WHO sẽ điều tra về người đầu tiên mắc COVID-19, chợ hải sản tại Vũ Hán
Theo nguồn tin thân cận từ nhóm điều tra Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan này sẽ đề xuất nghiên cứu sâu hơn về các manh mối ban đầu tại Vũ Hán trong bản báo cáo sơ bộ về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Nhân viên an ninh canh gác bên ngoài Viện Virus Vũ Hán trong lúc đoàn kiểm tra WHO làm việc tại đây hôm 3/2. Ảnh: AFP
Hãng CNN dẫn thông tin từ các nhà điều tra trên cho biết WHO sẽ đề xuất việc truy vết tiếp xúc rộng rãi hơn liên quan đến bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 được biết ở Vũ Hán, Trung Quốc, cũng như chuỗi cung ứng hải sản cho khoảng 10 thương nhân tại chợ Hoa Nam. Khu chợ này được cho là đã đóng vai trò trong sự lây lan ban đầu của bệnh COVID-19 vào cuối năm 2019.
Các nhà khoa học độc lập phát biểu với CNN rằng việc điều tra sơ bộ các manh mối ban đầu đáng lẽ phải hoàn thành từ nhiều tháng trước đó bởi các chuyên gia Trung Quốc, song họ lại không thực hiện được điều này.
Do vậy, ban điều hành WHO sẽ đề xuất điều tra sâu hơn theo một số hướng, trong đó có hai yếu tố quan trọng nêu trên.
Truy vết tiếp xúc của bệnh nhân đầu tiên
Đầu tiên, họ sẽ đòi hỏi điều tra thêm về lịch sử tiếp xúc của ca bệnh phát hiện ngày 8/12/2019 ở Vũ Hán. Đây là người đầu tiên được xác nhận mắc COVID-19 bởi các nhà khoa học Trung Quốc và WHO. Danh tính người này không được công khai, song theo nhóm điều tra viên của WHO, đây là một nhân viên văn phòng khoảng 40 tuổi không có lịch sử tiếp xúc hoặc đi nước ngoài. Người đàn ông này sống tại Vũ Hán cùng vợ và con.
Ông Peter Daszak – một thành viên trong đoàn điều tra gồm 17 người của WHO và là chủ tịch tổ chức EcoHealth Alliance chuyên theo dõi các loại virus trên động vật – cho biết cuộc điều tra đã đã xác định bố mẹ của bệnh nhân đầu tiên được biết đến có khả năng đã đến một khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán.
Trong cuộc gặp với nhóm chuyên gia, bệnh nhân này cho biết bố mẹ của anh ta đã đến một khu chợ bán đồ tươi sống ở Vũ Hán, chứ không phải là chợ hải sản Hoa Nam.
Ông Daszak cho biết ban điều hành WHO đã không được thông báo chi tiết về khu chợ trên trong chuyến thăm vừa qua, và khu chợ này có khả năng đã bán loài động vật hoặc sản phẩm có thể nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Cuối buổi phỏng vấn – được phiên dịch từ đầu đến cuối – anh ta đã nói: ‘Bố mẹ tôi từng đến một chợ bán đồ tươi sống (wet market) ở địa phương’”, ông Daszak kể lại. Theo ông, tiết lộ của người đàn ông trên đã chỉ ra một khả năng quan trọng rằng các chợ khác ở Vũ Hán cũng bán sản phẩm từ động vật hoang dã, chứ không riêng chợ Hoa Nam.
Ông Peter Daszak cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đã đảm bảo với nhóm WHO rằng bố mẹ của bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên họ dường như đã không lần ra các tiếp xúc của hai người trên tại khu chợ. “Nếu bạn phát hiện ai đó âm tính, rõ ràng không cần thiết truy vết tiếp xúc của họ. Thế nhưng việc này cần phải làm ngay bay giờ bởi vì chúng tôi nắm được manh mối nào đó về sự lây lan của COVID-19 tại Vũ Hán”, ông nói.
