Xây “biệt phủ”, sắm xe hơi tiền tỷ nhờ nuôi lợn trong chuồng lạnh
“Anh Vũ và anh Trung là người nuôi lợn nhiều, hiệu quả nhất huyện Lệ Thủy. Hai anh đầu tư trang trại nuôi khép kín trong chuồng lạnh hơn 3 năm nay. Nhờ cách nuôi này mà các anh đã làm được nhà cửa khang trang và mua “xế hộp” tiền tỷ!”, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy ( tỉnh Quảng Bình) tự hào chia sẻ.
Một ngày cuối năm, ông Nguyễn Văn Vương dẫn tôi lên thăm trang trại chăn nuôi lợn khép kín của anh Nguyễn Xuân Vũ và anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy. Đó là trang trại nằm giữa khu rừng tràm cách xa khu dân cư, có diện tích 1,2 ha.
Anh Vũ đang kiểm tra đàn lợn của mình trước khi xuất chuồng.
Anh Vũ cho biết: Trước đây, anh là nông dân chuyên trồng lúa và trồng rừng. Nhưng sau cơn bão lớn năm 2013, hơn 2 ha trồng keo của gia đình anh gần như mất trắng. Lúa trồng ra cũng chỉ đủ ăn chứ chẳng dư dả được bao nhiêu. Còn Trung vốn là kỹ sư xây dựng, từng đi làm cho các doanh nghiệp xây dựng khắp nơi nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trăn trở chuyển hướng làm ăn, sau khi tìm hiểu khắp nơi, năm 2015, anh Vũ bàn bạc với người em “cọc chèo” là anh Trung để góp vốn mở trang trại chăn nuôi. Tháng 2-2015, chuồng nuôi khép kín với hệ thống làm lạnh có diện tích 1.600m2 của hai anh được khởi công xây dựng, đến tháng 2-2016 hoàn thành với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Theo thiết kế, chuồng nuôi có quy mô 1.200 con lợn thịt. Mỗi năm, trang trại chỉ nuôi 2 vụ, mỗi vụ khoảng 5 tháng, sau đó tổng vệ sinh và để trống chuồng chừng 1 tháng để bảo đảm cách ly an toàn. Anh Vũ cho hay: “Tiêu chí nuôi lợn của chúng tôi là phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng tôi đã nuôi theo chuẩn VietGAP, xây chuồng lạnh theo quy trình khép kín.
Trong quá trình nuôi, các anh bảo đảm đầy đủ các khâu tiêu độc khử trùng người ra vào trại với hệ thống tiêu độc khử trùng tự động ngay tại cổng. Luôn có 3 nhân viên kỹ thuật về thức ăn, thú y và kỹ thuật chăn nuôi ăn ở tại chỗ để hỗ trợ các anh suốt cả vụ nuôi.Nhờ đó, dù nuôi số lượng lớn nhưng khi bước vào khuôn viên trang trại hầu như không hề có mùi hôi. Về giống, trang trại nhập từ Công ty TNHH lợn giống Dabaco ở Hà Nam và một số công ty khác trên cả nước. Tiêu chí của lợn giống phải đủ 5 tuần tuổi, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin và có giấy kiểm dịch thú y trước khi nhập chuồng.
Thông thường, lợn xuất nguyên chuồng sẽ được Công ty TNHH Thực phẩm Hai Thuyên ở Đà Nẵng thu mua. Với giá 42.000 đồng/kg lợn hơi như hiện tại, mỗi năm trang trại thu lợi nhuận thu trên 1,2 tỷ đồng/ 2 vụ.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Nguyễn Xuân Vũ và Nguyễn Văn Trung đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Đó là thời điểm khi xây chuồng trại xong thì hết vốn để mua lợn giống, thức ăn. Để giải quyết vấn đề này, hai anh đã mượn tới 4 sổ đỏ của bà con và 2 sổ đỏ của gia đình để vay ngân hàng. Cuối năm 2016, trận lũ lớn khiến đàn lợn trong trại chết mất 350 con.
Sang đầu năm 2017, giá lợn rớt thê thảm khiến người chăn nuôi khắp nơi điêu đứng. Anh Vũ nhớ lại: “Những lúc khó khăn nhất, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các đồng chí lãnh đạo huyện cả vật chất lẫn tinh thần.
