WHO: Giai đoạn khẩn cấp của dịch COVID-19 chưa kết thúc
Ngày 27/1, Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch COVID-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22/10/2022. Ảnh tư liêu: Kyodo/TTXVN
Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp của ủy ban, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng “vẫn còn hạn chế”.
Ông Tedros nói: “Khi chúng ta bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chắc chắn chúng ta đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng dịch bệnh (do biến thể Omicron gây ra) lên đến đỉnh điểm và WHO đã ghi nhận hơn 70.000 ca tử vong mỗi tuần”.
Theo Tổng giám đốc WHO, tỷ lệ tử vong hằng tuần đã giảm xuống dưới 10.000 ca vào tháng 10/2022 nhưng đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 12/2022.
Tổng giám đốc WHO cho biết các vaccine phòng bệnh, xét nghiệm và phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc cứu mạng sống của các bệnh nhân, ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và nhân viên y tế. Tuy nhiên, ông cho rằng ứng phó toàn cầu với dịch bệnh vẫn còn lúng túng vì ở nhiều quốc gia, các công cụ mạnh mẽ, cứu mạng này vẫn chưa đến được với những người dân cần nhất – đặc biệt là người già và nhân viên y tế. Ngoài ra, niềm tin của công chúng vào các công cụ phòng chống COVID-19 này đang bị xói mòn bởi “một loạt” thông tin sai lệch và xuyên tạc, trong khi các hệ thống y tế vẫn đang phải vật lộn để đối phó với gánh nặng của COVID-19.
Ủy ban độc lập trên họp 3 tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với Tổng giám đốc WHO, người sau đó sẽ quyết định liệu COVID-19 có còn là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Trên toàn thế giới, gần 665 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,7 triệu ca tử vong đã được báo cáo lên WHO. Tuy nhiên, cơ quan y tế này của Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh rằng con số thực sẽ còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, hơn 13,1 tỷ liều vaccine phòng ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới.
Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Trung Quốc giảm mạnh
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) cho biết số ca mắc COVID-19 và số lượt khám bệnh tại các phòng khám sốt trên khắp nước này đã đạt đỉnh hồi cuối tháng 12/2022 và hiện đang giảm mạnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo CDC Trung Quốc, khoảng cuối tháng 12 năm ngoái, số ca nhiễm mới theo ngày là khoảng 7 triệu người. Dựa trên số trường hợp dương tính được báo cáo thông qua xét nghiệm hàng loạt, số ca nhiễm mới đã giảm xuống 15.000 vào ngày 23/1. Từ ngày 8/12/2022, Trung Quốc đã ngừng xét nghiệm axit nucleic đại trà bắt buộc và tổng lượng xét nghiệm đã giảm dần từ 150 triệu mỗi ngày vào ngày 9/12/2022 xuống 7,54 triệu trong ngày đầu tiên của năm nay và tiếp tục giảm xuống 280.000 vào ngày 23/1.
Báo cáo cũng cho thấy số lượt người đến các phòng khám sốt hằng ngày trên toàn Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 2,87 triệu lượt vào ngày 23/12/2022 và giảm xuống 63.000 lượt vào ngày 23/1.
Hôm 19/1 vừa qua, giới chức Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cũng cho biết nước này đã vượt qua 3 đỉnh sóng COVID-19, khi số lượt người đến các phòng khám sốt trên toàn quốc đạt đỉnh vào ngày 23/12/2022, số trường hợp phải cấp cứu trên toàn quốc đạt đỉnh vào ngày 2/1 và số bệnh nhân nặng tại các bệnh viện đạt đỉnh vào ngày 5/1. Số ca tử vong theo ngày tại bệnh viện cũng tăng lên mức cao nhất 4.273 vào ngày 4/1 và liên tục giảm sau đó. Ngày 23/1, con số này giảm 79%, xuống 896 trường hợp.
Về mặt giám sát và theo dõi các đột biến của virus corona, báo cáo của CDC Trung Quốc cho biết từ việc lựa chọn bệnh viện, các trường hợp nghiêm trọng, trường hợp tử vong đồng thời theo dõi những người vào Trung Quốc qua đường bộ, đường thủy và đường hàng không, kết quả cho thấy BA.5.2 và BF.7 vẫn là các biến thể lây lan chủ đạo trong nước, không phát hiện các dòng đột biến mới.
Cuba đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm G77 và Trung Quốc năm 2023 Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và các diễn giả kêu gọi tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển và cải cách khẩn cấp hệ thống tài chính toàn cầu. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. Ảnh: AFP/TTXVN Lời kêu gọi trên được đưa ra tại lễ chuyển giao chức Chủ tịch Nhóm 77 nước (G77) và Trung Quốc...