Xao xác dừa xanh Hàm Tiến
Thợ giỏi mỗi ngày thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Thu nhập đó cho phép thợ dừa tích lũy, dành cho tuổi già bởi khi sự nhanh nhẹn, dẻo dai không còn thì phải bỏ nghề
Cách nhau vài mét, những cây dừa sân sau nhà thờ Rạng ( Khu Du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) như những chiếc dù ngoại cỡ đâm thẳng lên nền trời xanh thẳm.
Cẩn thận và chi tiết
Phạm Văn Tuấn (39 tuổi), thợ leo dừa, ngước nhìn cây một lúc như thể ước lượng độ cao, trước khi bắt tay vào việc. Công việc chuẩn bị của người thợ leo dừa xem ra khá cẩn thận và chi tiết. Đầu tiên, Tuấn lấy trong chiếc túi vải ra cuộn dây dù đường kính không to lắm nhưng rõ là chắc chắn. Tuấn buộc một đầu dây vào thắt lưng, rồi chuyển phần còn lại cho người phụ việc để người này bỏ rải trên đất.
Xong việc ấy, một tay Tuấn cầm rựa, một tay cầm chiếc nài leo hình số 8 (cũng bằng dây dù), rồi đặt một chân lên gốc dừa. “Bắt đầu rồi đây”, tôi nhìn cách Tuấn chuẩn bị, nghĩ bụng. Đúng lúc ấy, Tuấn xỏ nài vào hai cổ chân, thân áp vào cây và bắt đầu trườn lên cho tới lúc tay chạm những bẹ dừa đầu tiên.
Thợ hái dừa luôn phải cẩn trọng trong từng phần việc
“Năm phút tới ngọn. Sao mà tài vậy trời!”. Tôi kêu thầm khi Tuấn dùng tay kéo người lên, tìm một chỗ ngồi chắc chắn trên đầu ngọn dừa. “A ha, thấy đồi Hồng nghe!”, Tuấn nói vọng xuống. Đồi Hồng, điểm du lịch cách Rạng gần 8 cây số. Thấy đồi Hồng, nghĩa là Tuấn cách mặt đất khá cao. Lúc này, tôi đâm lo cho Tuấn, dù biết anh là thợ leo dừa chuyên nghiệp. Còn Tuấn, dường như nỗi lo ấy nếu có, cũng đang được giấu kín. Giờ đây, anh chỉ biết đến nhiệm vụ “vệ sinh dừa”, nghĩa là rong cành khô, chặt những buồng dừa cần chặt.
Thật thế, sau khi ngồi vững trên ngọn dừa, Tuấn tháo dây dù ở thắt lưng ra, vắt lên bẹ dừa trước mặt, trước khi buộc dây vô cuống buồng dừa định chặt. Rựa trên tay Tuấn bắt đầu đưa lên hạ xuống cùng những tiếng “bộp, bộp”. Lúc này, dưới đất, người phụ việc kéo căng phần còn lại của dây dù, mắt lom lom nhìn lên ngọn cây. Nhìn Tuấn và người giúp việc làm, tôi thầm hiểu: Khi buồng dừa dứt ra, thay vì rơi thẳng xuống đất, nó sẽ rơi từ từ vì được bẹ dừa làm giá đỡ, cũng như được người phụ việc kéo dây làm chậm lại quá trình rơi. Quả thế, liền đó, sau một tiếng “bật” nhẹ trên đầu ngọn dừa có phần rung lên vì gió, buồng dừa đứt cuống và xuống đất theo cái cách tôi nghĩ.
Video đang HOT
Anh Diệp Xuân Trình, cựu Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến, cựu Phó Ban Quản lý Khu Du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, có lần kể khi chưa xảy ra nhật thực toàn phần (năm 1995) đánh thức du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, Hàm Tiến có khoảng 150 ha dừa phân tán. Từ Phan Thiết đi Hàm Tiến, dừa xanh rợp bóng. Dừa Hàm Tiến nổi tiếng miền Trung, vì ngoài vẻ đẹp mang lại thì còn làm được nhiều việc: nấu dầu dừa, làm bánh tráng dừa, đánh dây xơ, xẻ gỗ làm nhà, lợp nhà… Con gái Hàm Tiến ngày đó da trắng hồng cũng bởi cả ngày không chịu cảnh nắng nôi, cho dù là xứ biển.
Sống ở xứ dừa, đa phần con trai Hàm Tiến đều biết leo dừa. Điều đó không ngoại lệ với Tuấn. Tuấn kể biết leo dừa từ năm 14 tuổi. Lớn lên, để ý cô nàng bán dừa nên hay đi hái trái cho nàng. Hái riết rồi nên duyên chồng vợ. Sau này, Tuấn về sống tại quê vợ, cách đó mười mấy cây số nhưng ngày ngày vẫn thường cưỡi xe đi Hàm Tiến hái dừa phụ vợ nuôi con. Dần dà, nhiều chủ vườn biết Tuấn, khi cần họ gọi. Song từ lúc đó, Tuấn bắt đầu chịu sự cạnh tranh về nghề. Vài chục người hái dừa chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp lần lượt xuất hiện. Đó là, Nguyễn Chanh ở khu phố 3 Hàm Tiến, Huỳnh Út ở khu phố 2, Nguyễn Như Hùng của Khu Du lịch Vườn Cau, Nguyễn Cán ở khu phố Long Sơn… Trong số đó, Nguyễn Chanh (45 tuổi) là thợ có rất nhiều khách.
