Wowy: “Trấn Thành xin giảm cát-xê Rap Việt để chương trình được đầu tư hơn!”
Huấn luyện viên Wowy đã có những chia sẻ liên quan đến việc Trấn Thành bị “ném đá”, đồng thời bày tỏ sự cảm phục, khen ngợi nam MC trong quá trình làm việc chung.
Rapper Wowy vừa trở thành khách mời trong chương trình Hot Ơi Là… Hot. Anh đã giải đáp khá nhiều thắc mắc của khán giả xoay quanh chương trình truyền hình đang hot hiện nay – Rap Việt.
Về việc Trấn Thành bị dư luận công kích khi đảm nhiệm vai trò MC trong chương trình, Wowy chia sẻ rằng, anh thể hiện sự quan tâm bằng cách viết bình luận bênh vực trên mạng xã hội.
Trước câu hỏi ai sẽ hợp làm MC Rap Việt hơn Trấn Thành, Wowy hài hước trả lời: “Đó là chuyện của chương trình”. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Wowy vẫn dành sự yêu mến cho anh A Xìn và chưa nghĩ ra ai có thể thay thế.
“Lão đại” làng Rap bày tỏ sự khâm phục trước khả năng làm việc bền bỉ, chuyên nghiệp của Trấn Thành khi ghi hình tại trường quay. Anh nói, không hề biết cát-xê của nam MC bao nhiêu nhưng Trấn Thành thể hiện quá tuyệt vời. “Nghe nói anh Thành còn ủng hộ cho chương trình bằng cách giảm cát-xê của mình để chương trình đầu tư tốt hơn”, Wowy tiết lộ.
Wowy khen ngợi Trấn Thành: “Đây là đẳng cấp rồi!”
Trước đó, trong khoảng thời gian chương trình Rap Việt công bố tên người dẫn dắt, Trấn Thành đã liên tiếp nhận phải “gạch đá” của cộng đồng mạng. Nhiều người nghi ngờ, với một chương trình đặc biệt có phong cách “cool ngầu” như Rap Việt, việc để Trấn Thành làm MC là không hợp lý.
(Ảnh: Vie Channel)
Sự việc này kéo dài trong một thời gian dài, phải đến khi chương trình chính thức lên sóng, khán giả với bắt đầu có nhìn nhận công tâm và đánh giá đúng đắn hơn về khả năng của Trấn Thành.
Cho đến thời điểm hiện tại, nam diễn viên Cua Lại Vợ Bầu vẫn đang hoàn thành tốt vai trò của mình và khéo léo mang thế giới Rap đến gần hơn với công chúng.
JustaTee - Rhymastic: Không khuyến khích rap diss ở Rap Việt, muốn nhìn vào sự cống hiến của thí sinh chứ không phải danh tiếng
Cùng lắng nghe những chia sẻ của JustaTee & Rhymastic để hiểu thêm về quá trình đồng hành cùng Rap Việt.
Rhymastic & JustaTee là bộ đôi giám khả nắm quyền sinh sát và phân loại thí sinh về mỗi đội của từng HLV mà mình cho là phù hợp ở Rap Việt. Bên cạnh những lời nhận xét sâu sắc, đậm chất chuyên môn, 2 chàng rapper còn được nhiều khán giả yêu thích bởi hình ảnh hài hước, đáng yêu, thậm chí có pha chút... đam mỹ mỗi khi cả 2 kề vai áp má để thảo luận.
JustaTee & Rhymastic chia sẻ về Rap Việt
Cùng lắng nghe những chia sẻ của JustaTee & Rhymastic để hiểu thêm về quá trình đồng hành cùng Rap Việt:
Binz là người nhà nhưng các HLV còn lại đều là những người anh em thân thiết
Chào JustaTee & Rhymastic, trước khi ngồi ghế giám khảo của Rap Việt, hai anh có nhận được lời mời làm huấn luyện viên (HLV) hay không?
Rhymastic: Khi liên hệ tới hai anh em để mời tham gia, ê-kíp đã cho chúng tôi biết trước tất cả vị trí trong chương trình. Ngoài ra, họ cũng rất mong muốn sự góp ý và tư vấn của cả 2 để chọn ra những vị trí phù hợp nhất.
