Xây ao kiên cố để nuôi “đặc sản” ốc bươu đen
Nhận thấy, nuôi ốc bươu vốn đầu tư ít, ít công chăm sóc nhưng đem lại thu nhập khá nên chị Nguyễn Thị Kiều ở xóm 9, xã Lý Thành, Yên Thành, Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng ao kiên cố và mua ốc giống về nuôi thả.
Năm 2013, nhận thấy nguồn giống ống bươu (còn gọi là ốc bươu đen, ốc ná) ở vùng nông thôn dồi dào, nhu cầu của thị trường ngày càng tăng cao, chị Nguyễn Thị Kiều đã mạnh dạn xây dựng 5 ao, mỗi ao rộng từ 15 – 20 m2 để thu mua ốc bươu về nuôi.
Chị Nguyễn Thị Kiều đào 5 ao, mỗi ao rộng từ 15 – 20 mét được vuông được xây dựng kiên cố, cấp một lượng nước vừa đủ, nền phủ lớp bùn mỏng, tạo các luống bằng cỏ và bèo tây ( Cây hoa Lục Bình) để tạo bóng mát và ốc sinh sản giống môi trường tự nhiên.
Video đang HOT
Chị Kiều cho biết: Nuôi ốc bươu trong ao không tốn kém lắm, chỉ cần xây ao kín cho đỡ thất thoát, lượng nước vừa đủ, nền phủ lớp bùn mỏng, tạo các luống bằng cỏ và bèo tây để tạo bóng mát và ốc sinh sản giống môi trường tự nhiên. Thức ăn chủ yếu là cám gạo, xơ mít, cộng rau quả, cỏ, bèo cái, thân cây chuối. Ốc con thả xuống ao tầm 3 – 4 tuần thì cho ăn bằng cám gạo. Thời gian ốc phát triển đến giai đoạn thu hoạch ốc thương phẩm khoảng 4 tháng.
Mùa thu hoạch rải rác trong năm do gối vụ, nhưng tập trung nhất là vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9. Ban đêm là khoảng thời gian dễ bắt ốc nhất, vì nước mát, ốc bò ra bám vào các thành ao. Ốc thương phẩm thường có trọng lượng từ 30 – 40 con/kg, giá bán từ 60 – 70 ngàn đồng, cao điểm lên đến 100.000đồng/kg ngay tại ao. Bình quân một ngày chị Kiều xuất bán cho khách từ 3-5 kg, doanh thu mỗi ngày gần 200 ngàn đồng.
Đặc điểm của giống ốc bươu đen là trú ngụ dưới bóng mát bèo tây (cây lục bình), đến khi sinh sản thì bám vào cây hoặc bãi cỏ để đẻ trứng.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc đen, chị Kiều cho biết: Điểm đáng chú ý khi nuôi ốc bươu là không được nuôi cùng ao với các loại cá ăn thịt như cá trắm, cá tràu hay nuôi vịt, ngan vì thức ăn của những loài này chính là ốc, trứng ốc. Cần vệ sinh ao nuôi mỗi năm 1 lần để diệt hết các loài có hại cho ốc.
Cứ đến thời kỳ sinh sản, con ốc lại tìm đến các bãi cỏ, điểm nhiều bèo tây để đẻ trứng, vì thế cần chú ý để bổ sung thêm bèo tây hoặc tạo thảm cỏ để cho ốc có nơi trú ngụ, sinh sản đẻ trứng. Lúc mới đẻ, trứng có màu trắng, khi sắp nở thì chuyển sáng màu trắng đục. Sau khoảng 2 tuần, trứng ốc nở, vỏ vôi của trứng sẽ từ từ tan biến tạo thành lớp keo bao bọc con bên ngoài. Khi ốc con to hơn hạt ngô thì cho ăn bằng cám gạo, kích thích ốc lớn nhanh.
Mỗi ngày chị Kiều xuất bán khoảng 3 – 5kg, thu về trên dưới 200 ngàn đồng, mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng tiền từ ốc bươu.
Ốc bươu đen rất dễ phân biệt, so với ốc bươu vàng thì nó có màu đen, vỏ, thành dày, núm miệng đầy nên khi thu mua ốc được người dân bắt ngoài đồng về phải chú ý lựa chọn, loại bỏ ốc bươu vàng. Bởi nếu lẫn một con ốc bươu vàng vào, có thể hư hại hết cả ao, vì ốc bươu vàng là loại có hại, sinh sản nhanh.
Mô hình nuôi ốc bươu kinh phí đầu tư ít, đầu ra lại rất ổn định, lại mang lại nguồn thu nhập khá. Bởi hiện nay, ốc đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn. Hiện tại, chị Nguyễn Thị Kiều đang tự học hỏi, nghiên cứu thêm tài liệu để nhân giống, mở rộng quy mô nuôi; và nuôi thử nghiệm thêm các loại “đặc sản” đồng quê như: cua, chạch và một bể ếch.
Theo Anh Tuấn – Phan Hiền (Báo Nghệ An)