Luôn phải tính toán
Anh Diệp Xuân Trình cho hay: “Hàm Tiến có những năm tháng rực rỡ về phát triển du lịch. Trước khi tôi nghỉ hưu vào năm 2017, Hàm Tiến – Mũi Né có 152 cơ sở lưu trú với 6.126 phòng, chiếm 55,8% tổng cơ sở lưu trú và 59,2% số buồng, phòng toàn tỉnh, tăng khá so năm 1995. Du khách đến Hàm Tiến – Mũi Né hằng năm thường chiếm trên 65% tổng lượng khách đến Bình Thuận, riêng khách quốc tế chiếm 92%. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển du lịch, cụ thể là số phòng ốc lưu trú tăng, Hàm Tiến đang mất dần màu xanh thiên nhiên, ở đây là diện tích dừa trong các khu du lịch. Chủ các dự án “lý luận” chẳng ai chịu tiền thuê đất hằng năm thay họ. Đất họ thuê phải đẻ ra tiền! Vì vậy, cứ thế xây phòng! May thay, mất nơi này nhưng dừa lại phát triển mạnh ở xã Thiện Nghiệp kề bên và vùng Long Sơn, Suối Nước của phường Mũi Né. Có đến 400 ha dừa xiêm, dừa bung (to trái) ở mấy nơi trên. Thợ leo dừa tăng nhưng vẫn có việc là vậy!”.
Những người như Nguyễn Chanh, Phạm Văn Tuấn đều hiểu rõ để có việc thường xuyên, họ phải rành nghề. Phải biết nhìn vườn, lượng được trái. Phải biết dừa bung 20 năm tuổi, một năm cho 6 lần trái, mỗi lần 1 buồng từ 10-12 trái; dừa xiêm 8 lần trái/năm… Từ đó, chủ động tìm đến các vườn dừa, thay vì chờ chủ vườn gọi điện. Dừa cao 20 thước, cần 3 phút leo. Cao hơn, 5 phút. Trong một buổi sáng phải hái được vài trăm trái dừa. Ít hơn thì thu nhập thấp và người mua dừa cũng không vui, vì họ “đằng gì cũng thuê một chuyến xe, cần phải chở nhiều và chở đầy!”.
Họ phải thành thạo trong các phần việc của nghề. Chẳng hạn, vệ sinh dừa ở các khu du lịch – một công việc có phần hơi khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng. Nguyên nhân, hiện nay khu du lịch nào cũng xây khá nhiều phòng ốc; máy điều hòa nhiều vô kể và luôn nhô ra bên ngoài mái. Rất ít khoảng trống, khoảng xanh. Ở trên cao, muốn thả một bẹ dừa khô, chùm trái khô xuống mặt đất, thợ luôn phải tính toán thả ở đâu. Nếu lỡ tay, hư hỏng tài sản của người ta đều phải đền.
Tôi tò mò hỏi Tuấn nhân một lần trò chuyện với anh: “Có khi nào thay vì leo từng cây, thợ có thể phóng từ ngọn cây này sang cây kia?”. Tuấn cười: “Ông ơi, điều đó chỉ có thể làm được ở những vườn cau, nơi cau chỉ cách nhau mỗi mét một cây. Còn dừa, cây cách cây ít nhất là 4 m”. Chính vì vậy, công hái dừa khá cao: 2.000 đồng/trái. Vệ sinh dừa, cây cao 30 m, 150.000 đồng; cây 20 m, khoảng 100.000 đồng. Thợ giỏi mỗi ngày hái 500-600 trái, thu nhập khoảng 1 triệu đồng, chưa kể người mua dừa bồi dưỡng thêm. Thu nhập đó cho phép thợ dừa tích lũy, dành cho tuổi già bởi ngoài 50 tuổi, cơ bắp và sự nhanh nhẹn, dẻo dai không còn thì họ phải bỏ nghề!
Sợ lúc gió to
Mãi nghĩ về nghề leo dừa và những câu chuyện trước đó, tôi bất ngờ nghe Tuấn nói to để dưới đất nghe được: “Ở ngoài biển mù mù. Chuẩn bị gió to”. Người giúp việc hỏi lại: “Chặt ráng được không? Nếu không, mai lại phải leo”. “Cây rung lắc lắm!” – Tuấn đáp.
