WHO cập nhật khuyến nghị về vận động thể chất trong đại dịch COVID-19
Ngày 25/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tăng cường vận động thể chất, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi tập thể dục tại Washington D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong hướng dẫn cập nhật về hoạt động thể chất, WHO cho biết tập thể dục có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và ung thư, đồng thời giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng, cải thiện trí nhớ.
WHO khuyến nghị người trưởng thành dành ít nhất từ 2 tiếng rưỡi đến 5 tiếng đồng hồ mỗi tuần để tập luyện thể thao cường độ vừa phải hoặc mạnh. Đối với trẻ em và trẻ vị thành niên, mức độ vận động tối thiểu mà cơ quan y tế của Liên hợp quốc đưa ra là một giờ mỗi ngày.
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động rèn luyện thể chất. Tuy nhiên, rõ ràng việc nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế ra ngoài và đóng cửa các phòng tập gym đã ảnh hưởng đến thói quen tập thể dục của nhiều người.
Thực tế này được nhìn nhận là rất đáng lo ngại, bởi ngay cả trước khi bùng phát dịch COVID-19, các số liệu thống kê cho thấy phần lớn thanh thiếu niên và nhiều người trưởng thành không vận động đủ theo khuyến nghị, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe toàn cầu.
Theo thống kê của WHO, 80% số thanh thiếu niên và 25% số người trưởng thành trên toàn cầu không đáp ứng các khuyến nghị về vận động thể chất. WHO cảnh báo việc ngồi nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến thế giới tổn thất thêm 54 tỷ USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và 14 tỷ USD mỗi năm do giảm năng suất lao động. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết vận động thể chất dưới bất kỳ hình thức nào cũng có thể giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc ngồi nhiều. Theo WHO, riêng việc rời khỏi ghế sofa để vận động và đi lại nhiều hơn cũng có thể giúp ngăn chặn 5 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm.
Dịch COVID-19: WHO nhấn mạnh tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Khẩn cấp về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/10 nhấn mạnh đại dịch này vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Washington DC, Mỹ ngày 30/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cuộc họp do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) nhằm xem xét tình hình dịch bệnh và tiến bộ đã đạt được theo những khuyến cáo hiện nay. Ủy ban trên cho rằng đại địch tiếp tục đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Ủy ban cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể để WHO và các nước tập trung triển khai trong những tháng tới, trong đó có các biện pháp phối hợp chặt chẽ có tính đến rủi ro và dựa trên thông tin xác thực liên quan đến hoạt động đi lại quốc tế, những nỗ lực giám sát và truy vết, đồng thời duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như chuẩn bị các kế hoạch cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 trong tương lai.
Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia tránh chính trị hóa công tác ứng phó với đại dịch, động thái được cho là gây tổn hại lớn đối với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên toàn cầu. Phát biểu sau cuộc họp, Tổng Giám đốc Tedros kêu gọi các nước tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế và nhân lực trong ngành này, đồng thời cải thiện khả năng xét nghiệm, truy vết và chữa trị cho tất cả các bệnh nhân.
Tổng giám đốc WHO cũng thông báo một nhóm chuyên gia quốc tế đã tiến hành cuộc họp trực tuyến đầu tiên với các đối tác Trung Quốc nhằm xác định nguồn gốc lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Theo Giám đốc phụ trách Chương trình Khẩn cấp của WHO Mike Ryan, cuộc họp trực tuyến giúp nhóm chuyên gia quốc tế và các đối tác Trung Quốc trao đổi thông tin về những gì đã đạt được cho đến nay trong việc xác định nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ động vật. Ông cũng cho rằng việc tìm ra nguồn gốc lây nhiễm từ động vật có thể mất khá nhiều thời gian, như những cuộc điều tra trước đây về nguồn gốc các loại virus gây ra các dịch bệnh khác như Hội chứng hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).
Đường tới chiến thắng đang 'hẹp dần' với Trump Cơ hội thắng cử vẫn được chia đều cho cả hai ứng viên tổng thống Mỹ, nhưng Biden có nhiều con đường để đi tới Nhà Trắng hơn Trump. Ứng viên Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump 25 phiếu đại cử tri, với 238 phiếu tại Illinois, New Jersey, Virginia, Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, Washington DC, Delaware, Vermont,...