WHO cảnh báo chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại châu Phi đang chững lại
Ngày 20/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số châu Phi đang chững lại.
Hiện chỉ có 3 trong số 54 quốc gia tại “Lục địa đen” đạt được mục tiêu này.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Yaounde, Cameroon. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
WHO ra tuyên bố nêu rõ mới có khoảng 24% dân số trên toàn châu lục được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiêm trung bình toàn cầu hiện ở mức 64%. Tính đến nay, chỉ có Liberia và hai đảo quốc Mauritius, Seychelles đã triển khai tiêm phòng đầy đủ cho trên 70% dân số. Tuy nhiên, các đợt tiêm đang chậm lại trên khắp châu Phi trong những tháng gần đây. Theo số liệu trong tháng 9 vừa qua, các nhân viên y tế đã tiêm tổng cộng 23 triệu liều vaccine trên toàn châu lục, ít hơn 50% so với mức 47 triệu mũi tiêm trong tháng 7 năm nay.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nhấn mạnh việc chấm dứt đại dịch COVID-19 đã ở trong tầm với, nhưng dịch bệnh này vẫn có thể bùng phát trở lại chừng nào châu Phi còn tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong việc tiêm vaccine phòng bệnh.
WHO: Dịch COVID-19 vẫn gây ra tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dịch COVID-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy ban Khẩn cấp của WHO lần đầu công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Sau tuyên bố này, công tác nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế cộng đồng trên thế giới được tăng cường để kiềm chế dịch bệnh. Cho đến những tháng gần đây, dù số ca mắc mới tiếp tục giảm ở nhiều nơi trên thế giới, WHO vẫn cho rằng nhiều quốc gia cần duy trì cảnh giác và thúc đẩy tiêm phòng đầy đủ cho những nhóm dân số nguy cơ cao nhất.
Trong thông báo mới, Ủy ban khẩn cấp của WHO cho rằng dù hiện nay, người dân tại nhiều khu vực dường như tin rằng dịch COVID-19 đã chấm dứt nhưng đây vẫn là một sự cố y tế cộng đồng có thể tiếp tục gây tác động bất lợi và mạnh mẽ tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Kể cả khi số ca tử vong hằng tuần vì COVID-19 đã xuống mức thấp nhất tình từ khi đại dịch bùng phát, COVID-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều hơn so với những bệnh khác do virus gây ra. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý đại dịch COVID-19 từng khiến cả thế giới bị động và đến nay, nguy cơ này vẫn tồn tại.
* Trong khi đại dịch COVID-19 còn chưa hoàn toàn chấm dứt, dịch tả lại có dấu hiệu gia tăng trên thế giới. Cũng trong ngày 19/10, WHO thông báo tạm dừng phác đồ tiêm phòng tả đủ 2 mũi và thay bằng phác đồ tiêm 1 mũi do thiếu vaccine trong bối cảnh số lượng các ổ dịch bùng phát mới không ngừng tăng trên toàn thế giới.
WHO nêu rõ quyết định trên đã phản ánh tình trạng cấp bách do thiếu vaccine phòng dịch tả trong khi những nước như Haiti, Syria, Malawi đang chật vật tìm cách khống chế các ổ dịch lớn. Bệnh tả là bệnh có thể gây tử vong, lây lan do tiếp xúc với nước và thức ăn nhiễm khuẩn. Tính đến ngày 9/10, Haiti đã ghi nhận 32 ca bệnh và 18 ca tử vong vì tả trong khi còn nhiều ca chưa được xác nhận. Tại Syria, một đợt bùng phát đã khiến ít nhất 33 người tử vong.
Trong bối cảnh số ổ dịch bùng phát mới tăng nhanh chưa từng thấy trên toàn thế giới, WHO tin rằng việc điều chỉnh số lượng mũi tiêm sẽ tạo điều kiện để phân bổ vaccine đến được nhiều quốc gia hơn. Phác đồ tiêm phòng 1 mũi đơn đã được chứng minh là hiệu quả trong ứng phó với các đợt bùng phát dịch tả dù thời gian bảo vệ ít hơn và hiệu quả bảo vệ thấp hơn ở trẻ em.
Theo WHO, số ca bệnh tả liên tục tăng trong năm nay, đặc biệt là ở những vùng nghèo khó và xung đột. Đến nay đã có 29 quốc gia trên thế giới báo cáo xuất hiện các ổ dịch, tỷ lệ tử vong cũng tăng mạnh.
Thế giới chung tay hành động nhằm ứng phó các mối đe dọa y tế trong tương lai Ngày 17/10, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới đã lần đầu tiên ban hành Kế hoạch Hành động y tế chung nhằm phát hiện và giải quyết các đại dịch tiềm tàng trong tương lai. Tổng Giám đốc WHO...