Cuộc đối đáp giữa 2 người thợ bị những cơn gió từ biển thổi vào làm đứt đoạn, cùng lúc với những cây dừa oằn chao. Tháng 6, sao gió như tháng 12 vậy trời? Tôi cảm giác gió có kèm theo cát làm mắt khó mở to. Hái dừa gặp gió to quả là nguy hiểm. Thời trước, dừa Hàm Tiến mọc sát mặt biển. Có không ít người trèo dừa gặp gió rung lắc cây, cứ phải ôm cây như khỉ ôm cột đình, đến lúc bí quá liều thả người rơi xuống biển để thoát hiểm.
Tuấn đang tụt nhanh xuống. Một chân đã chạm đất. Tuấn nói trong hơi thở dốc: “Trước đây, dừa san sát nhau, làm giảm sức gió. Bây giờ, ở Hàm Tiến này, leo chỗ nào cũng sợ lúc gió to”. Dứt câu nói, Tuấn và người bạn tiếp tục quấn dây. “Ngày mai sẽ leo sớm hơn để tránh gió” – Tuấn nói với bạn.
Còn dừa, còn màu xanh ở Hàm Tiến thì còn nghề leo dừa kiếm sống bởi đây là công việc chẳng loại máy nào thay thế được, do không gian leo ngày một hẹp đi bởi phòng ốc xây dựng ngày một nhiều. Và nữa, leo dừa, hái trái có những việc mà chẳng loại máy nào thay thế được con người.
Mất dần màu xanh
Không nói ra, tôi vẫn biết những người thợ leo dừa chuyên nghiệp đều không khỏi tiếc cho sự mất mát màu xanh ở Hàm Tiến. Thiên nhiên gắn bó, nâng đỡ, ban phát nhiều phẩm vật cho cuộc sống nhưng nếu con người chỉ biết khai thác, không gìn giữ, bồi đắp… đến lúc nào đó, thiên nhiên sẽ lên tiếng. Hàm Tiến đang mất dần màu xanh bóng dừa. Môi trường, sinh thái cần báo động. Lúc này đây, tôi nhớ cách đây vài tháng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Mũi Né thành khu du lịch quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Một số vấn đề về quy hoạch, về tái cấu trúc đã được UBND tỉnh Bình Thuận đặt ra.
Bài và ảnh: Hà Thanh Tú
Theo nld.com.vn
Bình Thuận: Ngư dân trúng hàng tấn sò điệp, nhưng giá giảm thê thảm
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, ngư dân phường Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) liên tục "được mùa" sò điệp với sản lượng tăng cao, nhưng đáng buồn là giá bán lại quá thấp.
Ngay từ sáng sớm tại bãi sau của biển Mũi Né, chúng tôi ghi nhận hàng chục ghe tàu đang cập bãi và chuyển sản phẩm lên bờ. Bên cạnh các loại hải sản thông thường như cá, mực, ghẹ... là lượng lớn sò điệp xòe như cánh quạt đựng trong túi ni lông, bao tải... thu hút nhiều thương lái đến đây mua bán.
Thương lái thu mua sò điệp
Một phần sò điệp được đưa lên xe tải vận chuyển đến tỉnh khác tiêu thụ, một phần tập trung vào các trại dựng ngay trên bãi biển để sơ chế, cạy tách vỏ lấy cồi sò. Tất cả các hoạt động ở bãi sau tạo bầu không khí nhộn nhịp, tất bật giữa ngư dân, thương lái và người lao động.
Với sò điệp có màu đỏ ngói, người dân gọi là điệp xốp, điệp ngói, giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Riêng sò có vỏ màu trắng ngà ngà điểm màu hồng nhạt, gọi là điệp bay, giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Sau một đêm khai thác, mỗi tàu đánh bắt từ 1 - 3 tấn sò điệp. Điều đó cho thấy sản lượng tăng cao gấp 3 - 5 lần so với chính vụ năm ngoái, nhưng giá bán năm nay giảm hẳn 70%.
Mặc dù ghe tàu trúng mùa sò điệp, nhưng anh em thuyền viên chỉ kiếm được 500.000 - 700.000 đồng mỗi chuyến biển sau khi trừ chi phí. Sự chênh lệch không đáng kể, so với năm ngoái chỉ đánh bắt được vài tạ, mà giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg sò điệp xốp.
Câu chuyện được mùa mất giá vẫn tiếp diễn với ngư dân Mũi Né. Và nút thắt là chưa có chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm sò điệp từ nguyên liệu cho đến tay người tiêu dùng. Một khi có chuỗi liên kết, thì giá bán sản phẩm của ngư dân sau thu hoạch sẽ ổn định hơn.
Theo Trang Minh (Báo Bình Thuận)
Xe khách 16 chỗ lật ngửa sau cú đâm liên hoàn Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào lúc 4g sáng nay, 6-6, trên đường Xuân Thủy, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Thời điểm trên, ô tô khách loại 16 chỗ mang BKS của tỉnh Bình Thuận (chưa rõ BKS cụ thể) do tài xế Phạm Quang Nhật (SN 1987) điều khiển, lưu thông trên đường theo...