WHO: Kho dự trữ vaccine ngừa dịch tả toàn cầu đã cạn kiệt
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18/10 thông báo kho dự trữ vaccine uống ngừa dịch tả toàn cầu đã hoàn toàn cạn kiệt, đẩy nỗ lực kiểm soát sự lây lan của căn bệnh này vào tình thế nguy hiểm.
Kho dự trữ vaccine uống ngừa dịch tả toàn cầu đã hoàn toàn cạn kiệt. Ảnh: WHO
Theo WHO, dù công tác sản xuất vaccine đang được tiến hành hết công suất, nhưng nhu cầu vẫn vượt xa nguồn cung. Trong báo cáo hằng tháng mới công bố, cơ quan này nêu rõ: “Tính đến ngày 14/10, kho dự trữ toàn cầu vaccine uống ngừa dịch tả đã cạn kiệt, không còn liều nào có sẵn. Mặc dù dự kiến sẽ có thêm vaccine trong vài tuần tới, nhưng tình trạng thiếu hụt này đang gây thách thức lớn cho các nỗ lực phản ứng với dịch bệnh và cản trở công tác kiểm soát sự lây lan của căn bệnh này”.
Trong thời gian từ ngày 1/9 – 14/10, Nhóm Điều phối quốc tế về cung cấp vaccine đã nhận được các yêu cầu từ Bangladesh, Sudan, Niger, Ethiopia và Myanmar với tổng số 8,4 triệu liều vaccine. Tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế, chỉ có 7,6 triệu liều được gửi đi.
WHO cũng công bố rằng trong năm 2024, thế giới đã ghi nhận 439.724 ca mắc dịch tả và 3.432 ca tử vong (tính đến ngày 29/9). Mặc dù số ca nhiễm giảm 16% so với năm ngoái, nhưng số ca tử vong đã tăng vọt 126%, khiến cơ quan này vô cùng lo ngại.
Sự gia tăng tỷ lệ tử vong có thể là do những đợt bùng phát dịch xảy ra ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi tiếp cận dịch vụ y tế rất khó khăn, cũng như ở những khu vực bị lũ lụt.
Video đang HOT
Kể từ báo cáo tháng trước, các đợt dịch tả mới đã bùng phát tại Niger (705 ca mắc và 17 ca tử vong) và Thái Lan (5 ca mắc nhưng không có ca tử vong), nâng tổng số quốc gia bị ảnh hưởng trong năm 2024 lên 30.
Chỉ trong tháng 9, ghi nhận 47.234 ca mới được báo cáo từ 14 quốc gia. Tháng này, Liban – quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột – cũng ghi nhận ca nhiễm dịch tả đầu tiên, và WHO cảnh báo nguy cơ lây lan tại đây rất cao do điều kiện vệ sinh ngày càng tồi tệ, đặc biệt trong các cộng đồng người dân phải di tản.
Dịch tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non, lây lan qua thực phẩm và nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn vibrio cholerae, thường xuất phát từ phân người. Bệnh gây tiêu chảy nghiêm trọng, nôn mửa và co thắt cơ, có thể gây tử vong trong vài giờ nếu không được điều trị. Tuy nhiên, bệnh có thể được chữa trị bằng các biện pháp đơn giản như bù nước qua đường uống và sử dụng kháng sinh trong những trường hợp nghiêm trọng.
Liên minh toàn cầu về vaccine Gavi và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hồi tháng 4 vừa qua cho biết công ty EuBiologics của Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp duy nhất vaccine uống ngừa dịch tả cho kho dự trữ toàn cầu. Mặc dù các nhà sản xuất khác dự kiến sẽ cung cấp sản phẩm trong vài năm tới, nhưng tình hình hiện tại vẫn rất căng thẳng và đòi hỏi sự tăng cường sản xuất khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Thanh Phương (TTXVN)
WHO kêu gọi quyên góp 135 triệu USD ứng phó với đậu mùa khỉ
Ngày 23/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi hành động chung toàn cầu để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) mới, đồng thời cho biết kế hoạch ứng phó sẽ cần ít nhất 135 triệu USD trong 6 tháng tới.
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Liberia. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định thế giới có thể kiểm soát và ngăn chặn đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ mới này. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả đòi hỏi phải có hành động toàn diện và phối hợp của quốc tế.
