WHO: Trên 400 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Sudan
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 21/4, các cuôc giao tranh từ cuối tuần trước tại Sudan đến nay đã khiến trên 400 người thiệt mạng và trên 3.500 người bị thương.
Khói bốc lên tại khu dân cư ở Khartoum, sau giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF, ngày 16/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn của WHO Margaret Harris đã công bố thông tin trên trong cuộc họp báo tại trụ sở của WHO ở Geneva, trong khi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) bày tỏ quan ngại về nguy cơ nhiều trẻ em trở thành nạn nhân trong các cuộc xung đột khi báo cáo của WHO cho nhận có ít nhất 9 trẻ em thiệt mạng và hơn 50 trẻ bị thương trong con số thương vong nêu trên.
Trước căng thẳng leo thang tại Sudan, ngày 21/4, giới chức quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo triển khai máy bay vận tải quân sự cùng nhiều binh lính tới sơ tán công dân khỏi Sudan
Cụ thể, Hàn Quốc cử máy bay vận tải C-130J cùng 50 quân nhân, bao gồm các nhân viên an ninh và y tế, dự kiến khởi hành chiều tối 21/4 nhằm hỗ trợ sơ tán 25 công dân Hàn Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết sáng 21/4, máy bay vận tải C-130 đã khởi hành từ căn cứ không quân Komaki, tỉnh Aichi và hạ cánh tại Djibouti để chờ sơ tán 63 công dân Nhật Bản hiện phần lớn đang mắc kẹt ở thủ đô Khartoum.
Video đang HOT
Djibouti nằm cách thủ đô Khartoum 1.200 km về phía Đông Nam và Nhật Bản đã thiết lập căn cứ tại thành phố này từ năm 2011. Để hỗ trợ công tác sơ tán khi sân bay quốc tế Khartoum đang bị đóng cửa, Nhật Bản có kế hoạch gửi thêm máy bay vận tải C-2 và máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-767 tới Djibouti ngay khi sẵn sàng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đã cử 5 sỹ quan liên lạc tới Djibouti, đồng thời thiết lập lực lượng đặc nhiệm chung với khoảng 370 binh lính trên bộ và trên công.
Về tình hình tại Sudan, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày 21/4 dù trước đó Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tại Sudan thông báo đã nhất trí về lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ, bắt đầu từ 6h00 (giờ địa phương) sáng 21/4, trùng với thời gian diễn ra Lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, qua đó tạo điều kiện mở hành lang nhân đạo để sơ tán người dân và giúp họ có cơ hội đoàn tụ với gia đình.
Theo hãng tin Reuters, quân đội Sudan vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức liên quan tuyên bố trên của RSF. Tướng Abdel Fattah al-Burhan, Tư lệnh quân đội Sudan, trước đó cũng không đề cập đến lệnh ngừng bắn trong phát biểu được đăng trên trang mạng xã hội Facebook của quân đội.
EU và Kenya ủng hộ nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt xung đột tại Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại Brussesls, ngày 19/4, Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), cho rằng tình hình này đang đe dọa an toàn và an ninh của người dân Sudan, cũng như sự thống nhất và ổn định của đất nước.
Khói bốc lên trong giao tranh giữa binh sĩ quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), tại sân bay quốc tế Khartoum, Sudan (ảnh chụp qua vệ tinh của Hãng công nghệ Maxar ngày 17/4/2023). Ảnh: AFP/TTXVN
EU cũng đồng thời cảnh báo chiến sự sẽ làm suy yếu các nỗ lực khôi phục quá trình chuyển đổi sang chính phủ dân sự, có nguy cơ gây mất ổn định khu vực.
Trong tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của châu Âu Joseph Borrell nhấn mạnh EU lấy làm tiếc trước thiệt hại về người do xung đột tại Sudan, kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và chấm dứt chiến sự ngay lập tức. EU cũng hối thúc các bên xung đột tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nhân đạo nhanh chóng, bảo vệ dân thường và đảm bảo an toàn cho nhân viên nhân đạo, tạo không gian cho đối thoại và hòa giải.
