WEF đề xuất hợp tác hành động quốc gia về nhựa cho Việt Nam
WEF đã xây dựng đề xuất sơ bộ về kế hoạch tham gia của Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Hành động Toàn cầu về Nhựa.
Rác thải nhựa để vương vãi khắp nơi ở làng Triều Khúc – Tân Triều – Thanh Trì. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN
Đây là đề xuất của ông Justin Wood, Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong buổi làm việc ngày 15/5 tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về kế hoạch tham gia của Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa.
Tại buổi làm việc này, ông Justin Wood khẳng định, một trong những kết quả quan trọng đạt được của Việt Nam là Ý định thư được ký giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và WEF, ngày 23/1/2019, liên quan đến xử lý rác thải nhựa và nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung hỗ trợ Việt Nam tham gia Sáng kiến Hợp tác hành động toàn cầu về nhựa.
Ý định thư tập trung vào Hợp tác xử lý rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đặc biệt các nội dung liên quan đến các sáng kiến, hoạt động của Việt Nam trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo đó, WEF đã xây dựng đề xuất sơ bộ về kế hoạch tham gia của Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Hành động Toàn cầu về Nhựa.
Cụ thể, WEF đề xuất một Chương trình Hợp tác Hành động Quốc gia về Nhựa cho Việt Nam, đồng thời mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho ý kiến để tiến hành các bước tiếp theo.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức vào tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số sáng kiến và giao các bộ, ngành thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao triển khai các sáng kiến về “Diễn đàn đối tác công-tư rộng mở về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” và “Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương”.
Video đang HOT
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, có nhiệm vụ ban hành các thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ; bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định về lĩnh vực môi trường liên quan chất thải rắn.
Trên phương diện quốc tế, các quốc gia vừa đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi Công ước Basel để ngăn chặn rác thải nhựa đại dương, nội dung trên có ý nghĩa rất thiết thực.
Hiện Bộ đã giao Tổng cục Môi trường là đơn vị đầu mối về quản lý rác thải rắn nghiên cứu đề xuất của WEF sẽ trao đổi, phối hợp với WEF.
Đối với các hoạt động liên quan ASEAN và năm ASEAN 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao WEF đã tham gia ý kiến cho dự thảo Tuyên bố Băng Cốc về rác thải đại dương, Khung hành động khu vực về rác thải đại dương đã đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về rác thải đại dương tại Thái Lan tháng 3/2019 và sẽ trình lên cấp cao thông qua.
Trên cơ sở Khung hành động, bước tiếp theo từng thành viên sẽ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của mình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm đầu mối chủ động trao đổi, phối hợp với WEF về việc xây dựng các sáng kiến, hoạt động cụ thể liên quan đến rác thải nhựa đại dương cho Việt Nam, tiến tới cho khu vực ASEAN./.
Theo Thu Trang/TTXVN
Phát triển và nâng tầm quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Séc
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Séc đã nêu 3 ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Cộng hòa Séc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babi bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), sáng 25/1/2019 (theo giờ địa phương). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 16-18/4 theo lời mời của Thủ tướng Andrej Babis, phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Prague đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn.
Sau đây là nội dung phỏng vấn:
-Đề nghị Đại sứ cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc?
Đại sứ Hồ Minh Tuấn: Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tích cực chuẩn bị các hoạt động tiến tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (2/2/1950-2/2/2020) và chuyến thăm được thực hiện sau 12 năm kể từ năm 2007, khi Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Séc đến nay. Do vậy, chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, chuyến thăm khẳng định hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao, thể hiện tình hữu nghị và mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Đây là điều được hai bên rất quan tâm và nhấn mạnh. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam tới Cộng hòa Séc, tiếp nối các chuyến thăm cấp cao tới Cộng hòa Séc trong những năm gần đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2015), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (năm 2016), Trường Ban Dân vận Trương Thị Mai (năm 2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (năm 2017).
Về phía Cộng hòa Séc, đáng chú ý có chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Tổng thống Milos Zeman (năm 2017), Phó Chủ tịch Thượng Viện Milan Stech (năm 2015), Phó Chủ tịch Hạ Viện Vojtech Filip (năm 2016, 2018).
