WHO thúc giục Trung Quốc hợp tác điều tra nguồn gốc Covid-19
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Trung Quốc hợp tác trong cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19.
Lực lượng an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán khi nhóm chuyên gia của WHO tới thăm cơ sở này hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).
“Chúng tôi cần sự hợp tác từ phía Trung Quốc. Chúng tôi cần sự minh bạch để hiểu, biết hoặc tìm ra nguồn gốc của loại virus này, sau khi báo cáo cho thấy có những khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thô”, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 ngày 12/6.
Ông Tedros hy vọng sẽ có sự hợp tác tốt hơn và minh bạch hơn khi giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra về nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19 đang được tiến hành. Nhà lãnh đạo WHO nói thêm rằng vấn đề nguồn gốc Covid-19 đã được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận hôm 12/6.
Video đang HOT
Nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu hồi tháng 2 đã tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, để điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo điều tra sau đó đưa ra 4 giả thuyết, trong đó giả thuyết được xác định nhiều khả năng xảy ra nhất là virus có nguồn gốc tự nhiên, lây từ động vật nhiễm bệnh sang người, và giả thuyết khó xảy ra nhất là virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Nhiều nước cho rằng kết luận này chưa thỏa đáng và bị hạn chế bởi sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, do vậy đề nghị mở rộng điều tra nguồn gốc đại dịch ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành trách nhiệm và giai đoạn tiếp theo sẽ là điều tra ở các nơi khác trên thế giới.
Giới chức Mỹ gần đây bất ngờ lật lại cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo cộng đồng tình báo nỗ lực gấp đôi để đưa ra kết luận rõ ràng hơn về nguồn gốc Covid-19. Nỗ lực này cũng nhận được sự ủng hộ của Anh khi tình báo Anh cũng bất ngờ thay đổi quan điểm, từ chỗ cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm “khó xảy ra” sang đánh giá giả thuyết này “hoàn toàn có thể”.
Phía Trung Quốc cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây đã thổi phồng giả thuyết Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Bắc Kinh thậm chí “đá bóng” nguồn gốc Covid-19 sang Mỹ khi đề nghị kiểm tra một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ tại Fort Detrick, bang Maryland.
Liên quan tới vấn đề vắc xin Covid-19, các nhà lãnh đạo G7 cam kết tài trợ một tỷ liều vắc xin cho các quốc gia đang phát triển trước cuối năm 2022. Trong khi đó, WHO đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trước tháng 6/2022 và cho biết cần 11 tỷ liều vắc xin để làm được điều này.
“Chúng tôi cần nhiều vắc xin hơn, và chúng tôi cần vắc xin nhanh hơn”, ông Tedros nói.
Mặc dù thiếu vắc xin, song nhà lãnh đạo WHO cho rằng mục tiêu 70% dân số toàn cầu được tiêm chủng vào tháng 6 năm sau vẫn có thể đạt được. Ông nhận định năng lực sản xuất vắc xin có thể được tăng cường để đạt được mục tiêu.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông qua hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh để tuyên bố tài trợ lần lượt 500 triệu và 100 triệu liều vắc xin cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
“Chúng tôi không mong đợi có được mọi thứ từ G7″, ông Tedros nói, nhưng cho biết thêm rằng ông sẽ gửi lời kêu gọi tới Nhóm G20.
G7 sẽ tăng 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới
Ngày 10/6, Anh cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố trên được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu diễn ra ngày 11/6. Ngoài ra, Anh, nước đăng cai hội nghị này, tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong vòng năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Theo văn phòng Thủ tướng Anh, khoảng 80% trong số vaccine trên sẽ chuyển đến chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước nghèo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.
Trước đó cùng ngày, Mỹ tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến kêu gọi các nước giàu tăng cường chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 với các nước kém phát triển hơn và các tổ chức từ thiện cảnh báo tình trạng "phân biệt chủng tộc về vaccine".
Anh đến nay đã đặt hàng hơn 400 triệu liều vaccine. Hiện nước này đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì không quyên góp vaccine cho các nước nghèo hơn. Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ: "Nhờ thành công của chương trình vaccine, hiện Anh có thể chia sẻ lượng vaccine còn dư cho những nước cần".
Theo Thủ tướng Anh, dự kiến tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, các nhà lãnh đạo các nước trong nhóm sẽ đưa ra những cam kết tương tự để "cùng nhau, chúng ta có thể tiêm chủng cho toàn cho thế giới vào cuối năm 2022 và đưa mọi hoạt động xã hội trở lại sau đại dịch COVID-19".
WHO: châu Âu chưa thoát khỏi Covid-19 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi người dân châu Âu thận trọng khi đi du lịch trong mùa hè, cảnh báo lục địa chưa thoát khỏi làn sóng Covid-19. Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, phát biểu trong buổi họp ngày 10/6: "Khi các các buổi tụ tập gia tăng, người dân di chuyển ngày càng nhiều...