WSJ: Chip Mỹ chảy từ Trung Quốc tới Nga qua Trung Á
Các tuyến thương mại xuyên khu vực ngày càng quan trọng đối với Nga nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc sang Kazakhstan đã tăng mạnh kể từ khi xung đột ở Ukraine. Ảnh: WSJ
Nga đang tăng cường nhập khẩu hàng hóa có công dụng kép như máy bay không người lái (UAV) hay chip máy tính do Mỹ sản xuất từ Trung Quốc thông qua các tuyến thương mại Trung Á, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin mới đây.
Như vậy, bất chấp các biện pháp của phương Tây nhằm cắt đứt các tuyến đường cung cấp này, Nga vẫn tiếp tục nhận được hàng hóa bị trừng phạt thông qua các nước bên thứ ba hoặc mua trực tiếp từ các quốc gia thân thiện. Hàng hóa và vật liệu có nguồn gốc nước ngoài như vi mạch nhập khẩu của Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine cho phép Moskva chế tạo tên lửa, máy bay không người lái, v.v.
WSJ viết rằng các quốc gia như Kazakhstan hay Kyrgyzstan là một “kênh cung cấp 2cho Nga”, điều này có thể thực hiện được nhờ đường biên giới dài và các hoạt động kinh doanh song phương. Nguồn cung thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, đối tác kinh tế và chính trị lớn của Nga. WSJ đưa tin, một số hàng hóa do các công ty Mỹ sản xuất.
“Tuyến đường thương mại Trung Á đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp lượng lớn hàng hóa do phương Tây sản xuất vào Nga”, Natalie Simpson, nhà phân tích Nga tại C4ADS, một công ty nghiên cứu phi lợi nhuận chuyên về an ninh quốc gia có trụ sở tại Washington, cho biết và lưu ý tuyến đường này quan trọng không chỉ đối với các sản phẩm được sử dụng trên chiến trường mà còn đối với các mặt hàng tiêu dùng, như phụ tùng ô tô và hàng xa xỉ.
Mỹ và các đồng minh duy trì một danh sách các mặt hàng có công dụng kép bị trừng phạt, bao gồm chip máy tính, bộ định tuyến và vòng bi dùng trong xe tăng.
Video đang HOT
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu 45 mặt hàng bị trừng phạt của phương Tây có xuất xứ từ Trung Quốc sang Kazakhstan và Kyrgyzstan đã tăng lên 1,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng 64% so với năm trước. Ví dụ: 7 lô hàng “thiết bị máy tính” được coi là hàng hóa có công dụng kép đã được thực hiện vào tháng 6/2023 từ một công ty con của International Business Machines tại Trung Quốc đến một thương nhân ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Những lô hàng đó trị giá 3.700 USD đã được chuyển đến OOO BSO, một doanh nghiệp Nga nằm trong “danh sách đen” của Bộ Tài chính Mỹ.
Máy bay không người lái, mặt hàng không nằm trong danh sách bị trừng phạt, cũng được nhập khẩu ồ ạt vào Nga qua ngả Trung Á. WSJ đưa tin Kazakhstan đã mua máy bay không người lái trị giá 5,9 triệu USD từ Trung Quốc vào năm ngoái và xuất khẩu chúng trị giá 2,7 triệu USD sang Nga. Kazakhstan không phải là nước sản xuất máy bay không người lái lớn.
Các nước Trung Á không phải là con đường duy nhất mà Nga sử dụng để mua hàng hóa bị trừng phạt và sử dụng cho mục đích quân sự, vì các thực thể ở những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng giúp Nga lách các lệnh trừng phạt.
Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng trong số khoảng 2.500 linh kiện nước ngoài được tìm thấy trong vũ khí của Nga, gần 3/4 là do các nhà chế tạo Mỹ sản xuất.
Thương mại chuyển hướng có nguồn gốc từ Trung Quốc và đi qua Trung Á chỉ ngày càng trở nên quan trọng khi các cơ quan quản lý của Mỹ và EU kiểm soát hoạt động xuất khẩu chip của chính họ. Vào năm 2022, năm đầu tiên của cuộc xung đột, lượng xuất khẩu chip trị giá hàng triệu USD của Mỹ và EU đã đến Nga thông qua Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia. Nhưng vào năm 2023, xuất khẩu chip của Mỹ và EU sang các nước này đã giảm 28% xuống còn khoảng 22 triệu USD.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đã ép các quốc gia này và Trung Quốc kiểm soát hoạt động thương mại ngầm của họ với Nga, tăng cường nỗ lực ngăn chặn Nga lách lệnh trừng phạt thông qua bên thứ ba.
EU thúc đẩy chiến lược mới ở Trung Á
EU đang thúc đẩy một chiến lược mới để gia tăng tầm ảnh hưởng ở Trung Á.