Tôi và anh JustaTee đều hoạt động trong cộng đồng Underground được hơn 10 năm rồi, đây là quãng thời gian rất dài giúp chúng tôi có đủ kinh nghiệm để nhận ra vị trí nào phù hợp nhất từ giám đốc âm nhạc, 2 giám khảo cho đến 4 vị HLV. Phải làm sao để mỗi vị trí đều thể hiện được cá tính đa dạng nhất, hợp lý nhất để tạo ra một chương trình về Rap có sức hút, có tính chuyên nghiệp mà lại dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi người.
Một số ý kiến cho rằng 2 anh và các HLV xêm xêm nhau về hình ảnh nên việc ngồi vào ghế giám khảo chưa thực sự thuyết phục?
Rhymastic: Không biết ý kiến đó là của ai (cười), nhưng nếu đã nghĩ vậy thì chứng tỏ người đó không hiểu biết một chút nào về nhạc Rap nói chung và con đường của hai anh em cũng như tất cả nghệ sĩ trong ê-kíp Rap Việt từ trước đến giờ.
4 con người là 4 cá tính Rap khác biệt nhau hoàn toàn. Ví dụ, Karik có sự nhạy bén với thị trường âm nhạc cũng như khả năng sử dụng lyrics (lời bài hát) rất tốt. Suboi lại có cá tính âm nhạc rất độc, rất dị, đồng thời biết sử dụng flow đặc trưng, luôn tạo bất ngờ cho người nghe.
Binz lại là một người lãng mạn trong câu từ và sử dụng flow ngắn gọn. Còn Wowy là một "gã quái thú", chuyên làm cho người khác không thể lường trước được những ngôn từ mà anh sử dụng. Chỉ kể qua về 4 HLV thôi cũng thấy mỗi người có một cá tính âm nhạc và điểm mạnh, điểm yếu khác nhau rồi. Chưa kể, 2 giám khảo đều không phải là những người chỉ tập trung vào rap mà còn "đá" sang nhiều dòng nhạc khác nhau, hoạt động từ Underground đến Mainstream.
Tôi và anh JustaTee đã thử qua rất nhiều phong cách, nhiều sản phẩm để thể hiện nhiều cá tính khác nhau. Chính vì thế, nếu nói chúng tôi giống nhau thì có lẽ giống nhau ở chỗ có 2 mắt, 1 mũi, 1 miệng, chiều cao cũng tầm bằng nhau, trừ Karik cao hơn một chút.
JustaTee: Có lẽ một phần cũng vì mọi người chưa hiểu hết về format của chương trình nên chưa thể hiểu rõ về 4 HLV cũng như 2 giám khảo. Ở Việt Nam, chúng tôi được gọi là giám khảo còn nếu theo format nước ngoài sẽ là producer (nhà sản xuất).
Rhymastic: Mọi người phải phân biệt rõ hai khái niệm này. Rapper là những nghệ sĩ biểu diễn. Họ có phong cách, có khả năng biểu diễn và kĩ năng. Producer là những người đứng ra sản xuất ca khúc và có cái nhìn tổng quát nhất để đánh giá bài nhạc từ dạng ý tưởng cho đến lúc hoàn chỉnh và trình diễn trên sân khấu. Hai công việc này rất khác nhau và và chỉ giao thoa ở niềm đam mê về Hip-hop và Rap thôi.
JustaTee: Các vị HLV sẽ tập trung về mặt chuyên môn nhiều hơn để dẫn dắt thí sinh. Còn nhà sản xuất sẽ là người nghe, cảm nhận và định hướng cho toàn bộ chương trình cũng như các thí sinh để chọn những hướng đi phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn góp ý cho các HLV để đưa ra những quyết định tốt nhất cho thí sinh.
Rhymastic: Thị trường âm nhạc nói chung và nhạc Rap, Hip-hop nói riêng đã bắt đầu bước vào giai đoạn công nghiệp hóa. Chính vì vậy, mọi vai trò trong Rap Việt đều là chủ đạo và cần thiết để một thí sinh được tiếp xúc với tất cả những yếu tố chuyên nghiệp nhất trong ngành công nghiệp này, từ khâu sản xuất đến lên ý tưởng cho sản phẩm.
