WHO: Cần đánh giá thực tế tình hình dịch COVID-19
Ngày 26/8, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove cho rằng đã đến lúc cần đánh giá thực tế tình hình dịch COVID-19 sau khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca tử vong do căn bệnh này từ đầu năm đến nay.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 10/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà nêu rõ dịch bệnh vẫn chưa thể kết thúc, đòi hỏi con người phải sống chung một cách có trách nhiệm.
Phát biểu trên các kênh truyền thông xã hội của WHO, bà Kerkhove nhấn mạnh con số thống kê nói trên là một thực tế “đau lòng” vì thế giới đã có nhiều công cụ để dập dịch như như xét nghiệm, thuốc điều trị, vaccine phòng bệnh và các biện pháp y tế cộng đồng để kiểm soát dịch COVID-19 sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành. Theo bà, các nước cần đánh giá thực tế đại dịch, về số ca mắc và số ca tử vong để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Bà Van Kerkhove khẳng định rằng đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, song thế giới có thể chấm dứt căn bệnh này nếu hành động quyết liệt, đồng bộ và cẩn trọng. Bà cho rằng việc sống chung với COVID-19 đã được đề cập nhiều lần, nhưng để có thể thực hiện được điều này, tất cả người dân cần có ý thức và sống có trách nhiệm. Theo bà, 1 triệu ca tử vong từ đầu năm nay cho thấy người dân chưa thực hiện đúng các hướng dẫn về việc sống chung với COVID-19 và con số trung bình 15.000 ca tử vong mỗi tuần phản ánh việc sống chung với dịch bệnh một cách thiếu trách nhiệm.
Theo thống kê của WHO, kể từ khi virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 đến nay, đã có gần 6,45 triệu bệnh nhân COVID-19 tử vong trên toàn cầu. Trong tuần qua, thế giới đã ghi nhận 5,3 triệu ca mắc mới COVID-19. Bà Kerkhove nhận định đây là con số lớn nhưng chưa đầy đủ vì nhiều ca mắc tự thực xét nghiệm tại nhà và không báo cáo cơ quan y tế. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của WHO, biến thể Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể phụ BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới.
Mỹ: Giới chuyên gia nhận định dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh
Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một số thành phố lớn của Mỹ dường như đang giảm dần, phù hợp với xu hướng hiện nay ở châu Âu.
Các chuyên gia Mỹ lạc quan một cách thận trọng rằng dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: Shutterstock/TTXVN
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/8 cho biết số ca mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu đã giảm 21% vào tuần trước, sau nhiều tháng ghi nhận xu hướng gia tăng, song số ca mắc ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, một số chuyên gia Mỹ cho rằng số ca mắc mới đang bắt đầu giảm do nhiều người đã có miễn dịch từ lần mắc trước đó và nâng cao ý thức phòng dịch.
Tiến sĩ Gerardo Chowell tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học bang Georgia cho biết: "Rất có thể dịch đã đạt đỉnh vào tuần trước". Mô hình đường cong dịch đậu mùa khỉ của Tiến sĩ Chowell dự báo số ca mắc mới ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong 4 tuần tới. Ông nhấn mạnh tốc độ giảm này không đủ mạnh để dập tắt sự lây lan dịch bệnh, nhưng sẽ đưa số ca mắc mới xuống mức rất thấp. Trong khi đó, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm - Tiến sĩ Celine Gounder, cho biết nhiều người đã nâng cao ý thức phòng dịch hơn, qua đó làm giảm sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, bà lo ngại rằng nhiều người sẽ trở nên chủ quan, lơ là phòng dịch sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine phòng đậu mùa khỉ.
Kể từ cuối tháng 5 đến nay, Mỹ đã ghi nhận gần 17.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện số ca mắc mới đang có xu hướng giảm ở một số thành phố như New York, Francisco và Chicago, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.
WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ. Một số quốc gia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế liên quan tới căn bệnh này. Hiện dịch bệnh này đã xuất hiện ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 42.000 ca mắc.
Tổng thống Palestine ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bờ Tây do COVID-19 Ngày 25/8, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày tại khu Bờ Tây do dịch COVID-19. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Nablus, khu Bờ Tây, ngày 25/1/2022. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN Hồi tháng 3/2020, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại các vùng lãnh thổ...