WB đánh giá tác động của RCEP đối với Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo mới, phân tích những cơ hội và thách thức của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Theo các chuyên gia WB, Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Thỏa thuận về việc thành lập khu thương mại tự do lớn nhất thế giới này đã được ký kết tại Hà Nội tháng 11/2021 và có hiệu lực ngày 1/1/2022. RCEP bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. 15 quốc gia này chiếm gần 1/3 tổng GDP, cũng như dân số toàn cầu và 1/4 thương mại hàng hóa toàn cầu.
Trong báo cáo mới này, các chuyên gia của WB đưa ra 4 kịch bản cho các hoạt động của RCEP. Trong đó, kịch bản thứ nhất là giai đoạn bắt đầu và kịch bản thứ tư được đánh giá là lạc quan nhất.
Theo kịch bản thứ nhất, trong giai đoạn năm 2020-2035, Việt Nam sẽ giảm mức áp thuế nhập khẩu trung bình từ 0,8% xuống 0,2%, trong khi được hưởng mức thuế xuất khẩu giảm từ 0,6% xuống 0,1%. Theo kịch bản này, tăng trưởng thu nhập của Việt Nam gần bằng 0 và xuất – nhập khẩu thậm chí còn giảm.
Video đang HOT
Kịch bản thứ 4 là kịch bản lạc quan nhất, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong số các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam tăng 4,9% so với ngưỡng cơ bản, cao hơn các nước khác có thu nhập tăng chỉ khoảng 2,5%. Tất cả các nước thành viên RCEP đều sẽ chứng kiến xuất – nhập khẩu tăng, trong đó Việt Nam dự kiến đạt mức tăng xuất khẩu cao nhất với 11,4%, đặc biệt là xuất khẩu thiết bị điện, máy móc, hàng dệt và quần áo. Tương tự, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng đáng kể, ở mức 9,2%.
Một yếu tố quan trọng là quy tắc xuất xứ của hàng hóa được sử dụng để cho hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp sẽ có thể sản xuất các sản phẩm của mình bằng cách nhận nguyên liệu thô từ các nước thành viên RCEP và bán chúng cho các thành viên RCEP với mức thuế giảm và chi phí thấp hơn. Báo cáo dự đoán tăng lương cho lao động Việt Nam sẽ nhanh hơn so với các thành viên khác, cũng như sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Báo cáo của WB cho biết thêm việc đơn giản hóa các thủ tục như hải quan và quy tắc xuất xứ sẽ giúp giảm bớt tình trạng quan liêu, cho phép nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
Các nhà phân tích cho rằng vấn đề chính của Việt Nam là ở chỗ các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh cao không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn trong lĩnh vực dịch vụ.
Giáo sư Vladimir Mazyrin – chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, đồng thời là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (IFES) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), cho rằng Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều nhất và có nhiều tiềm năng để tăng sản xuất và ngoại thương, tái cơ cấu nền kinh tế để quốc gia này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đã sẵn sàng và có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ này, với những kinh nghiệm của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trong một số lượng lớn các FTA.
WB: Quá trình phục hồi kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương bị đảo ngược
Ngày 28/9, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa thu năm 2021.
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Theo đó, Báo cáo ghi nhận quá trình phục hồi của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng do sự lây lan của biến chủng Delta dịch bệnh COVID-19, khiến cho những khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình bị kéo dài, có khả năng làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội.
Các hoạt động kinh tế đã bắt đầu bị chững lại trong quý II/2021 và dự báo tăng trưởng trong năm nay ở hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng bị ảnh hưởng và hạ thấp. Mặc dù, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng với tốc độ 8,5% đúng như dự kiến, nhưng các quốc gia còn lại trong khu vực có khả năng cao sẽ tăng trưởng chậm hơn, với tốc độ 2,5% thay vì 4,4%.
Trong khi sản lượng của Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã vượt mức trước đại dịch thì sản lượng của Campuchia, Malaysia... lại chỉ có thể phục hồi hoàn toàn và vượt mức trước đại dịch vào năm 2022; còn Myanmar, Philippines, Thái Lan và một số Quốc đảo ở Thái Bình Dương vẫn duy trì mức sản lượng thấp hơn so với mức sản lượng trước đại dịch và thậm chí kéo dài tình trạng này tới năm 2023.
Tỷ lệ có việc làm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng đều giảm. Như vậy, 24 triệu người sẽ không có khả năng thoát nghèo trong năm nay.
Bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định: "Quá trình phục hồi kinh tế ở các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang bị đảo ngược. Mặc dù đã kiềm chế dịch khá thành công trong năm 2020, trong khi các khu vực khác trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng số ca nhiễm COVID-19 ở Đông Á, Thái Bình Dương đã tăng vọt trong năm nay, đang làm giảm viễn cảnh tăng trưởng cho năm 2021. Tuy nhiên, trong những lần khủng hoảng trước đó, khu vực này đã có sự trở lại mạnh mẽ hơn. Hy vọng lần này cũng tương tự nếu có những chính sách đúng đắn".
Thiệt hại do đợt dịch COVID-19 tái bùng phát gần đây và kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và làm gia tăng bất bình đẳng về lâu dài, báo cáo của WB nhận định. Những doanh nghiệp vốn khỏe mạnh bị suy sụp khiến cho tài sản vô hình có giá trị bị mất đi, trong khi doanh nghiệp có khả năng sống sót phải đình hoãn những khoản đầu tư đem lại của cải vật chất. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều gặp tình cảnh khó khăn, nhưng doanh nghiệp càng lớn thì càng ít bị cắt giảm doanh số và vẫn gặp thuận lợi hơn nhờ vào việc áp dụng các công nghệ tiên tiến và được hưởng sự hỗ trợ của Chính phủ.
Đa số các hộ gia đình, người dân đều bị ảnh hưởng; đặc biệt là hộ gia đình càng nghèo càng dễ mất thu nhập và rơi vào cảnh mất an ninh lương thực, con em không thể tiếp tục học hành; thậm chí phải bán tháo tài sản. Tình trạng thấp còi ở trẻ em đang gia tăng; nguồn nhân lực bị xói mòn và những tài sản đem lại thu nhập bị mất đi, gây ảnh hưởng đến tương lai của những hộ gia đình đó. Thực tế cho thấy, chính sự gia tăng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng đang làm tăng bất bình đẳng giữa người lao động.
Theo ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới: "Đẩy nhanh tiêm vaccine và tích cực xét nghiệm để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 có thể là cách để những quốc gia đang gặp khó khăn hồi sinh các hoạt động kinh tế từ nửa đầu năm 2022; đồng thời, có thể nhân đôi tốc độ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Về lâu dài, chỉ có những cải cách đi vào chiều sâu mới có thể ngăn ngừa sự chững lại về tốc độ tăng trưởng và sự gia tăng về bất bình đẳng".
Báo cáo ước tính hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines có thể bao phủ vaccine trên 60% dân số vào nửa đầu năm 2022. Mặc dù không thể loại bỏ được lây nhiễm, nhưng biện pháp này có thể giảm tử vong đáng kể, tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế được khôi phục. Tuy nhiên, các nước trong khu vực vẫn cần nỗ lực thực hiện nghiêm túc các biện pháp để hạn chế dịch COVID-19 kéo dài: giải quyết tâm lý ngại tiêm vaccine và những hạn chế về năng lực phân phối để ngăn ngừa tỷ lệ bao phủ vaccine bị đi ngang. Cùng với đó, chú trọng việc xét nghiệm, truy vết và cách ly để kiểm soát lây nhiễm; đẩy mạnh sản xuất vaccine trong khu vực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu; đồng thời, tăng cường hệ thống y tế nhằm xử lý tình trạng bệch dịch kéo dài.
Khuyến nghị cho Việt Nam cùng với các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, Báo cáo của WB nhấn mạnh, bên cạnh việc kiểm soát dịch COVID-19, Chính phủ cần một chiến lược toàn diện để tăng trưởng vừa nhanh vừa đảm bảo bao trùm.
Việc gia tăng ứng dụng công nghệ có thể là điểm sáng của khủng hoảng lần này với khả năng nâng cao năng suất, dân chủ hóa về giáo dục và cải thiện hoạt động các cơ quan Nhà nước. Nhưng bên cạnh đó vẫn cần những cải cách tương hỗ và cộng đồng doanh nghiệp cần được trang bị kỹ năng để đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Song song đó, là nhu cầu mở cửa thương mại và đầu tư, kết hợp với những chính sách đẩy mạnh cạnh tranh nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới...
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng mức 7 - 8% Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất từ ngày 1/7 tăng lương tối thiểu vùng lên 7 - 8%, tương đương 215.000 - 354.000 đồng so với hiện nay. Ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội,...