Nhạc Rap trong chương trình không đơn thuần chỉ là một thứ âm nhạc thỏa mãn thú vui mà để giúp cho tất cả thí sinh và những người tham gia có thể kiếm được tiền, nuôi sống bản thân bằng niềm đam mê đó. Các bạn có thể hoạt động chuyên nghiệp không chỉ ở nhà với nhau mà cả khi lên truyền hình hay rất nhiều show lớn về sau.
Đối với những người từng tham gia vào ê-kíp sản xuất thì họ có thể hiểu được rằng, nếu muốn đi xa chắc chắn không thể đi một mình. Chúng ta cần rất nhiều vị trí khác nhau trong chương trình. Rap Việt có đến 4 HLV, 2 giám khảo, giám đốc âm nhạc và rất nhiều vị trí khác sau hậu trường để giúp cho các thí sinh bước lên đỉnh cao, tỏa sáng một cách đúng mực nhất.
Có ý kiến cho rằng 2 anh sẽ thiên vị Binz do chung nhà Spacespeakers?
Rhymastic: Format của chương trình sẽ hấp dẫn khi có sự đồng đều đến từ đội của 4 HLV, nếu cán cân quá nghiêng về 1 trong 4 người thì mọi thứ sẽ trở nên nhạt nhòa và sự chênh lệch về sau sẽ càng lộ rõ. Sức hấp dẫn của chương trình vì vậy cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Ngay từ đầu, chúng tôi đều không mong muốn sự chênh lệch xuất hiện giữa 4 HLV.
Vì vậy, không có chuyện chúng tôi thiên vị "người nhà". Binz là người nhà nhưng các HLV còn lại đều là những người anh em thân thiết của chúng tôi nên không thể tôn người này lên bằng cách hạ bệ 3 người còn lại.
Rap Việt không phải là cuộc chơi của 4 HLV mà là của các thí sinh. Hai giám khảo luôn tìm cách để các thí sinh được dàn trải đều nhất cũng như lựa chọn những HLV phù hợp cho các bạn nhất. Từ đó, họ sẽ trở thành những chiến binh "khủng", càng đi vào những vòng sau, kĩ năng của họ càng tỏa sáng và thăng hoa hơn. Chúng ta sẽ có một cuộc chơi ngày càng hấp dẫn hơn và nâng tầm nhạc Rap/ Hip-hop tại thị trường âm nhạc Việt Nam.
Đội nào cũng phải có ít nhất 2, 3 "quái vật". Họ là những thí sinh khiến chúng tôi không thể ngồi yên được khi xem phần trình diễn, thậm chí còn nhảy múa rất nhiều dù trước đó đã xác định tinh thần đi chấm thi rất khắt khe. Khán giả hãy cứ yên tâm theo dõi hết vòng 1 và mọi người sẽ thấy cán cân không hề nghiêng về bất cứ một đội nào.
Rất nhiều lần chúng tôi cảm thấy khâm phục thí sinh vì khả năng biểu diễn của các bạn có thể tiệm cận với các HLV và giám khảo
Hai giám khảo đưa về thí sinh về đội của HLV mà mình cho là phù hợp dựa theo tiêu chí nào?
Rhymastic: Khi một thí sinh bước ra và trình diễn, hai giám khảo sẽ phân tích tất cả những kĩ năng mà bạn thể hiện trên sân khấu như thế nào: từ cách sử dụng ngôn từ, nhịp điệu, flow cho đến cách nhấn nhá, biểu đạt câu từ hay cách sử dụng ẩn dụ, chơi chữ và các kĩ năng rap nâng cao hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng chú ý tới khả năng xử lý trên sân khấu của các bạn. Sau khi phân tích tất cả những yếu tố đó, chúng tôi sẽ tùy thuộc vào tiềm năng của thí sinh đó để lựa chọn huấn luyện viên phù hợp.
JustaTee: Hai anh em chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều tiêu chí để dẫn các thí sinh về các đội dựa trên thế mạnh và thực lực. Tuy nhiên, khi lên sân khấu xem trình diễn, có rất nhiều yếu tố khác để đánh giá một bài nhạc rồi phân tích và đưa ra quyết định chọn HLV phù hợp cho thí sinh.
