“Xã bất hạnh” có 641 người khuyết tật
Nằm ven TP Phủ Lý (Hà Nam) có một xã có tới hơn 160 người khuyết tật và tâm thần hạng nặng nằm trong diện xét duyệt để hưởng chế độ trợ cấp. Nếu tính cả số người khuyết tật y tế ở xã này từ năm 1995 – 2010 thì có tới 641 người.
Quá nhiều mảnh đời bất hạnh!
Nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý chừng hơn 2km, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) được coi là một “ xã bất hạnh” với hàng trăm mảnh đời khuyết tật. Chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, số người mắc bệnh này mà đặc biệt là trẻ em sinh ra đã bị khuyết tật, dị tật liên tục tăng. Nhiều người tỏ ra lo lắng về một nguyên nhân sâu xa và không ít người có điều kiện đã tìm cách ly hương đến vùng đất mới sinh sống.
Khuyết tật dường như đã trở thành một từ quá quen thuộc với người dân xã Thanh Sơn. Số người khuyết tật ở Thanh Sơn năm sau tăng hơn năm trước và có mức lan tỏa và di căn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Có những gia đình có tới 3-4 người bị khuyết tật, như gia đình gia đình ông bà Trương Văn Miều và Vũ Thị Muồng (đều đã qua đời) ở xóm 10, có 3 người con và một người cháu nội bị tàn tật.
Ông Lê Mạnh Cương, cán bộ y tế xã Thanh Sơn, cho biết: Tính từ năm 1995 – 2010, toàn xã có 641 người tàn tật y tế (trường hợp bị tàn tật đã được nằm trong danh sách theo dõi ở trạm y tế). Trong đó còn 192 trường hợp nằm trong diện đang phục hồi chức năng.
Nhiều người tuy phát triển về thế chất nhưng trí tuệ không được bình thường
Ở xóm 7 xã Thanh Sơn có tới 21 người khuyết tật nặng đang nằm trong diện xét duyệt, giải quyết chế độ trợ cấp xã hội. Phần đa những bệnh nhân bị mù, câm, điếc, bại não bẩm sinh, não úng thủy, dị dạng vùng đầu mặt, tâm thần phân liệt thể hoang tưởng…
Nhiều gia đình có hoàn cảnh rất đáng thương, như gia đình anh Nguyễn Văn Thắng và chị Phạm Thị Côi, xóm 10, sinh được 3 người con thì đều bị khuyết tật: câm điếc bẩm sinh và bại não. Trong đó nặng nhất là em Nguyễn Thị Thảo, thường xuyên lên cơn co giật, chạy nhảy lung tung.
Chị Côi nghẹn ngào: “Được ba người con thì khuyết tật cả ba, đã vậy anh Thắng cũng ốm đau hai năm nay rồi. Nhiều lúc tôi như muốn buông xuôi cho số phận, nhưng nghĩ lại thấy tội con của mình không ai chăm sóc”.
3 người con đáng thương của chị Côi
Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Côi là gia đình bà Trương Thị Nho, xóm 6, có 3 người con gái đều bị thần kinh, dị dạng, mắt kém. Sau khi đi khám chữa nhiều nơi thì phát hiện rằng các con của bà bị nhiễm chất độc da cam. Theo bà Nho kể, chồng bà đi bộ độ 20 năm, khi về hưu với hàm thiếu tá. Buồn vì con cái bệnh tật, ông đã mất năm 2000. Nhìn hoàn cảnh nhà bà Nho ai cũng rơi nước mắt.
Video đang HOT
Ông Phạm Văn Vinh, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội, kiêm cán bộ lao động thương binh xã hội, xã Thanh Sơn cho biết: “Số người khuyết tật ở xã này quá nhiều, muốn nói chính xác về con số thống kê số người khuyết tật ở xã này thì phải giở tài liệu ra thôi, nhiều người quá nhớ không nổi”.
Danh sách các đối tượng khuyết tật trong xã
Xã Thanh Sơn có hơn 3.000 hộ dân, với hơn 12 nghìn nhân khẩu. Tổng cộng số người khuyết tật hạng nặng là 161 người. Số người đã xét duyệt và hưởng trợ cấp theo NĐ-67 là 50 người, số người tàn tật đề nghị xét duyệt là 111 người. Được biết trong xã còn nhiều người tàn tật chưa được hưởng chế độ trợ cấp, bởi trước đây theo NĐ 67/2007/NĐ-CP thì những người được hưởng chế độ tàn tật phải nằm trong diện hộ nghèo. Mà những người tàn tật đó thì gia đình lại không phải là diện hộ nghèo nên chưa được hưởng chế độ. Bắt đầu từ năm 2010 có NĐ số 13/2010/NĐ-CP đã mở rộng hơn đối với người tàn tật: những người tàn tật nhưng không có khả năng lao động thì vẫn được xét duyệt hưởng chế độ.
