Xăng tăng giá liên tục, cặp đôi chạy xe ôm công nghệ hoãn cưới lo kiếm cơm
Dự định tổ chức đám cưới trong năm nay, nhưng xăng tăng giá liên tục là một trong các yếu tố khiến cặp đôi tài xế công nghệ ở TP.HCM phải hoãn đám cưới để lo kiếm cơm qua ngày.
Xăng tăng giá liên tục, bó rau, miếng thịt ngoài chợ cũng tăng theo đã tác động lớn đến cuộc sống của giới tài xế công nghệ. Cặp đôi Trần Phước Vinh và Nguyễn Thị Ngọc Trọng (cùng 32 tuổi, ở nhà trọ TP.HCM) phải tạm hoãn đám cưới dự định tổ chức cuối năm nay vì không thể gom đủ tiền trong cơn “bão giá”.
Tằn tiện từng đồng vì xăng tăng giá
Sau khi hai bên gia đình gặp mặt nói chuyện tổ chức đám cưới, anh Vinh, chị Trọng dọn về chung căn phòng trọ chừng 12m2 ở “cung đường ngập” Nguyễn Văn Quá (Q.12) góp gạo thổi cơm chung.
Vượt qua nhiều thử thách, anh Vinh, chị Trọng mới đến được với nhau. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Đều là những người chịu cày cuốc, mỗi ngày anh chị mở app từ 8 giờ, đặt mục tiêu chạy tới khi doanh thu chạm mức 700.000 – 800.000 đồng mới tắt app về nghỉ, thường thì cũng vào 9 – 10 giờ tối.
Là nữ tài xế công nghệ, chị Trọng gặp nhiều áp lực trong công việc hơn so với chồng sắp cưới. “Mỗi ngày tôi đều cố chạy cho được 800.000 đồng sau khi trừ phí app để được thưởng của hãng rồi mới về. Cũng với số tiền này, ngày trước tôi chỉ tốn chừng tám chục đến 100 ngàn đổ đầy bình xăng, thì nay tôi phải đổ khoảng 140.000 đồng mới đầy bình; trừ thêm tiền ăn nữa thì chỉ còn khoảng 600.000 đồng chưa kể tiền bảo dưỡng, xe hư. Nhưng không phải ngày nào cũng đủ sức để chạy được con số này”, chị chia sẻ.
Theo nữ tài xế, mua rau, thịt ngoài chợ nhiều khi 100.000 đồng không đủ, nên chị thường canh khi siêu thị nhỏ sắp đóng cửa, dọn dẹp giảm giá rau, thịt cuối ngày vào mua. “Rẻ được chút nào hay chút đó, nhiều khi đồ cận ngày hết hạn sử dụng, nhân viên họ cho luôn. Rồi sáng tôi dậy sớm nấu 1 món canh, 1 món mặn để hai đứa ăn xong mới đi làm”, chị nói.
Bữa cơm sáng đơn giản tại nhà để tiết kiệm chi phí. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Tương tự, anh Vinh cho rằng, buổi sáng ăn cơm thì vừa no lâu vừa chắc bụng. Mỗi bữa cơm sáng tự nấu ở nhà của cả hai chỉ tốn chừng 25.000 – 35.000 đồng. Buổi trưa, anh thường chọn quán giá bình dân, dao động 25.000 đồng/suất, ghé vào ăn rồi đi liền. Cắt giảm mọi chi phí, nước uống ở nhà anh đun sôi để nguội, cho vào bình lọc mang theo, cà phê cũng pha sẵn.
Video đang HOT
Anh nhận xét: “Ngày trước chưa góp gạo thổi cơm chung tôi cũng hay nấu ăn ở nhà, mà mình đàn ông vào bếp rề rà lắm, nấu mãi mới xong 1 món. Giờ có bà nhà về ở chung, bữa cơm mình cùng nhau nấu, việc nhà cùng nhau làm, mọi chuyện buồn vui trong công việc có người chia sẻ, vui hơn hẳn”.
