Xa dần hy vọng tìm thấy người sống sót trên QZ8501
Sau hai ngày tìm kiếm, giới chức Indonesia buộc phải hạ mức kỳ vọng tìm thấy người sống sót trong chuyến bay QZ8501 mất tích. Vụ việc đang dấy lên câu hỏi về vấn đề đảm bảo an toàn hàng không.
Chị Nani với bức hình gia đình nhà chủ, những hành khách trên chuyến bay định mệnh QZ8501. Ảnh: New York Times
Sau hai ngày tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 của hãng AirAsia không có kết quả, giới chức Indonesia hôm qua buộc phải hạ mức kỳ vọng về việc tìm thấy người sống sót trong chuyến bay định mệnh hôm 28/12.
“Chúng tôi nhận ra rằng, cần phải tính đến trường hợp xấu nhất”, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói với các phóng viên tại Surabaya, thành phố mà QZ8501 cất cánh bay đi Singapore.
Ông Kalla cũng cho biết hiện nay có 30 chiếc tàu và 15 máy bay của bốn quốc gia tham gia nhiệm vụ tìm kiếm tại khu vực biển Java. Hôm qua, phía Jakarta cũng đề nghị sự hỗ trợ từ Mỹ và tàu USS Sampson đang trên đường đến khu vực này.
Cũng trong cuộc họp báo ngày hôm qua, ông Bambang Soelistyo, đội trưởng cứu nạn, dự đoán rằng máy bay rất có thể đã chìm sâu dưới đáy đại dương và Indonesia thiếu các thiết bị tìm kiếm dưới nước.
Người thân các hành khách trên chuyến bay QZ8501 tập trung tại các sân bay ở Surabaya và Singapore, đợi chờ điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy ra. Tại sân bay Surabaya, một người phụ nữ có nét mặt thất thần, tay nắm chặt bức ảnh của một gia đình năm người. “Gia đình họ đi Singapore thăm cô con gái 12 tuổi. Cháu ấy giờ đây đã trở thành trẻ mồ côi mất rồi”, chị Nani nói. Chị là người giúp việc của gia đình này.
Hôm qua, đội tìm kiếm cứu nạn phát hiện ra một số mảnh vỡ, nhưng đó lại chỉ là những vật thể nổi không liên quan. Công tác tìm kiếm máy bay MH370 mất tích hồi tháng 3 cũng từng gặp những tình trạng tương tự.
Do thiếu các thông tin chi tiết từ chính phủ, một số chuyên gia chỉ rằng có hai khả năng dẫn đến tình trạng máy bay mất tích, hoặc là do thời tiết quá xấu, hoặc là do tốc độ bay quá chậm dẫn đến hiện tượng mất lực nâng.
Theo các chuyên gia, trong tình huống thời tiết mưa bão lớn, góc độ và tốc độ của QZ8501 có thể chưa đạt được đủ mức để duy trì lực nâng của máy bay. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn máy bay của hãng Air France tại Đại Tây Dương năm 2009.
Video đang HOT
Chuyến bay năm đó cũng gặp phải tình trạng thời tiết xấu, trong khi hệ thống thiết bị trục trặc. Điều này khiến các phi công không kịp thời nhận ra máy bay đã rơi vào tình trạng mất lực nâng không khí.
Ông Hugh Ritchie, tổng giám đốc Công ty Tư vấn Hàng không Quốc tế, cho rằng tốc độ của QZ8501 chậm hơn so với tốc độ bình thường khoảng 185km/ giờ. Tốc độ này vẫn nằm trong phạm vi an toàn, nhưng có thể dự đoán rằng trong quá trình bay lên cao, máy bay gặp phải tình trạng kết băng nghiêm trọng, hoặc phải giảm tốc để đối phó với vùng nhiễu loạn không khí.
“Cá nhân tôi cho rằng, họ không nên bay trong tình trạng thời tiết như vậy”, ông Ritchie nói. “Nhìn vào lộ trình bay, có thể thấy đây vừa là do thời tiết xấu, vừa là do thao tác sai lầm của phi công”.
Dấu hỏi cho ngành hàng không Indonesia
Vụ mất tích QZ8501 ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến ngành hàng không Indonesia. Ảnh: AP
Vụ việc lần này ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không Indonesia. Mặc dù vấn đề đảm bảo an toàn của ngành hàng không nước này luôn bị chất vấn, với việc xuất hiện một loạt sự cố trong những năm vừa qua, du lịch qua đường hàng không tại Indonesia vẫn duy trì tốc độ phát triển nhanh chóng mặt.
Từ năm 2007 đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm hàng chục công ty hàng không của Indonesia hoạt động trên vùng trời của khối này, nhằm gây sức ép buộc Jakarta nâng cao tiêu chuẩn an toàn.
“Người ta lo ngại rằng quy định về tiêu chuẩn an toàn của Indonesia không theo kịp tốc độ phát triển của ngành hàng không nước này”, bình luận viên Thomas Fuller của tờ New York Times cho biết.
Ông Bob Marshall, tổng giám đốc Công ty Earth Network chuyên giám sát tình hình thời tiết toàn cầu, đặt câu hỏi về việc liệu phi công có đủ số liệu cảnh báo về tình hình thời tiết hay không.
“Trên thực tế, điện thoại thông minh của bạn có có nhiều ứng dụng tự động cảnh báo hơn là trên máy bay. Trên thế giới hiện nay vẫn còn rất thiếu các kỹ thuật và thiết bị cảnh báo để giúp phi công đảm bảo an toàn cho chuyến bay”, ông Marshall nói.
Mặc dù vậy, AirAsia được đánh giá là một trong những hãng hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, với hồ sơ an toàn bay tốt. Chi nhánh Indonesia của hãng này cũng không nằm trong danh sách đen của EU.
