WHO cảnh báo Delta sẽ trở thành biến thể chủ đạo trong vài tháng tới
Ngày 21/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới chỉ trong vài tháng tới.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo WHO, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Trong báo cáo dịch bệnh hằng tuần công bố ngày 20/7, WHO cho rằng biến thể này sẽ lấn án tất cả các biến thể khác và trở thành biến thể gây bệnh chính trong những tháng tới.
Ngoài Delta, hiện trong danh sách biến thể gây lo ngại (VOCs) của WHO còn có 3 biến thể khác là Alpha, Beta và Gamma phát hiện lần đầu tiên lần lượt tại Anh, Nam Phi và Brazil. Theo thống kê của WHO, số các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận phát hiện biến thể Alpha là 180, biến thể Beta là 130 và Gama là 78.
Video đang HOT
Theo phân tích chuỗi gen virus SARS-CoV-2 được báo cáo lên sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, trong 4 tuần tính đến ngày 20/7, tỷ lệ các mẫu phân tích là biến thể Delta đã tăng lên mức 75% ở một số quốc gia. Trong số này có Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi.
Cũng theo WHO, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn so với những biến thể không thuộc nhóm VOCs. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải thích được chính xác cơ chế giúp biến thể này lây nhiễm dễ dàng hơn.
Cũng trong báo cáo trên, WHO cho biết thế giới ghi nhận 3,4 triệu ca mắc mới trong tuần tính đến ngày 18/7, tăng 12% so với tuần trước đó. Với đà này, WHO dự báo tổng số ca COVID-19 toàn cầu sẽ vượt mức 200 triệu ca trong 3 tuần tới. Theo tổ chức này, tình trạng lây nhiễm gia tăng trên toàn cầu do tác động của 4 yếu tố, bao gồm: Xuất hiện thêm nhiều biến thể có khả năng lây lan nhanh, nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, các hoạt động giao lưu xã hội gia tăng và vẫn còn lượng lớn những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Olympic Tokyo 2020: WHO khẳng định không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ dịch bệnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/7 khẳng định không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ dịch COVID-19 tại Olympic Tokyo 2020, dự kiến khai mạc vào cuối tuần này, đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức thành công sự kiện này cần được đánh giá dựa trên cách thức xử lý tốt các ca lây nhiễm.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ở Tokyo, ông Ghebreyesus cho biết đây sẽ là "thử thách" với các biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 mà ban tổ chức đưa ra cùng với khuyến cáo của WHO. Theo ông, việc đánh giá thành công của Olympic Tokyo không phải dựa trên nguy cơ lây nhiễm bằng 0, bởi hiện một số ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận.
Việc đánh giá này phải dựa trên việc đảm bảo xác định được các ca mắc COVID-19, cách ly, truy vết và điều trị nhanh nhất có thể cũng như cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO hy vọng các biện pháp phòng chống COVID-19 không chỉ đạt hiệu quả trong việc tổ chức các màn tranh tài mà còn bảo đảm sự an toàn cho các vận động viên, huấn luyện viên và các quan chức. Đây là minh chứng rõ nhất cho việc thực hiện các kế hoạch phù hợp cũng như các biện pháp đúng đắn đã đề ra.
Theo kế hoạch, ngày 23/7 tới, Olympic Tokyo 2020 sẽ khai mạc. Theo thông báo ngày 21/7 của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato, dự kiến sẽ có khoảng 15 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế sẽ tham dự, giảm hơn 50% so với mức khoảng 40 quan chức tham dự Olympic Rio de Janeiro Games năm 2016. Trong số các nhà lãnh đạo tham dự lễ khai mạc có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene...
Dù ban tổ chức đã quyết định hầu hết các sự kiện liên quan đến Olympic Tokyo sẽ diễn ra không có khán giả, trong khi thủ đô Tokyo cũng đang được áp đặt tình trạng khẩn cấp, song vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn Thế vận hội này sẽ diễn ra an toàn.
Ngày 21/7, Ủy ban Olympic Chile thông báo rút võ sĩ taekwondo Fernanda Aguirre khỏi danh sách thi đấu do mắc COVID-19. Đây là vận động viên đầu tiên của Olympic mất cơ hội thi đấu do mắc COVID-19 sau khi đến Nhật Bản. Nữ võ sĩ 21 tuổi này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngay khi vừa xuống sân bay Narita. Theo nước chủ nhà, Fernanada phải cách ly 10 ngày.
Cũng trong ngày 21/7, các nhà tổ chức Olympic Tokyo khẳng định sẵn sàng đối phó với bất kỳ thảm họa tự nhiên nào có thể xảy ra, trong đó có động đất và sóng thần.
WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm Ngày 21/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới có thể sớm chứng kiến sự gia tăng của các biến thể virus SAR-CoV-2 dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện nay. Cư dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách tại Hong Kong, Trung Quốc khi dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: THX/TTXVN...