Ông Vinh cũng cho biết: “Mặc dù trong xã còn nhiều người khuyết tật chưa được hưởng chế độ nhưng hàng năm xã cũng đã chi ra những khoản hỗ trợ nhất định để ủng hộ, giúp đỡ các gia đình có người tàn tật. Tuy nhiên, vì xã Thanh Sơn là một xã đang nghèo nên nguồn kinh phí cũng có phần hạn hẹp”.
Nguyên nhân vẫn là một dấu hỏi
Có nhiều nhận định về nguyên nhân của hiện tượng trên, có người cho rằng do nguồn nước và không khí ở đây ô nhiễm sinh ra bệnh tật. Cũng có ý kiến cho rằng do ông, cha đi bộ đội nhiều nên nhiễm chất độc màu da cam và di truyền sang con cái…
Ông Lê Mạnh Cương trình bày với PV
Đem câu hỏi này tới ông Lê Mạnh Cương, cán bộ Trung tâm y tế chuyên khoa Đông y phục hồi chức năng xã Thanh Sơn, người phụ trách theo dõi, điều trị, tư vấn cho những người khuyết tật trong xã, ông Cương nói: “Nguyên nhân ở đây rất khó kết luận, xét về lĩnh vực y tế thì nguyên nhân một phần nhỏ là do lúc mẹ mang thai mà bị ốm hoặc dùng nhiều kháng sinh thì con sinh ra dễ bị tàn tật. Nhưng đó là trước đây chứ càng về sau, đời sống con người càng cao thì việc chăm sóc bà mẹ lúc mang bầu sẽ tốt hơn”.
Còn ông Nguyễn Hồng Hiền, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn nói: “Rất khó kết luận được nguyên nhân vì sao lại có nhiều người bị tàn tật như vậy. Vì có những trường hợp bố mẹ không đi bộ đội mà con sinh ra cũng bị dị tật. Nói về mức độ ô nhiễm thì chưa có cơ sở kết luận vì trong vùng này có nhiều xã khác sinh sống nhưng tại sao họ không bị”.
Nhiều gia đình có 2 – 3 người con đều bị khuyết tật
Ông Hiền cho biết thêm: “Hiện tại chính quyền địa phương cũng rất lo lắng và quan tâm tới vấn đề trong xã có nhiều người khuyết tật. Xã đã chi ra nhiều khoản hỗ trợ, thăm hỏi, động viên họ hòa nhập với cộng đồng. Về lâu dài chính quyền địa phương đang cố gắng tìm những trường học, cơ sở dạy người khuyết tật để giúp đỡ họ, đặc biệt là các cháu đang ít tuổi và có khả năng để đi học trong những lớp này. Xã cũng rất mong được sự quan tâm hơn nữa từ những cơ quan đoàn thể trong và ngoài nước tới những người khuyết tật để họ có một cuộc sống tốt hơn”.
Rời xã Thanh Sơn khi buổi chiều đã hết, hình ảnh mặt trời từ từ đi khuất sau những rặng núi lại làm chúng tôi liên tưởng tới những người khuyết tật ở xã Thanh Sơn. Ngày mai mặt trời lại lên, nhưng những người tàn tật ở Thanh Sơn thì sao?
VGT(Theo Dân trí)
Lão nông tàn tật trở thành tỉ phú
Cuộc sống của chàng trai trẻ tưởng chừng như đã mất tất cả khi bom mìn làm đứt hai cánh tay, một chân và khiến mắt phải bị mù. Nhưng khát khao sống để có ích đã khiến ông làm được những điều thần kỳ.
Ngược dòng sông Hương chúng tôi đến với thôn Tân Ba, xã Thủy Bằng, huyện Thủy Thanh (Thừa Thiên-Huế), một vùng đất ngày xưa được biết đến với cái tên khiến ai cũng phải rợn da gà - "vùng đất máu". Nơi đây là trận địa ác liệt với những bãi bom bãi mìn còn dày đặc. "Và cũng chính mảnh đất này đã cướp đi của tui hai cánh tay, một chân, chân còn lại thương tật vĩnh viễn và đầy rẫy những vết sẹo nham nhở trên người..." - ông Lê Tân tâm sự.
