WB xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tụt 1 bậc
Theo báo cáo xếp hạng Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng thứ 69/190 nền kinh tế, tụt 1 bậc.
Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố có chủ đề “Đào tạo để cải cách”, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang 100. Trước đó, theo xếp hạng của WB, năm ngoái Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế, với số điểm 67,93 trên thang 100.
Báo cáo Doing Business 2019 của WB vẫn đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm: Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Nguồn: Cơ sở dữ liệu báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business 2019)
Đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam, WB đánh giá có những lĩnh vực có tiến bộ về cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Thành lập doanh nghiệp, Nộp thuế và Thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 21-133. Trong đó, xin giấy phép xây dựng được đánh giá cao nhất (xếp thứ 21), và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (133).
Video đang HOT
Điểm đánh giá 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 21-133.
Trong 25 nền kinh tế khu vực có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới – Singapore (số 2) và Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4). Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Năm qua, với kỷ lục 7 cải cách trong một năm, Trung Quốc vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Malaysia cũng cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí 15.
Với 6 cải cách, Malaysia đã giảm sự rườm rà trong cấp phép xây dựng bằng cách hợp lý hóa quy trình cấp phép, giúp thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn với việc áp dụng hệ thống đăng ký thuế hàng hóa và dịch vụ trực tuyến (GST). Malaysia cũng thực hiện cải cách ở những khu vực khác, bao gồm việc đưa vào sử dụng nền tảng một cửa trực tuyến giúp chuyển giao tài sản trở nên đơn giản hơn và giúp các công ty dễ dàng giải quyết các thủ tục phá sản.
Indonesia và Việt Nam đều thực hiện 3 cải cách trong năm qua. Tại Indonesia, các cải cách nhằm giảm bớt quy trình thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và cải thiện tiếp cận tín dụng. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.
Tại Phillippines, các nhà đầu tư thiểu số được bảo vệ bằng cách tăng quyền và vai trò của cổ đông trong các quyết định của công ty lớn và làm rõ cơ cấu sở hữu và kiểm soát. Trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, Phillippines đã đơn giản hóa quy trình đăng ký thuế và cấp giấy phép kinh doanh, nhưng tăng chi phí đăng ký thuế. Giao dịch qua biên giới được thực hiện khắt khe hơn bằng cách tăng số lượng kiểm duyệt nhập khẩu, do đó tăng thời gian trung bình đối với thủ tục qua biên giới.
Kể từ khi báo cáo Môi trường Kinh doanh bắt đầu vào năm 2003, thành lập doanh nghiệp là lĩnh vực cải cách phổ biến nhất ở Đông Á Thái Bình Dương. Kết quả là, thời gian trung bình để thành lập doanh nghiệp trong khu vực đã giảm gần một nửa, xuống còn 28 ngày so với 50 ngày năm 2003, và chi phí đã giảm đáng kể từ 59% thu nhập bình quân đầu người năm 2003 xuống 19% như hiện nay.
Báo cáo của WB đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Theo thống kê, 190 quốc gia đã thực hiện kỷ lục 314 cải tổ giai đoạn tháng 6/2017 – 5/2018.
Báo cáo cũng chỉ ra cơ hội đào tạo cho người dùng và các hãng cung cấp dịch vụ có tác động tích cực đến điểm số của các quốc gia. Tương tự, tăng cường trao đổi thông tin giữa khu vực công và tư về các thay đổi hiến pháp cũng như quy trình pháp lý có ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra nhiều cải tổ hơn, giúp các chỉ số cải thiện hơn./.
Theo vov.vn
Trên 1,5 tỷ USD tiền nợ thuế chỉ có trên giấy, không thể thu hồi
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết số tiền nợ đọng thuế hiện nay đã lên tới gần 83.000 tỷ đồng, trong đó có trên 35.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD) không có khả năng thu hồi.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối buổi chiều 30/10, đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diễn (đoàn Thanh Hóa) đã đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế. Ông cho rằng nợ đọng thuế vẫn còn cao và xu hướng của năm 2018 cao hơn năm 2017.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng đã khó kết luận hành vi đúng, sai của doanh nghiệp, của người nộp thuế và của cơ quan thuế. Ông đề nghị bộ trưởng cho biết những giải pháp nhằm khắc phục nguyên nhân của tồn tại nêu trên.
Sáng 31/10, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã cung cấp tới đại biểu nhiều số liệu về nợ đọng thuế. Theo đó, mấy năm gần đây đã thu nợ đọng thuế đạt khoảng 82% số nợ đọng có khả năng thu. Cụ thể, năm 2016 đã thu được 40.049 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 9, cả nước đang nợ đọng 82.961 tỷ đồng tiền thuế. Ảnh minh họa.
Năm 2017 bộ này thu được 44.773 tỷ đồng nợ đọng thuế, tăng 12% so với năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã thu được 25.382 tỷ đồng, đạt 61% số tiền nợ đọng thuế có khả năng thu hồi đến ngày 31/12/2017.
Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa đã giảm dần qua các năm. Năm 2016 là 8,5%, cuối năm 2017 còn 7,6% và tính đến cuối tháng 9 năm 2018 còn 7,5%. Tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, năm 2016 là 5,6%, năm 2017 là 4,4% và cuối tháng 9 còn 4,3%.
"Chúng tôi báo cáo thêm với Quốc hội, nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa của Việt Nam hiện nay ở mức khoảng 7,5%, trong khi các nước trong khu vực ASEAN bình quân là 8,5%, các nước OECD là 9,2%", ông nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận tổng số nợ thuế hiện nay còn rất lớn. Tính đến cuối tháng 9, cả nước đang nợ đọng 82.961 tỷ đồng. Trong đó nợ thuế không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng thuế (trên 35.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,5 tỷ USD) tăng 11% so với thời điểm ngày 31/12/2017. Số tiền phạt vi phạm hành chính thuế và chậm nộp thuế chiếm tỷ trọng 20%.
Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân nợ thuế chủ yếu do số nợ đọng không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể phá sản và không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và tiền phạt, tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày. Bộ này đang tổng hợp rà soát phân tích và báo cáo Quốc hội.
Về các biện pháp, Bộ trưởng Dũng cho biết đã ra chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ để giảm nợ đọng thuế. Cơ quan này cũng giao chỉ tiêu thu nợ cho từng chi cục thuế, đến từng bộ phận, phân công từng cán bộ, công chức thu nợ và áp dụng kiên quyết các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định, công khai thông người nộp thuế chây ỳ trên phương tiện thông tin đại chúng.
Hiếu Công
Theo news.zing.vn
Nợ thuế tăng lên 83 ngàn tỷ, 35 ngàn tỷ nguy cơ 'hóa bùn' Nợ thuế so với năm 2017 tăng lên đáng kể, trong khi đó nợ khó đòi cũng tăng theo. Bộ Tài chính muốn sửa Luật quản lý thuế để dễ dàng xóa các khoản nợ thuế không thể thu hồi. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Đại biểu Quốc hội cho thấy, việc thu hồi nợ đọng thuế tăng dần...