“Toàn bộ các nhân viên AirAsia của tôi, hãy mạnh mẽ lên, tiếp tục là số một”, ông Tony Fernandes, người đứng đầu công ty viết trên tài khoản Twitter của mình. “Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi. Nhưng chúng tôi sẽ không đầu hàng”.
Đức Dương
Theo VNE
Điểm khác nhau giữa sự biến mất MH370 và QZ8501
Nhiều ý kiến cho rằng có sự tương đồng giữa việc các chuyến bay MH370 và phi cơ AirAsia biến mất, nhưng các chuyên gia chỉ ra nhiều điểm khác biệt, cho thấy khả năng tìm thấy QZ8501 lớn hơn nhiều.
Hành trình bay của QZ8501 từ Indonesia đến Singapore. Ảnh chụp màn hình: CNN
Theo CNN, so sánh câu chuyện máy bay mất tích hôm qua với chuyến bay mất tích cách đây 10 tháng trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, hai vụ việc này không giống nhau như ấn tượng nhiều người có ban đầu.
Khi MH370 biến mất, bộ thu tín hiệu bay dường như bị cố ý tắt đi, phi công trên máy bay dừng việc liên lạc qua radio và bay ngược hướng một cách đầy bí ẩn thêm vài giờ nữa, cho đến khi tất cả các dấu vết biến mất.
Người ta lo ngại rằng máy bay NH370 bị cướp và khủng bố, nhưng trong vụ việc lần này của AirAisa, không có những lo lắng đó.
"Lần này người ta vẫn giữ liên lạc bình thường với phi công, khi một dòng không khí xuất hiện gây khó khăn cản trở việc bay, phi công đã xin phép tăng độ cao để tránh nhiễu động", Peter Goelz, một chuyên gia hàng không, cựu quan chức ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ, nhận xét.
Khu vực được cho là nơi MH370 rơi xuống là một vùng nước sâu lạ thường và bí ẩn. Vùng đáy biển nhiều nơi thậm chí chưa được biểu thị trên hải đồ, khiến việc xác định tín hiệu hộp đen cực kỳ khó khăn.
Còn QZ8501, nếu máy bay rơi xuống biển, rất có khả năng nằm trong khoảng cách vài nghìn m ở vùng biển nhiều phương tiện qua lại này, khiến việc định vị và tìm kiếm đơn giản hơn nhiều, các nhà phân tích nói.
Các hãng hàng không và chính phủ có nhiều kinh nghiệm từ vụ MH370 mất tích. Trước đó, khi chiếc máy bay phản lực của hãng Malasia Airlines biến mất hồi tháng 3, người ta vẫn lúng túng trong việc xác định vị trí nhiều giờ sau đó. Khi phát biểu, các quan chức thường đưa ra thông tin mâu thuẫn hoặc khó hiểu, còn gia đình hành khách và thân nhân phi hành đoàn thì phàn nàn về cách bị đối đãi.
Trong trường hợp này, cả quan chức chính phủ và quản lý hãng hàng không đều xuất hiện và đưa ra trợ giúp kịp thời. Gia đình hành khách trên chuyến bay của AirAsia được hỗ trợ tối đa.
Các quan chức Indonesia nhanh chóng đưa ra một kế hoạch tìm kiếm, điều động tàu hải quân cũng như kêu gọi giúp đỡ từ chính phủ Malaysia, Singapore và Australia.
Giám đốc AirAsia Tony Fernandes cam kết sẽ làm "tất cả những điều có thể" cho hành khách và phi hành đoàn. Bộ trưởng giao thông Malaysia cũng thông báo trên Twitter rằng "tôi sẽ luôn ở đó với các bạn".
"Ông ấy đang làm điều mà Malaysia Airlines không làm trong những giờ mất tích đầu tiên, những ngày tiếp theo và hàng tuần sau đó, là công khai thừa nhận đây là một vụ việc khủng khiếp",Will Ripley, phóng viên báo CNNđánh giá cao cách Fernandes xử lý cuộc khủng hoảng này.
"Trong vụ việc này, phản ứng của hãng hàng không và các nhà chức trách rất đồng bộ, họ đặt ưu tiên vào gia đình hành khách, đó là điều phải làm", ông Golez nói.
Xác định vị trí chính xác hơn về nơi chiếc máy bay mất liên lạc, vạch ra khu vực tìm kiếm nhỏ hơn và vùng biển tìm kiếm nông hơn, việc tìm kiếm chiếc máy bay của AirAsia chắc chắn dễ dàng hơn, Steven Wallace, cựu giám đốc Văn phòng điều tra tai nạn hàng không liên bang Mỹ, nói.
"Có vẻ như điều chúng ta đang nhìn thấy không gì giống với vụ 370 của Malaysia cả", Wallace nói. "Tôi không ngạc nhiên nếu chiếc máy bay được tìm thấy trong vòng 12 giờ tới, trong điều kiện ban ngày. Bởi họ đã biết khá chắc chắn về nơi chiếc máy bay mất liên lạc, vùng nước ở đó chỉ sâu khoảng 45 m so với độ sâu khoảng 6.000 m ở Ấn Độ Dương (nơi MH370 được cho là đã lâm chung)".
Hồng Hạnh
Theo VNE
Máy bay AirAsia mất tích: Ít cơ hội tìm thấy người sống sót Công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của AirAsia Indonesia tiếp diễn trong hôm nay 29.12. Các chuyên gia hàng không cảnh báo có rất ít cơ hội tìm thấy người sống sót. Một máy bay của AirAsia ở sân bay Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: Reuters Chiếc Airbus 320-200 (chuyến bay QZ8501) của AirAsia Indonesia chở 162 người biến mất...