Chỉ khi được xem các bạn thể hiện trên sân khấu, hai chúng tôi mới bắt đầu ngồi vạch ra những kĩ năng, chất lượng sản phẩm, cách truyền đạt sản phẩm để quyết định ngay tại chỗ.
Đã có trường hợp nào khiến hai anh khó đưa ra quyết định cho thí sinh chưa?
JustaTee: Nhiều chứ. Cãi nhau suốt trên sân khấu (cười) nhưng dù quyết định ra sao thì cũng phải mang lại điều tốt nhất cho thí sinh.
Rhymastic: Chúng tôi vẫn là hai con người khác nhau mà, tư duy âm nhạc cũng không thể nào giống nhau y sì đúc được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một con 5, một con 6, một con 9 và một con 10 thì phải để cả hai băn khoăn giữa một 9 và một 10 chứ không để lựa chọn vào con 5 và con 6.
Hai anh cảm thấy thế nào về chất lượng thí sinh Rap Việt mùa đầu tiên?
Rhymastic: Trong quá trình đồng hành cùng chương trình, mỗi thí sinh đều khiến tôi nảy ra suy nghĩ rằng người thi tiếp theo phải "khủng" hơn và đúng là điều đó xảy ra thật. Các bạn liên tục mang đến những bất ngờ.
Thông thường, khi nghe những bản Rap được biểu diễn trên sân khấu, tôi thường đánh giá rất khắt khe. Tuy nhiên, những kĩ năng mà các thí sinh thể hiện tại Rap Việt đôi khi còn vượt quá kì vọng của hai anh em rất nhiều. Rất nhiều lần chúng tôi cảm thấy khâm phục thí sinh vì khả năng biểu diễn của các bạn có thể tiệm cận với các HLV và giám khảo. Được làm việc với họ chính là may mắn và niềm tự hào của chúng tôi.
JustaTee: 55 thí sinh đều có màu sắc không ai giống ai nên cả hai chúng tôi có rất nhiều cảm hứng để lĩnh hội từ các bạn.
Rhymastic: Các bạn thí sinh không quá chênh lệch nhau vì hầu hết những người lọt vào vòng ghi hình của Rap Việt đều đã qua sàng lọc kỹ lưỡng. Chọn ra 55 người trong hơn 1000 người tham dự, nghe thôi cũng đủ hiểu tỉ lệ chọi khủng khiếp ra sao. Không cần biết kết quả như thế nào, tất cả thí sinh tham gia ở vòng ghi hình đều đã có đủ kĩ năng cần thiết để thể hiện cái tôi của mình tốt nhất trên sân khấu.
Nhiều thí sinh đã có chỗ đứng trong làng nhạc Rap đều tạo được hiệu ứng khi xuất hiện ở Rap Việt khiến những gương mặt mới bị lu mờ?
Rhymastic: "Đường dài mới biết ngựa hay". Khi tôi và anh JustaTee làm giám khảo thì thí sinh có danh tiếng cũng chẳng nói lên được điều gì. Rất nhiều thí sinh có tên tuổi và kinh nghiệm đến với chương trình nhưng vẫn bị loại như bình thường.
JustaTee: Chúng tôi muốn nhìn vào sự cống hiến của các bạn, chứ không phải danh tiếng. Ngay cả giám khảo chúng tôi còn muốn cống hiến rất nhiều và chưa bao giờ biết ngừng nghỉ nên không thể lấy tên tuổi để làm lu mờ đi những lứa tài năng trẻ. Đó là điều mọi người nên nhìn vào và phải tự hào vì trong Hip-hop, ai cũng như ai, ai cũng muốn cống hiến.
Rhymastic: Đây còn là một cuộc thi nên chúng ta phải đặt sự công bằng lên hàng đầu. Một người có nổi tiếng đến đâu, khi trình diễn trên sân khấu vẫn sẽ có nhiều điều thiếu sót. Tất cả HLV và giám khảo đều là những người có kinh nghiệm và chuyên môn rất cao để hiểu được những điều mà một thí sinh mang lại cho khán giả. Danh tiếng không có nghĩa lý gì ở chương trình này.