Thứ hai, chuyến thăm cấp thủ tướng lần này chắc chắn sẽ đóng góp rất thiết thực và cụ thể vào việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư với hy vọng thông qua các trao đổi và thỏa thuận cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp chúng ta xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác của bạn. Đây là một trong những điểm phía bạn rất trông chờ để tiếp cận thị trường Việt Nam, một thị trường rất năng động và giàu tiềm năng.
Thứ ba, chuyến thăm cấp cao lần này, diễn ra 2 năm kể từ năm 2017, tiếp tục thể hiện sự duy trì, phát huy tình hữu nghị và hình ảnh tốt đẹp của nhân dân, đất nước cũng như cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Séc đối với nhân dân và chính quyền sở tại.
-Đại sứ có thể cho biết rõ thêm mục đích và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong những năm tới đây?
Đại sứ Hồ Minh Tuấn: Hiện nay mối quan hệ Việt Nam và Cộng hòa Séc được đánh giá là mối quan hệ truyền thống hữu nghị và phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực chất và tình hình thực tế quan hệ trong những năm gân đây còn những điểm hai bên cần nỗ lực để tạo đột phá, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.
Về thương mại, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 5 năm gần đây tăng gấp hơn 2 lần từ 547 triệu USD năm 2013 lên đến 1,2 tỷ USD năm 2018. Tốc độ tăng trưởng khả quan song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn. (Ảnh: PV/Vietnam )
Về đầu tư, số lượng các doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây chưa nhiều ngoài một số dự án nhỏ được ký kết nhân dịp chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Tổng thống Milos Zeman. Đây cũng là lĩnh vực hai bên đã trao đổi và thảo luận nhiều lần qua các cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ hai nước, các hội thảo và các hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước lên tầm cao mới. Về các lĩnh vực khác như hợp tác lao động, du lịch... vẫn còn những trở ngại nhất định.
Với chuyến thăm lần này của Thủ tướng, chúng ta hy vọng mở ra bước phát triển mới và tương lai trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Thủ tướng Séc Andrej Babis về hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa-giáo dục...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự " Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Cộng hòa Séc," nơi các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp hàng đầu của Séc cũng như các doanh nghiệp người Việt có uy tín trong cộng đồng ở sở tại có thể chia sẻ và đề đạt nguyện vọng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng tiếp một số doanh nghiệp của Séc đang quan tâm đầu tư tại Việt Nam và thăm địa phương có các cơ sở kinh tế tiềm năng cho hợp tác. Đây là những hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp-doanh nghiệp và địa phương-địa phương của hai nước. Điều này sẽ tạo thêm cơ sở và thúc đẩy thêm những dự định mà trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp Séc đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Qua tiếp xúc gần đây, chúng tôi được biết rất nhiều các doanh nghiệp Séc quan tâm tới thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất ôtô, sản xuất điện, công nghiệp tiêu dùng, sản xuất bia, dịch vụ vui chơi giải trí ... với những dự án đầu tư tương đối lớn.
Một trong những điểm nhấn đó là công ty Bamboo Airways hiện nay đang trao đổi với các đối tác của Séc để thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước. Nếu trở thành hiện thực, đây là tin vui đối với hai nước và đối với các cấp chính quyền cũng như với người dân hai nước nói chung, nhất là đối với các doanh nghiệp vì điều này sẽ giúp gỡ bỏ điều kiện khó khăn khách quan về địa lý giữa hai bên, góp phần phát triển chung quan hệ hai nước.
Trong chuyến thăm lần này Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp của hai bên. Đây là bằng chứng cụ thể để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới./.
Theo Hồng Kỳ-Công Thuận-Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam )
Cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler đầu quân cho VinaCapital Quỹ đầu tư VinaCaptial chính thức thông báo việc mời ông Philipp Roesler, cựu Phó Thủ tướng Đức, làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures - Quỹ đầu tư mạo hiểm của VinaCapital chuyên đầu tư vào công nghệ. ông Philipp Roesler Ngày 15-3 tại TPHCM, trong buổi công bố đầu tư vào 2 doanh nghiệp khởi nghiệp...