Fintech, giao nhiệm vụ cho các vụ, cục chức năng tham mưu, xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái và đề xuất khung pháp lý cho Fintech. Tuy nhiên, đến nay hoạt động của các công ty Fintech vẫn chưa được quy định cụ thể bằng văn bản pháp lý.
Theo ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, cơ bản các hoạt động khác của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý hiện hành. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa cho phép việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán.
Đây cũng là lí do khiến các Fintech gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Theo ông Vương Quang Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chào Đại Việt, người sáng lập trang Laisuat.vn – một website chuyên về công nghệ tài chính cá nhân, mặc dù hoạt động gần 10 năm nay, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa lấy được giấy phép hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký ở nhiều nơi nhưng không có cơ quan nào cung cấp giấy phép để hoạt động.
Theo ông Huỳnh, một dịch vụ tài chính cá nhân nhưng chưa có giấy phép thì chỉ có thể hoạt động cầm chừng. Do vậy, ông Huỳnh cũng như nhiều doanh nghiệp Fintech khác đang rất mong chờ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng cơ chế hoạt động cho các doanh nghiệp Fintech cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực thanh toán điện tử.
Mới đây, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) cho hoạt động Fintech, nghiên cứu cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng. Mục tiêu của Sandbox là thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân; đồng thời, hạn chế rủi ro cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức. Hiện đề án này vẫn đang trong giai đoạn chờ Chính phủ xem xét.
Tình hình trên cho thấy, Việt Nam đi quá chậm khi công nghệ thanh toán trên thế giới đang thay đổi từng ngày và phát triển nhanh chóng. Việc sớm hoàn thiện khung pháp lý là yêu cầu bức thiết hiện nay để cho lĩnh vực này phát triển lành mạnh, đúng hướng. Bên cạnh đó, để Việt Nam có thể trở thành trung tâm Fintech vẫn còn rất nhiều việc để làm.
Theo các chuyên gia, trước hết, Việt Nam cần xây dựng hệ thống dữ liệu cá nhân mang tầm quốc gia. Tất cả các giao dịch trong Fintech đều là kỹ thuật số nên vấn đề cơ sở dữ liệu cá nhân có vai trò rất quan trọng, nếu không có dữ liệu này sẽ rất khó quản lý hoạt động của Fintech trong thời gian tới. Việt Nam cũng cần khuyến khích các định chế tài chính chấp nhận các giải pháp của công ty fintech, tức cần có sự hỗ trợ phê duyệt của Chính phủ. Đây là những biện pháp hỗ trợ, giúp các ngân hàng có niềm tin vào các giải pháp của công ty Fintech…
Trước xu thế phát triển của Fintech, ngày 31/10 tới, Hội Tin học TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Fintech Academy Singapore (FTA), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam lần thứ 24, với chủ đề Định hình tương lai Fintech Việt Nam. Đây sẽ là dịp để các doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, cùng các chuyên gia thảo luận về cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.
Theo H.Chung (TTXVN)
Đại diện PwC: Công nghệ giúp kết nối thế giới trực tuyến với thế giới thực, đồng nhất trải nghiệm và mang đến sự hài lòng cho khách hàng
80% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông & viễn thông và 75% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đang tạo ra những công việc mới liên quan đến Fintech. Tuy nhiên, 42% các doanh nghiệp trong hai ngành này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp cho những công việc mới này.
Nhận định tại Khảo sát Fintech toàn cầu 2019 mới công bố, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn CNTT, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết: "Trải nghiệm khách hàng và sự hài lòng của khách hàng là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp. Xu hướng hiện nay là công nghệ giúp kết nối thế giới trực tuyến với thế giới thực, đồng thời làm trải nghiệm tại hai thế giới này được đồng nhất với nhau, qua đó mà đem đến sự hài lòng cho khách hàng. Đây là cách tốt nhất để thu hút và giữ được khách hàng."
