WMO cảnh báo các hiểm họa liên quan đến nước đang gia tăng
Ngày 5/10, Tổ chức Khí tượng thế giới ( WMO) cảnh báo các hiểm họa liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán đang gia tăng do biến đổi khí hậu.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cứu trợ các nạn nhân ở một nhà dưỡng lão tại khu vực ngập lụt do mưa lớn ở làng Kuma, quận Kumamoto, miền Tây Nam Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Số người bị căng thẳng về nước dự kiến sẽ tăng cao, trầm trọng hơn do dân số tăng và nguồn cung cấp ngày càng giảm. Trong khi đó, việc quản lý, giám sát, dự báo và cảnh báo sớm còn rời rạc và thiếu chặt chẽ, còn các nỗ lực tài chính khí hậu toàn cầu là không đủ.
Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas, cho biết nhiệt độ tăng lên dẫn đến những thay đổi về lượng mưa trên toàn cầu và khu vực, tạo sự thay đổi về mô hình mưa và vụ mùa nông nghiệp gây tác động lớn đến an ninh lương thực, sức khỏe con người và thịnh vượng.
Năm qua đã liên tiếp chứng kiến các sự kiện cực đoan liên quan đến nước. Trên khắp châu Á, lượng mưa cực lớn đã gây ra lũ lụt lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Nepal, Pakistan và Ấn Độ. Hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng. Nhưng không chỉ ở các nước đang phát triển, lũ lụt đã dẫn đến sự gián đoạn lớn. Trận lũ lụt thảm khốc ở châu Âu đã dẫn đến hàng trăm người thiệt mạng và thiệt hại trên diện rộng. Thiếu nước tiếp tục là nguyên nhân chính gây lo ngại cho nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi.
Giáo sư Taalas cho hay hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước và không được tiếp cận với nước uống và vệ sinh an toàn. Chúng ta cần cảnh giác với cuộc khủng hoảng nước đang bùng phát.
Theo số liệu được trích dẫn trong báo cáo Thực trạng Dịch vụ Khí hậu 2021, 3,6 tỷ người không được tiếp cận với nước ít nhất một tháng mỗi năm vào năm 2018. Đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người. Trong 20 năm qua, trữ lượng nước trên cạn – tổng lượng nước trên bề mặt đất và dưới bề mặt, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng – đã giảm với tốc độ 1cm mỗi năm. Những thiệt hại lớn nhất đang xảy ra ở Nam Cực và Greenland, nhưng nhiều địa điểm dân cư ở vĩ độ thấp hơn đang bị mất nước đáng kể ở những khu vực truyền thống cung cấp nước, với những ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước. Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn do chỉ có 0,5% lượng nước trên Trái đất là nước ngọt có thể sử dụng được.
Các mối nguy liên quan đến nước đã gia tăng tần suất trong 20 năm qua. Kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134% so với hai thập niên trước. Hầu hết các trường hợp tử vong và thiệt hại kinh tế liên quan đến lũ lụt được ghi nhận ở châu Á, nơi hệ thống cảnh báo đầu cuối về lũ lụt ven sông cần được tăng cường.
Số lượng và thời gian hạn hán cũng tăng 29% so với cùng kỳ. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến hạn hán xảy ra ở châu Phi cho thấy sự cần thiết của các hệ thống cảnh báo đầu cuối mạnh mẽ hơn đối với hạn hán ở khu vực đó.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là yếu tố quan trọng để đạt được phúc lợi xã hội, kinh tế và môi trường lâu dài. Tuy nhiên, bất chấp một số tiến bộ, 107 quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu quản lý bền vững tài nguyên nước của họ vào năm 2030.
Nhìn chung, thế giới đang chậm tiến độ nghiêm trọng trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 của Liên hợp quốc (SDG 6) nhằm đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Vào năm 2020, 3,6 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh được quản lý an toàn, 2,3 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản và hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước và không được tiếp cận với nước uống an toàn.
75 quốc gia báo cáo mức hiệu quả sử dụng nước dưới mức trung bình, trong đó có 10 quốc gia có mức cực kỳ thấp. Tốc độ tiến bộ hiện tại cần phải tăng gấp bốn lần để đạt được các mục tiêu toàn cầu vào năm 2030.
