Wi-Fi công cộng miễn phí – chìa khoá thu hút khách du lịch
Wi-Fi miễn phí đã được áp dụng ở nhiều nước. Chúng được đánh giá mang lại nhiều lợi ích vĩ mô cho khu vực, dù vẫn có những rủi ro nhất định.
Các chuyên gia bảo mật vẫn đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất mát dữ liệu cá nhân của người dùng khi truy cập Internet qua các đường Wi-Fi công cộng, tuy nhiên lợi ích mà nó mang lại cho du lịch và cộng đồng khiến ngày càng nhiều thành phố cung cấp giải pháp này cho người dân.
Wi-Fi miễn phí ở các nước
Năm 2003, công ty Verge Wireless phối hợp cùng Tropos Network xây dựng hệ thống Wi-Fi công cộng tại Trung tâm Baton Rouge (Louisiana, Mỹ), trở thành một trong những thành phố sớm nhất thế giới có Wi-Fi công cộng. Đến năm 2013, hơn 60 thành phố ở Mỹ đã được lắp đặt Wi-Fi miễn phí tại một khu vực hoặc toàn bộ thành phố.
Đa phần các nước tại châu Âu đều có Wi-Fi miễn phí tại các thành phố lớn, tập trung nhiều khách du lịch và có đời sống thương mại sôi động. Tại châu Á, Việt Nam là một trong 11 nước hiếm hoi có Wi-Fi công cộng tại một số thành phố lớn, bao gồm Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, Huế và sắp tới có thể là TP HCM.
Một trạm Wi-Fi miễn phí ở New York, Mỹ. Thành phố này tận dụng các bốt điện thoại công cộng lỗi thời để lắp đặt trạm phát mạng. Ảnh: VentureBeat.
Tuy nhiên, mỗi thành phố có cách triển khai Wi-Fi miễn phí khác nhau. Ví dụ, thành phố Đài Bắc, Đài Loan có hàng trăm điểm phát Wi-Fi miễn phí được chính quyền lắp đặt. Khách du lịch chỉ cần đăng ký trước khi đến đây để được truy cập trong vòng 30 ngày. Toàn bộ Đài Loan hiện có trên 5.000 điểm phát tương tự, đánh dấu bằng một bản đồ trên trang của chính phủ.
Chiến lược Wi-Fi miễn phí, dễ tiếp cận này cũng được áp dụng tại Tel Aviv (Israel) hay Birmingham (Anh). Thông thường, kinh phí duy trì các đường Wi-Fi này được chi bởi chính phủ hoặc các nhà mạng với những ràng buộc nhất định.
Một số thành phố khác chỉ hỗ trợ Wi-Fi miễn phí ở vài khu vực nhất định, và cũng trong thời gian ngắn hạn. Chẳng hạn, du khách đến Florence (Italy) cần mua một loại thẻ thông hành trị giá 72 euro, cho phép tham quan các hệ thống bảo tàng, sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng và cho phép kết nối vào các trạm Wi-Fi “miễn phí” trong vòng 72 giờ. Các trạm Wi-Fi này được lắp đặt tại nhiều khu vực khác nhau, từ công viên, bảo tàng, thư viện đến các tiệm ăn uống.
Tương tự, Hong Kong cung cấp Wi-Fi miễn phí ở hầu khắp thành phố, và 15 phút miễn phí tại các trạm tàu điện ngầm, dùng được 5 lần mỗi ngày. Du khách có thể mua một loại SIM đặc biệt trị giá 5,4 euro để truy cập 12.000 điểm Wi-Fi miễn phí khác.
Chất lượng Wi-Fi tại các thành phố cũng được hứa hẹn sẽ ở mức tốt. Tại Birmingham (Anh), nhà mạng Virgin Media Business cho biết Wi-Fi sẽ “hỗ trợ băng thông cao, cho phép sử dụng các dịch vụ tốn dung lượng như stream video hoặc chơi game online”. Tại Kansas (Mỹ), tốc độ hỗ trợ Wi-Fi miễn phí sẽ là tối đa 130MBs tải lên và 150 MBs tải xuống.
Một số trạm phát Wi-Fi còn trang bị camera an ninh, ổ sạc điện thoại… Nhiều ứng dụng du lịch cũng dần tích hợp thêm Bản đồ Wi-Fi miễn phí tại các thành phố khác nhau.
Trên TripAdvisor, chuyên trang về lời khuyên du lịch, đa số du khách phản hồi tốt về Wi-Fi ở các thành phố lớn, đủ dùng cho các nhu cầu cơ bản, dù đôi khi việc kết nối có thể phức tạp ở nhiều quốc gia.