Theo Tiến sĩ Mehmet Fatih Oztarsu, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu EU tại Đại học Hankuk, Trung Á đang trở thành "nam châm" thu hút các cường quốc toàn cầu. Với lợi thế về vị trí địa lý gần và quy mô lớn về diện tích, dân số và tiềm lực kinh tế, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực với những cam kết về các siêu dự án. Để cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực này, EU đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện bằng một chiến lược mới.
Bình luận trên trang web của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) mới đây, Tiến sĩ Oztarsu cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Á xoay quanh các khoản đầu tư lớn dài hạn.
Trong khi đó, EU đã cam kết cung cấp các khoản vay nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường tự do và thúc đẩy nhân quyền. Chương trình nghị sự "phương Tây" này cũng nhận một số chỉ trích trong khu vực.
Năm 2007, EU chính thức hóa cách tiếp cận của mình bằng Chiến lược Trung Á đầu tiên. Bất chấp kế hoạch này, việc Mỹ ưu tiên Afghanistan trong các chính sách khu vực của mình đã khiến EU chủ yếu coi khu vực này trong bối cảnh an ninh và tập trung vào sự phát triển ở quốc gia đó.
Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào các nước Trung Á, củng cố vị thế là một cường quốc kinh tế lớn trong khu vực. Trên toàn thế giới, các dự án BRI có tổng giá trị 1.000 tỷ USD.
Trong khi BRI gặp phải vấn đề đặc biệt là ở châu Âu, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy ở các khu vực khác. Năm ngoái, họ đã công bố các dự án dài hạn ở Trung Á với Tuyên bố Tây An được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á và ký các thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD. Trung Quốc đã tăng khối lượng thương mại với các nước trong khu vực từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 70 tỷ USD vào năm 2022.
EU đã phản ứng: Cả Chiến lược Trung Á của EU được cập nhật vào năm 2019 và Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) đều thảo luận về tác động ngày càng tăng của BRI đối với khu vực.
EU cho biết chiến lược Global Gateway đưa ra một cách tiếp cận khác để phát triển "trên cơ sở bình đẳng". Sáng kiến trị giá 300 tỷ euro này nhắm tới các dự án cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và khí hậu toàn cầu vào năm 2027, khiến Trung Á trở thành một ưu tiên. Dự án nhằm hỗ trợ khu vực, tăng cường sự tham gia của châu Âu.
Một giai đoạn quan trọng của sáng kiến này đã được đưa ra tại Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu vào tháng 10 năm ngoái. Các dự án khu vực đã được trình bày và các thỏa thuận song phương đã đạt được - ví dụ, chuyển đổi kỹ thuật số ở Kyrgyzstan và thành lập một nhóm đặc biệt cho mục đích này, chuyển đổi kinh tế ở Turkmenistan và giúp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO) và cải cách giáo dục toàn diện ở Tajikistan.
Liên minh châu Âu cũng đã tổ chức Diễn đàn Nhà đầu tư về Kết nối Giao thông EU - Trung Á, quy tụ đại diện từ cả 5 nước cộng hòa Trung Á cùng với các quan chức EU vào cuối tháng 1 vừa qua. Hội nghị thảo luận về các cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối.
Vấn đề kết nối chiếm vị trí trung tâm. Những người tham gia diễn đàn đã thảo luận về tiềm năng của hành lang kết nối Trung Á và châu Âu trong vòng 15 ngày, thúc đẩy đáng kể hợp tác kinh tế và thương mại. Ngoài ra, dự án còn có cam kết hỗ trợ tài chính trị giá 10 tỷ euro.
Một biên bản ghi nhớ trị giá 1,5 tỷ euro cũng đã được ký kết giữa Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) với Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Ngoài ra, Kazakhstan còn đề xuất giao quyền quản lý 22 sân bay và 2 cảng biển Caspia cho các nhà đầu tư châu Âu.
Trong khi EU bày tỏ sự tin tưởng vào chiến lược Trung Á của mình thì những rào cản đáng kể vẫn còn ở phía trước.
Sức mạnh kinh tế vượt trội và sự gần gũi về mặt địa lý của Trung Quốc mang lại cho nước này đòn bẩy không thể phủ nhận. Ngay cả khi các dự án đã hứa được thực hiện thì cũng sẽ khó có thể cạnh tranh được với chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, dù chiến lược mới cần thời gian để phát triển, nó hứa hẹn mang lại những kết quả đôi bên cùng có lợi.
Các quốc gia Trung Á có tuân thủ các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây? Dù có bằng chứng cho thấy cả Kazakhstan và Kyrgyzstan đều vi phạm chế độ trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhưng chỉ có Kyrgyzstan phải đối mặt với sự trừng phạt của phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) với người đồng cấp Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Ảnh: RIA Novosti Bình luận trên mạng tin Eurasianet.org mới đây, Nurbek Bekmurzaev,...