Được biết, bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 không có liên hệ với chợ hải sản Hoa Nam. Theo ông Daszak, người này sống một cuộc sống đô thị điển hình. Anh ta không tham gia các hoạt động thể thao tập thể, thay vào đó là lướt điện thoại, máy tính.
Ông Peter Ben Embarek, trưởng đoàn điều tra WHO, tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hồ Bắc ngày 2/2. Ảnh: AFP
Video đang HOT
Trưởng phái đoàn điều tra WHO, ông Peter Ben Embarek đã từ chối trả lời CNN về chi tiết các vụ truy vết tiếp xúc hay xét nghiệm cần thiết. Trong khi đó, các nhà khoa học khác lại bày tỏ sự ngạc nhiên, thậm chí là hoài nghi về việc các cuộc điều tra sâu hơn đối với lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân đầu tiên cũng như chuỗi cung ứng cho chợ Hoa Nam vẫn chưa được phía Bắc Kinh hoàn thành.
Giáo sư Maureen Miller, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia, nhận xét: “Điều này là phi lý vì họ có các nhà khoa học đẳng cấp thế giới và công nghệ đã đầu tư trong hơn 20 năm qua. Họ hiểu các đường dẫn truyền và đã nghiên cứu chúng trong nhiều năm”. Bà Miller cho rằng sự lây nhiễm của bệnh nhân ngày 8/12/2019 – không có bất kỳ liên hệ trực tiếp nào với các chợ bán đồ tươi sống hay du lịch nước ngoài – cho thấy đã tồn tại tình trạng lây nhiễm cộng đồng từ tháng 12/2019.
Hay như Giáo sư Yanzhong Huang, cố vấn cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại, cũng cảm thấy ngạc nhiên khi Trung Quốc chưa thu được kết quả liên quan đến hai manh mối quan trọng trên. Ông cho biết thêm rằng quốc gia châu Á này đã huy động toàn bộ thành phố Bắc Kinh để tìm kiếm nguồn gốc của một ổ dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MOFA) và Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) đã không phản hồi về yêu cầu bình luận của CNN. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn MOFA, ngày 18/2 phát biểu với báo giới rằng một báo cáo độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 không có nghĩa là Trung Quốc phải cúi đầu trước cách tiếp cận của phương Tây khi cho rằng Bắc Kinh là căn nguyên mọi tội lỗi.
Hướng điều tra thứ hai
Trong bản báo cáo sơ bộ dự kiến công bố vào tuần này, ban giám đốc WHO cũng sẽ gợi ý điều tra ngay lập tức về chuỗi cung ứng của chợ hải sản Hoa Nam.
Ông Peter Daszak cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đã cung cấp cho nhóm WHO danh sách các trang trại tại những tỉnh miền Nam như Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông từng cung cấp động vật hoang dã cho chợ Hoa Nam.
Nhà điều tra trên tiết lộ với CNN: “Sẽ có các khuyến nghị bao gồm việc đến tận các trang trại đó, làm xét nghiệm cho những người nông dân, phỏng vấn và xét nghiệm người thân của họ, đồng thời tìm hiểu xem có bằng chứng nào cho thấy ở đó đã từng bùng phát dịch trước Vũ Hán hay không”.
Ông Daszak mô tả hai hướng điều tra sâu hơn như một ưu tiên trong đó có sự đồng thuận giữa phái bộ của WHO và các đối tác Trung Quốc. Ông cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đã đến thăm các trang trại động vật hoang dã trong và xung quanh tỉnh Hồ Bắc, và một số “nhà cung cấp thượng nguồn”, nhưng không phải các trang trại phía nam mà ông và nhóm WHO quan tâm nhất.