Dẫn thân vào "vùng đất máu"
Trong bộ đồ xộc xệch, trời mưa cũng như nắng, ông Lê Tân luôn cùng vợ đi làm rẫy và chăm sóc đàn heo nái của mình. Dù thân hình không toàn vẹn nhưng năng suất làm việc của ông thật đáng ngạc nhiên. Phát rẫy, xốc từng khúc gỗ to lên vai, ông làm việc miệt mài, nhanh và dường như khỏe hơn người bình thường.
Lúc rời mảnh đất quê hương Triệu Phong, Quảng Trị để tìm cho mình một điểm tựa mới, ông và gia đình đã đi nhiều nơi. Nhưng rồi cơ duyên đã khiến ông ở lại mảnh đất này. "Nơi đây mặc dù hẻo lánh nhưng có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, nuôi sống bố mẹ và sau này có gia đình mình cũng đỡ vất vả..." - ông Lê Tân kể về ước mơ của mình ở tuổi 22, lúc quyết định lập nghiệp nơi đây.
Cũng từ đó ông dốc tuổi trẻ của mình để cải tạo lại nơi đây. Bằng việc chăn nuôi và trồng cây ăn quả để ban đầu tự cung tự cấp cho cả gia đình và nuôi khát vọng đổi đời.
Nhưng mọi hy vọng bị dập tắt khi một chiều đang hì hục đào đất để trồng cây, một quả đạn M79 dưới lòng đất phát nổ khiến ông gục ngay tại chỗ. "Lúc tui tỉnh dậy thì thấy trên người băng bó khắp nơi, toàn thân đau rát như có ai đang xát muối vào thịt mình. Ráng mãi tui mới mở được một con mắt trái thì nhìn thấy bố mẹ đang khóc, tui nghĩ chắc bố mẹ mừng quá vì tui đang còn sống. Ai ngờ lúc đưa hai cánh tay lên thấy không còn, chân phải cũng không còn, chân trái thương tật vĩnh viễn, một mắt bị mù tui mới hiểu...!" - ông Lê Tân nhìn vào cánh tay bị cụt ngắn ngủn, buồn bã kể. "Tui nghĩ chắc cuộc đời mình không còn gì nữa, tuyệt vọng tận cùng. Nhiều khi nghĩ quẩn tui muốn chết đi, chứ sống thế này thì có khác gì người đã chết...
Lúc rời bệnh viện về nhà tui luôn ngồi một chỗ, chẳng biết phải làm gì để sống tiếp, bố mẹ thì đã già, vợ con thì chưa có. Nếu ngồi một chỗ thế này mai sau không biết lấy gì mà ăn. Cứ nghĩ vậy mà tui quyết làm việc, quyết tâm sống và phải sống có ích..." - ông Lê Tân trải lòng.
Mạnh hơn cái chết
Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, bóng ma tàn tật và đói nghèo cứ bủa vây. "Tiền bố mẹ vay chữa trị cho tui, rồi thêm từ lúc tui bị tàn tật miếng ăn hằng ngày trở nên khó khăn vì bố mẹ đã già. Nhiều lúc nằm lo nghĩ mà nước mắt cứ chảy tràn, cảm giác như mình không bao giờ đứng lên được. Nhưng nhờ vào lời khuyên của bố. "Con vẫn còn một chân và điều quý giá hơn là con còn sống, vậy là con hạnh phúc hơn nhiều người...". Cũng từ ấy ước mơ làm một việc gì đó có thể nuôi sống mình lại sáng lên" - ông Tân kể.
Những lúc rảnh rỗi ông lại uốn cây cảnh trong vườn
Ông bắt đầu tập làm việc như một đứa trẻ lên ba, cố vận động những đoạn tay còn lại của mình bằng cách tập cầm dao rựa để phát nương rẫy, tập viết. "Lúc đầu những việc làm đó thật khó khăn, tập mãi mà không cầm được dao, không viết được chữ cũng nản lắm...! Nhưng những lúc đó mình lại tự ép bản thân phải quyết tâm hơn để sau này còn kiếm được cái mà ăn. Chẳng ai nuôi mình được cả đời..." - ông kể.