Chúng tôi đánh giá rất cao những thí sinh nỗ lực hết mình để mang lại những phần trình diễn mãn nhãn, tuyệt vời để khán giả cảm nhận được. Những thí sinh như vậy sẽ có nhiều kinh nghiệm để tỏa sáng dù các bạn có danh tiếng hay không.
JustaTee: Với lại, những thí sinh có danh tiếng khi bước vào cuộc đấu này cũng gặp không ít áp lực vì phía sau họ là những đối thủ rất trẻ trung và tài giỏi, đa năng. Ai cũng sẽ phải dè chừng nhau trong chương trình. Ban giám khảo chúng tôi là người có thể nhìn và cảm nhận thấy những điều đó từ các bạn.
Việc có danh tiếng hay không không quyết định được bạn đi tiếp, dừng lại hay những bước đường của bạn trong tương lai. Vì vậy, hãy cứ cống hiến đi, chúng ta chỉ có một lần cống hiến cho Hip-hop như hôm nay thôi. Hãy luôn tận dụng sức trẻ của các bạn để đóng góp cho bất cứ chương trình nào khiến cho Hip-hop Việt lớn mạnh hơn.
Trong một số chương trình, độ nổi tiếng của ban giám khảo và HLV có thể khiến thí sinh bị lu mờ, điều này có thể xảy ra tại Rap Việt hay không?
Rhymastic: Ở Rap Việt, thí sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Sự chăm sóc của ê-kíp dành cho thí sinh là vô cùng lớn. Sau khi trình bày xong sản phẩm của mình, họ nhận được lời góp ý từ 4 HLV và 2 giám khảo để có được cái nhìn chuẩn xác nhất về những điều mình đang thể hiện ra.
Nếu nói HLV hay giám khảo nổi tiếng hơn làm lu mờ thí sinh thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Chúng tôi chỉ ngồi đánh giá và phần biểu diễn thuộc về thí sinh, đây mới chính là phần quan trọng trong nhạc Rap. Dòng nhạc này là nơi để chúng ta thể hiện tiếng nói và quan điểm của mình bằng âm nhạc.
Ê-kíp thực hiện Rap Việt luôn tạo điều kiện tốt nhất để các bạn thể hiện ý tưởng của mình trên bản nhạc, trên một chương trình có sân khấu và hình ảnh chuyên nghiệp. Thí sinh được tiếp xúc với sự chuyên nghiệp đó để các HLV dựa vào và nâng cao bạn lên nhiều hơn, tỏa sáng hơn. Tôi nghĩ hào quang của Rap Việt luôn luôn thuộc về thí sinh chứ không bao giờ thuộc về HLV hay giám khảo.
JustaTee: Có lẽ một số khán giả đã xem lướt qua phần thể hiện của thí sinh và chỉ xem phần giám khảo nói nên mới đưa ra những phát biểu như vậy.
Tôi không khuyến khích thí sinh mang "dissing" lên Rap Việt
Một phần của nhạc rap là dissing, nếu thí sinh muốn rap diss thì chương trình liệu có cân nhắc hay không?
JustaTee: Đó là tuổi trẻ của các bạn nên chúng ta không thể kiểm soát được điều đó.
Rhymastic: Trong nhạc Rap, "dissing" (viết tắt của disrespect) là một khái niệm để thể hiện khi chúng ta không thích ai đó. Đây là một văn hóa từ rất lâu rồi, khi Hip-hop mới bắt đầu thành lập và cũng là một yếu tố không thể thiếu được trong Rap. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, khi đưa lên một chương trình truyền hình, tôi cũng chia sẻ với ê-kíp và các thí sinh rằng: "Khi chúng ta mang trọng trách của một nghệ sĩ Rap trong thời điểm nhạc Rap đang khẳng định mình và tiến đến một ngành công nghiệp để phục vụ cho những người có đam mê thì thông điệp mà ta mang lại phải được đặt lên trên hết, thay vì tập trung vào cái tôi của bản thân. Nếu nhạc Rap chỉ để phục vụ cái tôi của bản thân thì chúng ta mãi mãi chỉ dừng lại ở vị trí Underground".