Các thành viên WHO mặc trang phục bảo hộ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hồ Bắc ngày 2/2. Ảnh: AFP
Xét nghiệm chuỗi cung ứng sẽ cho phép giới khoa học tìm ra loài vật – hay người nào – có thể lây truyền virus, trước khi lây nhiễm cho người dân ở Vũ Hán. Theo ông, có thể đã có một sự lây lan nào đó xảy ra sớm hơn một chút vào tháng 11 hoặc thậm chí là tháng 10. Thời điểm đó có thể là lúc virus lây từ loài này sang loài khác.
Ông Daszak nói: “Chưa có ai đến đó xét nghiệm cho động vật. Các trang trại này đều đã đóng cửa”. Những trang trại này có thể là lối đi rõ ràng dẫn đến nguồn gốc virus của virus SARS-CoV-2, nếu họ tìm ra thứ sản phẩm mà họ bán cho chợ Hoa Nam. Liệu rằng họ bán động vật nhiễm các chủng virus SARS – trong đó có SARS-CoV-2 – hay không? Liệu rằng các loại động vật đó có bao gồm thỏ, lửng, cầy hương hay không?
Tỉnh Vân Nam chính là một mối quan tâm đặc biệt của WHO. Tại đây đã phát hiện một trong những chủng virus có chuỗi gien gần giống nhất với SARS-CoV-2, còn gọi là RaTG13, ở loài dơi.
Cuộc săn lùng ráo riết giữa các nhà động vật học nhằm xác định liệu có phải và bằng cách nào mà RaTG13 có thể đã biến đổi theo thời gian để trở thành SARS-CoV-2. Các tỉnh miền Nam của Trung Quốc chính là nơi cư trú của nhiều loài liên quan đến SARS-CoV-2.
Theo tiết lộ của chuyên gia Peter Daszak, hồi tháng 1/2020, các nhà khoa học Trung Quốc đã lấy mẫu phẩm tại chợ Hoa Nam từ các xác cá chết và động vật dưới nước khác, song phải lấy từ động vật sống. Khi xét nghiệm một số mẫu thỏ trữ trong tủ đông, kết quả thu được là âm tính, song không thể bao hàm tất cả. Kết quả nghiên cứu trên không được công khai, và đội WHO chỉ được xem qua văn bản này.
Ông cho biết con đường đến với chợ Hoa nam của virus gây COVID-19 từ các trang trại phía Nam là một giả thuyết hợp lý cho nguồn gốc của đại dịch. Ông nói: “Chúng tôi không có bằng chứng xác thực rõ ràng, nhưng điều này có nhiều khả năng hơn bất kỳ con đường nào khác mà chúng tôi đã xem xét.
Chuyện chưa kể những chuyến bay đưa người Việt hồi hương mùa Covid-19
Có rất nhiều chuyến bay đặc biệt được các hãng hàng không thực hiện trong mùa dịch và với các phi hành đoàn đây là những kỷ niệm khó quên...
Hành khách trên chuyến bay từ Guine Xích đạo trở về
Năm 2020 khép lại cùng những khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, giữa những ngày tháng tứ bề khốn khó đó, vẫn có những ánh sáng ấm áp từ tình người tỏa ra lấp lánh, đặc biệt là trên những chuyến bay đưa người Việt về nước.
Chuyến bay dài nhất cuộc đời
Một trong những chuyến bay không thể quên với ngành hàng không Việt Nam nói chung, với Vietnam Airlines và bản thân anh Hoàng Trung Kiên, Phó đội trưởng Đội Điều hành và quản trị cơ sở dữ liệu (VIAGS) nói riêng trong năm 2020 là chuyến bay về tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.
"Thông tin về dịch Covid-19 tại Vũ Hán lúc đó vô cùng khủng khiếp khiến chúng tôi buộc phải có những chuẩn bị chưa từng có tiền lệ. Toàn bộ phi hành đoàn mặc đồ bảo hộ y tế đặc chủng, toàn bộ ghế ngồi bọc nylon. 9 giờ bay đi bay về mà toàn bộ phi hành đoàn không ăn, không uống, không cả đi vệ sinh", anh Kiên kể.