Điều đáng mừng là các quốc gia đang quyết tâm cải thiện tình hình. Để giảm thiểu các thảm họa liên quan đến nước và hỗ trợ quản lý tài nguyên nước, cần có các dịch vụ khí hậu cho nước và hệ thống cảnh báo sớm đầu cuối, cũng như các khoản đầu tư bền vững. Những điều này vẫn chưa đầy đủ.
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chiến lược cho các nhà hoạch định chính sách nhằm cải thiện việc thực hiện hiệu quả các dịch vụ khí hậu đối với nước trên toàn thế giới như: Đầu tư vào quản lý tài nguyên tổng hợp nước như một giải pháp để quản lý tốt hơn tình trạng căng thẳng về nước; Đầu tư vào hệ thống cảnh báo hạn hán và lũ lụt sớm đầu cuối ở các nước có nguy cơ; Lấp đầy khoảng trống về năng lực trong việc thu thập dữ liệu cho các biến số thủy văn cơ bản làm nền tảng cho các dịch vụ khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm; Cải thiện sự tương tác giữa các bên liên quan ở cấp quốc gia để cùng phát triển và vận hành các dịch vụ khí hậu với những người sử dụng thông tin nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc thích ứng trong lĩnh vực nước.
10 thảm họa liên quan khí hậu xảy ra gần đây
Từ hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng cùng các trận lũ lụt lịch sử xảy ra trong mùa hè, cho tới các đợt sương giá bất thường và những "cơn bão châu chấu" phá hủy mùa màng, các chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tàn phá thời tiết trên thế giới.
Hãng tin AFP thống kê một số thảm họa do biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề nhất trong 2 năm qua:
Cháy rừng ở khu vực Địa Trung Hải
Lửa cháy rừng bùng phát dữ dội tại Skinos, phía Nam thủ đô Athens, Hy Lạp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất ở Hy Lạp trong nhiều thập kỷ đã làm bùng phát những đám cháy rừng gây thương vong. Hỏa hoạn cũng thiêu rụi gần 100.000 hécta rừng trong năm nay. Thủ tướng Hy Lạp gọi đây là "thảm họa sinh thái lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ" ở nước này.
Các vụ cháy trong mùa hè vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 80 người tại Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ. Italy và Tây Ban Nha cũng chịu nhiều thiệt hại do các đám cháy lớn không thể kiểm soát.
Các nhà khoa học cho biết vành đai Địa Trung Hải là một "điểm nóng" về biến đổi khí hậu khi tình hình ngày một trầm trọng hơn.
"Vòm nhiệt" Canada
Cuối tháng 6 vừa qua, một "vòm nhiệt" không khí nóng đã khiến nhiệt độ như thiêu đốt kéo dài nhiều ngày ở phần lớn miền Tây Canada và Tây Bắc nước Mỹ. Cư dân thị trấn Lytton thuộc tỉnh bang British Columbia ghi nhận nhiệt kế đo được 49,6 độ C trong ngày 30/6 và đây là mức nhiệt cao chưa từng có ở Canada. Một vụ cháy rừng những ngày sau đó đã thiêu rụi phần lớn thị trấn này.
Hiệp hội Khoa học World Weather Attribution (WWA) cho rằng mức nhiệt khắc nghiệt này "gần như không thể xảy ra" nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nhiều thị trấn ở châu Âu ngập lụt
Cảnh ngập lụt do mưa lũ tại Cologne, Đức ngày 16/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trận lũ lụt nghiêm trọng nhất ở Đức vào tháng 7 năm nay đã khiến 165 người thiệt mạng sau khi các đợt mưa lớn trút xuống quốc gia này cũng như Thụy Sĩ, Luxembourg, Hà Lan, Áo và Bỉ - nơi ghi nhận 31 người thiệt mạng.
WWA cho biết khí hậu ấm lên khiến lượng mưa trong vòng 2 ngày sau lũ tăng khoảng 20%. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nhiều vùng tại châu Âu chỉ trong 2 ngày 15 và 16/7 đã hứng chịu lượng mưa tương đương lượng mưa trong 2 tháng. Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết với mỗi độ C Trái Đất ấm lên, bầu khí quyển có thể chứa thêm khoảng 7% hơi ẩm.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Trung Quốc bị nhấn chìm
Xe ô tô trên một tuyến đường bị ngập lụt tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 22/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trận lũ lụt vào tháng 7 ở Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của trên 300 người khi thành phố Trịnh Châu, miền Nam nước này, hứng chịu đợt mưa lớn chưa từng có. Lượng mưa trong 3 ngày tương đương lượng mưa trong suốt cả năm. Nước lũ làm ngập nhiều hầm đường bộ và hệ thống tàu điện ngầm, khiến nhiều người chết đuối.