Video đang HOT
Trong đó, có 2 lần huyện hỗ trợ cho chúng tôi số tiền 60 triệu đồng và đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đứng ra tiêu thụ sản phẩm”. Nhờ nuôi lợn mà anh Vũ và anh Trung đã xây mới được 2 ngôi nhà khang trang với số tiền 2,4 tỷ đồng, mua chiếc xe ô tô mới gần 1,1 tỷ đồng.
Nhờ chăn nuôi lợn, anh Vũ xây được nhà khang trang, mua được xe ô tô tiền tỷ.
Anh Trung chia sẻ: “Phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ theo chuỗi sẽ giúp trang trại chủ động hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm”. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đang hỗ trợ trang trại thực hiện mô hình chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch theo chuỗi.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cũng hỗ trợ xây dựng một khu giết mổ để giúp trang trại hoàn thiện quy trình khép kín này. Dự kiến, đến đầu năm 2019, khu giết mổ sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Lúc đó, trang trại sẽ cho ra thị trường sản phẩm thịt lợn sạch thương hiệu An Phát. Ngoài ra, anh Vũ cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu về máy ép bánh phân khô nhằm tận dụng nguồn phân chuồng đã được ủ hoai để cung cấp cho những hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo Xuân Vương (Báo Quảng Bình)
Không "bó tay" với giải trình buôn chổi đót xây biệt phủ
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi) có những quy định có thể xử lý được kiểu cán bộ giải trình xây biệt phủ, biệt thự nhờ đi buôn chổi đót. Luật mới đã quy định rõ thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)
Giải trình không rõ, sẽ xác minh lại
Năm 2018, Luật PCTN (sửa đổi), một trong những đạo luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua. Công cụ mới này sẽ góp phần vào công tác PCTN, tiêu cực thế nào, ông Nguyễn Tuấn Anh có chia sẻ với NTNN.
Thưa ông, Luật PCTN năm 2018 đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên vấn đề liên quan đến xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc lại chưa được thông qua, điều này khiến nhiều người băn khoăn về tính quyết liệt của công tác phòng, chống tham nhũng?
Ảnh minh họa.
- Tôi cho rằng chúng ta cần hiểu đúng ý này! Không phải Quốc hội không quy định hay không muốn quy định hoặc vẫn muốn giữ nguyên mà sau khi "lật đi, lật lại", thảo luận rất kỹ lưỡng ưu, nhược điểm từng giải pháp thì thấy đều chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp luật, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam nên chưa quy định. Đây cũng thể hiện sự thận trọng, nghiêm túc của Quốc hội trong quá trình xem xét vấn đề này. Tôi nghĩ, khi chúng ta có quy định mà không áp dụng được thì bản thân người dân, xã hội cũng sẽ đặt câu hỏi "tại sao" và như thế sẽ phản tác dụng.
Trong PCTN nói chung thì đây là vấn đề quan trọng, nhưng cũng rất khó. Không chỉ khó với Việt Nam mà khó với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với nước chưa kiểm soát được thu nhập, chi tiêu trong toàn xã hội, hệ thống quản lý thuế, đăng ký tài sản, quyền sở hữu, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu. Qua tổng kết của Cơ quan Liên Hợp Quốc về chống tội phạm và ma túy thì ngay hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã quy định là tội phạm đối với hành vi "làm giàu bất chính" theo khuyến nghị tại Điều 20 của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, nhưng xét xử theo quy định này chưa được nhiều. Theo tổng kết đánh giá chu trình đầu tiên về việc thực hiện Công ước thì quy định tại Điều 20 ở trên vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong việc nâng cao mức độ tuân thủ của các quốc gia thành viên.
Trường hợp cán bộ giàu lên bất thường, họ có thể giải trình kiểu "xây biệt phủ nhờ buôn chổi đót", thì liệu chúng ta có "bó tay" không thưa ông?
- Với những quy định mới của Luật PCTN năm 2018, chúng ta vẫn có thể xử lý được tình trạng này, qua đó nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Luật mới đã quy định rõ thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu, người có nghĩa vụ kê khai giải trình về nguồn gốc tài sản. Nếu thấy giải trình không hợp lý, cơ quan này có quyền tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản đó hình thành từ đâu, đã nộp thuế chưa, có dấu hiệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật không. Nếu có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thì chuyển ngay sang cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành thanh tra hoặc chuyển cơ quan điều tra... Các cơ quan này sẽ xác minh, làm rõ và căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành để thu hồi tài sản.
