Xây dựng 47 (C47) sẽ phát hành thêm cổ phiếu và tăng mục tiêu lợi nhuận
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Xây dựng 47 ( C47), Hội đồng quản trị sẽ trình đại hội các nội dung: điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức và phát hành cổ phiếu, loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh…
Cụ thể, C47 dự kiến điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2018 từ 21,5 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16% của cùng kỳ năm ngoái lên 19%. C47 còn dự kiến tái cấu trúc, thay đổi phương thức quản lý, thanh lý tài sản cũ, thoái vốn ngoài ngành…
Đáng chú ý, C47 có tờ trình trích thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát nếu đạt được 100 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018. Theo đó, Công ty sẽ trích 7% lợi nhuận sau thuế đạt kế hoạch (tương đương 7 tỷ đồng) và phần vượt kế hoạch sẽ trích 3% để thưởng thêm. Tỷ lệ chia thưởng do Hội đồng quản trị quyết định.
Đối với các phương án phát hành cổ phiếu, C47 dự kiến phát hành tối đa hơn 17 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 1:1, nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển. Đồng thời, Công ty sẽ phát hành 850.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), giá phát hành bằng mệnh giá, bị hạn chế chuyển nhượng từ 1 – 2 năm (50% sẽ được chuyển nhượng sau 12 tháng, 50% còn lại sau 24 tháng).
Ngoài ra, C47 sẽ phát hành tối đa hơn 17 triệu cổ phiếu, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu cho đối tác chiến lược để bổ sung vốn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính Công ty. Thời gian thực hiện trong năm 2019, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài không vượt quá 49%.
Nhã An
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Video đang HOT
Cổ phiếu phân bón chờ chính sách 2019
Vốn được đánh giá là có nền tảng cơ bản tốt, nhưng cổ phiếu phân bón chưa nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư do khó khăn chung của ngành từ đầu năm đến nay. Với chính sách thuế mới dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2019, nhóm cổ phiếu này được kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư quay trở lại.
Lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lỗ vì chi phí tăng
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, thị trường phân bón trong 9 tháng đầu năm 2018 bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết bất thường và giá nông sản giảm sâu. Cùng với đó, việc giá dầu tăng cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng đáng kể, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Chẳng hạn, tại nhóm doanh nghiệp sản xuất urê, 9 tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) đạt doanh thu thuần hợp nhất 4.652 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 7% xuống 561,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân lợi nhuận giảm, theo DCM, là do giá urê trên thị trường tăng, khiến giá vốn tăng lên tương ứng. Đồng thời, chi phí tài chính cũng tăng do biến động tỷ giá, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Với kết quả này, DCM đã hoàn thành 84,6% kế hoạch doanh thu và 86% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, lợi nhuận 9 tháng hợp nhất của Tổng công ty Phân bón hóa chất và dầu khí (DPM) giảm 7,2% so cùng kỳ năm 2017, đạt 559,8 tỷ đồng, cho dù con số này đã vượt trên 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng của DPM đạt 6.975 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ và hoàn thành 81% kế hoạch năm.
Tại nhóm doanh nghiệp sản xuất NPK, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (SFG) đạt doanh thu thuần 1.687 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 65,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 16% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành tương ứng 64% và 68% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Lãnh đạo SFG cho hay, trong quý IV/2018, Công ty dự kiến đạt 650 tỷ đồng doanh thu và 22 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đều tăng trưởng so với quý IV/2017. Nhưng ngay cả khi đạt được mục tiêu này, SFG cũng chỉ hoàn thành lần lượt 88% và 86% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) đạt doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 là 5.006 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 80% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 249,4 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 58% kế hoạch năm.
Trong quý cuối năm, BFC dự kiến đạt doanh thu 1.374 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 60,4 tỷ đồng. Với kế hoạch này, ước cả năm, BFC vượt nhẹ chỉ tiêu doanh thu (6.345 tỷ đồng), nhưng chỉ hoàn thành khoảng 73% chỉ tiêu lợi nhuận.
So với miền Nam, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phân bón miền Bắc kém hơn. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (DHB), quý III/2018 ghi nhận lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng và là quý lỗ thứ 3 liên tiếp, nâng mức lỗ ròng lũy kế 9 tháng lên 268 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến DHB lỗ nặng là vì chi phí lãi vay lớn. Tính đến 30/9/2018, DHB có dư nợ vay hơn 7.735 tỷ đồng, gấp 2,84 lần vốn góp của chủ sở hữu.
Với Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV), do ngừng sản xuất để sửa chữa trong gần 2 tháng nên lợi nhuận quý III/2018 chỉ đạt 3,3 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực của 2 quý đầu năm nên DDV đạt hơn 148 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 32 tỷ đồng.
Kỳ vọng vào chính sách
Những khó khăn chung của ngành phân bón khiến cổ phiếu nhóm ngành này ít nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DDV là mã hiếm hoi tăng điểm nhờ hưởng lợi từ chính sách áp thuế tự vệ lên sản phẩm DAP và MAP nhập khẩu, còn lại đều chịu chung cảnh giá giảm.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, yếu tố được dự báo sẽ hỗ trợ cho cổ phiếu phân bón trong thời gian tới là chính sách điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với ngành này. Được biết, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 Luật Thuế do Bộ Tài chính soạn thảo, phân bón sẽ được chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất ưu đãi 5%.
Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, nếu áp mức thuế này đối với phân bón, những doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ hưởng lợi lớn nhờ tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu (nhất là phân bón giá rẻ của Trung Quốc), đồng thời giảm được giá thành sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, nếu dự thảo điều chỉnh Luật được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 11 này và có hiệu lực từ đầu năm 2019 như dự kiến, lợi nhuận của DPM có thể tăng thêm 20% so với trước. Theo VCSC, rủi ro đối với các doanh nghiệp phân bón trong năm tới là việc giá khí đầu vào sẽ tăng cao khi không còn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trợ giá.
Bên cạnh chính sách thuế, một yếu tố khác cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cổ phiếu phân bón là kế hoạch thoái vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp ngành này. Hiện tại, cả DPM, DCM, BFC, SFG và nhiều doanh nghiệp phân bón khác đều có tên trong lộ trình thoái vốn của PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Là nhóm ngành cơ bản, cổ tức ổn định và có mức định giá khá hấp dẫn sau thời gian khá dài giảm điểm, song việc chưa có tín hiệu rõ ràng về triển vọng ngành đã và đang khiến cổ phiếu phân bón chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Với chính sách thuế mới, kỳ vọng cổ phiếu phân bón sẽ "bật sáng" trở lại trong thời gian tới.
Ngọc Nhi
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Vênh số liệu tài chính tại 'ông lớn' PVFCCo Kiểm toán nhà nước đã yêu cầu PVFCCo rà soát lại một số nghiệp vụ trong công tác tài chính - kế toán, điều chỉnh số liệu trên sổ kế toán và báo cáo tài chính năm 2016, 2017. Quá trình kiểm toán tại Tổng công ty Phân bón, hóa chất và dầu khí PVFCCo (mã chứng khoán DPM), Kiểm toán nhà nước...