WHO khuyến cáo về vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em
Lâu nay, giới chuyên gia cho rằng việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 có ý nghĩa quan trọng trong việc khống chế đại dịch, do đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ cũng luôn được quan tâm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Sale, Maroc ngày 8/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em. Theo đó, trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn. Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ ít khẩn cấp hơn so với người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế. Theo WHO, cần có thêm bằng chứng về việc sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau ở trẻ em để có thể đưa ra khuyến nghị chung về việc tiêm chủng cho trẻ chống lại COVID-19.
Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO đã xác nhận vaccine của Pfizer phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12-15 tuổi có nguy cơ cao có thể tiêm vaccine này cùng với các nhóm ưu tiên khác.
Các thử nghiệm vaccine cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật khuyến nghị của mình khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ cho thấy có sự thay đổi trong chính sách.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn rất chi tiết về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Theo CDC, mặc dù ít bị mắc COVID-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác. Do đó, CDC khuyến cáo tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên nên tiêm vaccine để phòng COVID-19.
Video đang HOT
CDC khẳng định vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả. Tiêm vaccine có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc COVID-19, ngăn ngừa lây lan, không trở nặng. Trẻ em trên 12 tuổi nhận liều lượng vaccine của Pfizer giống như người lớn (không thay đổi theo trọng lượng). Hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần.
CDC khuyến cáo trước khi đưa trẻ đi tiêm, người giám hộ nên tìm hiểu về cách hỗ trợ trẻ trước, trong và sau tiêm. Bên cạnh đó, cũng cần chia sẻ với trẻ về việc tiêm chủng; thông báo với bác sĩ về các loại dị ứng của trẻ (nếu có). Trong vòng 15-30 phút sau tiêm, cần quan sát trẻ con có gặp phản ứng nghiêm trọng nào hay không. Các tác dụng phụ có thể gặp là tay đau, đỏ, sưng; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… sẽ qua trong một vài ngày.
Trẻ em từ 2 tới 12 tuổi chưa thuộc đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cần đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tiếp xúc với người không trong gia đình.
Rào cản kìm hãm đà phục hồi kinh tế thế giới
Sau hơn một năm rưỡi lún sâu vào suy thoái do tác động tàn phá của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi.
Những tiến bộ trong hoạt động tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và kiểm soát dịch trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dỡ bỏ dần các hạn chế để mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản khiến đà phục hồi của kinh tế thế giới trở nên mong manh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Bangkok, Thái Lan, ngày 4/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong dự báo mới nhất, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tỏ ra lạc quan về hoạt động thương mại - công cụ quan trọng để thúc đẩy khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu. WTO dự báo năm 2021, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt tới 10,8%, tăng 2,8% so với con số công bố tháng 3 vừa qua. Mức dự báo cho năm 2022 là 4,7%, tăng 0,7%. WTO nhận định từ năm sau, mọi hoạt động thương mại sẽ dần quay trở lại mức vào thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Cơ sở để các chuyên gia đưa ra dự báo khả quan là sự gia tăng trở lại của các hoạt động thương mại trên thế giới năm 2021 sau một năm đình trệ nghiêm trọng, đặc biệt rơi xuống mức thấp tồi tệ trong quý II/2020. Trong cả năm 2020, thương mại toàn cầu đã giảm 5,3% do ảnh hưởng của các biện pháp đóng cửa phòng dịch.
Một lĩnh vực khác góp phần thúc đẩy nền kinh tế là du lịch đang ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trở lại. Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) cho biết, trong tháng 7 vừa qua, khoảng 54 triệu lượt người trên thế giới đi du lịch nước ngoài, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch thế giới bắt đầu phục hồi sau khi nhiều nước - chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ, mở cửa trở lại các điểm đến du lịch với khách nước ngoài. Với những dữ liệu tích cực này, UNWTO hy vọng du lịch toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2022 và đến năm 2023-2024 có thể quay trở về mức tăng trưởng ghi nhận trước đại dịch COVID-19.
Dấu hiệu khởi sắc của "ngành công nghiệp không khói" đã có tác động tích cực đến triển vọng của lĩnh vực hàng không. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định hoạt động kinh doanh của ngành hàng không thế giới sẽ dần phục hồi và mức thua lỗ được dự báo sẽ giảm mạnh từ 51,8 tỷ USD của năm nay xuống còn 11,6 tỷ USD năm 2022.
Theo IATA, trong năm tới, các hãng hàng không tại tất cả các khu vực đều sẽ ghi nhận sự phục hồi, thậm chí các hãng hàng không tại Bắc Mỹ được dự báo làm ăn có lãi. Tổ chức trên dự báo nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 và đạt 44% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhu cầu đi lại bằng đường không trong nước ước tính đạt 93% mức trước đại dịch, tăng 20% so với mức của năm nay. Tổng lượt hành khách dự kiến sẽ tăng từ 2,3 tỷ lượt người trong năm 2021 lên 3,4 tỷ lượt vào năm tới. Trong khi đó, doanh thu bán vé của các hãng hàng không được dự báo tăng 67% lên 378 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những "điểm sáng", nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng phân phối vaccine không công bằng và nguy cơ lạm phát trong bối cảnh đại dịch là những trở ngại chính kìm hãm đà phục hồi này, khiến tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn mức dự báo 6% mà tổ chức này đưa ra trước đó.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng "tình trạng bất cân bằng lớn về vaccine" đang là một rào cản. Bà Georgieva cảnh báo nếu không thể thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng hiện nay giữa các nước phát triển và các nước nghèo hơn, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới. WTO cũng cảnh báo sự chênh lệch về tiếp cận vaccine phòng COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới có khả năng kháng vaccine, dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch ở nhiều nước, khiến cho các hoạt động kinh tế bị tê liệt trở lại.