Lũ lụt kinh hoàng tại Australia
Cảnh ngập lụt sau mưa lớn tại Penrith, Australia, ngày 20/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tháng 3/2021, những trận mưa dữ dội trút xuống miền Đông Australia, buộc hàng nghìn người phải sơ tán để tránh trận lũ lụt chưa từng có trong nhiều thập kỷ - chỉ một năm sau khi khu vực này bị hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng.
Mưa dài ngày không ngớt đã khiến mực nước sông ở New South Wales - bang đông dân nhất Australia - dâng lên mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây.
Các nhà khoa học cảnh báo Australia có thể sẽ thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn nữa do biến đổi khí hậu.
Sương giá gây thiệt hại nặng nề tại Pháp
Mùa xuân năm nay, một đợt sương giá muộn khi nhiệt độ giảm sâu đã tàn phá các vườn nho ở Pháp. Hiện tượng thời tiết cực đoan này đã làm giảm khoảng 30% sản lượng nho của nước này, gây thiệt hại tới 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD). Phân tích của WWA nêu rõ biến đổi khí hậu đã gây đợt giá lạnh lịch sử, tàn phá khoảng 70% các vùng sản xuất rượu vang của Pháp.
Bão Ida tàn phá nghiêm trọng
Ngập lụt do hoàn lưu bão Ida gây mưa lớn tại khu vực Lafitte, bang Louisiana (Mỹ) ngày 2/9/2021. Ảnh: AP/TTXVN
Cuối tháng 8 vừa qua, cơn bão Ida đã cướp đi sinh mạng của trên 100 người và gây thiệt hại khoảng 100 tỷ USD khi càn quét từ bang Louisiana, miền Nam nước Mỹ, cho tới khắp khu vực Đông Bắc nước này. Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ cho biết 4 trong số 6 cơn bão lớn nhất nước Mỹ, trong đó có Ida, xảy ra trong vòng 5 năm qua.
Nạn châu chấu, lũ quét và lở đất ở Đông Phi
Một bầy châu chấu tại khu vực làng Lerata ở Samburu, Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia nhận định thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu - bao gồm cả lượng mưa chưa từng có - đã khiến hàng tỷ con châu chấu sinh sôi, tràn sang Đông Phi trong tháng 1/2020, đe dọa gây khủng hoảng lương thực tại khu vực này. Những "đám mây côn trùng dày đặc" tràn từ Ethiopia và Somalia sang cả Kenya.
Trước đó, những trận mưa như trút nước vào tháng 10/2019 đã khiến hàng chục nghìn người ở Somalia phải sơ tán. Trong khi đó, tất cả các thị trấn ở Nam Sudan chìm trong nước lũ. Hàng chục người thiệt mạng do lũ quét và lở đất ở Kenya, Ethiopia và Tanzania. Một hiện tượng khí hậu cực đoan ở Ấn Độ Dương có mức độ tàn phá hơn bất kỳ hiện tượng nào từng thấy trong nhiều năm qua đã dẫn tới các trận mưa và lũ lụt tàn phá nghiêm trọng khắp Đông Phi.
"Siêu hạn hán" nghiêm trọng nhất trong 500 năm
Hồ Oroville ở miền Bắc California đang cạn kiệt với tốc độ đáng lo ngại trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, khu vực miền Tây nước Mỹ có thể tiếp tục hứng chịu đợt "siêu hạn hán" nghiêm trọng nhất ở khu vực này trong ít nhất 500 năm qua. Hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể khiến tình trạng hạn hán tiếp diễn trong nhiều thập kỷ.
Số các vụ thiên tai tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua, 2 triệu người bị thiệt mạng Giai đoạn 1970-2019, thế giới đã chứng kiến hơn 11.000 thảm họa thiên tai, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.640 tỷ USD. Trung bình mỗi ngày xảy ra một thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu, lũ lụt và hạn hán, khiến 115 người chết và gây thiệt hại 202 triệu USD. Liên hợp quốc...