Chính vì vậy, tôi không khuyến khích thí sinh mang "dissing" lên Rap Việt, mọi người có thể thể hiện cái tôi & quan điểm cá nhân một cách khéo léo hơn. Quan trọng nhất là các bạn phải truyền đạt được những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, gửi chúng vào trong bản nhạc để khán giả cảm nhận được cái hay và tốt đẹp của Rap.
JustaTee: Nếu nói theo hướng tích cực, "dissing" sẽ giúp cho các bạn nâng cao được trình độ của mình hơn chứ không hề mang ý nghĩa gì to tát hay cực đoan. Tôi đã từng tiếp cận với khái niệm này từ sớm và cảm thấy như vậy.
Tuy nhiên, khi các bạn thí sinh dám bước vào và đi theo guồng quay của Rap Việt thì việc thể hiện cái tôi theo chủ đề của chương trình mới chính là thứ khiến kĩ năng cảm nhạc của các bạn được nâng cao, giúp các bạn thay đổi nhiều về ý niệm khi chơi Rap. Đây cũng chính là điều mà chương trình luôn hướng tới và mong muốn các bạn đạt được, khác biệt hơn so với những thứ trước đây.
Rhymastic: "Dissing" chỉ là một phần nhỏ trong Rap chứ không phải là điều tất yếu. Hip-hop là một ngôn ngữ, và chúng ta phải biết sử dụng ngôn ngữ đó đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách. Việc sử dụng ngôn từ ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào các thí sinh và kết quả sẽ thể hiện việc sử dụng đó có đúng hay không.
Bản thân tôi từng tham gia rất nhiều cuộc "dissing battle" (đấu rap diss) và nhận ra điều đó rất vui nhưng cũng không giúp ích được gì khi sáng tác âm nhạc. Tôi không thể mang những ngôn từ đó đi biểu diễn, mang lên truyền hình hay lan tỏa những thông điệp nào ý nghĩa đến những người xung quanh. Nếu chỉ sử dụng để giải quyết cá nhân thì được còn để phục vụ mục đích chung thì tôi nghĩ những người chơi Rap đều biết cách sử dụng ngôn từ một cách thông thái để không lãng phí chất xám.
JustaTee: Mọi người nên suy nghĩ theo hướng coi Rap là một cái nghề và có những bước đi thay đổi lối sống của bản thân để mang rap đến với nhiều người hơn. Đây là suy nghĩ của những người từng giành giật cuộc sống cho âm nhạc như chúng tôi từ những ngày đầu.
Ngày xưa, chúng tôi không có đường lui nào cả khi làm âm nhạc nên luôn đi theo một lý tưởng cho đến bây giờ. Hiện tại, khi nghệ sĩ có điều kiện và bước đệm để mang âm nhạc tới nhiều người hơn thì tại sao các bạn không thay đổi một chút để biến Rap trở thành một nghề để không nuôi dưỡng niềm đam mê một cách vất vả, khốn khổ?
Tôi không mong những điều vất vả sẽ đến với các bạn nếu đã có trong mình niềm đam mê nghệ thuật nhất định. Chúng tôi mong muốn các bạn không có những suy nghĩ tiêu cực mà hướng tới việc lan tỏa âm nhạc tới cộng đồng xung quanh.
Theo hai anh, việc đưa một chương trình về Rap lên sóng truyền hình sẽ có những hạn chế ra sao?
Rhymastic: Chắc chắn sẽ luôn có hạn chế vì Rap là thứ ngôn từ của đường phố. Một thứ ngôn từ bụi bặm, mộc mạc không thể hoàn toàn phù hợp với những thứ chỉn chu và chuẩn bị cẩn thận như trên truyền hình. Đơn giản như việc sử dụng những từ "bậy" sẽ rất hạn chế khi lên sóng hay những vấn đề nhạy cảm cũng rất khó thể hiện trên truyền hình.