Những hình ảnh cần mẫn ấy đã đến tai nhiều cô gái trong vùng. "Khi ông Tân đến nhà hỏi tui về làm vợ, tui đồng ý ngay khiến những người trong gia đình sửng sốt, không ít câu hỏi được đưa ra cho tui. Nhưng tui chỉ trả lời: "Dù anh ấy tàn tật nhưng tui yêu ảnh ở tâm hồn của ảnh..." - bà Ngô Thị Gốc, vợ ông Tân kể lại những ngày tháng hạnh phúc của mình.
Rồi ông lập gia đình, gánh nặng về cơm áo lại đè lên. Và một sáng kiến làm ăn lại lóe trong đầu khi nhiều lần nhìn người ở các thôn đi trồng rừng trong các vùng đất trống đồi trọc đã khiến ông nảy ra ý tưởng làm vườn ươm cây giống để bán cho bà con. Vì nhu cầu cây giống rất lớn, nếu làm hiệu quả thì sẽ đưa lại lợi nhuận cao. Ông bàn chuyện làm ăn với vợ nhưng không được ủng hộ. Vì kỹ thuật ươm cây giống thì ông không hề biết, vườn ươm cây giống thì rất xa, phương tiện vận chuyển khó khăn. Nhưng rồi ông cũng quyết tâm làm, bằng cách tự mày mò học tập kinh nghiệm...
Năm đầu tiên đã cho thấy kết quả hơn 6 vạn cây giống phát triển tốt, thu lãi trên 20 triệu đồng trừ chi phí. "Đó là khoản tiền quý giá giúp cả gia đình tui vừa có cái ăn vừa nuôi con học hành trong những năm tháng ấy..." - ông Tân nhớ lại.
Trở thành tỉ phú
Căn nhà ông Tân nổi trội nhất trong vùng. Trước nhà là hàng trăm gốc cây sanh cảnh với một không gian giải trí không khác gì cuộc sống vương giả của các đại gia thành phố.
Dù bị khuyết tật nhưng ông Lê Tân đã quy phục hàng chục hecta rừng, đem lại thu nhập cao cho gia đình
Tất cả là nhờ vào nỗ lực quyết tâm "đứng dậy ngay chính mảnh đất mà mình đã gục ngã". Ông nhìn vào cánh rừng bạt ngàn keo tràm rồi tâm sự: "Ngày trước đây là vùng hoang vu. Để có được những bãi tràm như ngày hôm nay tui phải mất gần chục năm để cải tạo, phát rẫy, đào hố... Không kể trời mưa hay nắng, cứ lúc nào trời rạng sáng là ăn vội miếng cơm vợ nấu rồi xách dao, rựa đi làm rẫy, mặc cho bên dưới lòng đất vẫn còn bao nhiêu bom mìn".
"Bản thân tôi là một người bình thường cũng không làm được như ông Tân. Mọi người ở đây ai cũng phục nghị lực và cách làm kinh tế của ông. Đặc biệt ông còn là người đầu tiên ươm, nhân giống keo lai ở đây..." - ông Lê Nhân, trưởng thôn Tân Ba, nói.
Lúc đầu ông chỉ trồng khoảng 5 ha. Năm 1997, ông tiếp tục dùng khoản tiền từ ươm giống cây, trại heo đấu thầu đất thuê thêm công nhân cùng lao động trong gia đình mở rộng diện tích rừng. Đến nay gia đình ông đã có hơn 10 ha rừng mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng từ trồng rừng.
Nhờ vào khoản tiền thu nhập hằng năm của gia đình, ông đã đầu tư cho bốn người con của mình đi học nghề lái xe. Đồng thời mạnh dạn vay thêm ngân hàng mua cho bốn đứa con, đứa thì máy xúc, đứa máy ủi để đi làm ăn....
Giờ đây ông được người dân biết đến với cái tên đầy trìu mến - "lão nông triệu đô", người đi đầu trong việc đổi mới và phát triển kinh tế.
Ông luôn nhắc những người cùng cảnh ngộ rằng: "Muốn thay đổi số phận của mình không có cách nào khác là phải tự mình vượt lên số phận. Hãy sống lạc quan và làm một việc gì đó trước tiên là có ích cho bản thân mình, giảm bớt gánh nặng cho xã hội...!".
Theo Pháp luật TP HCM
30 năm ngủ không yên vì con Hơn 30 năm, bà Hà Thị Điều (58 tuổi, ngụ thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn - Quảng Nam) gần như thức trắng để lo cho con và gồng mình chịu đựng những vết thương do chúng gây ra. Thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn - Quảng Nam có một xóm nhỏ với gần 20 nóc nhà...