Chị Trọng sắc thuốc để anh Vinh mang theo đi làm. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Gạo ở quê xách lên ăn, trừ tiền nhà trọ 1,5 triệu đồng, tiền điện, nước, tiền trả góp chiếc xe, tiền xăng, tiền gửi về quê cho cha mẹ, tiền ăn uống, thuốc men cho bệnh đau cổ vai gáy của anh Vinh,… mấy tháng gần đây, cặp đôi không tiết kiệm được đồng nào.
Anh chia sẻ: “Mỗi tháng tôi chạy chừng 15 – 16 triệu, bà nhà khoảng 12 triệu, quay qua quay lại không dư đồng nào. Hơn 2 năm trước khi mới yêu nhau là dự tính đến cuối năm nay làm đám cưới, mà vừa gặp dịch, xong thì tiền thuốc men của tôi, rồi xăng tăng kéo theo bó rau, miếng thịt cũng tăng nên tôi đặt mục tiêu cố gắng năm sau phải làm được bữa tiệc ấm cúng nho nhỏ”.
Tình yêu vượt mọi thử thách
Chuyện tình yêu của anh Vinh và chị Trọng khiến nhiều người trong nghề ngưỡng mộ vì sự chia sẻ, cố gắng của cả hai. Trước khi đến với anh Vinh, chị Trọng đã có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn, ngày ôm 3 con bỏ đi, chị mới bắt đầu làm tài xế công nghệ. Gửi con cho chị gái nhờ trông nom, chị chạy miệt mài từ 4 giờ sáng đến giữa đêm.
Cả hai tạm hoãn đám cưới để lo trang trải cuộc sống hiện tại .Ảnh VŨ PHƯỢNG
Là đội phó đội Hướng Dương, một lần tình cờ anh Vinh gặp chị Trọng, xem app tài xế, thấy chị chạy rong ruổi cả ngày đêm nhưng thu nhập không như thời anh cày cuốc. Anh liền hướng dẫn chị mở thêm các cuốc Food, giao hàng, chạy giờ nào có thu nhập tốt…
Từ sự ngạc nhiên khi biết câu chuyện một mình chị chạy nuôi 3 con nhỏ, anh Vinh chuyển sang đồng cảm và dần có tình cảm với nữ tài xế đồng nghiệp. Nghe chồng sắp cưới kể đến đây, chị Trọng rơm rớm nước mắt tâm sự: “Biết ảnh con trai một, tôi thì 3 con rồi, sợ ảnh khổ nên ban đầu tôi không chịu. Nhưng chính sự thật thà, quan tâm chia sẻ thật lòng từ ảnh nên tôi cho mình thêm cơ hội lần nữa”.
Có người đồng hành, chia sẻ, chị Trọng cho biết cuộc sống nhẹ nhàng, bớt áp lực hơn nhiều. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Vượt qua giới hạn bản thân, cả hai tiếp tục bị gia đình cấm cản. Một thời gian sau, bằng sự chân thành, cặp đôi mới được hai bên đồng ý cho đến với nhau, thậm chí giờ đây còn hối thúc sớm tổ chức đám cưới.
Từ đợt dịch, chị gửi các con về nhà ngoại ở Long An để yên tâm chạy xe. Mỗi tháng, chị gửi về 6 triệu để nhờ ông bà lo ăn học cho các cháu, nhưng gần đây, giữa cơn “bão giá”, số tiền chị gửi cứ vậy ít đi dần. Những ngày bà ngoại bận, anh Vinh cũng chủ động tắt app về chơi cùng 3 đứa nhỏ.
Anh Vinh cho hay, làm cùng nghề, tối về cả hai có nhiều câu chuyện để kể cho nhau nghe. Dù vợ sắp cưới có kể gặp khách say xỉn ngồi vịn vai hay khách làm khó dễ, anh cũng động viên, chia sẻ cách xử lý chứ không hề tỏ ra khó chịu.