Khi tới Vũ Hán, tàu bay lăn vào sân đậu. Sân bay vắng, lạnh lẽo không một bóng người. Dưới mặt đất, phía Trung Quốc chỉ có vài người đón đoàn, còn lại là toàn bộ phi hành đoàn của Việt Nam.
"Tới sân bay Vũ Hán, nhìn những người Việt đứng lẻ loi dưới sân bay vắng lặng, có nhiều trẻ nhỏ, có cháu còn đang phải bế ngửa, thật sự không biết diễn tả cảm xúc của mình như thế nào", anh Kiên chia sẻ.
Chuyến bay này sau đó được Đỗ Quang Duy, 1 trong 30 công dân Việt Nam may mắn được "giải cứu" miêu tả là "chuyến bay dài nhất cuộc đời".
Những tưởng chuyến bay Vũ Hán đã đặc biệt nhất rồi, gần 5 tháng sau, anh Kiên lại tiếp tục hành trình trên một chuyến bay lịch sử khác của hàng không Việt - bay tới Guinea Xích đạo để đón 240 khách về nước (trong đó có 140 khách được thông báo dương tính với Covid-19).
Nam nhân viên có 20 năm gắn bó với Vietnam Airlines chia sẻ: "Quang cảnh sân bay Bata (Guinea Xích đạo) rất hiu quạnh. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, chúng tôi chỉ thấy toàn rừng là rừng. Rồi hiển hiện trước mắt là một sân bay nhỏ, vắng lặng với dăm ba chiếc máy bay nhỏ, đã cũ rỉ và hỏng hóc. Duy nhất chiếc A350 dường như là "còn sống". Giữa khung cảnh đó, hình ảnh đồng bào mình dắt díu nhau lên máy bay, thương lắm".
"Bạn sẽ không thể hiểu được cảm xúc của tôi lúc đó đâu. Ánh mắt của họ, sự rụt rè của họ, cách họ dìu nhau lên máy bay... tất cả khiến mình lúc đó có cảm giác muốn che chở, bảo vệ. Ngay lúc đó, tôi thực sự cảm thấy mình không có một chút lo sợ nào về việc nhiễm bệnh, chỉ muốn hoàn thành nhanh nhất công việc để cùng phi hành đoàn đưa đồng bào mình về", anh Kiên tâm sự.
Tiếp viên Phạm Xuân Trường - người có mặt cùng anh Kiên trên chuyến bay lịch sử này sau đó cũng đã có những ghi chép đầy xúc động: "Máy bay Airbus A350 chở theo phi hành đoàn và đội ngũ y, bác sĩ cùng nhiều trang thiết bị y tế đáp xuống sân bay Bata - Guinea Xích đạo lúc 13h30 giờ địa phương. Những đồng hương của chúng ta được tập trung từ rất sớm tại 1 hangar, nơi họ chỉ đứng, khi mệt quá lại ngồi bệt xuống đất, không một ghế ngồi, không quạt mát, không nước uống. Thật thương lắm những đồng bào xa xứ nơi đất khách quê người".
Anh Trường kể tiếp: "Trong hangar xa xa, hành khách đã mặc đồ bảo hộ, mắt luôn hướng về chiếc máy bay màu xanh, chờ đợi giờ phút được ra máy bay, thỉnh thoảng tiếp viên chúng tôi lại mang lá cờ Việt Nam ra cửa máy bay vẫy chào để họ yên tâm. Trời nhá nhem tối và cơn mưa cũng nặng hạt thêm, lúc này hành khách mới được thông báo ra máy bay, từng tốp 5 người giãn cách, vừa đi vừa chạy dưới cơn mưa...".