Trong bối cảnh dịp lễ Eid-al-Fitr đang tới gần, EU ủng hộ các nỗ lực chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, nhấn mạnh đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn. EU hối thúc giới chức Sudan bảo vệ các cơ sở, nhân viên ngoại giao theo Công ước Vienna. EU sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với các đối tác quan trọng để đảm bảo tất cả các bên ưu tiên ngừng bắn, chấm dứt bạo lực, giảm leo thang căng thẳng và giải quyết các khác biệt chính trị thông qua đối thoại.
EU hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hòa giải của khu vực và quốc tế, trong đó có các nỗ lực của Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) và Liên đoàn các quốc gia Arab (AL) để đưa Sudan trở lại con đường hòa bình, ổn định và dân chủ. EU tái khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với người dân Sudan.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổng thống Kenya William Ruto đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn đã bước sang ngày thứ 5 ở Sudan.
Phát biểu trong họp báo trên truyền hình ở thủ đô Nairobi, Tổng thống Ruto nhận định leo thang chiến sự ở Sudan có thể biến thành một cuộc khủng hoảng an ninh - nhân đạo nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi liên minh quốc tế gồm tất cả các bên tham gia hỗ trợ khôi phục chế độ dân sự ở Sudan phải hành động khẩn cấp. Ông cho biết Liên hợp quốc, AU, IGAD và nhóm Bộ Tứ vì Sudan (Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE, Mỹ và Anh) nên dẫn đầu một quá trình khôi phục hòa bình, an ninh và ổn định bền vững ở Sudan.
Kenya đề nghị các bên xung đột tuân thủ đầy đủ nghị quyết của Hội nghị thượng đỉnh IGAD vào ngày 16/4 vừa qua, bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo không hạn chế và mở rộng hợp tác toàn diện với các nguyên thủ quốc gia của IGAD. Tổng thống Kenya nhấn mạnh kết quả của những cam kết này và bằng chứng hợp tác từ hai bên sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc nối lại và kết thúc đàm phán về Thỏa thuận khung chính trị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo lực giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương. Giao tranh xảy ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa của Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu chính quyền quân sự Sudan, và Tướng Mohamed Hamdan Daglo, chỉ huy RSF, liên quan kế hoạch sáp nhập lực lượng bán quân sự này vào quân đội chính quy. RSF được thành lập vào năm 2013, thuộc sự quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan. Trong các hoạt động quân sự, RSF chịu sự chỉ huy của quân đội chính quy Sudan.
Trong thông báo mới nhất, quân đội Sudan xác nhận 177 binh sĩ của Không quân Ai Cập đã được sơ tán về nước, sau khi bị RSF cầm giữ tại thị trấn Merowe. Quân đội Sudan nêu rõ các binh sĩ Ai Cập đã được 4 máy bay quân sự sơ tán khỏi thị trấn Dongola, miền Bắc Sudan. Những binh sĩ này có mặt tại Sudan để tham gia vào các cuộc diễn tập không quân chung.
Trước đó, phía Ai Cập tuyên bố đang phối hợp với nhà chức trách Sudan để đưa binh sĩ về nước an toàn.
Ngày 19/4, Bộ trưởng Quốc phòng Chad, Tướng Daoud Yaya Brahim cho biết khoảng 320 binh sĩ Sudan đã chạy trốn sang sang nước láng giềng Chad để tránh cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt ở quê hương.
Hôm 15/4, Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan, vốn trải dài hơn 1.000 km qua sa mạc mênh mông, nơi các nhóm phiến quân ở cả hai nước thường xuyên hoạt động.
Lực lượng bán quân sự tại Sudan kiểm soát nhiều khu vực trọng yếu ở Khartoum Lực lượng bán quân sự chính tại Sudan cho biết đã giành quyền kiểm soát một số khu vực trọng yếu tại thủ đô Khartoum, trong đó có phủ tổng thống, sau khi xảy ra giao tranh với lực lượng quân đội nước này ngày 15/4. Khói bốc lên từ các tòa nhà sau các cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 15/4/2023....