Trước đây, khi chơi Rap, tôi từng suy nghĩ chỉ nói và làm những điều mình thích, miễn bản thân thấy vui là được. Tuy nhiên, ở hiện tại, khi tôi có thêm nhiều mối quan hệ, nhiều trọng trách trong gia đình thì việc cân nhắc những điều muốn truyền tải tới người xung quanh càng khiến tôi đắn đo hơn.
Nhạc Rap cũng vậy. Để dòng nhạc này lan tỏa tới tất cả khán giả mọi lứa tuổi, mọi cá tính khác nhau, chúng ta phải khiến nó hài hòa nhất, dễ đồng cảm và làm vừa lòng mọi người nhất. Đây là điều hạn chế khi mang Rap lên một chương trình truyền hình có sức lan tỏa.
Tuy nhiên, ngôn từ khó nghe chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì Rap mang lại cho cuộc sống. Vì nhạc Rap là thứ ngôn ngữ có thể chạm tới trái tim của tất cả mọi người. Rap có thể giúp ích cho tất cả mọi người vậy nên không ai có thể không yêu thích bộ môn này.
JustaTee: Như tôi đã nói, chính rào cản về thuần phong mỹ tục mới giúp cho các thí sinh có hướng đi hoàn toàn khác và có thêm nhiều kinh nghiệm hơn, trau dồi thêm nhiều kĩ năng hơn. Dù không dùng những ngôn từ thô, gắt nhưng các bạn vẫn có thể mang lại nguồn cảm hứng cho người nghe.
Rhymastic: Giống như để chửi một câu thì rất dễ nhưng để không chửi bậy mà người nghe vẫn cảm nhận được và cay cú mới là cái khó. Đây mới chính là thước đo tài năng của mỗi người nghệ sĩ nhạc Rap.
Nói anh Trấn Thành không phù hợp làm MC Rap Việt là đi ngược lại đạo lý trong nhạc Rap
MC Trấn Thành từng nhận nhiều ý kiến trái chiều vì không đủ chuyên môn về Rap nhưng lại đảm nhận vị trí dẫn chương trình Rap Việt?
Rhymastic: Cái gọi là "chuyên môn" trong Rap thực sự không có mà bắt nguồn từ những bài văn khi chúng ta đi học như biện pháp ẩn dụ, so sánh hay là vần. Ai cũng có thể hiểu được lý thuyết của Rap là như thế nào.
Nếu nói anh Thành cần phải có chuyên môn về Rap khi làm MC của Rap Việt thì tôi nghĩ thực sự không cần. Anh Trấn Thành là một người cảm nhận âm nhạc rất tốt và khả năng ứng biến rất xuất sắc.
Đối với những người chơi Rap lâu, họ cũng hiểu trong Rap sẽ có phong cách freestyle (ngẫu hứng) và khả năng ứng biến là yếu tố vô cùng cần thiết của một rapper. Vì vậy, nói anh Trấn Thành không phù hợp là đi ngược lại đạo lý trong nhạc Rap.
JustaTee: Trong một chương trình về Rap, tôi nghĩ chúng ta không nên đặt nặng quá nhiều thứ về chuyên môn. Rất nhiều tài liệu về Rap các bạn có thể tìm trên mạng. Mọi người chỉ cần xem chương trình và cảm nhận thôi.
Rhymastic: Chuyên môn thì nói 5 phút cũng đủ khiến mọi người hiểu. Chương trình có tới 4 HLV giỏi chuyên môn lại thêm 2 giám khảo cũng có kiến thức về rap đầy mình rồi nên mọi người đừng sợ chương trình thiếu tính chuyên môn.
Giúp khán giả hiểu đúng về Rap từng là một việc rất khó khăn nhưng chúng tôi đã làm được điều đó. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và thấu hiểu việc tất cả mọi người đã trải qua những gì để đưa Rap đi đến ngày hôm nay. Đây là một thể loại âm nhạc có sức lan tỏa rất lớn.Mong được khán giả công nhận và thấu hiểu nó, đây là thứ mà chúng tôi muốn đem đến.
Rap Việt vừa mới ra mắt nhưng đã liên tục lọt top trending YouTube thì 2 anh thấy sao?
