“Xây dựng cơ chế giám sát để cán bộ không dám tham nhũng”
Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/11, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để có thể loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng ra khỏi bộ máy. Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát bên trong, bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Quochoi.vn)
Ông Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, 2016 là năm đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, với sự tiếp cận, vào cuộc nhanh của Chính phủ khóa mới cùng với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã đưa ra nhiều phản ứng kịp thời, giải quyết nhanh gọn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra.
Ông Vân đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và cần có cơ chế đối thoại của người được đứng đầu các cơ quan nhà nước với người dân, “để lắng nghe lòng dân, kịp thời sửa sang chính sách và điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành”.
“Với những chức danh do bầu cử thì phải có chương trình, hành động cụ thể. Với những chức danh do bổ nhiệm thì phải thi tuyển nghiêm ngặt. Phải ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng ra khỏi bộ máy. Đồng thời cải cách tiền lương gắn với khoán chi hành chính, xây dựng cơ chế giám sát bên trong bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng” – ông Vân thẳng thắn.
Dẫn lại báo cáo Chính phủ nêu năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính còn chưa nghiêm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: “Tôi thấy hầu như năm nào trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội đều có hạn chế này. Vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy?. Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục. Đại biểu Quốc hội và người dân cần có câu trả lời của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là có chấn chỉnh được thực trạng này hay không và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này”.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng nêu một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Trong tình hình ngân sách khó khăn, đại biểu Học đánh giá, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì khuyết điểm này làm cho người dân bức xúc và bất bình.
“Chúng ta có Luật đầu tư công, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này? Trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao? Đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân” – ông Học nói.
Mua nhầm phân bón giả gây thiệt hại to lớn
Từ thực tế ở địa phương, đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) cho biết, các dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp đem lại hiệu quả không cao, còn rừng thì mất, đất bị lấn chiếm, mua bán trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy.
Trong khi đó, dân di cư tự do đến Tây Nguyên ngày càng nhiều, áp lực lớn trong xóa đói, giảm nghèo, học tập, chữa bệnh, đi lại… làm ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý địa bàn, dân cư…
Video đang HOT
Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội trường ngày 2/11 (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đánh giá, 2016 là một năm không thuận lợi đối với ngành nông nghiệp. Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp phục hồi chậm cho thấy những bất cập của nền nông nghiệp sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên.
“Chi phí đầu vào cho sản xuất quá lớn như vấn đề năng suất sử dụng đất đai, giống cây trồng, năng suất lao động nông thôn thấp, dựa quá nhiều vào sức lao động thủ công, mức độ sử dụng máy móc khoa học, công nghệ vào sản xuất còn ít. Sử dụng quá nhiều phân bón hóa chất gây lãng phí, tăng ô nhiễm môi trường, chưa kể đến việc người nông dân mua nhầm phân bón giả gây thiệt hại to lớn trong sản xuất, ước thiệt hại 50.000 tỷ đồng/năm”- bà Hạnh nói.
Theo đại biểu Hạnh, do dùng phân bón giả mà hiện nay trên thị trường có hơn 7.000 loại phân bón khác nhau và hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Hàng hóa Việt Nam được bán dưới dạng nguyên liệu thô, chủ yếu chưa qua chế biến, giá thấp, sức cạnh tranh hạn chế so với các nước và thua kém về chất lượng. Các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt ở nhiều nước quốc gia trên thế giới nhưng chưa được biết đến vì chưa được khẳng định vị trí, chưa có thương hiệu.
“Các hội nông dân còn sản xuất theo truyền thống tự phát, chưa được tư vấn, hướng dẫn cụ thể về chính sách và quy trình sản xuất hiện đại như định hướng và các phương pháp tái cấu trúc, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong khi hơn 60% lao động ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chiếm hơn 44%. Từ đó ảnh hưởng và tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nếu người nông dân thiếu kiến thức phương pháp sản xuất theo hướng hiện đại”- bà Hạnh lo lắng.
“Chính phủ phải chủ động khởi xướng chính sách để mở đường cho sự giải phóng mọi nguồn lực cho xã hội, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ phải rà soát lại các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế, quan hệ pháp luật căn bản để có phương pháp tác động thích hợp. Lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh để tập trung đầu tư có sức lan tỏa rộng, có sức kích hoạt sâu, dẫn đường cho các quan hệ kinh tế – xã hội phát triển. Tôi thấy hiện nay có ba lĩnh vực lợi thế của chúng ta đó là địa lý, truyền thống và sáng tạo, là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và khoa học, công nghệ cao, thế hệ mới. Đấy là những vấn đề nên tập trung đầu tư cho chiến lược lâu dài. Để chấn hưng giáo dục, trọng dụng nhân tài Chính phủ nên kế thừa và phát triển kế sách trị quốc của cha ông ta. Đó là lập quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp. Tức là xây dựng đất nước thì coi giáo dục làm đầu, mà tìm lẽ trị bình coi nhân tài làm trọng. Đây cũng là chính sách phát triển của nhiều nước trên thế giới”- đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói tại phiên thảo luận.
Thế Kha
Theo Dantri
"Không thể cứ duy trì chế độ tiền lương bất hợp lý như hiện nay!"
"Không thể để tiền lương như hiện nay, một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên, công chức của ngành này có phụ cấp cao hơn công chức của ngành khác. Một sự bất hợp lý của tiền lương", đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận xét.
Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 chiều nay (1/11), đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận xét, "chiếc bánh ngân sách" đang có xu hướng ngày càng bé lại mà nhu cầu cho đầu tư phát triển lại rất lớn và bên cạnh đó còn phải chú trọng cho an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng.
Chia sẻ với tình hình ngân sách hiện nay, vị đại biểu cho rằng, vấn đề hiện nay là phải phân bổ ngân sách sao cho phát huy hiệu quả và trong bối cảnh tình hình ngân sách đang khó khăn thì phải "liệu cơm gắp cá" chứ không thể giữ lối chi tiêu như trước.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (ảnh: Quochoi.vn)
Tiền đâu để tăng lương?
Cho biết rất hoan nghênh khi Chính phủ đã dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức song vị đại biểu cho rằng, với dự kiến "điều chỉnh bình quân với mức tăng 7%-8%" trong giai đoạn 2016-2020 thì cần phải tính toán lại.
Ông Lợi phân tích, lương cơ sở trong khu vực Nhà nước thực chất là tiền lương tối thiểu trước đây, thực hiện cùng với khu vực sản xuất. Sau này, khi tách ra khu vực sản xuất kinh doanh thì khu vực này xác định tiền lương tối thiểu theo vùng và được điều chỉnh vào ngày 01/1 hàng năm để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động.
Trong khi đó, tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức lại không thực hiện như vậy. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ điều chỉnh 7-8%. Ông Lợi không khỏi thắc mắc rằng "ngân sách sẽ lấy từ đâu?".
"Chúng ta không thể điều chỉnh tăng tiền lương theo cách như thế này được", vị đại biểu bình luận. Theo đó, ông Lợi cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương cho đối tượng người nghỉ hưu không phải là nằm trong chương trình cải cách tiền lương. Bởi nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là đảm bảo ở mức "không để cho người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở", không nằm dưới sàn an sinh xã hội.
Còn kế hoạch tăng lương 7%-8%/năm cho giai đoạn tới, theo ông Lợi, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa đi vào bản chất của cải cách chế độ tiền lương.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện trên nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm đảm bảo "tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác", coi chính sách tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ảnh: Quochoi.vn)
Tăng lương chỉ là giải pháp tình thế
Tuy nhiên để cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ phải quyết tâm cao giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới áp lực của thị trường, phải lấy hiệu quả làm thước đo.
Ông Lợi cho rằng, với 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức thì chỉ có 500.000 cán bộ công chức viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu công chức viên chức còn lại phải tính đúng tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra, có như vậy mới thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.
"Không thể để tiền lương như hiện nay, một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên, công chức của ngành này có phụ cấp cao hơn công chức của ngành khác. Một sự bất hợp lý của tiền lương", ông Lợi nhận xét.
Ý kiến này cũng nhận được sự tán thành của đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận). Theo phản ánh của đại biểu, kế hoạch tăng lương 7%-8% của Chính phủ được đại đa số công chức, viên chức ủng hộ.
"Dù biết rằng trong điều kiện ngân sách khó khăn song vẫn mong muốn Quốc hội quan tâm điều chỉnh lương cho đối tượng hưu trí, những người có công, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước 1993", ông Việt bày tỏ.
Ông Việt cho rằng, không nên đánh đồng mức tăng lương giữa đối tượng hưu trí, người có công với công chức, viên chức đang đương chức. Nếu mức tăng cho công chức, viên chức 7% thì nên tăng lương cho đối tượng hưu trí, người có công là 8%. Bởi theo phân tích của đại biểu, khoản lương hưu này trên thực tế đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, và đây cũng là sự quan tâm cần thiết dành cho những người đã có công với đất nước, với dân tộc.
Nợ bảo hiểm xã hội 22.000 tỷ đồng suốt 20 năm
Góp ý trước Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết, cho đến nay Chính phủ vẫn còn nợ khoản nợ của bảo hiểm xã hội (BHXH) 22.000 tỷ đồng từ 1995. Do đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần phải xác định kế hoạch, lộ trình để bố trí nguồn ngân sách để chuyển trả vào quỹ BHXH để đóng BHXH cho những người lao động đã tham gia BHXH trước năm 1995.
UBTVQH khóa XIII đã có nghị quyết số 1083 và Chính phủ cũng đã cam kết trước Quốc hội sẽ có lộ trình từ năm từ năm 2016 sẽ trả dần khoản này cho đến năm 2020 thì kết thúc. Song, vị đại biểu tỏ ra băn khoăn với tình hình ngân sách hiện tại thì "không biết Chính phủ sẽ cân đối nguồn này như thế nào".
Ông Lợi cũng nhẩm tính, với 22.000 tỷ đồng nói trên, nợ hơn 20 năm "nếu lãi mẹ đẻ lãi con thì Quỹ BHXH đã có 100.000 tỷ đồng".
Bích Diệp
Theo Dantri
Đại biểu Quốc hội "mổ xẻ" lý lẽ Sở có 44 lãnh đạo là... vì dân "Thiếu trách nhiệm", "chưa thuyết phục", "bất hợp lý"... là những từ ngữ các đại biểu Quốc hội nói về việc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người là lãnh đạo, và về lý giải "bổ nhiệm như vậy là vì dân" của nguyên Giám đốc Sở này - ông Lưu Văn Bản. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao...