Xâm hại tình dục trẻ em hay chúng ta đang xâm hại lẫn nhau?
The Hunt (tạm dịch: Kẻ đi săn) là bộ phim về đề tài xâm hại tình dục trẻ em của Đan Mạch. Nhưng câu chuyện được đặt ra trong phim lại ở góc nhìn đảo ngược: Nếu kẻ tình nghi bị oan?
Có thật trẻ em không bao giờ nói dối?
The Hunt từng được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2014. Phim lấy bối cảnh một thị trấn vùng quê bình yên ở Đan Mạch, nơi những người đàn ông gắn bó với nhau từ thời thơ bé qua những cuộc đi săn hươu nai trong cánh rừng lá kim thơ mộng. Cuối tuần là dịp họ đi săn, uống rượu, hay chơi những trò cá độ điên rồ như thách nhau lột trần ra và nhảy xuống hồ nước giữa giá rét ngày đông. Cuộc sống lẽ ra cứ trôi đi trong những cuộc vui nếu như không phải một ngày nọ, một vụ lạm dụng tình dục trẻ em nghiêm trọng đã xảy ra ở nhà trẻ trong thị trấn mà thủ phạm bị tình nghi chính là thầy giáo. Người đó tên Lucas.
Lucas – một người đàn ông có vẻ mặt lạnh lùng, nhiều ưu tư, sống độc thân, đã li dị với vợ và đang gặp rắc rối trong việc giành quyền nuôi con. Anh làm bảo mẫu tại nhà trẻ, chăm sóc lũ trẻ từ việc cởi áo khoác cho chúng, ngủ trưa với chúng, làm “bị bông” cho chúng đánh trận giả đến việc đưa chúng đi vệ sinh và chờ chúng xong việc để chùi đít. Lucas được bọn trẻ vô cùng yêu quý, trong đó có Klara – con gái út của Theo, người bạn thân nhất của Lucas.
Lucas và Klara trên đường đến trường
Klara 4 tuổi, là đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú và lắm suy tư. Cô bé thường tủi thân buồn chán bỏ ra ngoài khi bố mẹ cãi nhau. Cô rất thích được chú Lucas đưa về nhà sau giờ học hay đến nhà Lucas một mình để dắt con cho cưng của Lucas có tên Fanny đi dạo. Nhưng Klara ngây thơ xem đó là một mối tình của mình. Cô bé làm một trái tim màu đỏ, bỏ vào phong bao để gửi tặng Lucas. Cô bé thích ngắm chú Lucas chơi đùa với đám trẻ trai vào giờ ngủ trưa. Và khi thấy chú Lucas nằm trên giường cho bọn trẻ đánh, Klara đã nhảy lên người chú, hôn vào môi chú.
Klara, cô bé 4 tuổi có trí tưởng tượng phong phú và nhiều suy tư bên trong tâm trí non nớt ngây thơ
Lucas nhanh chóng nhận ra những lệch lạc trong tình cảm của cô bé. Anh đã mang trái tim đưa lại cho Klara và bảo bé rằng “ con nên tặng nó cho một bạn trai hoặc bố mẹ của con“. Klara bất ngờ bị tổn thương và xấu hổ khi bị chú Lucas từ chối tình cảm. Cô bé lắc đầu phủ nhận đó là trái tim mình làm rồi giận dỗi bỏ đi. Bà Hiệu trưởng thấy Klara ngồi một mình trong phòng tối thì hỏi thăm. Trong tâm lý phức tạp của sự tổn thương, Klara nói “ Lucas là người xấu“, và rằng “ chú Lucas đưa cho con một trái tim“, và rằng “ chú Lucas có “mũi nhọn xấu xí“(ám chỉ bộ phận sinh dục của nam giới)”. Trước đó, Klara đã nhìn thấy hình dương vật trong những tờ tạp chí “ nóng” mà anh trai cô bé cùng bạn bè mang về nhà trêu chọc nhau.