Hai ngành này nên có sự trao đổi, hợp tác để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng, ông Long nhấn mạnh, cũng theo khảo sát ghi nhận 80% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông & viễn thông và 75% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đang tạo ra những công việc mới liên quan đến Fintech. Tuy nhiên, 42% các doanh nghiệp trong hai ngành này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp cho những công việc mới này.
Mặt khác, 73% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đang tuyển dụng từ khối ngành công nghệ, nhưng chỉ có 52% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông & viễn thông đang tìm kiếm nhân sự từ ngành dịch vụ tài chính.
Việc trao đổi nhân sự giữa hai ngành này sẽ rất quan trọng cho thành công trong tương lai bởi vì mỗi lĩnh vực đều cần chuyên môn của bên còn lại. Việc nâng cao kỹ năng cũng sẽ quan trọng không kém, đại diện PwC nói.
Trong số các doanh nghiệp đang có kế hoạch mua bán, sáp nhập, liên minh chiến lược hoặc liên doanh để thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng Fintech, hơn 75% đang hướng tới các đối tượng trong chính ngành của mình. Chưa đến một nửa chọn đối tượng mục tiêu là một công ty Fintech. Hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đang cố gắng nâng cao năng lực công nghệ, còn các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông & viễn thông thì cần hiểu biết chuyên môn về sản phẩm và hành lang quy định để cạnh tranh trong thị trường dịch vụ tài chính. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu họ không hợp tác liên ngành.
"Việc hợp tác liên ngành sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ toàn diện phục vụ khách hàng trong cuộc sống hàng ngày. Để lập nên các hệ sinh thái như vậy sẽ cần tích hợp các quy trình kinh doanh và công nghệ giữa các nhà cung cấp", ông Long nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, một số ngân hàng thương mại quy mô lớn và vừa, các tập đoàn viễn thông và các công ty Fintech dẫn đầu thị trường đang đóng vai trò tiên phong trong quá trình này.
Thậm chí, xu hướng hợp tác đang tăng tốc tại Trung Quốc. Điển hình là các cơ quan quản lý đang kết nối 4 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành công nghệ, truyền thông & viễn thông với 4 ngân hàng lớn nhất để thúc đẩy họ hợp tác với nhau.
"Chúng ta có thể gọi đây là một cuộc 'hôn nhân sắp đặt'. Doanh nghiệp công nghệ, truyền thông & viễn thông cung cấp nền tảng công nghệ, còn doanh nghiệp dịch vụ tài chính sẽ cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng", ông Wilson Chow, lãnh đạo toàn cầu phụ trách khối Công nghệ, Truyền thông & Viễn thông của PwC cho biết.
Được biết, khảo sát fintech thực hiện trên 500 nhà điều hành trên toàn thế giới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và lĩnh vực công nghệ, truyền thông & viễn thông; nhằm tìm hiểu những yếu tố quyết định cho sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp với các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng Fintech.
Ghi nhận, các ngành dịch vụ tài chính, công nghệ, truyền thông & viễn thông đang sử dụng Fintech (công nghệ tài chính) để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu các chi phí, cải thiện trải nghiệm của khách hàng, gia tăng sức hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ.
Thống kê cho thấy, 47% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông & viễn thông và 48% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đã tích hợp Fintech một cách toàn diện vào mô hình hoạt động chiến lược. Cùng với đó, 44% các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông & viễn thông và 37% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đã kết hợp các công nghệ mới nổi vào các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Fintech cũng đang tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng số đang tiếp cận khách hàng bằng những hồ sơ năng lực và cơ cấu chi phí hoàn toàn mới. Nhiều quỹ đầu tư đang sử dụng các robot tư vấn có khả năng cá nhân hóa cho từng khách hàng. Một số công ty bảo hiểm sử dụng cảm biến để theo dõi sức khỏe và giúp khách hàng phòng ngừa bệnh tốt hơn. Và theo một khảo sát gần đây của PwC, bản thân người tiêu dùng cũng đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Bảo An
Theo Trí thức trẻ
Không dễ để fintech được áp dụng cơ chế sandbox Để được phép tham gia sandbox, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ phải đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí khắt khe... Ảnh minh họa. Chia sẻ tại Hội thảo Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ...