Xanh ngát màu Pu Ta Leng
Đỉnh Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) nổi tiếng trong giới mê leo núi là một trong những đỉnh khó chinh phục bậc nhất, cung này những “tay mơ” mới bước chân vào cuộc chơi trekking cần cân nhắc và chuẩn bị kỹ.
Quyết tâm leo Pu Ta Leng vào một ngày cuối năm rét ngọt, chúng tôi hiểu tại sao ngọn núi này đầy thách thức và cũng đầy hấp dẫn.
Núi Pu Ta Leng, hay còn được người Dao bản địa gọi là Pú Tả Lèng, được bao phủ bởi rừng già nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú. Nếu bạn thích khám phá thế giới dưới tán rừng cổ tích, Pu Ta Leng chủ yếu toàn lối mòn đi trong rừng. Nếu bạn muốn săn mây, Pu Ta Leng cũng có hẳn “đại dương” mây cho bạn ngắm. Nếu bạn yêu loài đỗ quyên, hãy tìm đến vào mùa hoa nở rộ (khoảng tháng 2, 3 dương lịch) để đắm mình trong những thảm hoa đầy màu sắc. Còn nếu đơn giản bạn yêu màu xanh thiên nhiên, đam mê trải nghiệm trekking trên những dãy núi của nước ta, thì đến với Pu Ta Leng lúc nào cũng được.
Bản Phô chỉ có khoảng hơn 30 nóc nhà quây quần, nằm bình yên lặng lẽ ngay dưới chân núi.
Có nhiều hướng leo hoặc lịch trình khác nhau, nhưng chúng tôi chọn xuất phát từ bản Phô, xã Hồ Thầu, thời gian 2 ngày 1 đêm. Cả nhóm đi xe khách đêm Hà Nội – Lai Châu và đến bản Phô từ tờ mờ sáng, được anh Phàn A Páo – người dẫn đường kiêm porter đã liên hệ từ trước – ra đón. A Páo bảo phải tranh thủ thời gian nên chúng tôi ăn sáng nhẹ rồi xuất phát ngay. Những đoàn trekking khác chọn chặng 3 ngày 2 đêm thì có thể thong thả hơn.
Khoảnh khắc tuyệt đẹp khi đứng dưới tán rừng xanh um, ngắm mặt trời rực rỡ nhô lên khỏi dãy núi.“>
Ở khoảng 1.000 mét đầu tiên, độ dốc tăng dần, cây cối đủ hình dáng, kích cỡ xuất hiện. Tôi thấm mệt, cảm thấy má nóng bừng và phải cởi bớt áo khoác. Tuy nhiên, đó chỉ như “món tráng miệng” thôi, trước khi chúng tôi thực sự đi sâu vào khu rừng rậm rạp, không hề có đường mà chỉ là những lối mòn bé xíu băng qua những nương thảo quả của người H’Mông. Một đoạn đường còn khá dễ đi, trên đầu là tán cây cổ thụ ken vào nhau dày đặc, dưới chân là những bụi thảo quả tỏa hương thơm lừng.
Cả nhóm cứ đi ngược lên cao, men theo những dòng suối. Với A Páo dẫn đường và 4 anh em porter khác giúp mang đồ, chúng tôi không phải dò dẫm và cũng không khuân vác nặng, ấy vậy mà vẫn thở ra đằng tai!
Video đang HOT
Ánh nắng mùa đông xuyên qua màn sương, lấp lánh trên những nhánh cây tạo nên cảnh đẹp huyền ảo mà đầy sức sống.“>
Và cả những hồ nước xanh trong như ngọc, tinh khiết không một chút vẩn đục. “Đặc sản” của Pu Ta Leng có lẽ còn là rất nhiều khe nước nhỏ, hoặc những dòng suối lớn chảy róc rách đêm ngày, góp thêm một màu xanh cho chốn rừng sâu núi thẳm.
Chúng tôi không đếm xuể bao lần phải vượt qua những con dốc dựng đứng, trơn trượt, phải bấm chặt giày xuống đất và tìm cách bám vào rễ cây hoặc nắm tay người đi trước.“>
Tại điểm nghỉ chân, mỗi người một tay dựng trại, nấu nướng… Trời có nắng nhưng đang giữa mùa đông trên núi cao nên nhiệt độ vẫn khá thấp. Những món ăn đơn giản nhưng nóng hổi vẫn trở thành “cao lương mỹ vị” đối với những lữ khách đã mệt nhoài.“>
Sau hành trình 12 tiếng ròng rã, chúng tôi nghỉ đêm ở độ cao khoảng 2.500 m. Trời về khuya, nhiệt độ giảm sâu, có lẽ chỉ còn 2-3 độ C, nhưng vì đã chuẩn bị trước nên mọi người đều ngủ ngon trong lều ấm áp, lấy sức cho buổi mai sẽ đặt chân lên đỉnh núi cao 3.049 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn – “nóc nhà của Đông Dương”. Sáng hôm sau, từ lán nghỉ tiếp tục leo lên dốc, xuyên qua rừng trúc xanh rì, đi thêm chừng 3 tiếng đồng hồ nữa mới tới đỉnh. Nhưng mọi mệt nhọc dường như tan biến đi trong chớp mắt ngay khi chúng tôi ngẩng đầu lên và bắt gặp màu trời xanh biếc vời vợi ngay trên những đỉnh núi sừng sững.
Nơi đặt chóp đánh dấu đỉnh núi Pu Ta Leng khá hẹp, kề bên là vực sâu hun hút, nên chúng tôi không có nhiều góc để chụp ảnh. Nhưng chỉ cần phóng tầm mắt ra xa một chút, sẽ thấy biển mây trắng tinh bồng bềnh thậm chí còn ở dưới chân mình.
Cả đoàn lưu niệm trên đỉnh Pu Ta Leng, nhưng chuyến đi chưa kết thúc bởi sau đó còn là cuộc hạ sơn kéo dài 15 tiếng đồng hồ trở lại bản Phô. Chúng tôi có thêm một hành trình đầy ắp màu xanh, tuy vất vả nhưng đầy cảm xúc.
Thác Y Hai - Điểm đến hấp dẫn
Thời gian gần đây, thác Y Hai trở thành điểm đến quen thuộc của không ít người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông bởi không khí trong lành, lại mang ý nghĩa tâm linh.
Đường đến thác Y Hai
Trong một dịp công tác ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), qua lời giới thiệu bằng hình ảnh về thác Y Hai, xã Măng Ri của một người anh, tôi đã "phải lòng" ngay từ tấm hình đầu tiên. Cùng với lời mời gọi "đường dễ đi lắm" đã thôi thúc tôi phải "mục sở thị" vẻ đẹp quyến rũ của thác.
Chọn một ngày nghỉ cuối tuần, tôi quyết định tìm đến thác Y Hai. Xuất phát từ thành phố Kon Tum, sau gần 2 tiếng chạy xe, vượt qua cung đường dài lộng gió, tôi đến xã Măng Ri. Để tìm đường đến thác và nghe những câu chuyện thú vị về con thác này, lãnh đạo xã Măng Ri đã dẫn tôi đến nhà già làng A Nít ở thôn Long Láy, người được xem là thổ địa nơi đây.
Già A Nít năm nay hơn 70 tuổi. Cuộc đời già gắn bó với núi rừng Măng Ri, và thác Y Hai gắn bó với già như người bạn.
Theo chân già A Nít, chúng tôi men theo con đường liên thôn bê tông phẳng phiu, vào sâu trong làng Đăk Dơn. Thác Y Hai nằm trên đỉnh dốc, cuối làng Đăk Dơn. Vừa đi vừa ngắm cảnh, tìm hiểu thêm cuộc sống và sinh hoạt của người Xơ Đăng ở làng Đăk Dơn. Và rồi, thác Y Hai hiện ra trước sự ngỡ ngàng của tôi.
Tầng cao nhất của thác Y Hai như dải lụa đong đưa giữa rừng cây xanh mát. Ảnh: VT
Nhìn từ xa, thác Y Hai thả mình như dải lụa trắng đong đưa trên những phiến đá xám xịt nhấp nhô giữa rừng già xanh mát. Càng đến gần, âm thanh nước từ thác chảy xuống càng vang vọng. Từ dưới nhìn lên, từng mảng nước đổ từ trên cao va vào những tảng đá lớn rồi bắn tung tóe hàng vạn tia nước, mạnh mẽ, hung hăng như những con thú trong rừng.
Đứng trên cây cầu treo bắc ngang dòng chảy ở tầng giữa của thác, già A Nít lôi điếu thuốc lá từ trong túi quần và châm lửa. Nhìn về phía đằng xa rồi rít một hơi thuốc dài, già chậm rãi phả làn khói xanh giữa không gian thơ mộng và kể những câu chuyện thú vị về thác.
Một dòng chảy 3 cái tên
"Con thác này được chia làm 3 tầng, chúng ta đang đứng ở tầng giữa dòng chảy mang tên Y Hai, phía tầng trên và dưới dù chung một dòng chảy nhưng lại có hai cái tên khác nhau" - già A Nít bộc bạch.
Tầng cao nhất của thác được đặt tên là Y Vai. Ảnh: VT
Chỉ tay về phía đằng xa, nơi tầng thác cao nhất, già A Nít gọi là thác Y Vai, còn theo hướng ngược lại, con thác chảy ở tầng thấp nhất có tên là A Manh. Giải thích về sự kỳ lạ trong cái tên, già A Nít cười hiền: Y Hai là cái tên từ thuở xa xưa, còn tên Y Vai và A Manh là tên một đôi vợ chồng, do ông bà gần đây đặt.
