WB hỗ trợ 100 triệu USD giúp Sudan giữa khủng hoảng lương thực trầm trọng
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi Ngày 21/7, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ 100 triệu USD bao gồm “tiền mặt và thực phẩm” cho Sudan trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra ngày càng trầm trọng ở quốc gia này.
Trẻ em tị nạn tại Al-Eligat, Sudan. Ảnh: AFP/ TTXVN
WB khẳng định nguồn quỹ này được phân bổ thông qua Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho một “mạng lưới an toàn khẩn cấp” do “một mùa thu hoạch thất bát ở Sudan và giá cả thực phẩm tăng trên toàn cầu”.
Trong thông cáo báo chí của mình, WB nêu rõ 100 triệu USD này phải được sử dụng để hỗ trợ cho “2 triệu người đang trong tình trạng mất an ninh lương thực ở 11 bang của Sudan, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.”
Theo Liên hợp quốc, cứ 3 người Sudan thì có 1 người cần viện trợ nhân đạo ở một quốc gia có mức lạm phát gần 200% mỗi tháng, giá trị đồng tiền rơi tự do và giá bánh mì đã tăng gấp 10 lần kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay.
Liên hợp quốc cũng ước tính rằng vào tháng 9 tới, 18 triệu người, hay nói cách khác là gần một nửa dân số Sudan, có thể gặp nạn đói. Trong khi vào tháng 6 vừa qua, tổ chức phi chính phủ Save the Children đã thông báo về cái chết liên quan đến nạn đói của hai trẻ em ở Bắc Darfur.
Đồng thời, Liên hợp quốc đang gióng lên hồi chuông cảnh báo vì văn phòng phụ trách các vấn đề nhân đạo của họ hôm 19/7 cho biết rằng “mới chỉ có 20% quỹ dành cho viện trợ nhân đạo khẩn cấp vào năm 2022 được giải ngân trong khi hơn nửa năm đã trôi qua”.
Somalia mất an ninh lương thực, AfDB tài trợ khẩn cấp
Hạn hán kéo dài cộng thêm tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến tình trạng khủng hoảng lương thực ở Somalia trở nên tồi tệ hơn.
Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 21/7, Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) đã phê duyệt, thông qua chi nhánh trực thuộc của mình - Quỹ Phát triển Châu Phi, một khoản tài trợ trị giá 5,4 triệu USD để hỗ trợ tăng cường an ninh lương thực mà Somalia cần khẩn cấp.
Trong tuyên bố của mình, Giám đốc điều hành khu vực Đông Phi của AfDB, Nnenna Nwabufo, cho biết ảnh hưởng của hạn hán kéo dài cộng thêm tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến tình trạng mất an ninh lương thực ở Somalia trở nên tồi tệ hơn.
Khoản tài trợ này cung cấp thêm kinh phí cho Chương trình an ninh thực phẩm và dinh dưỡng đa quốc gia, hỗ trợ cụ thể việc triển khai các loại hạt giống đảm bảo chất lượng và phù hợp với khí hậu tại đây cũng như thiết lập các kho dự trữ thức ăn gia súc ở 6 bang của đất nước này.
Vị đại diện ngân hàng này nhấn mạnh "Trong những năm qua, hạn hán đã gia tăng về mức độ và tần suất ở Somalia, tạo ra các điều kiện dễ bị tổn thương kinh niên với tình trạng mất an ninh lương thực dai dẳng, khó khăn kinh tế lan rộng, xung đột và di cư, ảnh hưởng nặng nề nhất đến các cộng đồng ở nông thôn."
Theo Liên hợp quốc, hơn 7,1 triệu người, tức gần một nửa tổng dân số Somalia, đang phải đối mặt với mức độ hạn hán lịch sử ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này.
Đối mặt khủng hoảng lương thực, 3 triệu người ở vùng Sừng châu Phi cần viện trợ khẩn Trong một báo cáo tổng quan về tình hình, ngày 4/7, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã hối thúc khoản hỗ trợ 93,4 triệu USD để đáp ứng nhu cầu viện trợ nhân đạo cho 3 triệu người ở 4 quốc gia vùng Sừng châu Phi, bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya và Somalia. Người dân chuyển bột mì cứu trợ của...