WHO kêu gọi Trung Quốc và các nước hợp tác điều tra nguồn gốc Covid-19
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước, trong đó có Trung Quốc, hợp tác điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại họp báo ở Lyon, Pháp ngày 27/9 (Ảnh: Reuters).
Phát biểu tại một sự kiện về thương mại và Covid-19 ngày 28/9, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông mong đợi tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, sẽ hợp tác trong giai đoạn hai của cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, sau cuộc điều tra ban đầu tại Trung Quốc hồi đầu năm.
Người đứng đầu WHO hy vọng giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 sẽ bắt đầu càng sớm càng tốt.
Ông Tedros cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với một hiệp ước mang tầm quốc tế về việc chuẩn bị và thích ứng với đại dịch. Ông cho rằng đã đến lúc thế giới cần đến một “khuôn khổ” để ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Video đang HOT
WHO đang có kế hoạch mở lại cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19. Theo Wall Street Journal , một nhóm mới gồm khoảng 20 nhà khoa học đang được tập hợp với nhiệm vụ truy tìm bằng chứng mới về nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc và những nơi khác.
Nhóm mới của WHO được đặt tên là Nhóm Cố vấn Khoa học về Nguồn gốc của các mầm bệnh mới. Nhóm bao gồm các chuyên gia về an toàn sinh học và an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học và các chuyên gia về bệnh động vật có hiểu biết sâu về cách thức virus lây lan từ tự nhiên.
Nhóm đóng vai trò như một hội đồng thường trực giúp WHO điều tra các đợt bùng phát dịch trong tương lai và xác định các hoạt động của con người có nguy cơ làm tăng nguy cơ xuất hiện dịch bệnh mới. Với sứ mệnh như vậy, nhóm sẽ phụ trách cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19.
Chính phủ Trung Quốc từ chối cho biết liệu họ có cho phép một nhóm chuyên gia mới của WHO vào nước này hay không. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã “hợp tác đầy đủ” với cuộc điều tra trước đó của WHO.
Ngày 21/9, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, “Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ và tham gia vào việc truy tìm nguồn gốc dựa trên khoa học và kiên quyết phản đối việc chính trị hóa dưới bất kỳ hình thức nào”.
Đầu năm nay, một nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đã đến Vũ Hán, nơi ghi nhận các ca mắc Covid-19, để điều tra nguồn gốc Covid-19 và đưa ra 4 giả thuyết chính, trong đó giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm được cho là “rất khó xảy ra”.
Tuy nhiên, các quốc gia, trong đó có Mỹ, và một số nhà khoa học đã yêu cầu điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19, đặc biệt là đối với Viện Virus học Vũ Hán, nơi đang tiến hành nghiên cứu về loài dơi.
Trung Quốc không ủng hộ việc mở thêm một cuộc điều tra mới, cho rằng bất kỳ cuộc điều tra mới nào về nguồn gốc Covid-19 nên tập trung vào nước khác, trong đó có Mỹ.
Thời báo Hoàn cầu ngày 23/9 đưa tin, dựa trên các kết quả tính toán, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng dịch Covid-19 đã “âm thầm” lây lan ở Mỹ từ đầu tháng 9/2019, trước khi bùng phát ở thành phố Vũ Hán. Do vậy, các chuyên gia cho rằng WHO nên ưu tiên cuộc điều tra tiếp theo về nguồn gốc Covid-19 tại Mỹ.
Mỹ "rất thất vọng" khi Trung Quốc từ chối điều tra nguồn gốc Covid-19
Chính phủ Mỹ bày tỏ sự thất vọng vì Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên quan tới cuộc điều tra giai đoạn 2 nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki (Ảnh: Tass).
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 22/7 cho biết họ thất vọng vì Trung Quốc đã khước từ đề nghị của WHO nhằm mở cuộc điều tra giai đoạn 2 về Covid-19.
"Chúng tôi rất thất vọng", bà Psaki nói, nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ cùng các nước khác tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh cung cấp sự tiếp cận cần thiết với nguồn dữ liệu để hiểu về nguồn gốc của đại dịch. Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019 trước khi lan rộng ra toàn cầu.
Nhấn mạnh rằng cuộc điều tra của WHO là "quan trọng" để ngăn chặn đại dịch tiếp theo, bà Psaki nói rằng nó sẽ giúp "cứu mạng người trong tương lai và giờ không phải là lúc để ngăn cản nó". Bà cũng cáo buộc Trung Quốc "vô trách nhiệm" khi từ chối đề xuất của WHO.
Bình luận của bà Psaki được đưa ra sau khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Zeng Yixin nói rằng: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 (của WHO) như vậy, ở khía cạnh nào đó, nó thể hiện sự thiếu tôn trọng thực tế và phản khoa học".
WHO trong tháng này đã đề xuất triển khai cuộc điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc Covid-19, trong đó bao gồm việc điều tra các phòng thí nghiệm và chợ ở thành phố Vũ Hán. Đồng thời, WHO cũng kêu gọi giới chức Trung Quốc minh bạch hơn và cung cấp thêm dữ liệu thô về giai đoạn đầu bùng phát dịch.
Ông Zeng cho biết, ông cảm thấy "sốc" khi lần đầu tiên đọc bản kế hoạch của WHO, trong đó có nhắc đến giả thuyết virus có thể đã bị rò rỉ do sai phạm tại một phòng thí nghiệm của Trung Quốc trong quá trình nghiên cứu.
Sau chuyến điều tra hồi đầu năm nay, nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu kết luận, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán "rất khó xảy ra". Họ cho rằng, giả thuyết nhiều khả năng nhất là virus lây từ động vật nhiễm bệnh sang người từ một khu chợ hay một nơi nào đó tương tự. Mặc dù vậy, các nhà khoa học, trong đó có Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng đang có "sự thúc đẩy quá sớm" để loại bỏ giả thuyết virus gây ra đại dịch Covid-19.
WHO lập nhóm mới điều tra nguồn gốc COVID-19 Ngày 26-9, báo Wall Street Journal đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang khôi phục cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19. Các quan chức WHO cảnh báo không còn nhiều thời gian để xác định nguồn gốc đại dịch này. Các quan chức Trung Quốc và chuyên gia WHO tổ chức họp báo chung khi kết thúc cuộc điều tra...