Wi-Fi miễn phí rủi ro nhưng cần thiết
Video đang HOT
Dù có nhiều ý kiến cho rằng Wi-Fi công cộng chỉ có tác dụng với các du khách và không mang lại lợi ích gì cho người dân sở tại, các nhà hoạch định chính sách lại khá thống nhất quan điểm rằng miễn phí Wi-Fi sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với bất kỳ ai có thể tiếp cận được chúng.
Với du khách, Wi-Fi miễn phí là một yếu tố hấp dẫn, nhất là trong thời đại phổ cập thiết bị. Theo Phòng phát triển Đô thị Vermont (Mỹ), Wi-Fi miễn phí sẽ tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu thành phố kỹ hơn, biến nó thành một điểm du lịch “thời thượng”, khuyến khích khám phá, và từ đó là chi nhiều tiền hơn cho chuyến du lịch.
Thống kê nhỏ tại Ludlow, thành phố du lịch 800 dân cho thấy, mỗi tuần có đến 1.500 lượt dùng Wi-Fi miễn phí. Thành phố có thể thông qua các đường truyền này để phổ biến thông tin, giới thiệu tham quan và các dịch vụ khác.
Wi-Fi miễn phí rộng rãi, dễ tìm là một trong những điểm nhấn du lịch của Paris. Ảnh: Felipe Ribon .
Wi-Fi miễn phí cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hơn.ThinkProgress đưa ra 4 lợi ích của đường truyền miễn phí, trong đó quan trọng nhất là tạo điều kiện cho những người không đủ khả năng sử dụng dữ liệu di động hoặc Wi-Fi cá nhân.
Một thống kê năm 2013 cho thấy, 96% người Mỹ có rất ít lựa chọn về nhà mạng và gói cước, 5% thậm chí sống tại các vùng không được nhà mạng phủ sóng. Chương trình Wi-Fi miễn phí là cơ hội để họ tiếp cận với Internet tốc độ cao, tăng cơ hội về học tập, việc làm và kiến thức.
Tất nhiên, có nhiều ý kiến chỉ trích liên quan tới Wi-Fi miễn phí, một trong những vấn đề lớn nhất là chi phí cho các dự án này khá cao. Doug Schremp từ Small BizTrends giải thích: “Có nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan đến các dự án kiểu này, do vậy chi phí thường rất cao và cần đầu tư đồng bộ”. Hệ lụy là người dân phải nộp nhiều thuế hơn, và nếu chất lượng không đảm bảo, Wi-Fi miễn phí thực tế lại có thể gây lãng phí cho người đóng thuế.
Bên cạnh đó là những lo ngại về vấn đề bảo mật, bởi Wi-Fi công cộng rất khó được kiểm soát hoàn toàn. Dữ liệu của người dùng thường được thu thập một cách bí mật hoặc đôi khi công khai vào những mục đích không rõ ràng.
Người dùng Wi-Fi miễn phí sẽ phải chấp nhận nhiều rủi ro về bảo mật. Ảnh: The National.
Khi Wi-Fi miễn phí được áp dụng tại New York, The Verge đưa ra lo ngại lớn nhất là những đợt tấn công từ hacker. Theo đó, các hacker có thể truy cập vào Wi-Fi, sau đó theo dõi dòng dữ liệu, nếu một người dùng sơ hở trên các trang web không được bảo mật, chúng có thể đánh cắp nhiều thông tin cá nhân, mật khẩu dưới dạng văn bản. Ngoài ra còn nhiều dạng tấn công khác như giả dạng Wi-Fi miễn phí, giả dạng các trang web của chính quyền nhằm lừa người dùng cung cấp các dữ liệu cá nhân.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, những rủi ro đặt ra là “đáng cân nhắc” bởi lợi ích vĩ mô của Wi-Fi miễn phí là rất lớn.
Những giải pháp khác
Để tránh chi phí lớn cũng như các vấn đề bảo mật, nhiều mô hình Wi-Fi miễn phí từng được đưa ra. The Wired gợi ý mỗi người dùng cá nhân có thể chia sẻ một phần băng thông với công chúng, tránh quá tải băng thông khi có quá nhiều người dùng truy cập đột ngột. Đồng thời, việc này sẽ giảm tải chi phí lắp đặt mới các trạm phát Wi-Fi từ ngân sách nhà nước.
Tất nhiên, việc chia sẻ đường truyền cũng đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết, cộng đồng, thành phố đó cần phải có lượng người dùng Wi-Fi cá nhân lớn, đồng thời các nhà mạng phải có giải pháp nhằm giới hạn lượng băng thông chia sẻ, tránh gây thiệt thòi cho người dùng.
Trên hết, Wired dự đoán, sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà mạng, cơ quan quản lý cũng như tinh thần chia sẻ của cộng đồng sẽ là chìa khóa thành công của mô hình chia sẻ Wi-Fi công cộng nêu trên.