Trước đây, ngay cả quy trình xác minh, yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai... cũng chưa quy định và thực hiện một cách quy củ thì lần này chúng ta đã bổ sung nên rõ ràng phải làm đến cùng theo thẩm quyền. Trường hợp tiến hành thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, nếu các cơ quan thanh tra không làm rõ, không làm đến cùng, sau này khi các cơ quan khác có thẩm quyền vào làm rõ được có vi phạm pháp luật thì chính cơ quan này và các cá nhân có liên quan, nếu có lỗi, cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Áp lực chứ không đặc quyền"
Có ý kiến cho rằng biện pháp kê khai tài sản thu nhập chưa phát huy hiệu quả, vấn đề này đã được khắc phục thế nào thưa ông?
- Có thể nói Luật PCTN năm 2018 đã tập trung vào sửa toàn diện để khắc phục tính hình thức và nâng cao hiệu quả của biện pháp này trong PCTN, cụ thể:
Thứ nhất là luật đã quy định theo hướng chuyển trạng thái từ minh bạch tài sản, thu nhập sang kiểm soát tài sản, thu nhập. Minh bạch dù sao vẫn mang tính chất tự nguyện, phát huy đạo đức công vụ của người có nghĩa vụ kê khai thì giờ giao cho hệ thống các cơ quan làm nhiệm vụ chuyên trách có tính chất độc lập tương đối với cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai để theo dõi, kiểm soát, xác minh.
Thứ hai là luật đã trao quyền cho các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quyết định việc xác minh tài sản, thu nhập chủ động theo lựa chọn ngẫu nhiên hoặc theo yêu cầu.
Thứ ba là Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên.
Quy định này, giúp hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Từ đó, có thể chủ động kiểm soát biến động tài sản, thu nhập; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có chức vụ, quyền hạn; qua đó giúp sử dụng dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập một cách có hiệu quả vào công tác đấu tranh PCTN thời gian tới.
Luật quy định giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại các bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN Nhà nước. Với số lượng kiểm soát lớn như vậy, Thanh tra Chính phủ liệu có quá tải, dẫn đến bỏ sót vi phạm, hoặc cũng có thể dễ lạm quyền không thưa ông?
Liên quan vấn đề kê khai tài sản thu nhập, theo báo cáo, năm 2018 Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với 2017).
- Khi luật đã trao quyền thì luôn gắn với đó là nhiệm vụ, trách nhiệm. Đây chính là áp lực chứ không có đặc quyền gì cả. Áp lực về mặt xã hội, áp lực từ phía các cơ quan có thẩm quyền khác như các cơ quan giám sát.
Nói như vậy để thấy luật cho cơ quan này công cụ để kiểm soát tốt tình hình, thì cũng đặt lên vai áp lực không hề nhẹ. Khi thanh tra xem xét vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà có lỗi dẫn đến không phát hiện được hoặc bỏ lọt vi phạm, sau này cơ quan có thẩm quyền khác vào lại chỉ ra được sai phạm về cùng một nội dung thì người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Trong quá trình xây dựng luật, các cơ quan cũng đã đánh giá tác động, xác định số lượng Thanh tra Chính phủ phải kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo thống kê, số lượng này khoảng trên 3 nghìn người nên không quá lớn. Hơn nữa, ở đây là kiểm soát để nắm giữ, cập nhật giữ liệu thông tin tài sản, thu nhập, chứ không phải ngay lập tức yêu cầu đi xác minh xem trên 3 nghìn người này có kê khai đúng không.
Thời gian đầu, có thể tiến thành xác minh theo mẫu ngẫu nhiên hoặc lựa chọn nhóm dễ xảy ra tham nhũng cao để giảm bớt nguy cơ thiếu trung thực. Sau này, khi đã xây dựng được cơ sở giữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập thì việc kiểm soát sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông (!)
Theo Danviet
Quảng Trị: Buộc thôi việc cán bộ khuyến nông nhận tiền làm "hồ sơ" của người chăn nuôi lợn Có sai phạm trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò, lợn, nên cán bộ khuyến nông xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã bị buộc thôi việc. Một mô hình trang trại chăn nuôi lợn của người dân xã Triệu Độ. Ảnh: HT. Ngày 27.9, ông Nguyễn Chơn Hòa - Chủ tịch UBND xã Triệu Độ cho...