WHO ước tính số ca mắc COVID-19 tại châu Phi cao hơn nhiều so với con số hiện tại
Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy khoảng 7 ca mắc COVID-19 tại châu Phi thì chỉ có 1 ca được phát hiện.
Điều này cho thấy số ca mắc trên thực tế cao hơn nhiều và nguyên nhân là bởi năng lực xét nghiệm tại lục địa này còn hạn chế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Addis Ababa, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phân tích của WHO, số ca mắc COVID-19 trên thực tế tại châu Phi có thể lên tới 60 triệu ca. Theo thống kê hiện nay, kể từ khi đại dịch bùng phát, châu Phi ghi nhận 8,4 triệu ca mắc, trong đó có 214.000 ca tử vong. Tuy vậy, tỷ lệ xét nghiệm tại lục địa này ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới.
Báo cáo cho thấy kể từ khi đại dịch bùng phát, 70 triệu xét nghiệm COVID-19 đã được ghi nhận tại các nước châu Phi. chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 1,3 tỷ dân. Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian trên, khoảng 550 triệu xét nghiệm đã được tiến hành tại Mỹ, còn tại Anh số lượng xét nghiệm còn cao hơn khi cứ 1 người thì có hơn 4 xét nghiệm được tiến hành.
Ông Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại châu Phi, chỉ rõ hầu hết các xét nghiệm COVID-19 đều được thực hiện ở những người có triệu chứng, song phần lớn các ca lây nhiễm là đều không có triệu chứng, do vậy những gì đang diễn ra mới chỉ phần nổi của tảng băng chìm.
Video đang HOT
Theo ông Moeti, số ca tử vong tại châu Phi cũng không được thống kê đầy đủ. Báo cáo của WHO ước tính cứ 3 ca tử vong trên thực tế thì có 1 ca được thống kê chính thức.
Để khắc phục tình trạng này, WHO đã tiến hành một chương trình thí điểm nhằm năng cao năng lực giám sát dịch COVID-19. Chương trình này sẽ được triển khai tại 8 quốc gia và sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhằm phát hiện các ca mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Một khi phát hiện các ca dương tính, các nhà chức trách sẽ thực hiện “cách tiếp cận vòng tròn”, tức là triển khai xét nghiệm đối với những người sinh sống trong vòng bán kính 100m xung quanh ca mắc mới, nhờ đó có thể ngăn chặn dịch lan rộng. Những người sống trong khu vực này còn được nhận một bộ gồm các vật dụng khử khuẩn và vệ sinh, như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn.
Ông Moeti khẳng định việc xét nghiệm càng nhiều thì sẽ khoanh vùng dịch càng nhanh, hạn chế được dịch lây lan. Quan chức WHO này nhấn mạnh sáng kiến trên là cách tiếp cận mới sẽ cải thiện năng lực xét nghiệm tại châu Phi.
Tình thế mắc kẹt của các công dân EU phải tiêm vaccine 'ngoài khối'
Khi công dân Italy Duccio Armenise quyết định tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nga, lựa chọn duy nhất của anh là Sputnik.
Italy chỉ cấp "Thẻ xanh" cho những người đã tiêm 4 loại vaccine COVID-19 được EU thông qua. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Sputnik-V lại không phải là loại vaccine mà các nước thành viên EU đã phê chuẩn. Thực tế này đang gây khó khăn, bất cập cho không ít công dân của khối.
Anh Duccio Armenise chia sẻ với Al Jazeera: "Chúng ta đang ở giữa một dịch bệnh và tôi đã chứng kiến tác động của COVID-19 đến một số người bạn do đó tôi thực sự sợ hãi. Tôi không muốn phải đối mặt với COVID-19 mà không có kháng thể do vậy tôi lựa chọn tiêm vaccine".
Duccio Armenise cũng dự đoán sẽ có vấn đề phát sinh khi quay trở về Italy bởi Sputnik không được sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU) nhưng anh tự tin rằng đến thời điểm đó mọi thứ sẽ khác.
Vài tháng sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa thông qua Sputnik trong khi EU vẫn đang đánh giá loại vaccine này còn Italy chưa hề cấp "Thẻ xanh" cho những người tiêm Sputnik.
Hiện nay, khi đã về Italy, do không có "Thẻ xanh" nên Armenise chưa thể đến văn phòng làm việc hoặc vào quán cà phê, nhà hàng, bể bơi...
Duccio Armenise bị mắc kẹt bởi vì các rủi ro y tế, anh chưa thể tiêm loại vaccine phòng COVID-19 khác trong khi hai lựa chọn được đưa ra lại ngoài tầm với. Đó là cứ 3 ngày anh cần phải xét nghiệm COVID-19 một lần để nhận được "Thẻ xanh" hoặc nhiễm COVID-19 và hồi phục. Mỗi lần xét nghiệm COVID-19 có giá 15 euro, tương đương với 150 euro mỗi tháng được coi là quá đắt đỏ đối với Duccio Armenise.
Điều này khiến Duccio Armenise phải than thở: "Vẫn chưa có thời điểm, hướng dẫn cho những trường hợp ở trong tình huống của tôi"
Theo quy định của Italy, từ tháng 8, việc trình "Thẻ xanh" là bắt buộc để đến các nhà hàng, phòng tập, hội nghị, nơi tổ chức sự kiện thể thao... Từ tháng 9, "Thẻ xanh" là yêu cầu bắt buộc đối với những hành khách di chuyển bằng máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, xe buýt hoặc đến học các trường đại học. Từ 15/10, người lao động sẽ phải xuất trình "Thẻ xanh" để vào nơi làm việc.
Hiện chưa có số liệu chính xác về số người không thể nhận "Thẻ xanh" tại Italy vì tiêm loại vaccine chưa được thông qua như trường hợp của Duccio Armenise tuy nhiên các chuyên gia ước tính con số này vào khoảng 100.000 người đã tiêm Sputnik (Nga), Sinopharm (Trung Quốc) và Soberana (Cuba).
Luca Franzoi tiêm Sinopharm tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và khi trở về Italy vào đầu năm nay, anh đã không thể nhận được "Thẻ xanh" đồng thời buộc phải bỏ tiền túi để xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.
Luca Franzoi bộc bạch: "Tôi hiểu lý do đằng sau việc này nhưng cảm thấy như trường hợp của mình không hề được cân nhắc. Không chỉ có mình tôi rơi vào tình huống này: đã tiêm vaccine nhưng không được công nhận và không thể tiêm vaccine tại chính quốc gia của mình".
Một nguồn tin tại Ủy ban châu Âu chia sẻ với Al Jazeera rằng Italy có thể ghi nhận những vaccine COVID-19 chưa được EU thông qua.
Luật sư Camino Mortera-Martinez tại Trung tâm Cải cách châu Âu ở Brussels (Bỉ) nhận định: "Tôi cho rằng tình huống người dân Italy phải đối mặt hiện nay là lựa chọn của Italy thay vì lựa chọn của EU".
Trung Quốc lên tiếng về nhóm điều tra Covid-19 giai đoạn 2 của WHO Bắc Kinh đã lên tiếng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố thành phần nhóm chuyên gia chuẩn bị tiến hành cuộc điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Các nhân viên làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc), nơi trở thành tâm điểm của giả thuyết virus SARS-CoV-2 thoát ra từ...