Lê Phát
Theo Zing
Cái giá thực sự khi sử dụng Wi-Fi miễn phí
Bạn vui mừng khi tìm thấy một mạng Wi-Fi miễn phí và tưởng rằng mình được dùng Internet thoải mái không lo tốn tiền. Bạn có biết đang tự bán mình với giá rất rẻ.
Tại New York, cách đây nhiều năm, chính quyền thành phố đã phát triển một dự án Wi-Fi công cộng miễn phí với tên gọi LinkNYC nhằm giúp mọi công dân đều có khả năng truy cập Internet miễn phí. Nhiều công ty khác như Facebook hay Google cũng đưa ra các dự án nhằm đem Internet về với càng nhiều người càng tốt.
Thông thường, bạn có thể truy cập Wi-Fi miễn phí tại các địa điểm như sân bay, quán café, trung tâm mua sắm. Thế nhưng, những dịch vụ miễn phí này đều phải đổi lại bằng những cái giá nhất định. Bạn có quyền sử dụng miễn phí nếu như những công ty cung cấp các dịch vụ này có thể thu thập, lưu trữ và phân tích các thông tin giá trị về chính cá nhân, địa điểm và hành vi của bạn.
Ngoài ra, Wi-Fi miễn phí cũng là khởi nguồn của nhiều vụ rò rỉ dữ liệu, mất mát thông tin... Vậy Wi-Fi miễn phí có thực sự miễn phí? Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một ví dụ về hệ thống Wi-Fi miễn phí cung cấp cho toàn thành phố New York để xem cái giá phải trả nếu sử dụng các dịch vụ miễn phí này.
Nguồn gốc của LinkNYC
Thành phố New York bắt đầu khai thác mạng Wi-Fi công cộng miễn phí vào năm 2012 để thay thế hệ thống di động công cộng đã lâu đời, và chỉ hai năm sau, kế hoạch cho mạng Wi-Fi này đã được đệ trình.
Thắng vụ thầu này là City Bridge, một công ty hợp danh của bốn bên gồm công ty quảng cáo Titan và thiết kế Control Group. Bản đề xuất này bao gồm việc xây dựng một mạng 10.000 máy kios khắp thành phố, trang bị router Wi-Fi tốc độ cao để cung cấp Internet, cuộc gọi miễn phí trong nước Mỹ, kèm chức năng sạc điện thoại và bản đồ thành phố cảm ứng.
Gần đây, Google đã sáng lập ra một công ty với tên gọi Sidewalk Labs. Công ty này đã "nuốt gọn" Titan và Control Group sau đó sáp nhập cả hai với nhau. Google, một công ty với mô hình kinh doanh dựa trên việc thu thập dữ liệu người dùng, nghiễm nhiên trở thành đối tác chính cung cấp Wi-Fi miễn phí cho cả thành phố New York.
Miễn phí như thế nào thì là miễn phí?
Giống như nhiều sản phẩm và dịch vụ Internet miễn phí, LinkNYC sẽ được hỗ trợ nhờ doanh thu quảng cáo. LinkNYC dự kiến sẽ đem về 500 triệu USD doanh thu quảng cáo cho thành phố New York trong vòng 12 năm tới, dựa trên việc treo quảng cáo kỹ thuật số tại các kios và máy di động của mọi người. Mô hình này hoạt động bằng cách cung cấp truy cập Internet miễn phí và đổi lại bằng dữ liệu về cá nhân cũng như hành vi của người sử dụng nhằm đưa ra các quảng cáo hướng đối tượng.
Trong chính sách bảo mật của Link NYC không hề sử dụng từ "quảng cáo" mà chỉ nói một cách mơ hồ là nó "có thể sử dụng thông tin của bạn, bao gồm thông tin có khả năng nhận dạng cá nhân" để cung cấp thông tin về hàng hóa và dịch vụ. Nó cũng không hề nói rõ rằng mạng này có thể sử dụng để theo dõi địa điểm của người dùng ở mức độ nào.
Năm 2014, công ty Titan dính "phốt" sau khi cài đặt hơn 100 đèn hiệu Bluetooth tại các bốt điện thoại công cộng mà không được sự đồng ý của thành phố. Sau đó, công ty này đã buộc phải gỡ bỏ tất cả. Thế nhưng những chiếc đèn hiệu này lại quay trở lại như một phần của hợp đồng LinkNYC. Những chiếc đèn hiệu này sẽ cho phép quảng cáo hướng đối tượng được gửi thẳng vào điện thoại di động của người dùng sau khi họ lời khỏi điểm phát đó. Tuy nhiên người dùng có quyền lựa chọn tắt chế độ này khi sử dụng dịch vụ của thành phố. Vậy là khi sử dụng Internet miễn phí trên hệ thống LinkNYC, đổi lại người dùng sẽ phải trả giá bằng việc bị thu thập thông tin nhạy cảm cá nhân, địa điểm và dữ liệu hành vi.
