WHO cảnh báo: Chỉ có thể chấm dứt ‘giai đoạn cấp tính’ của COVID-19
Ngày 24-1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu cho rằng Omicron là biến thể cuối cùng xuất hiện và thế giới đang đi đến hồi kết của đại dịch.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: AFP
“Thật nguy hiểm khi cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc rằng chúng ta đang ở hồi kết. Ngược lại, trên toàn cầu đang có các điều kiện lý tưởng để có thêm nhiều biến thể xuất hiện. Để thay đổi tiến trình của đại dịch, chúng ta phải thay đổi các điều kiện đang thúc đẩy nó”, ông Tedros nói.
Ông Tedros cho rằng thế giới không thể “đánh cược với một virus mà chúng ta không thể dự đoán hay kiểm soát được sự tiến hóa của nó”.
Tuy nhiên ông nói năm nay thế giới có thể chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch COVID-19: “Nếu các nước sử dụng tất cả chiến lược (của WHO) và công cụ một cách toàn diện, chúng ta có thể chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch trong năm nay”.
Để làm được điều đó, theo người đứng đầu WHO, các nước cần chung tay và nỗ lực hơn nữa để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc xin và thuốc điều trị, theo dõi virus và các biến thể mới nổi của nó, đồng thời duy trì các hạn chế phòng dịch.
Video đang HOT
Theo Hãng tin AFP, một vài trong số các chiến lược của WHO là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm nay, và đẩy nhanh tiến độ phân phối vắc xin cho các nước nghèo hơn.
Theo ông Tedros, một nửa trong 194 nước thành viên WHO đã bỏ lỡ mục tiêu trước đó là tiêm chủng cho 40% người dân nước họ vào cuối năm 2021, và 85% người dân tại châu Phi vẫn chưa tiêm mũi nào.
“Đơn giản là chúng ta không thể chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch nếu chúng ta không thu hẹp khoảng cách này”, ông Tedros nhấn mạnh.
“Trung bình tuần qua, cứ 3 giây có 100 ca bệnh, và mỗi 12 giây lại có người chết vì COVID-19″, Tổng giám đốc Tedros nói thêm.
Kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được ghi nhận ở miền nam châu Phi 9 tuần trước, ông Tedros cho biết đã có 80 triệu ca bệnh được báo cáo cho WHO, nhiều hơn cả năm 2020.
Người đứng đầu WHO cho biết thế giới sẽ cần học cách sống chung với COVID-19.
“Chúng ta sẽ cần học cách kiểm soát nó thông qua một chiến lược bền vững và kết hợp cùng với các bệnh đường hô hấp cấp tính khác. Tiềm năng về một biến thể dễ lây lan hơn, chết chóc hơn vẫn còn rất thực tế”, ông Tedros nhấn mạnh.
WHO muốn nâng mức đóng góp bắt buộc, Mỹ phản đối
Các nguồn tin của Hãng thông tấn Reuters cho biết Mỹ đang từ chối các đề xuất giúp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) độc lập hơn, làm dấy lên nghi ngờ về cam kết hỗ trợ lâu dài của Washington đối với cơ quan này.
Logo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bên ngoài trụ sở chính tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS
Theo tài liệu do WHO công bố hôm 4-1, đề xuất nói trên do nhóm làm việc của WHO đưa ra, với mục tiêu nâng mức đóng góp thường niên của các quốc gia thành viên.
Cụ thể, đề xuất kêu gọi đưa ra quy định bắt buộc tăng dần đóng góp thường niên của các nước thành viên từ năm 2024. Lượng đóng góp này sẽ chiếm một nửa ngân sách cốt lõi 2 tỉ USD của WHO vào năm 2028, so với mức dưới 20% hiện nay.
Ngân sách cốt lõi của WHO được sử dụng nhằm ứng phó đại dịch và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới.
Kế hoạch mới nhất được xem là một phần của nỗ lực cải cách lớn hơn của WHO. COVID-19 đã góp phần thúc đẩy quá trình này.
Các thách thức từ đại dịch đã nêu bật những hạn chế về quyền lực của WHO trong việc can thiệp sớm vào các cuộc khủng hoảng y tế.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho biết Washington phản đối cải cách trên vì lo ngại về khả năng của WHO trong việc đối đầu với các mối đe dọa trong tương lai, bao gồm cả từ phía Trung Quốc.
Thay vào đó, phía Mỹ đang thúc đẩy việc thành lập một quỹ riêng, do các nhà tài trợ trực tiếp kiểm soát, để tài trợ cho việc phòng ngừa và kiểm soát các trường hợp khẩn cấp về y tế.
Mỹ vốn là nhà tài trợ hàng đầu của tổ chức này.
Theo Hãng tin Reuters ngày 22-1, có đến 4 nguồn tin từ các quan chức châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán đã xác nhận sự phản đối từ phía Mỹ.
Bên cạnh nguồn quỹ cốt lõi, WHO thường vận động thêm khoảng 1 tỉ USD mỗi năm để giải quyết những thách thức khác trên toàn cầu như các bệnh nhiệt đới và dịch cúm.
Những người ủng hộ kế hoạch của WHO cho rằng sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ tự nguyện từ các quốc gia thành viên và những tổ chức từ thiện buộc WHO phải tập trung vào các ưu tiên do những bên này đặt ra.
Điều đó khiến WHO ít có khả năng phản bác các nước thành viên khi xảy ra những tình huống không như ý.
Một hội đồng độc lập về đại dịch được chỉ định để cố vấn về cải cách WHO đã kêu gọi tăng các khoản phí bắt buộc nhiều hơn, lên thành 75% ngân sách cốt lõi. Nhóm này xem quy định hiện tại là "rủi ro lớn đối với tính toàn vẹn và độc lập" của WHO.
Đông nam châu Á tăng 145% ca trong tuần, cao nhất thế giới Trong tuần từ ngày 10 tới 16-1, khu vực đông nam châu Á ghi nhận thêm 1,7 triệu ca nhiễm mới, tăng 145% so với tuần trước đó. Mức tăng ở khu vực này cao hơn cả châu Mỹ và châu Âu. Học sinh xếp hàng để tiêm vắc xin COVID-19 tại một trường tiểu học ở Banda Aceh, Indonesia vào hôm 18-1...