Ngày nắng hay ngày mưa, cả hai vẫn bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng và về nhà vào 8 – 10 giờ tối. Ảnh VŨ PHƯỢNG
“Có anh đồng hành, tôi thấy được san sẻ nhiều, tôi đi làm về mệt thì ảnh nấu cơm, thèm cái này cái kia thì ảnh về sớm chở đi ăn chứ không phải chỉ cắm mặt kiếm tiền”, nữ tài xế công nghệ chia sẻ.
Nhắc về tương lai, nam tài xế cho hay: “Con của vợ mình cũng là con mình. Sau đám cưới mình sẽ sinh thêm con, cùng nhau nuôi dạy các con ăn học nên người. Sau đó, bà nhà có thể ở nhà mở bán đồ ăn, thức uống gì đó qua các app, đón các bé ở quê lên để cả nhà gần nhau”.
Tài xế xe công nghệ đồng loạt tắt app bỏ nghề vì giá xăng
Giá xăng tăng cao, nhiều tài xế mất động lực ra đường và quay về chạy xe truyền thống để không bị ràng buộc bởi mức chiết khấu, tự thỏa thuận về giá với khách hàng.
Giá xăng dầu từ đầu năm tới nay liên tiếp tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ảnh hưởng tới tất cả các đối tượng trong xã hội. Bởi vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, liên quan đến tất cả mọi ngành nghề.
Đối với các tài xế công nghệ thì ảnh hưởng đó lại càng rõ nét. Thời gian gần đây, không ít khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ phàn nàn rằng việc đặt xe trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nguyên nhân được cho là không ít tài xế đã tắt ứng dụng, chuyển nghề vì không chịu nổi giá xăng tăng cao.
Sau gần 10 phút bật ứng dụng Grab mà không tìm được tài xế, anh Lê Văn Chung ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội phải đi bộ ra đầu ngõ trực tiếp gọi xe. Thường xuyên di chuyển bằng xe công nghệ, anh Chung cảm nhận rõ tình trạng khó đặt xe thời gian gần đây.
Giá xăng dầu cùng hàng loạt chi phí tăng cao khiến lái xe công nghệ lâm vào cảnh khó khăn.
Trước đây, anh Chung chỉ cần mở app trước khi ra khỏi nhà, khóa cửa, xuống sảnh vừa kịp lúc tài xế đến. Tuy nhiên vài tuần qua, sau không ít lần nhỡ việc vì tài xế hủy chuyến, vị khách này buộc phải lựa chọn phương án di chuyển khác. "Mình muốn di chuyển đến những chỗ gần nhiều tài xế họ không đi, toàn phải ra ngoài trả giá chứ họ không nhận qua app...", anh Chung cho biết.
Là một tài xế của hãng xe công nghệ Grab, anh Ngô Văn Ngọc vừa trực tiếp nhận cuốc xe của khách không qua ứng dụng. Giá xăng tăng cao, buộc những người lái xe như anh phải lao ra đường từ sáng sớm đến tối mịt mới về, dù mỗi ngày làm 12 tiếng liên tục nhưng thu nhập vẫn kém hơn trước.
Lý giải về tình trạng khách hàng khó đặt xe qua app, anh Ngọc cho rằng, giá xăng từ đầu năm tăng mười mấy lần, trong khi giá cước và phần trăm chiết khấu về công ty vẫn giữ nguyên. Thu nhập giảm sút, nhiều tài xế như anh đã chọn phương án tắt ứng dụng để bắt khách ngoài, hoặc chuyển sang tìm công việc khác phù hợp.
"Mặt bằng giá cả hàng hóa mọi thứ đều tăng chóng mặt. Giờ chỉ trông vào thu nhập từ lái xe công nghệ để nuôi gia đình thì thật sự không ổn. Muốn có thu nhập để trang trải chi phí, tài xế mỗi ngày phải làm mười mấy tiếng, với lượng thời gian đó mà thu nhập không có tích lũy thì thà làm nghề khác sẽ nhàn hơn. Lái xe vất vả nên tài xế nghỉ nhiều, nhiều người ngại chạy chở người nên chỉ chạy đồ ăn, giao hàng sẽ đỡ hại xe", anh Ngọc chia sẻ.
Miệt mài giao hàng cho khách bất kể trưa nắng, nhiệt độ hầm hập từ mặt đường tỏa ra bỏng rát người, anh Nguyễn Văn Duy, nhân viên giao hàng của Shoppee phải tính toán cung đường đi nhanh nhất, ngắn nhất và gọi điện hẹn khách nhận hàng đúng giờ, tránh đi lại mất công. Anh Duy cho biết, vì tài xế của hãng nghỉ nhiều nên nếu chịu khó làm thì cũng không thiếu đơn hàng. Tuy nhiên cũng bởi thế mà tần suất các shipper phải đi lấy hàng xa địa bàn ngày một tăng. Có những đơn hàng đi xa đến 2 cây số, tiền thu về chỉ được 20.000 đồng, sau khi trừ chiết khấu và tiền xăng xe anh chẳng còn lại là bao.
"Giá xăng tăng liên tục khiến nhiều bạn nghỉ còn những người như bọn em hơi vất vả. Vất vả ở chỗ khi ít tài xế, điểm lấy đơn hàng xa hơn, tiền xăng bọn em phải chịu hết nên trừ chi phí xăng xe, nước nôi trời nắng nóng khiến thu nhập của người giao hàng giảm mạnh", anh Duy nói.
Tìm cách làm ít thời gian và có thu nhập cao hơn là tính toán của nhiều lái xe công nghệ.
Không chỉ thực tế ngoài đường mà trên các hội nhóm của cộng đồng tài xế xe công nghệ như Grab bike, Groject, Now, Baemin.... giá xăng, giá cước, giá sinh hoạt và những loại giá khác đều là đề tài được quan tâm và thảo luận nhiều nhất. Nhiều tài xế mong muốn các hãng phải quan tâm nhiều hơn tới tài xế trong bối cảnh khó khăn chung.
"Mình mong muốn Grab hỗ trợ anh em một chút, giảm bớt phần trăm chiết khấu, hoặc có thể có thêm chính sách thưởng để giúp anh em có thêm thu nhập bù vào tiền xăng"; "Các hãng xe công nghệ có thể có thêm những chính sách cộng điểm, tích lũy hay như thế nào đó để giữ chân tài xế...", đó là một số ý kiến kiến nghị của các lái xe công nghệ trong thời điểm chi phí xăng dầu gia tăng như hiện nay.
Nền tảng công nghệ giúp các tài xế kết nối được với khách hàng một cách dễ dàng nhất. Bởi vậy đã có thời điểm, tài xế công nghệ được xem là một nghề hấp dẫn, thời gian linh hoạt, thu nhập khủng. Thế nhưng trong thời buổi giá xăng tăng cao như hiện nay, nhiều tài xế mất động lực ra đường, nhiều người đã lựa chọn quay về với chạy xe truyền thống để không bị ràng buộc bởi mức chiết khấu và có thể thỏa thuận về giá cả với khách hàng trong thời buổi vật giá leo thang./.
Tài xế nửa đêm chở bé trai sốt, co giật đi cấp cứu chẳng màng tiền bạc Gần 4 giờ sáng, đang ngủ trên xe, anh Ngọc thấy có người gõ cửa xe đi Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM anh sốt sắng chở ngay. Đến nơi anh không nghĩ đến chuyện tiền bạc, chỉ mong bé được cấp cứu kịp thời. Mạng xã hội chia sẻ câu chuyện và hành động đẹp của nam tài xế nhận được nhiều...