Trong một diễn biến liên quan, WHO cho biết các đối tác của tổ chức như Liên minh vaccine (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) có thể bắt đầu mua vaccine mpox trước khi vaccine này được WHO cấp phép. Điều này nhằm đẩy nhanh hơn việc đưa vaccine đến châu Phi trong bối cảnh lục địa này đang phải chống chọi với sự bùng phát của bệnh.
Theo truyền thống, các tổ chức như Gavi, giúp các nước thu nhập thấp mua vaccine, chỉ có thể bắt đầu mua vaccine sau khi được WHO cấp phép sử dụng. Nhưng các quy tắc đã được nới lỏng trong trường hợp này để thúc đẩy các cuộc đàm phán. Đầu tháng này, WHO đã yêu cầu các nhà sản xuất vaccine gửi thông tin để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cấp giấy phép khẩn cấp vào giữa tháng 9.
Hai loại vaccine do hãng dược Bavarian Nordic của Đan Mạch và KM Biologics của Nhật Bản sản xuất đã được các cơ quan quản lý dược phẩm trên toàn thế giới chấp thuận và đã được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa đậu mùa khỉ kể từ năm 2022. Tại Mỹ, khoảng 1,2 triệu người đã tiêm vaccine của Bavarian Nordic. WHO dự kiến sẽ cấp giấy phép khẩn cấp cho các vaccine này vào tháng 9.
Trong tuần này, Bavarian Nordic cho biết họ cần đơn đặt hàng ngay lập tức từ các tổ chức như Gavi và WHO để sản xuất thêm trong năm nay, làm dấy lên lo ngại rằng các nước thu nhập thấp có thể bỏ lỡ hoặc một lần nữa buộc phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ không chắc chắn từ các nước giàu, như đã xảy ra trong đại dịch COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết một số lô vaccine phòng đậu mùa khỉ được tài trợ dự kiến sẽ đến châu lục này trong tuần tới. Cơ quan này ước tính châu Phi cần khoảng 10 triệu liều vaccine phòng bệnh này.
Đậu mùa khỉ là bệnh do virus lây lan qua tiếp xúc gần và thường biểu hiện nhẹ, nhưng có thể gây tử vong. Tuần trước, WHO đã tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu do đậu mùa khỉ sau khi một chủng mới của virus này gây tử vong cao hơn và dễ lây truyền hơn, là Clade 1b, lây lan ở CHDC Congo và nhiều nơi khác trên thế giới.
Mới nhất, ngày 23/8, Bộ Y tế Gabon cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên, song chưa xác định được bệnh nhân nhiễm biến thể nào của virus. Bệnh nhân là nam giới 30 tuổi, trở về từ Uganda và có biểu hiện sốt cùng các tổn thương trên da.
Cùng ngày, Bộ Y tế Argentina thông báo đã phát hiện trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này kể từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, bệnh nhân nam, 22 tuổi, sống tại huyện San Isidro, tỉnh Buenos Aires, hiện đang tự cách ly tại nhà. Trước đó, người này không có tiền sử đi du lịch ra ngoài lãnh thổ Argentina.
Các cơ quan chức năng huyện San Isidro đã áp dụng quy trình do Bộ Y tế thiết lập và bệnh nhân được cách ly tại nhà. Các hoạt động giám sát dịch tễ học để phát hiện, chẩn đoán sớm, chăm sóc đầy đủ và thực hiện các biện pháp cách ly cũng như truy tìm dấu vết tiếp xúc của các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm đã được ưu tiên thực hiện.
Trước đó, ngày 20/8, Bộ Y tế Argentina đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp sau khi phát hiện một thủy thủ trên tàu vận tải Ina-Lotte mang cờ Liberia đến từ Brazil có triệu chứng lâm sàng bệnh đậu mùa khỉ. Ngay lập tức, toàn bộ thủy thủ và nhân viên trên tàu Ina-Lotte được yêu cầu kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm giám sát dịch tễ học và không được rời khỏi tàu. Các biện pháp giám sát theo quy định quốc tế cũng đã được tăng cường tại các cửa khẩu cả trên đất liền, hải cảng và sân bay.
Nhà khoa học của WHO đề xuất phát triển vaccine ngừa tất cả các chủng cúm động vật Ngày 20/2, ông Jeremy Farrar, người sẽ đảm nhận chức Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tô chức Y tê thê giới (WHO), kêu gọi các chính phủ nên đâu tư bào chế một loại vaccine ngừa tât cả các chủng virus cúm hiên đang tôn tại ở đông vât, như môt chính sách dự phòng cho trường hợp bùng phát dịch...