WHO nói các nước ‘tự chịu trách nhiệm về Covid-19′
Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết tổ chức này chỉ có thể đưa ra lời khuyên còn mỗi quốc gia phải tự chịu trách nhiệm về cách ứng phó.
“Chúng tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên, nhưng cần làm rõ một điều là chúng tôi không có nghĩa vụ buộc các nước phải thực hiện theo nó. Điều này phụ thuộc vào các quốc gia, họ có thể chấp nhận hoặc từ chối lời khuyên của chúng tôi”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 27/4.
Tedros cho biết thêm WHO luôn đưa ra lời khuyên dựa trên yếu tố khoa học và bằng chứng thuyết phục nhất. Ngày 30/1, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do Covid-19. “Nếu bạn có thể nhớ, khi ấy mới chỉ ghi nhận 82 ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc”, Tedros nói.
“ Thế giới đáng lẽ nên nghe WHO một cách cẩn trọng. Mỗi quốc gia đã có thể kích hoạt mọi biện pháp y tế công cộng khả thi”, người đứng đầu WHO khẳng định. Sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tổ chức này đã khuyên thế giới nên truy tìm, xét nghiệm, cách ly và theo dấu từng trường hợp.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 27/4. Ảnh: CNN.
Video đang HOT
“Bạn nên tự xem lại, những nước nghe theo lời khuyên đang có tình trạng khả quan hơn những quốc gia còn lại. Đó là sự thật. Suy cho cùng, mỗi quốc gia phải tự chịu trách nhiệm của mình”, Tedros kết luận.
Bất chấp những nỗ lực của WHO trong cuộc chiến chống Covid-19, tổ chức này bị đánh giá không đủ sáng suốt để dẫn dắt thế giới vượt qua đại dịch, cả tin vào số liệu không chính xác của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cáo buộc WHO “khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó Covid-19 và che đậy sự lây lan của nCoV”.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso gần đây cũng gọi WHO là “Tổ chức Y tế Trung Quốc”, đề cập tới quan hệ gần gũi giữa cơ quan này với Bắc Kinh. Giới chức Đài Loan còn cáo buộc WHO phớt lờ cảnh báo sớm của họ về đại dịch.
Ngày 23/1, WHO tuyên bố Covid-19 là “tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc” nhưng cho rằng vẫn còn quá sớm để công bố “tình trạng khẩn cấp toàn cầu”. Thế giới khi đó ghi nhận hơn 840 ca nhiễm và 25 người chết do nCoV. Bảy ngày sau, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do Covid-19, khi ca nhiễm và ca tử vong trên thế giới lần lượt vượt 9.800 và 210 ca. Tuy nhiên, Tedros cho rằng thời điểm đó vẫn chưa cần thiết áp lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Tới ngày ngày 12/2, lãnh đạo WHO tuyên bố Covid-19 đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh sáng chế vaccine và thuốc điều trị. 10 ngày sau, WHO cảnh báo cơ hội khống chế nCoV đang dần hẹp lại khi các ca nhiễm ngoài Trung Quốc liên tục tăng.
Ngày 11/3, khi Covid-19 xuất hiện tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 122.000 người nhiễm và hơn 4.300 người chết, WHO mới tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu.
Covid-19 đến nay xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn ba triệu ca nhiễm, hơn 210.000 người đã tử vong.
Ngọc Ánh
Tổng Giám đốc WHO cảm ơn Việt Nam đóng góp 50.000 USD chống COVID-19
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gửi lời cám ơn Việt Nam vì khoản đóng góp 50.000 cho WHO trong nỗ lực chung chống dịch COVID-19.
"Cảm ơn Việt Nam vì sự đóng góp của các bạn vào nỗ lực ứng phó với COVID-19 trên toàn cầu. Hãy cùng sát cánh bên nhau!", ông Tedros viết trên Twitter hôm 27/4.
Theo đó, chiều 24/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trao tượng trưng khoản đóng góp 50.000 USD Mỹ của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam ủng hộ Quỹ ứng phó với COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm góp phần chung tay phòng chống và đẩy lùi đại dịch.
Tổng Giám đốc WHO cảm ơn Việt Nam trên Twitter. (Ảnh chụp màn hình)
Tham dự buổi lễ có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao; ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, đại diện Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp Quốc (LHQ) và một số cán bộ của WHO.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam là vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa bảo đảm ổn định kinh tế xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ trưởng nhấn mạnh, dù Việt Nam đang chịu nhiều tác động do đại dịch gây ra, nhưng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Chính phủ Việt Nam quyết định đóng góp 50.000 USD Mỹ hỗ trợ Quỹ Ứng phó COVID-19 của WHO, với hy vọng sẽ phần nào giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng bày tỏ mong muốn WHO tiếp tục đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và điều phối hiệu quả các nỗ lực quốc tế, đáp ứng mong đợi của các nước thành viên; đề nghị WHO tiếp tục quan tâm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt những nơi có hệ thống y tế yếu kém.
SONG HY
WHO kêu gọi Mỹ xem xét nối lại tài trợ vì 'virus sẽ tồn tại lâu dài' Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới hôm 22/4 cho biết ông hy vọng rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ xem xét lại việc ngừng tài trợ kinh phí cho tổ chức Liên Hợp Quốc này. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết "những xu hướng đáng lo ngại đang nổi lên" khi đại dịch bắt đầu bùng...