JustaTee: Thực ra đây không phải là thước đo của sự thành công hay sự khen thưởng của Hip-hop. Từ trước đến nay, Hip-hop đã có sức ảnh hưởng nhất định trong rất nhiều khóm nhỏ và hiện tại, việc chúng ta quy tụ tất cả khóm nhỏ này vào một chương trình sẽ tạo ra sự bùng nổ nhất định. Đây là điều anh em chúng tôi đều có thể cảm nhận được.
Mỗi thời mỗi khác, thị trường âm nhạc ngày xưa có rất nhiều cộng đồng Hip-hop lớn và những con số vô hình chúng ta không thể nhìn thấy. Vì vậy, một chương trình ra đời để kết nối họ lại với nhau, để cùng "xào nấu" và tạo ra những bữa ăn gia đình trên tinh thần xây dựng Hip-hop lớn mạnh và đem Hip-hop đến gần công chúng. Đây là điều khiến chúng tôi rất mãn nguyện, khán giả cũng rất vui sướng để đón nhận và lĩnh hội dòng nhạc này.
Rhymastic: Khi chương trình đạt top trending, tất cả ê-kíp đều rất bất ngờ vì mọi người không nghĩ có thể tạo ra kỉ lục lớn đến vậy. Chúng tôi chỉ tập trung cố gắng làm sao để đảm bảo chương trình được hay nhất về tất cả mọi góc độ.
Chương trình gốc được phát sóng tại Thái Lan và tạo được tiếng vang rất lớn, đạt nhiều giải thường danh giá. Đây là áp lực đối với toàn bộ ê-kíp thực hiện khi mua bản quyền về Việt Nam. Tuy nhiên, khi biết được đây là một chương trình tiềm năng và dàn thí sinh tham dự cũng tuyệt vời không kém, mọi người đều cố gắng hết sức. Khi show đạt top trending nhiều tập liên tiếp, ê-kíp thực hiện chúng tôi đều bất ngờ và hạnh phúc vì những cố gắng đã đi đúng hướng và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
JustaTee: Cuối cùng cũng có ngày "Người người yêu Hip-hop, nhà nhà yêu Hip-hop".
"Rap Việt lập nhiều kỉ lục nhưng nhạc Rap chưa thể tiếp cận được với số đông". Hai anh nghĩ sao về ý kiến này?
Rhymastic: Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào định nghĩa "số đông" của mỗi người như thế nào. Có người cho rằng cả thế giới phải biết đến mới là số đông. Hay có người chỉ cần vài trăm nghìn, vài triệu người hoặc vài nghìn, vài trăm người biết đến đã là số đông rồi. Khái niệm này rất khó để trả lời.
Đối với cá nhân tôi, khi nhìn thấy một chương trình về nhạc Rap có số người theo dõi trực tiếp và lượng người xem tăng theo từng ngày, nhiều hơn cả một chương trình hay MV ca nhạc thì chắc chắn hiệu quả mà nó mang lại và số lượng người tiếp cận được là không hề nhỏ, không phải dạng vừa luôn. Tôi nghĩ Hip-hop đã tiếp cận tới một số lượng khán giả rất đông. Hy vọng, dòng nhạc này sẽ lan tỏa tới nhiều người hơn nữa vì Hip-hop rất xứng đáng được biết đến.
Trên thế giới, Hip-hop đã ảnh hưởng tới tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc và lan tỏa tới toàn cầu. Chỉ có ở Việt Nam, Hip-hop mới bắt đầu lan tỏa và tiếp cận tới khán giả nước nhà.
Cảm ơn những chia sẻ của JustaTee & Rhymastic, chúc 2 anh sẽ hoàn thành thật tốt vai trò của mình tại Rap Việt!
Wowy chính là "thánh hài" của Rap Việt: Từ dáng ngồi Sài Gòn Chợ Lớn đến chuyên gia xử lý cồng kềnh Những khoảnh khắc của Wowy đều khiến người xem cười bể bụng. Dù là "Lão đại" trong làng nhạc Rap, vốn được biết đến với hình ảnh cá tính cool ngầu nhưng dường như khi xuất hiện với cương vị HLV Rap Việt, Wowy lại khiến khán giả cực kỳ thích thú khi anh luôn thể hiện sự đáng yêu, hài hước hết...