Ngày hôm sau, bà Hiệu trưởng đã gọi cảnh sát tới để trò chuyện với cô bé. Ban đầu, Klara phủ nhận rằng mình chẳng nói gì cả. Nhưng khi viên cảnh sát mớm lời bằng những câu hỏi “có, không” thì cô bé, với tâm lý vừa ngây thơ vừa phức tạp và nhận thức non nớt ở tuổi lên 4 đã gật đầu. Cô bé làm sao mà biết được cái gật đầu của nó đã gây ra những hệ quả khủng khiếp đến thế nào.
Thay vì tôn trọng những lời nói của con trẻ, từ Bà hiệu trưởng nhân hậu, viên cảnh sát đến mẹ của Klara đều suy diễn trí tưởng tượng rùng rợn trong cơn hoang mang của mình và biến câu chuyện do mình nghĩ ra thành câu chuyện do cô bé kể ra
Lucas bị đuổi việc. Một cuộc triệu tập phu huynh toàn trường được tổ chức. Bà hiệu trưởng đưa ra cuốn cẩm nang nhận biết tình trạng bị xâm hại tình dục trẻ em cho các phụ huynh. Trong nỗi hoang mang lo lắng tột độ, phụ huynh nào cũng nhận thấy con mình có những dấu hiệu tương tự trong cẩm nang, như ác mộng hay tè dầm. Và rồi, Lucas bị buộc tội không chỉ xâm hại Klara mà còn xâm hại nhiều trẻ em khác trong nhà trẻ.
Dĩ nhiên, cảnh sát không có chứng cứ nào. Và họ buộc phải thả anh ra. Nhưng người dân toàn thị trấn thì không. Họ tự thấy họ có nhiệm vụ phải khiến anh bị trừng trị bởi cái tội ác ghê tởm. Họ đoàn kết lại để chiến đấu với anh. Họ tự thấy mình chính nghĩa khi đã làm được điều mà pháp luật không làm được. Đó là tẩy chay và cô lập Lucas, khiến anh sống không bằng chết. Bà Hiệu trưởng yêu cầu anh phải tránh xa bà chục mét. Các nhân viên siêu thị từ chối bán hàng cho anh. Ông chủ siêu thị đuổi con trai Lucas ra khỏi cửa hàng vì lí do đơn giản: đó là con trai của kẻ biến thái. Fanny, chú chó cưng của Lucas mà Klara vô cùng yêu quý bị giết chết và ném vào nhà Lucas như một sự cảnh cáo. Rồi khi biết tin anh được cảnh sát thả, họ ném vỡ cửa kính nhà anh để bày tỏ sự phẫn nỗ.
Video đang HOT
Đám đông phẫn nỗ “ném đá” Lucas và tất cả những gì liên quan thân thiết tới anh, bao gồm cả chú chó tội nghiệp Fanny. Hình ảnh Lucas tuyệt vọng và đau đớn ôm con chó Fanny lần cuối trước khi chôn nó.
Lucas tuyệt vọng đau đớn khi tất cả mọi người đều không tin anh vô tội. Theo, người bạn thân nhất của anh, người bạn thơ ấu của anh, người chiến hữu đi săn của anh, người có thể nói chuyện với anh bằng ánh mắt, chảy nước mắt đuổi anh ra khỏi nhà bởi “ Klara không thể nào nói dối“.
Lucas có đầy đủ lí do khiến người ta không thể tin anh. Sống một mình nên có thể thiếu thốn tình dục. Gần gũi với bọn trẻ nên có nhiều cơ hội. Ở với bọn trẻ một mình trong nhà vệ sinh nên có thể nảy sinh tà dâm. Và ở một vùng đất mà người ta luôn dùng đến khả năng phán đoán để đi săn mồi thì họ tin vào cảm giác và suy luận của mình hơn mọi chứng cứ. Kể cả khi bằng cách nào đó, lũ trẻ đều khai một lời khai giống nhau về địa điểm xâm hại là tầng hầm trong nhà riêng của Lucas trong khi nhà Lucas không hề có tầng hầm. Kể cả khi Klara nói với mẹ rằng “ con đã nói những điều ngớ ngẩn. Chú Lucas chẳng làm gì cả.” thì họ cũng không tin. Thậm chí họ càng thêm xót xa vì cô gái bé bỏng đang muốn quên đi những điều kinh khủng.
Khi Klara nói với mẹ “con đã nói điều ngớ ngẩn. Chú Lucas chẳng làm gì cả.”, mẹ Klara càng xót xa hơn vì nghĩ con không muốn nhớ lại kí ức kinh hoàng
Đám đông trong thị trấn đã dùng suy luận của mình để tạo ra một câu chuyện rùng rợn đáng ghê tởm. Rồi cũng chính họ dùng những câu hỏi trong nỗi hoang mang tột độ để nhồi vào đầu óc non nớt ngây thơ của trẻ câu chuyện không có thực ấy. Sau đó, cũng chính họ lại hoảng hốt với những cái gật đầu như thể câu chuyện do chính miệng lũ trẻ kể ra. Mà từ miệng lũ trẻ kể ra thì phải là sự thực. Bởi: “ Trẻ con không thể nào nói dối“.
Không thể diễn tả được hết ánh mắt tuyệt vọng và thất vọng đến cùng cực của Lucas bằng lời thay cho nỗi ám ảnh của người xem khi chứng kiến đôi mắt ấy. Đêm Giáng sinh, Lucas vẫn mang bộ dạng tàn tạ nhưng kiêu hãnh vì biết mình không làm gì sai tới nhà thờ. Song cuối cùng, anh không thể chịu nổi khi vợ chồng Theo liên tục thì thầm vào tai nhau. Anh sợ hãi và ám ảnh bởi cảnh người ta thì thầm vì nghĩ rằng họ đang nói tới mình. Nỗi sợ hãi, ám ảnh và mặc cảm nó đeo đuổi Lucas tới mức lòng kiêu hãnh của anh cũng phải chịu thua.
Ánh mắt đau khổ và tuyệt vọng đến cùng cực của Lucas khi gặp lại bọn trẻ con mà anh từng ôm ấp chăm sóc tại Nhà thờ
May sao, cuối cùng phim cũng kết thúc có hậu. Theo cuối cùng cũng dũng cảm gạt bỏ nổi tổn thương để chịu nhìn vào mắt Lucas mà đối thoại với người bạn thân từ thủa ấu thơ, người mà anh từng có thể nói chuyện bằng mắt. Rồi cũng chính Theo nghe được lời con gái Klara bé bỏng nói trong mơ “ Chú Lucas à. Chú đến đấy à. Chú không có lỗi. Chú không làm gì cả.”
Cuối cùng, Theo cũng chịu nhìn vào mắt Lucas để đối thoại với bạn mình thay vì để nỗi sợ hãi của mình xâm chiếm lí trí suốt một thời gian dài
“ Thế giới này đầy rẫy xấu xa, nhưng nếu ta biết cách, cái xấu sẽ tránh xa ta” – đó là lời Theo nói trong nước mắt với con gái mình.
Và đó là câu chuyện của The Hunt, một câu chuyện ở Đan Mạch.
Một phần câu chuyện ấy đang tái hiện ngay tại đây, trong cuộc sống của chúng ta!
Những ngày qua, khi hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát giác, dư luận được phen dậy sóng. Được share nhiều nhất trên mạng xã hội là chân dung của ba nghi phạm được cho là đã gây ra ba vụ án xâm hại trẻ em ở TP.HCM, Vũng Tàu và Hà Nội. Cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can bất kì vụ việc nào trong cả ba vụ, chưa có nghi phạm nào bị kết luận là có tội. Thế nhưng, mạng xã hội đã giúp nhà chức trách “thực thi công lý”.
Những lượt share tăng lên khủng khiếp theo từng giờ. Hình ảnh vợ và cả em vợ của nghi phạm cũng được tung lên. Giống người dân ở thị trấn trong The Hunt, mỗi cư dân mạng đều tin rằng, hành vi like share hình ảnh nghi phạm và góp một lời mạt sát nghi phạm là một hành vi chính nghĩa, một hành vi giúp đỡ cho người bị hại và sớm đưa kẻ có tội ra pháp trường. Nhưng như khi chia sẻ đi trang cá nhân của người vợ kẻ tình nghi với đầy đủ hình ảnh vợ con kẻ đó, có mấy ai rụt rè ăn năn vì đã xâm hại thêm ít nhất một đứa trẻ khác để đáp trả cho một đứa trẻ bị xâm hại. Có phải chúng ta, trong cơn cuồng nộ của nỗi sợ hãi, đã lựa chọn việc xâm hại lẫn nhau để tự giải tỏa cho chính mình thay vì thực sự muốn giúp đỡ ai đó?
Lucas chỉ có duy nhất một người làm chỗ dựa trong sự cô lập của toàn xã hội, đó là con trai Marcus. Song, anh cũng buộc phải trả Marcus về với mẹ của cậu bé vì không muốn con trai phải gánh chịu sự dè bỉu miệt thị cùng với mình.
Cũng giống người dân ở thị trấn trong The Hunt, các phụ huynh đang cấp tập share cho nhau những cuốn cẩm nang, nhưng clip, những tài liệu để phòng tránh và nhận biết xâm hại tình dục trẻ em như thể sợ làn sóng rúng động này qua đi mất. Chỉ có điều, trong số hàng trăm nghìn lượt share ấy, có bao nhiêu người thực sự dành thời gian để đọc cho kĩ, hiểu cho thấu và thuộc nằm lòng.
“ Thế giới này đầy rẫy xấu xa, nhưng nếu ta biết cách, cái xấu sẽ tránh xa ta” – Theo đã nói thế, trong đau đớn khi nhận ra mình đã đẩy bạn thân của mình vào bi kịch khủng khiếp chỉ vì nỗi sợ hãi cái xấu của chính mình. Nhưng Theo không cá biệt. Cả thị trấn đều sợ nỗi sợ giống Theo. Và chúng ta cũng đang sợ nỗi sợ giống Theo. Bao nhiêu bà mẹ trong những ngày qua đã vội vã đọc cho con nghe những bài báo về các vụ xâm hại và vừa dạy vừa dọa con về cuộc đời? Bao nhiêu bà mẹ vội vàng lập hàng rào ngăn con với xã hội, cảnh giác với tất cả mọi người xung quanh, bao gồm cả những người thân thiết nhất với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót”? Nhưng đó có phải cách làm đúng trước thế giới đầy rẫy xấu xa?
Đạo diễn Thomas Vinterberg đã vô cùng tinh tế khi đưa vào phim chi tiết những người bạn của anh trai bé Klara cầm tờ tạp chí “nóng” có hình dương vật trêu chọc cô bé. Những chàng trai tuổi teen kia không hề có ác ý. Chúng nghĩ em bé có 4 tuổi thôi, biết gì đâu. Song, chính vì Klara không biết gì nhưng vì Klara đã nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm nên bi kịch của thị trấn mới xảy ra. Cuộc sống hiện đại hôm nay khiến rất nhiều bậc cha mẹ vô hình gieo rắc những ám ảnh tình dục cho con em của mình.
Cho con xem tivi cùng bố mẹ, nơi mà những cảnh hôn nhau, cảnh cưỡng hiếp đầy rẫy trong các bộ phim truyền hình, nơi mà quảng cáo thuốc kích dục được phát công khai với những ngôn từ mà trẻ con không thể không tò mò, nơi mà chương trình ca nhạc nước ngoài phủ sóng 24g/ngày với các cô ca sĩ ăn mặc gợi cảm và nhảy những động tác kích dục. Gì nữa? Cho con tự do vào internet qua điện thoại hoặc ipad, nơi mà bất cứ hình ảnh quảng cáo phản cảm nào cũng có thể lọt vào mắt trẻ, nơi mà những câu chuyện tuổi teen với những diễn giải ân ái, thậm chí làm tình đồng tính được đọc miễn phí. Gì nữa? Cho con ăn mặc sexy, cho con học khiêu vũ sexy, thích thú khi con nhảy được những điệu lắc mông lắc ngực như các cô vũ công gợi cảm…
Ánh mắt âu yếm của Klara khi nhìn ngắm chú Lucas chơi đùa với các bạn nam không phải là tự nhiên. Cô bé đã có một tình cảm lệch lạc khi tuổi còn quá nhỏ cùng với những ám ảnh dục tính từ ảnh hưởng của cậu anh trai tuổi teen.
Những đứa trẻ vốn đã thừa dưỡng chất để phát triển thể chất nhanh hơn tâm lý lại được bố mẹ vô ý tạo điều kiện cho dục tính trỗi dậy. Cho nên không khó để bắt gặp những phiên bản Klara đủ mọi lứa tuổi ở Việt Nam, những cô bé ngây thơ hồn nhiên nhưng đã biết gọi vợ – chồng với những người bạn trai có chung cảm mến.
Trong khi ấy, những cô nàng “ tuyệt tình cốc“, những cô nàng “ nghệ nhân làng gốm” vẫn nhiệt tình nung nấu tôi luyện cho bản năng dục tính của những người đàn ông trên mạng xã hội, nuôi dưỡng cho cái phần con đê hèn được trỗi dậy ngày một mạnh mẽ hơn. Trong một xã hội tự do tình dục và đang cổ vũ cho lối sống đề cao tình dục trên nền mặt bằng dân trí thấp, thì hệ quả đau lòng như ngày hôm nay thiết nghĩ cũng là điều tất yếu. Điều tất yếu ấy có sự can dự của tất cả chúng ta.
Bởi thế, thay vì mạt sát nhau, thay vì đổ lỗi cho việc “ sao xã hội ngày càng nhiều kẻ biến thái“, thay vì tuyệt vọng vì thế giới này đầy rẫy xấu xa và ngày càng khủng hoảng, thay vì chỉ mải miết học thuộc lòng nguyên tắc 5 ngón tay hay quy tắc 4 vòng tròn, hãy nghĩ đến sự không vô can của chúng ta. Hãy nghĩ xem chúng ta đang can dự vào bức tranh u ám đó theo cách nào mỗi ngày. Và hãy tin lời của Theo trong The Hunt: nếu ta biết cách làm đúng, cái xấu sẽ tự tránh xa.
Pink / Theo Thời đại
Không thích người khác ôm hôn con mình, làm gì để từ chối khéo léo?
Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em xuất phát từ những cử chỉ ôm hôn, véo má, vỗ mông... Vậy, các bậc cha mẹ phải làm gì khi người khác muốn ôm hôn con mình?
Người lớn không nên ôm hôn, vuốt ve khi trẻ không thích (ảnh minh họa).
Một đứa trẻ nhỏ bụ bẫm, đáng yêu sẽ được rất nhiều người yêu thương và quý mến. Khi gặp, người này muốn ôm, người kia muốn hôn, người khác lại thích vuốt má, thậm chí có người còn vạch quần xem "vùng kín"...
Có một thực trạng hiện nay là nạn xâm hại tình dục trẻ em đang rất phổ biến. Hầu hết, thủ phạm của các vụ xâm hại này chính là người quen và bắt nguồn từ những cái ôm, cái hôn, vuốt má...
Theo một khảo sát của chúng tôi, các bậc cha mẹ có suy nghĩ gì khi người khác ôm hôn con mình? Trong tổng số 3.409 người được khảo sát thì có đến 2.809 người (chiếm 82,4%) lựa chọn cảm thấy rất khó chịu vì mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục.
Vậy khi người khác muốn ôm hôn con mình, các bậc cha mẹ phản ứng thế nào để cả con và khách đều thoải mái?
Trong tổng số 3.409 người được khảo sát thì có đến 2.809 người (chiếm 82,4%) lựa chọn cảm thấy rất khó chịu vì mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục.
Xung quanh vấn đề này, TS Tâm lý học Bùi Hồng Quân cho biết, văn hóa Việt Nam là văn hóa cộng đồng vì thế, ngăn cản người khác ôm hôn con mình khi người ta có ý định sẽ mang lại cảm giác xa lạ.
Theo ông Quân, quan trọng nhất là việc các bậc cha mẹ phải hiểu được chuyện và nhận thức được hành vi nào là phù hợp, hành vi nào không phù hợp. Những hành động như véo má, sờ "vùng kín", vỗ mông trẻ thì phải bỏ đi, còn hành động ôm hôn thì tùy đối tượng để dạy bảo trẻ thực hiện.
"Hiện nay trên mạng tuyên truyền rất nhiều về quy tắc 5 ngón tay, quy tắc quần lót để hướng dẫn các bậc cha mẹ cách dạy trẻ ứng xử sao cho phù hợp để tránh bị xâm hại. Người lớn phải hiểu, trẻ em phải biết để phản ứng lại những hành vi không chuẩn mực, kể cả đó là người quen", TS Quân nói.
Trả lời câu hỏi, khi một người bạn hoặc một người thân quen nhìn thấy đứa bé quá đáng yêu và muốn lao vào ôm hôn để tỏ vẻ yêu thương, cha mẹ sẽ phản ứng thế nào? Ông Quân nói: "Nếu một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận trước đó, nó sẽ khoanh tay chào khách trước hoặc đưa tay ra bắt để tỏ vẻ hiếu khách.
Trường hợp đứa trẻ tỏ vẻ không thích và không cho ôm hôn, cha mẹ phải giải thích trực tiếp với khách rằng đó là trẻ được dạy như thế để bảo vệ sự an toàn của mình khi gặp người lạ. Tôi nghĩ, người khách sẽ hiểu được bản chất sự phản ứng của trẻ nhỏ và từ đó cũng sẽ thay đổi cách thức thể hiện tình cảm với trẻ khác".
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Khoa giáo dục Tiểu học (Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết thêm, khi một người khách muốn ôm hôn, vuốt ve con mình, nếu trẻ còn quá bé (dưới 3 tuổi) thì nói con bám mẹ, khóc quấy để ngăn họ bế. Còn nếu trẻ 3 tuổi trở lên, phải dạy trẻ cách tự phòng tránh.
"Nếu trẻ phản ứng lại, tỏ vẻ không thích, người lớn có mất vui chút xíu nhưng an toàn cho trẻ quan trọng hơn và bố mẹ cũng không khó xử vì đó là quyền riêng tư của trẻ.
Trường hợp người khách muốn ôm hôn con mình thì bố mẹ có nói gì, làm gì thì người ta vẫn làm thôi. Nhưng có mặt bố mẹ ở đó thì không sao, trường hợp không có bố mẹ thì thế nào", TS Hương nhấn mạnh việc giáo dục nhận thức sớm cho trẻ.
Theo TS Hương, các bậc cha mẹ nên cho trẻ mặc đồ lót từ sớm, khoảng 3 tuổi và dặn trẻ khu vực bên trong đồ lót là bất khả xâm phạm, ai động vào khu vực đó mà chưa có sự đồng ý của con thì đều là người xấu, bất kể đó có là người thân thiết. Trẻ biết được quy tắc đồ lót này có thể giữ gìn bản thân tránh khỏi phần lớn các nguy cơ bị xâm hại.
Theo Danviet
Khó tin trước phán xét thiển cận với nạn nhân xâm hại tình dục Tại buổi toạ đàm: "Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng" do các tổ chức xã hội thực hiện chiều 14.3, blogger Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên Đại học Ngoại thương chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người đi từ kinh ngạc đến tức giận. Bà kể khi bà viết bài đăng trên facebook bày tỏ sự phẫn...