Nhiệm vụ đặc biệt - "giải cứu các bà bầu"
Trên chuyến bay đưa 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước cuối tháng 5/2020 có tới 243 phụ nữ mang thai
Có rất nhiều chuyến bay đặc biệt được các hãng hàng không thực hiện trong mùa dịch và câu chuyện được nhiều nhân viên hàng không chia sẻ nhất là chuyến bay mà mọi người vẫn nói đùa là "giải cứu các bà bầu".
"Ít người biết, trong 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về sân bay Đà Nẵng trong ngày cuối tháng 5 và được đưa vào cách ly tập trung tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có tới 243 phụ nữ mang thai. Có người thậm chí còn ở những tuần cuối cùng của thai kỳ, bình thường sẽ không một hãng hàng không nào cho phép vận chuyển", một nữ nhân viên nói và cho biết, không có ai trong số họ là cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan mà toàn bộ là những lao động qua Đài Loan làm việc, cuộc sống khó khăn, họ đều có địa chỉ thường trú ở Việt Nam.
Một chuyến bay khác cũng có số bà bầu kỷ lục đến từ hãng hàng không Vietjet. Theo đó, trên chuyến bay chở 230 khách từ Đài Loan về có tới 135 hành khách là phụ nữ mang thai.
Kỹ sư bảo dưỡng tàu bay Phạm Trung Tín, người tham gia chuyến bay, cười nói: "Đây đúng là chuyến bay chào đón công dân tương lai".
Nói về những chuyến bay đặc biệt như thế này, anh Hoàng Trung Kiên cho biết, trên chuyến bay đầu mùa dịch từ Vũ Hán trở về, anh và các "đồng đội" thậm chí còn đã tính tới cả phương án "đỡ đẻ" trên máy bay khi có một hành khách đang mang thai 36 tuần có nguy cơ sinh non.
"Việc đi lại bằng đường hàng không thường chỉ chấp nhận với thai phụ mang bầu dưới 32 tuần tuổi. Sự thay đổi áp suất trên máy bay sẽ gây nguy hiểm cho thai phụ hoặc khiến thai phụ sinh non. Vì vậy, các bác sĩ và tổ bay đã phải thảo luận rất kỹ trường hợp này, tính toán kỹ lưỡng từ việc sinh ở khu vực nào, chuẩn bị đồ đạc ra sao, thậm chí chuyến bay nếu bắt buộc phải chuyển hướng thì như thế nào...", anh Kiên nói.
Cũng theo anh Kiên, ban đầu các bác sĩ đề nghị Vietnam Airlines lắp cáng trên máy bay, tuy nhiên sau khi trong đoàn thảo luận thì phương án lắp cáng không khả thi do bác sĩ sẽ không có chỗ đứng để tác nghiệp. Phương án cuối được thống nhất là dùng vị trí bếp phía cuối máy bay để trưng dụng làm bàn đẻ cho sản phụ. Rất may, tình huống đặc biệt này đã không xảy ra. Suốt hành trình bay từ Vũ Hán về nước, sản phụ rất may mắn được bác sĩ sản khoa chăm sóc riêng nên thai nhi ổn định, sức khỏe tốt, đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng cho những tình huống đặc biệt nhất trong mỗi chuyến bay, miễn là có thể đưa được đồng bào mình về nhà", anh Kiên nói.
Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, trong năm 2020, ngành Hàng không Việt Nam đã thực hiện gần 300 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước an toàn. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng thực hiện gần 50 chuyến bay hành khách trả phí trọn gói, với hơn 12.200 hành khách.
Việt Nam nhận 4,9 triệu liều vaccine Covid-19 Liên minh Covax thông báo Việt Nam sẽ được cung cấp khoảng 4,9 triệu liều vacicne Covid-19 của hãng dược AstraZeneca trong nửa đầu năm 2021. Ông Đặng Việt Hùng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế, chiều 5/2 xác nhận thông tin trên. Theo đó, hôm 29/1, Liên minh Covax gửi thư đến, thông báo trong quý 1 sẽ giao cho...