Công nhân làm việc tại nhà máy dệt may ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 14/9/2021. Ảnh: JIO/TTXVN
Ngoài ra, những vấn đề tồn tại trong chuỗi cung ứng cũng đang đặt ra không ít khó khăn đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuần qua, thế giới đã chứng kiến những ví dụ điển hình về tình trạng căng thẳng nguồn cung, từ việc Trung Quốc khan hiếm than đá cung cấp cho các nhà máy điện, Anh thiếu lái xe bồn chở nhiên liệu tới các điểm phân phối trên cả nước, đến việc giá khí đốt tăng mạnh trên toàn châu Âu khi cầu vượt quá cung. Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vốn lao đao vì dịch COVID-19 trong gần hai năm qua. Hiện giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đang ở gần mức cao kỷ lục, trong khi tại Mỹ, mức giá cũng chạm mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Theo các chuyên gia, giá khí đốt và xăng dầu tăng cao có thể khiến lạm phát trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, thêm trầm trọng. Lạm phát leo thang đang gây sức ép buộc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và thậm chí tăng lãi suất từ năm 2022, kéo theo tác động mạnh đến thị trường tài chính không chỉ ở nền kinh tế số một thế giới mà còn trên toàn cầu.
Trong khi đó, với Trung Quốc, khủng hoảng thiếu điện cũng làm gia tăng áp lực vào đúng thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc vì những yếu tố như biện pháp kiểm soát COVID-19 và hạ sốt thị trường bất động sản. Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 8,2% xuống còn 7,8% trong năm 2021, và còn 5,5% cho năm 2022, với lý do "cắt giảm sản lượng mạnh trong những ngành công nghiệp cần tiêu thụ nhiều năng lượng". Theo Tổng Giám đốc IMF, việc lạm phát tăng liên tục có thể khiến các nước tăng lãi suất và siết chặt các điều kiện tài chính, đặt ra thách thức lớn về nợ.
Các dữ liệu kinh tế đã bắt đầu phản ánh những khó khăn thực tiễn: hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 9 lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm nay. Tại Pháp, hoạt động sản xuất cũng rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 1/2021, trong khi Nhật Bản chứng kiến sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp. Các công ty ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm nguồn cung nguyên liệu thô và các phụ tùng cần thiết để duy trì các dây chuyền sản xuất do những biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch ở các điểm chủ chốt của chuỗi cung ứng. Ngành chế tạo ô tô đang chịu tác động nghiêm trọng do thiếu chip bán dẫn, còn ngành dệt may cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn. Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), FED, Ngân hàng Trung ương Anh, nhận định tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến lạm phát tăng và cản trở đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Jacob Kirkegaard tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington, những vấn đề về chuỗi cung ứng khó thể gây ra một cú sốc đủ lớn để đẩy kinh tế toàn cầu về vùng suy giảm 2 chữ số. Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia đều nhất trí rằng đại dịch COVID-19 vẫn là yếu tố gây nguy cơ lớn nhất với tiến trình phục hồi kinh tế.
Nhằm tháo gỡ rào cản của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, Tổng Giám đốc IMF Georgieva kêu gọi các nước giàu tăng phân phối vaccine đến các nước nghèo, dỡ bỏ các hạn chế thương mại và tăng quỹ hỗ trợ cho hoạt động xét nghiệm, truy vết và điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, bà cũng kêu gọi thúc đẩy nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo thay đổi công nghệ và tăng tính bao trùm bởi chính các nỗ lực này cũng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. Việc chuyển sang năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm CO2 có thể tăng GDP toàn cầu khoảng 2% trong thập niên này và tạo ra 30 triệu việc làm mới.
Tuy nhiên, tập trung cho chiến lược bao phủ vaccine ngừa COVID-19 và chuyển đổi sang nền kinh tế "xanh" có thể là chưa đủ để xóa những gam màu tối trong bức tranh triển vọng phục hồi của thế giới. Nền kinh tế toàn cầu từ trước dịch COVID-19 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các rào cản của chủ nghĩa đơn phương và tranh chấp thương mại leo thang. Vì thế, theo các chuyên gia, để có thể đưa kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn đầy thách thức hiện nay, các nước phải có các biện pháp tổng thể và kết nối nhằm kích thích nền kinh tế, giải quyết căng thẳng nguồn cung, kiểm soát lạm phát, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội... nhằm thúc đẩy sự phục hồi đồng đều sau đại dịch COVID-19.
Lào thúc đẩy công tác chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong một nỗ lực nhằm sớm mở lại các trường học, Bộ Y tế Lào vừa yêu cầu các quan chức giáo dục trên cả nước làm việc với chính quyền địa phương để nắm được số lượng học sinh từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng COVID-19. Tiêm vaccine phòng COVID-19 người dân Lào....