Sự nhập nhằng trong điều khoản điều kiện là cách mà nhiều sản phẩm, dịch vụ trên nền Internet đã sử dụng để thu thập dữ liệu của những người dùng sơ ý.
Sự nghịch lý về quyền riêng tư
Có một nghịch lý rất kỳ lạ giữa suy nghĩ và hành động thực tế liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Trong cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, 93% người sử dụng trưởng thành cho rằng việc nắm quyền kiểm soát về đối tượng được chia sẻ thông tin là một điều quan trọng, 90% cũng có suy nghĩ tương tự khi được hỏi về thông tin bị thu thập.
Những người được hỏi cũng đưa ra cái giá rất cao (khoảng 60 USD) khi được ngỏ lời muốn mua lại thông tin cá nhân của mình hay muốn biết về địa điểm của mình.Thế nhưng trên thực tế, họ lại đánh đổi thông tin cá nhân và dữ liệu hành vi bằng cái giá quá rẻ, chỉ là vài giờ sử dụng Wi-Fi miễn phí.
Quay lại với mô hình kinh doanh của LinkNYC, ước tính hệ thống này đem về doanh thu 500 triệu USD trong vòng 12 năm. Với 10.000 kios Link và khoảng 9 triệu người tại thành phố New York, doanh thu mỗi tháng trên đầu người là 0,000043 USD. Đây có thể quy đổi thành cái giá mà mỗi người chấp nhận trả để các công ty cung cấp Internet miễn phí mua lại thông tin cá nhân, địa điểm và hành vi của mình khi họ sử dụng dịch vụ của LinkNYC. Thử so sánh với cái giá 60 USD mà họ tự giao bán mình trước đó, quả là một sự chênh lệch lớn! Tại sao lại vậy?
Trong những cuộc thử nghiệm, người tham gia được cung cấp thông tin và hiểu rõ ràng rằng thông tin nào sẽ được sử dụng, sử dụng cho mục đích gì... Thế nhưng trên thực tế, người dùng chẳng buồn đọc điều khoản và điều kiện riêng tư. Đôi khi họ cũng không thể hiểu những điều trong đó viết thực sự có ý nghĩa pháp lý thế nào bởi các tài liệu này thường dùng nhiều thuật ngữ pháp lý và có nhiều chỗ rất thiếu rõ ràng. Cuối cùng, người dùng chấp nhận giao nộp dữ liệu cá nhân của mình với cái giá vô cùng rẻ mạt.
Nhiều mô hình kinh doanh thành công đã phần nào dựa trên chính sự tráo đổi này. Các mạng xã hội như Facebook hay các công cụ tìm kiếm trực tuyến hoặc báo điện tử cũng dựa trên chính điều này.
Hãy là người dùng khôn ngoan
Trong thời đại thông tin phong phú, nhiều người vẫn kém hiểu biết về giá trị của mình trên mạng Internet. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bạn hãy luôn nghĩ thật kỹ trước khi kết nối vào một mạng Wi-Fi miễn phí nào đó. Hãy nghĩ về những dữ liệu cá nhân mình sẽ mất đi ngay sau khi kết nối với mạng Wi-Fi miễn phí hay dịch vụ miễn phí đó. Thử tưởng tượng nếu dữ liệu về tài chính, lịch sử mua sắm, dữ liệu y tế hay tất cả địa điểm bạn đã từng ghé qua bị thu thập và rồi bị bán cho các công ty nước ngoài nào đó, chuyện gì sẽ xảy ra?
Nhiều công ty cũng đã ý thức được điều này. Mozilla gần đây đã tung ra một bản cập nhật trình duyệt giúp chặn quảng cáo và các chức năng theo dõi. Apple cũng tránh trở thành một mô hình kinh doanh quảng cáo bằng cách khai thác dữ liệu người dùng, đổi lại công ty này chọn cách kiếm tiền từ bán phần cứng và dịch vụ. Mọi người cần biết đánh giá đúng giá trị của những dữ liệu cá nhân. Đây là một bước quan trọng để tiến tới phát triển những mạng Internet miễn phí nhưng đáng tin cậy, riêng tư và bảo mật.
Theo Lê Nga/ ICT News
Việt Nam thiên đường Wi-Fi chùa Việt Nam là một trong những nước có hệ thống Wi-Fi miễn phí dễ truy cập nhất thế giới. Dù vậy, Wi-Fi "chùa" tồn tại nhiều nguy cơ về bảo mật. Những quán cà phê Wi-Fi ra đời ở Việt Nam hơn 10 năm trước. Từ 2002 đến 2006, cà phê Wi-Fi trở nên thịnh hành. Theo đó, các tiệm đồ ăn, thức...