WHO cảnh báo làn sóng mới COVID-19 lan từ Nam Á
Báo cáo tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên thế giới công bố ngày 7/4 cho thấy đợt dịch mới tập trung tại Nam Á có xu hướng lan nhanh sang phía Đông Nam Á và Tây Á.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở Amritsar, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo, trong 28 ngày qua có gần 3,3 triệu ca mắc mới được báo cáo. Dù đây là báo cáo chưa đầy đủ do số lượng xét nghiệm giảm, nhưng sự thay đổi về tỷ lệ và số ca tử vong vẫn thể hiện tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu. Trong 28 ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 23.849 ca tử vong vì COVID-19. Số ca mắc mới và tử vong lần lượt giảm 28% và 30% so với giai đoạn 28 ngày trước.
Trong bản đồ của WHO phân chia mức độ dịch theo màu, các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran, Saudi Arabia hiển thị màu đỏ – mức cảnh báo cao nhất, trong khi Philippines, Timor-Lester, Myanmar, Bhutan hiển thị màu cam. Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất với 34.785 ca, tăng 680%, Nepal có thêm 272 ca, tăng 533% và Maldives 72 ca, tăng 324%.
Hai khu vực Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải thể hiện số ca mắc mới lần lượt tăng 289% và 147%, số ca tử vong tăng lần lượt 36% và 118%.
Video đang HOT
Việt Nam, Lào, Campuchia vẫn đang hiển thị màu xanh lục và xanh dương, thể hiện xu hướng giảm.
Trên bản đồ tỷ lệ tử vong do COVID-19, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Bangladesh… cũng hiển thị màu đỏ.
Theo báo cáo của WHO, châu Âu tiếp tục đứng đầu trong 6 khu vực dịch tễ, với hơn 1,38 triệu ca mắc mới và thêm 10.417 ca tử vong, giảm lần lượt 13% và 5%. Mức giảm này chủ yếu do số ca mắc mới tại một số quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất thời gian qua như Nga và Đức đã giảm. Số ca mắc mới tại Nga giảm 9% còn 313.998 ca, trong khi số ca tử vong 1.014 ca xấp xỉ giai đoạn trước. Đức giảm mạnh 64% số ca mắc mới còn 139.261 ca, giảm 39% số ca tử vong còn 1.090 ca. Anh không ghi nhận số ca mắc mới nhiều, nhưng có số tử vong nhiều nhất khu vực là 2.678 ca. Trong khi đó, Pháp nằm trong danh sách các nước có số ca mắc mới cao nhất với 193.359 ca, tăng tới 98%. Có 22/61 quốc gia châu Âu ghi nhận mức tăng trên 20% trong giai đoạn này, khiến màu cam – đỏ (tăng và tăng mạnh) và xanh lục – xanh (giảm và giảm mạnh) lẫn lộn ở khu vực châu Âu trong bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỷ lệ ca mắc mới.
Châu Mỹ đứng thứ hai thế giới với gần 1,05 triệu ca mắc mới (giảm 29%) và 10.152 ca tử vong mới (giảm 34%), trong đó Mỹ vẫn chiếm đa số với 626.532 ca mắc mới và 7.458 ca tử vong mới.
Khu vực Tây Thái Bình Dương đứng thứ 3 với 736.177 ca mắc mới và 2.494 ca tử vong mới, giảm lần lượt 48% và 65%, chủ yếu do tình hình dịch bệnh tại 3 điểm nóng về dịch bệnh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc giảm.
Châu Phi ghi nhận ít ca mắc mới, nhưng xu hướng tăng mạnh thể hiện ở một số nước Bắc Phi.
WHO nêu bật các thách thức có thể khiến làn sóng mới COVID-19 mạnh hơn
Trong cuộc họp hằng tuần về COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/7, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã nêu bật các thách thức có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Thống kê của WHO cho thấy số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã tăng gần 30% trong 2 tuần qua. Tại nhiều nước, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang chiếm ưu thế. Đơn cử như tại New Zealand, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này là 7.200 ca/ngày, tăng so với mức 5.400 người/ngày. Đây là mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua tại New Zealand.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang chứng kiến số ca mắc mới gia tăng. Trước tình hình trên, một số nước, trong đó có Indonesia, yêu cầu người dân phải tiêm mũi tăng cường vaccine mới được đến nơi công cộng.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong đợt dịch mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến COVID-19 lây lan nhanh. Trước hết, đó là tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia. Điều này khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về sự phát triển của virus cũng như thực tế dịch bệnh trên toàn cầu, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
Trong khi đó, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng chưa đến tay người dân tại các nước thu nhập thấp.
Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi tăng cường vaccine, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ cao nhất.
Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tăng lên, ảnh hưởng đến các bệnh nhân và gia đình, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế, xã hội nói chung.
Người đứng đầu WHO khẳng định những thách thức này đòi hỏi hành động ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và địa phương. Theo đó, các nước cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao, trong đó có người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, các nước cần cung cấp đủ thuốc viên kháng virus và các phương pháp điều trị khác cho người dân. Tổng Giám đốc Tedros hối thúc các nhà sản xuất, trong đó có hãng dược Pfizer, hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế và giới chức các nước để đảm bảo cung cấp thuốc nhanh chóng và hiệu quả.
WHO cũng kêu gọi người dân tại các vùng dịch bệnh gia tăng thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng, trong đó có đeo khẩu trang, tự cách ly khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đẩy mạnh xét nghiệm tại nhà và tiêm chủng đầy đủ.
WHO cảnh báo biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya Ngày 6/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định bệnh sốt xuất huyết và các căn bệnh khác do arbovirus truyền nhiễm từ muỗi, đang lây lan với tốc độ nhanh hơn và rộng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên toàn cầu. Các chuyên gia của WHO...