Theo lời già, gia đình bà Y Vai và ông A Manh là gia đình kiểu mẫu, sống rất hạnh phúc, sung túc, con cái trong nhà đều thành đạt, hòa thuận và có hiếu với cha mẹ. Người dân trong làng ai nấy đều ngưỡng mộ, nên về sau đã lấy tên đôi vợ chồng đặt tên cho con thác để mọi người cùng tưởng nhớ. Với người Xơ Đăng, trong gia đình, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, sung túc. Vì vậy, tầng thác cao nhất cả làng thống nhất lấy tên người vợ đặt cho thác; còn tên người chồng được đặt cho các tầng ở dưới.
Câu chuyện được truyền tai nhau, thác Y Hai được bà con xem như vị "thần". Già A Nít kéo tay tôi men theo con đường đất dẫn xuống thác, hai bên đường là những "cụ" cây với nhiều dáng, nhiều thế khác nhau. Có cây dáng tựa thác đổ, bóng cây là đà trên mặt nước, có cây lại mọc trên đá với bộ rễ ôm trọn những phiến đá nhiều màu như con rồng cuộn lấy "viên ngọc". Có những tảng đá bằng phẳng có đường kính to như cái phản, là nơi để các nhóm du khách ngồi thư giãn, thả hồn vào thiên nhiên hoang dã.
Thác Y Hai có những ao nước trong vắt để du khách có thể ngâm mình giữa thiên nhiên hoang dã. Ảnh: VT
Bước trên từng tảng đá nhấp nhô, tôi cùng già A Nít hào hứng đến chân của tầng thác cao nhất - Y Vai. Một hồ nước trong vắt nằm dưới chân thác, xung quanh là tán cây xanh với các phiến đá nhiều màu. Chỉ nhìn thôi, tôi đã muốn được ngâm mình trong hồ nước để tận hưởng dòng nước mát lành.
Cùng già A Nít ngồi xuống tảng đá sát mép nước, tôi nhúng đôi tay xuống dòng nước mát rười rượi rồi rửa mặt. Nước mát làm người sảng khoái đến lạ thường!
Già A Nít giới thiệu về tầng giữa thác Y Hai. Ảnh: VT
Nghỉ ngơi được một lát, già A Nít dẫn tôi quay về thác A Manh. Lần này, không phải đứng dưới chân thác như hành trình đến tầng thác Y Vai mà chúng tôi đứng trên đỉnh thác A Manh.
Đang là mùa khô, đỉnh tầng thác A Manh lộ phần đá đen bóng, dưới nắng mặt trời thi thoảng lại hắt lên vài gam màu tím xen lẫn đỏ, trông rất huyền ảo. Càng bước đến đỉnh thác, đôi chân tôi càng run run vì độ dốc ngày càng hiện rõ. Đang bước đi, già A Nít đứng lại: "Đến đây thôi, dốc đá nguy hiểm lắm".
Tầng giữa - thác Y Hai với dòng chảy trong vắt len lỏi qua nhiều phiến đá có hình thù khác nhau. Ảnh: VT
Ngồi nghỉ ngơi, già châm tiếp điếu thuốc rồi kể chuyện, từ bao đời nay, thác Y Hai là nguồn nước của người dân các thôn Long Láy, Đăk Dơn. Nguồn nước thác Y Hai trong lành nuôi lớn bao thế hệ người Xơ Đăng nơi đây. Gắn bó với thác Y Hai, tôi mong muốn quãng đời còn lại sẽ thấy được sự đổi thay của thác, thấy được sự quan tâm từ chính quyền địa phương để thác Y Hai trở thành điểm du lịch được nhiều người biết đến.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để phát triển khu vực thác Y Hai thành điểm du lịch cộng đồng, hiện tại, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh quy hoạch khu vực thác Y Hai thành địa điểm du lịch gắn với trải nghiệm vườn sâm, chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo cho xã mở rộng đường xuống thác, xây dựng vài nhà chòi cho du khách nghỉ chân; xây dựng đội văn nghệ cồng chiêng, các đội dẫn đường, phục vụ du khách, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội chuyên nấu ăn các món ăn truyền thống, phát triển thêm một số mô hình gà thả vườn, heo sọc dưa... để du khách có thể trải nghiệm văn hóa ẩm thực và sinh hoạt của đồng bào Xơ Đăng nơi này.
Chiêm ngưỡng ruộng bậc thang Mẫu Sơn mùa nước đổ Hằng năm cứ đến độ tháng 3 âm lịch, xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) bước vào mùa vụ mới, các vạt ruộng bậc thang nơi đây lại trở nên nổi bật thu hút nhờ khoác lên mình lớp áo mới với những gam màu đặc trưng của đất, của nước, của mạ non...góp cho bức tranh mùa xuân núi rừng thêm phần...